Phật Thuyết Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Thất Phật Bản Nguyện Công đức - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH
DƯỢC SƯ LƯU LY QUANG THẤT
PHẬT BẢN NGUYỆN CÔNG ĐỨC
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nghĩa Tịnh, Đời Đường
PHẦN BA
Nguyện lớn thứ năm: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả bồ đề, có chúng sinh nào tu hành thanh tịnh trong giáo pháp của tôi, thì tôi sẽ làm cho họ giữ trọn vẹn giới pháp, khéo léo phòng hộ ba nghiệp, không hề hủy phạm, cũng chẳng bị đọa vào cõi ác. Giả sử có người hủy phạm, khi nghe được danh hiệu tôi, liền siêng năng thọ trì, chí tâm phát lồ thì người ấy lại được thanh tịnh, cho đến chứng đắc quả vị bồ đề.
Nguyện lớn thứ sáu: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả bồ đề, có chúng sinh nào các căn không đầy đủ, xấu xí, ít trí tuệ, bị dị tật bẩm sinh, các bệnh nan y… bị đủ các bệnh khổ như vậy bức bách, nếu được nghe danh hiệu của tôi, chí tâm trì niệm, thì người ấy được thân thể đoan nghiêm, lành hẳn các bệnh tật.
Nguyện lớn thứ bảy: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả bồ đề, có chúng sinh nào bần cùng khốn khổ, không nơi nương tựa, bị các bệnh ngặt nghèo, không có thuốc thang, nếu được nghe danh hiệu của tôi, thì các bệnh được lành, có nhiều quyến thuộc, đầy đủ tài sản, thân tâm an lạc, cho đến chứng đắc quả vị bồ đề.
Nguyện lớn thứ tám: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả bồ đề, có người nào bị khổ sở về các sự khổ của thân nữ nên rất nhàm chán, phát nguyện bỏ thân nữ, nếu được nghe danh hiệu của tôi, chí tâm trì niệm, thì ngay đời này, người ấy được chuyển thành thân nam, đầy đủ tướng trượng phu, cho đến chứng đắc quả vị bồ đề.
Nguyện lớn thứ chín: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả bồ đề, thì làm cho các chúng sinh thoát khỏi lưới ma, những ai ở trong các nẻo tà kiến, đều dẫn dắt họ phát sinh chánh kiến, dần dần tu tập theo các hạnh Bồ Tát, cho đến chứng đắc quả vị bồ đề.
Nguyện lớn thứ mười: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả bồ đề, có chúng sinh nào bị vua quan bắt bớ, giam cầm, xiềng xích, đánh đập cho đến bị cực hình, lại thêm nhiều sự khổ sở, lo buồn liên miên, không lúc nào tạm dừng, nếu được nghe danh hiệu của tôi, thì nhờ oai lực, phước đức của tôi nên người ấy được thoát khỏi tất cả lo buồn, khổ sở, cho đến chứng đắc quả vị bồ đề.
Nguyện lớn thứ mười một: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả bồ đề, có chúng sinh nào bị lửa đói khát hành hạ, vì tìm cầu miếng ăn nên tạo các nghiệp ác, nếu được nghe danh hiệu của tôi, chí tâm trì niệm, thì trước hết, tôi sẽ cho họ thực phẩm hảo hạng, khiến họ được no đủ, về sau, tôi sẽ dùng pháp vị khiến họ an trụ trong an lạc thù thắng, cho đến chứng đắc quả vị bồ đề.
Nguyện lớn thứ mười hai: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả bồ đề, có chúng sinh nào thiếu thốn y phục, bị khổ sở vì muỗi mòng, lạnh, nóng, nếu được nghe danh hiệu của tôi, chí tâm trì niệm, thì người ấy liền được những loại y phục bậc nhất, những vật trang sức bằng ngọc báu, các loại âm nhạc, hương hoa đều được đầy đủ theo sở thích, không còn các khổ đau, cho đến chứng đắc quả vị bồ đề.
Này Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi! Đó là mười hai lời nguyện vi diệu bậc nhất của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác đã phát nguyện khi thực hành đạo Bồ Tát.
Bấy giờ, Đức Phật nói với Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi: Này Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi! Những nguyện lớn của Đức Như Lai Dược Sư Lưu Ly Quang đã phát nguyện khi còn thực hành đạo Bồ Tát và những công đức trang nghiêm nơi cõi nước của Đức Phật ấy, dù trải qua một kiếp hoặc hơn một kiếp, Như Lai có giảng nói cũng không thể cùng tận.
Cõi nước của Đức Phật ấy hoàn toàn thanh tịnh, không có sự dục nhiễm cũng không có người nữ va tiếng khổ đau nơi ba đường ác, dùng lưu ly trong suốt làm đất, thành quách, cung điện, các mái hiên, cửa sổ, lưới giăng đều bằng bảy báu, công đức trang nghiêm giống như Thế Giới Cực lạc ở phương Tây.
Cõi nước ấy có hai vị Bồ Tát: Vị thứ nhất tên là Nhật Quang Biến Chiếu, vị thứ hai tên Là Nguyệt Quang Biến Chiếu, là hai vị đứng đầu trong chúng Bồ Tát nhiều vô lượng ở Thế Giới ấy, có thể giữ gìn kho tàng chánh pháp của Đức Phật kia.
Do đó, này Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi! Những thiện nam, thiện nữ có lòng tin thanh tịnh, nên nguyện sinh về Thế Giới của Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang.
Lại nữa, này Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi! Có chúng sinh nào không biết về thiện ác, chỉ ôm lòng tham lam, không biết bố thí và quả báo của sự bố thí, trí tuệ ít ỏi, không có lòng tin, chứa nhiều tài sản, giữ gìn khổ nhọc, thấy người đến xin thì không vui, giả sử do bất đắc dĩ mà bố thí thì tiếc của vô cùng như cắt vào thân mình.
Lại có vô lượng chúng sinh tham lam, bỏn sẻn, cất chứa tài sản, ngay cả bản thân còn không dám sử dụng, huống nữa là cung cấp cho cha mẹ, vợ con, tôi tớ, người làm công hay người đến xin, những chúng sinh ấy khi lâm chung ở cõi này thì sinh trong loài ngạ quỷ hoặc súc sinh, nhưng do thuở xưa ở nơi loài người.
Người ấy đã từng được nghe danh hiệu của Đức Như Lai Dược Sư Lưu Ly Quang, tuy ở trong cõi ác vẫn nhớ lại danh hiệu của Đức Như Lai ấy, nên sau khi chết ở cõi đó, được sinh trở lại trong loài người, nhờ có được trí túc mạng nên nhớ lại, liền sợ hãi sự khổ cõi ác, không còn ưa ham dục lạc, thích thực hành bố thí, khen ngợi người khác bố thí, không hề tham tiếc đối với tất cả tài sản.
Dần dần, người ấy còn có thể dùng đầu, mắt, tay, chân, máu thịt và những bộ phận khác trên cơ thể để bố thí cho người đến xin, huống gì là những tài sản bên ngoài.
Lại nữa, này Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi! Có người dù quy y nơi Thế Tôn, thọ trì các giới pháp nhưng lại phá giới, phá oai nghi và hủy bỏ chánh kiến. Có người trì giới, có chánh kiến nhưng không chịu học hỏi, nên đối với nghĩa lý sâu xa trong Khế Kinh mà Chư Phật đã giảng nói thì không thể hiểu rõ.
Có người tuy hiểu biết nhiều nhưng lại kiêu mạn, do kiêu mạn, tự cho mình là đúng, người khác là sai, chê bai chánh pháp, kết bạn với ma. Những người ngu tối như vậy tự mình đã làm theo tà kiến, lai còn khiến cho vô lượng trăm ngàn ức chúng sinh rơi vào hố lớn nguy hiểm.
Những chúng sinh này sẽ bị đọa vào địa ngục, súc sinh và loài ngạ quỷ, nhưng nếu đã được nghe danh hiệu của Đức Như Lai Dược Sư Lưu Ly Quang thì nhờ oai lực theo bản nguyện của Đức Như Lai ấy, nên ở trong địa ngục, họ nhớ lại danh hiệu Đức Phật, sau khi chết ở cõi ấy, được sinh trở lại làm người, luôn có chánh kiến, siêng năng, ưa thích các pháp thiện, bỏ thế tục xuất gia.
Ở trong pháp của Phật giữ gìn giới luật không hề hủy phạm, luôn có chánh kiến, học hỏi nhiều, hiểu rõ nghĩa lý sâu xa, không còn kiêu mạn, không chê bai chánh pháp, không làm bạn với ma, dần dần tu hành theo cac hạnh Bồ Tát, cho đến chứng đắc quả vị bồ đề.
Lại nữa, này Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi! Có những chúng sinh tham lam, ganh ghét, tạo các nghiệp ác, khen mình chê người, sau khi chết sẽ bị đọa vào ba cõi ác, trong vô lượng ngàn năm chịu mọi khốn khổ cùng cực, sau khi mạng chung ở cõi ấy thì sinh trong loài người.
Hoặc làm trâu, ngựa, lạc đà, lừa, thường bị đánh đập, đói khát hành hạ, luôn luôn chở nặng, khốn khổ vô cùng, làm tôi tớ, bị người khác sai khiến, thường mất tự do, nhưng nhờ thuở xưa, khi còn làm thân người, đã từng được nghe danh hiệu của Đức Như Lai Dược Sư Lưu Ly Quang, nhờ năng lực nơi căn lành ấy, nên nay được nhớ lại.
Người ấy liền dốc lòng quy y, nhờ thần lực của Phật nên được thoát khổ, các căn đều thông tuệ, có trí tuệ, hiểu biết nhiều, thường cầu pháp thù thắng, luôn gặp bạn tốt, dứt hẳn lưới ma, phá tan vỏ vô minh, làm khô cạn sông phiền não, thoát khỏi tất cả sinh, già, bệnh, chết, lo buồn, khổ đau, cho đến chứng đắc quả vị bồ đề.
Lại nữa, này Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi! Có những chúng sinh ưa thích chống đối, chia rẽ, tranh tụng làm rối loạn người khác nên thân, miệng, ý tạo các nghiệp ác ngày càng lớn dần, thường tạo những việc không lợi ích.
Làm hại lẫn nhau, cầu khẩn những vị thần như: Thần rừng núi, thần cây cối, thần mồ mả…, giết hại chúng sinh, lấy máu thịt của chúng để cúng tế các vị thần Dạ Xoa, La Sát…, viết tên của người mà mình oán ghét hoặc làm hình tượng rồi dùng chú thuật ác để trù ếm, hoặc làm mê hoặc, dùng thuốc độc, đọc chú để sai khiến thây chết… để hại người ấy khiến cho họ chết.
Những chúng sinh ấy nếu được nghe danh hiệu của Đức Như Lai Dược Sư Lưu Ly Quang thì các điều ác như trên không thể làm hại được, tất cả đều thay đổi, khởi lên tâm từ bi, cùng tạo lợi ích, an lạc, không còn ý niệm làm tổn thương người khác và tâm hiềm khích nhau, đối với những vật sở hữu thì thường hoan hỷ, biết vừa đủ.
Lại nữa, này Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi! Trong bốn chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Thiện Nam, Thiện Nữ nào nếu có thể thọ trì tám giới quan trai, hoặc trải qua một năm hoặc trong ba tháng giữ gìn giới pháp ấy, rồi đem căn lành này nguyện được sinh vào Thế Giới Cực lạc ở phương Tây, gặp Đức Phật Vô Lượng Thọ.
Nếu được nghe danh hiệu của Đức Như Lai Dược Sư Lưu Ly Quang thì khi lâm chung, có tám vị Bồ Tát đến bằng thần thông để chỉ chỗ cho người ấy đi tới. Lập tức, vị ấy được tự nhiên hóa sinh trong hoa bằng các loại báu đủ màu sắc nơi Thế Giới ấy, hoặc nhờ nhân này, có người được sinh lên Cõi Trời.
Tuy sinh trong Cõi Trời nhưng căn lành thuở xưa cũng không thể cùng tận, vị ấy không sinh trở lại trong các cõi ác khác, khi chấm dứt mạng sống ở Cõi Trời thì sinh ở cõi người, hoặc làm vua Chuyển luân, cai trị khắp bốn châu, oai đức tự tại, dẫn dắt cho vô lượng trăm ngàn chúng sinh tu tập mười nghiệp thiện.
Hoặc sinh vào dòng dõi quý tộc trong hàng Sát Đế Lợi, Bà La Môn, Cư Sĩ… có nhiều tài sản, châu báu, các kho đều tràn đầy của cải, tướng mạo đoan nghiêm, quyến thuộc sum vậy, trí tuệ thông minh, dũng mãnh oai vệ như đại lực sĩ. Nếu là thân nữ, khi được nghe danh hiệu của Đức Như Lai Dược Sư Lưu Ly Quang mà chí tâm trì niệm, thì đời sau không còn làm thân nữ.
Lại nữa, này Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi! Khi Đức Như Lai Dược Sư Lưu Ly Quang chứng đắc đạo quả bồ đề vô thượng, do diệu lực từ bản nguyện quan sát chúng sinh bị các bệnh khổ, ốm yếu, khô gầy, chịu đủ thứ bệnh tật, hoặc bị ếm bùa chú, trúng độc, chết yểu, chết oan… vì muốn tiêu trừ những bệnh tật và làm mãn nguyện cho chúng sinh, nên Đức Thế Tôn ấy liền nhập vào chánh định tên là diệt trừ nhất thiết chúng sinh khổ não.
Sau khi nhập định, từ nơi tướng nhục kế của Như Lai phát ra ánh sáng lớn, trong ánh sáng này diễn nói Đại Thần Chú:
Nam Mô bạc già phạt đế, bệ sát xã lũ lô, tích lưu ly bát lặc bà, hát ra xà dã, đát tha yết đa dã, a ra hát đế, tam miệu tam bột đã dã, đát điệt tha. Án, bệ sát thệ, bệ sát thệ, bệ sát xã tam một yết đế, ta ha.
Bấy giờ, trong hào quang diễn nói Thần Chú này rồi, thì đại địa chấn động, phóng ra ánh sáng lớn, tất cả chúng sinh có bệnh tật đều được lành hẳn, được niềm vui, an ổn.
Này Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi! Nếu thấy người nam, người nữ nào bị bệnh khổ thì nên vì người bệnh đó mà nhất tâm, tắm rửa sạch sẽ, rồi dùng thực phẩm, hoặc thuốc men, hoặc nước sạch không có trùng, rồi trì chú này một trăm lẻ tám biến, đưa cho họ dùng, khiến tất cả bệnh tật đều tiêu trừ.
Nếu có mong cầu điều gì cũng nên chí tâm tụng niệm thì đều được như ý, không còn bệnh tật, được sống lâu, sau khi lâm chung, được sinh vào Thế Giới của Đức Phật ấy, không hề thoái chuyển cho đến chứng đắc quả vị bồ đề.
Thế nên, này Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi! Thiện nam, thiện nữ nào đối với Đức Như Lai Dược Sư Lưu Ly Quang mà chí tâm ân cần tôn trọng, cung kính cúng dường, thì nên luôn trì chú này, đừng để quên mất.
Lại nữa, này Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi! Thiện nam, thiện nữ nào có lòng tin thanh tịnh, được nghe danh hiệu của bảy Đức Phật Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác như trên, nghe rồi trì niệm, sáng sớm đánh răng, tắm rửa sạch sẽ, dùng hương hoa, hương bột, hương đốt, hương xoa, tấu đủ loại âm nhạc để cúng dường hình tượng.
Đối với Kinh điển này hoặc tự biên chép, hoặc dạy người khác chép, nhất tâm thọ trì, lắng nghe nghĩa lý, đối với Pháp Sư thì nên cúng dường, đem tất cả các vật dụng, tài sản để cung cấp, không để vị ấy thiếu thốn, làm như vậy thì được Chư Phật hộ niệm, thỏa mãn mọi ước nguyện, cho đến chứng đắc quả vị bồ đề.
Khi ấy, Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ở đời mạt pháp, con nguyện sẽ dùng đủ loại phương tiện, làm cho những thiện nam, thiện nữ có lòng tin thanh tịnh được nghe danh hiệu của bảy Đức Như Lai, cho đến trong giấc ngủ, con cũng dùng danh hiệu Phật khiến họ được giác ngộ.
Bạch Thế Tôn! Nếu đối với Kinh này mà thọ trì, đọc tụng, hoặc giảng nói, chỉ bày cho người khác, hoặc tự chép hay bảo người khác chép, cung kính tôn trọng, dùng đủ loại hương hoa, hương xoa, hương bột, hương đốt, vòng hoa, chuỗi ngọc, cờ, lọng, âm nhạc…
Để cúng dường, dùng tơ lụa năm màu làm túi để đựng, để ở trên tòa cao, quét dọn đẹp đẽ, thì khi đó bốn vị Đại Thiên Vương cùng với quyến thuộc và vô lượng trăm ngàn Chư Thiên đều đến chỗ vị ấy để cúng dường và hộ trì.
Bạch Thế Tôn! Nếu nơi nào có Kinh quý báu này lưu truyền và có người thọ trì thì nhờ diệu lực từ oai thần công đức, bản nguyện và được nghe danh hiệu của bảy Đức Như Lai kia, nên biết chỗ ấy không còn bị chết oan, cũng không bị các quỷ thần ác đoạt mất tinh khí, giả sử có bị đoạt mất thì trở lại như cũ, thân tâm an lạc.
Đức Phật bảo: Này Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi! Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như lời ông nói! Này Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi! Thiện nam, thiện nữ nào có lòng tin thanh tịnh, muốn cúng dường bảy Đức Như Lai ấy thì trước hết, nên cung kính tạo bảy hình tượng Phật, tôn trí nơi tòa đẹp, sạch sẽ, rải hoa, đốt hương, dùng các cờ phướn trang nghiêm chỗ ấy, trong bảy ngày bảy đêm, thọ trì tám giới quan trai, ăn thức ăn thanh tịnh, tắm rửa thân thể.
Mặc y phục mới, sạch sẽ, tâm không nhơ uế cũng chẳng sân hận, thường khởi tam bình đẳng, lợi ích, an lạc, từ bi, hỷ xả, trổi nhạc, ca ngâm khen ngợi công đức, nhiễu quanh bên phải tượng Phật.
Nhớ nghĩ đến bản nguyện của chư Như Lai ấy, đọc tụng Kinh này, tư duy về nghĩa lý, diễn nói chỉ bày, tùy theo sự mong cầu của vị ấy như cầu sống lâu được sống lâu, cầu giàu có được giàu có, cầu chức vụ được chức vụ, cầu con trai, con gái thì được con trai, con gái…, tất cả đều được toại nguyện.
Hoặc có người bỗng nhiên bị mộng ác, thấy các hình tướng ác, hoặc thấy loài chim quái lạ kéo đến, hoặc thấy trăm việc kinh dị xuất hiện trong nhà, người này nếu dùng những vật dụng hảo hạng để cung kính cúng dường Chư Phật ấy thì những mộng ác, hình tướng ác, không an lành thảy đều biến mất, không thể làm người ấy lo sợ.
Nếu gặp những sự sợ hãi như nước trôi, lửa cháy, đao binh, chất độc, bị treo bên sườn núi, vào đường nguy hiểm, voi dữ, sư tử, cọp, chó sói, gấu, rắn độc, bò cạp, rít… có thể chí tâm nhớ nghĩ đến Chư Phật ấy, cung kính cúng dường thì được thoát khỏi hết thảy mọi sự sợ hãi.
Nếu bị nước khác xâm chiếm, quấy nhiễu, trộm cướp, làm phản mà nhớ nghĩ, cung kính chư Như Lai ấy thì những oán thù đều tiêu tan.
Lại nữa, này Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi! Thiện Nam, Thiện Nữ nào có lòng tin thanh tịnh, cho đến trọn đời không thờ cúng vị trời nào khác, chỉ nhất tâm quy y Phật, Pháp, Tăng, giữ gìn giới cấm, hoặc năm giới, mười giới, hai mươi bốn giới của Bồ Tát.
Hai trăm năm mươi giới của Tỳ Kheo, năm trăm giới của Tỳ Kheo Ni, đối với các giới ấy có sự hủy phạm nên sợ bị đọa vào cõi ác, nếu có thể nhất tâm nhớ nghĩ đến danh hiệu của Chư Phật kia, cung kính cúng dường thì chắc chắn không còn bị đọa vào ba cõi ác.
Hoặc có phụ nữ nào, lúc sắp sinh, chịu đau đớn cùng cực, nếu có thể chí tâm trì niệm danh hiệu, lễ bái, khen ngợi, cung kính cúng dường bảy Đức Như Lai thì các khổ sở đều tiêu trừ, đứa con được sinh ra có dung mạo đẹp đẽ ai thấy cũng vui mừng, lanh lợi, thông minh, ít bệnh, yên ổn, không bị phi nhân đoạt mất tinh khí.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả A Nan: Công đức về danh hiệu của bảy Đức Như Lai ấy mà Như Lai đã khen ngợi, chính là cảnh giới sâu xa của Chư Phật, khó có thể hiểu biết tường tận, Tôn Giả đừng nên nghi ngờ.
Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đối với nghĩa lý sâu xa của Khế Kinh mà Như Lai đã thuyết giảng con không hề nghi ngờ.
Vì sao?
Vì tất cả thân tướng, lời nói và ý nghĩa của Như Lai đều là chân thật.
Bạch Thế Tôn! Vầng Mặt Trăng, Mặt Trời kia có thể làm cho rơi xuống, núi chúa Diệu Cao có thể bị chấn động, nhưng lời nói của Chư Phật thì không bao giờ sai khác.
Bạch Thế Tôn! Tuy nhiên, có chúng sinh không đầy đủ đức tin, nghe giảng nói về cảnh giới sâu xa của Chư Phật thì suy nghĩ: Sao chỉ nhớ nghĩ đến danh hiệu của bảy Đức Phật, mà đạt được nhiều công đức, lợi ích thù thắng như vậy?
Do suy nghĩ này, họ không tin, liền chê bai, phải ở trong đêm dài sinh tử, làm mất lợi ích lớn, bị đọa vào các cõi ác.
Đức Phật bảo: Này Tôn Giả A Nan! Những chúng sinh ấy nếu được nghe danh hiệu của Chư Phật mà bị đọa vào cõi ác thì không có điều ấy, chỉ trừ định nghiệp không thể chuyển đổi.
Này Tôn Giả A Nan! Đây là cảnh giới sâu xa của Chư Phật, khó có thể lãnh hội, ông có thể tin nhận thì nên biết, đều là nhờ oai lực của Như Lai.
Này Tôn Giả A Nan! Tất cả hàng Thanh Văn, Độc Giác… đều không thể biết được, chỉ trừ hàng Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ.
Này Tôn Giả A Nan! Thân người khó được, kính tin, tôn trọng đối với ngôi Tam Bảo cũng thật là khó, được nghe danh hiệu của bảy Đức Như Lai lại càng khó hơn.
Này Tôn Giả A Nan! Vô lượng hạnh Bồ Tát, vô lượng phương tiện thiện xảo, vô lượng thệ nguyện rộng lớn của chư Như Lai ấy, nếu Như Lai có giảng nói trong một kiếp hoặc hơn một kiếp về những điều đó thì cũng không thể cùng tận.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Nhất Tự Chú Vương Trong Mạn Thù Thất Lợi Bồ Tát Chú Tạng
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Bốn Mươi Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Quảng Tụ đà La Ni - Phẩm Hai - Phẩm công Năng Trì Chú
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Ba Mươi Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Khởi - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Bốn Mươi Chín - Phẩm Chăn Trâu - Phần Năm