Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Ba - Nhẫn Nhục độ Vô Cực - Kinh Số Năm Mươi Ba - Kinh Sáu Năm Nhịn đói Trả Xong Tội
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô
PHẬT THUYẾT KINH LỤC ĐỘ TẬP
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Khương Tăng Hội, Đời Ngô
CHƯƠNG BA
NHẪN NHỤC ĐỘ VÔ CỰC
KINH SỐ NĂM MƯƠI BA
KINH SÁU NĂM
NHỊN ĐÓI TRẢ XONG TỘI
Thuở xưa, Bồ Tát làm Vua nước lớn, quy kính ba ngôi báu, phụng giữ đủ mười điều thiện, đức bao trùm gần xa, không ai là không thuận theo. Binh đao không dấy, lao ngục không có, gió mưa đúng thời, nước mạnh dân giàu, bốn phương bình an, trên đường không lời ta thán. Sách tà nhảm nhí cả nước không đọc, lời chân của sáu độ mọi người đều tụng.
Bấy giờ có một người Phạm Chí giữ khí tiết thanh tịnh, sống ẩn nơi núi rừng, không dự vào vòng tục lụy, chỉ lấy việc tu đức làm chính. Một đêm kia, khát nước nên đi uống, uống nhầm nước ao trồng sen của người trong nước.
Uống rồi tự nghĩ: Người kia mua ao này lấy hoa dâng cúng Chùa, Đền Phật, còn quả thì tự dùng. Ta uống nước ấy mà không xin chủ, tức là uống trộm.
Phàm tạo cái họa ăn trộm thì trước phải vào ngục Thái Sơn, thứ đến là làm súc sinh bị mổ thịt đem ra chợ bán để đền nợ kiếp trước, rồi nếu được làm người phải chịu kiếp nô tỳ, chẳng bằng ngay đời này ta sớm trả hết, không để họa về sau.
Bèn đến thẳng Cung Vua tự cáo: Tôi đã phạm tội ăn trộm, cúi xin Đại Vương dùng luật pháp mà trị, đền xong đời này đời sau khỏi tội.
Nhà Vua bảo: Đó là nước tự nhiên, không phải là vật báu, làm gì có tội?
Thưa: Phàm mua nhà tức là có giếng, chiếm ruộng tức là có cỏ. Múc nước, cắt cỏ, không báo cho chủ là không lấy.
Tôi không báo cho chủ mà uống nước, há chẳng phải là ăn trộm sao?
Xin Vua xét xử.
Nhà Vua nói: Việc nước còn nhiều, ông vào vườn ngự mà chờ. Thái Tử bảo Phạm Chí vào sâu trong vườn ngồi chờ. Nhà Vua vì bận bịu công việc nên quên bang đến sáu ngày.
Bỗng nhiên Vua nhớ ra, hỏi: Vị Phạm Chí còn ở đó ư?
Mau gọi ông ấy lại đây!
Phạm Chí giữ giới, đói khát sáu ngày, đến đứng trước mặt Vua, thân thể gầy gò, đứng dậy mà muốn ngã xuống đất.
Nhà Vua nhìn thấy rơi nước mắt, nói: Lỗi ta nặng lắm! Hoàng Hậu mỉm cười.
Nhà Vua sai người tắm rửa cho Phạm Chí, sắm đủ các món ngon, rồi đích thân Vua cúng dường, cúi đầu hối lỗi, nói: Ta làm Vua, để dân đói tức là ta đói, dân rét tức là ta lạnh, huống chi lại tỏ ra sơ sót đôi với bậc giữ đạo thi đức!
Phước của thiện sĩ cả nước không bằng cái đức của Bậc Hiền giả hạnh cao.
Đất nước, dân chúng, được an ổn, bốn mùa thuận hợp, lúa thóc dồi dào, nếu không phải do đức của giới hạnh thì ai có thể làm được?
Rồi Vua nói với Đạo Sĩ: Ưống nước không báo, tội còn như thế, huống gì là thực sự ăn trộm thì không có tội nặng hay sao?
Vì vậy, ta tha cho Ngài, ắt sau không còn họa nữa.
Phạm Chí nói: Tốt lắm, xin đội ân lớn của Vua. Từ đó về sau, luân chuyển trong cõi sinh tử không bờ. Mãi đến khi sắp thành Phật, phải không ăn sáu năm, tội hết đạo thành. Do Câu Di tự giải, La Vân mới sinh ra.
Thái Tử bỏ nước, chuyên ở chốn núi rừng, bọn tà kiến đều cho là điên cuồng, tiếng bài báng không phải ít. Thái Tử nghe được, nhịn nhục những lời chê bai ấy, dùng lòng từ bi tế độ để đáp lại, phước đức nhiều lên, đạo quả được thành, Chư Thiên nhóm lại cúi đầu vâng theo, Vua chúa, thần dân không ai là không quy mạng.
Đức Phật bảo các thầy Tỳ Kheo: Đức Vua thời đó là thân ta, phu nhân ấy là Câu Di, Thái Tử là La Vân. Phàm chuộng ác thì họa theo liền, thi ân đức thì phước về ngay, có thể không cẩn thận ư!
Nhà Vua quên Đạo Sĩ, khiến đói sáu ngày, nên phải chịu tội nhịn đói sáu năm mới dứt. Sáu ngày sau Vua đích thân cúng dường, nên nay sáu năm tai ương qua rồi, đạt thành đạo quả. Câu Di mỉm cười nên nay phải mang thai La Vân sáu năm bệnh nặng.
Thái Tử đem Phạm Chí vào ở sâu trong vườn Ngự, nên phải ở sáu năm nơi chốn tối tăm. Người ngu mê muội không rõ đường đi lối về, đem tâm ác đối với Phật, Sa Môn, Phạm Chí.
Chặt tay, cắt mũi thì đó chỉ khổ một đời. Dối dùng tay đánh, dùng miệng chê bai càn bậy thì khi chết sẽ đọa vào Địa Ngục Thái Sơn, bị quỷ kéo lưỡi ra đặt vào cát nóng, rồi đem trâu đến cày trên đó, lại còn dùng đinh cháy đóng lên năm vóc, muốn chết cũng không được.
Họa dữ như thế, nên phải thận trọng, đừng làm theo nẻo tà vạy. Bồ Tát thực hành pháp nhẫn độ vô cực đã nhẫn nhục như vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Diệu Pháp Liên Hoa - Phẩm Mười Chín - Phẩm Pháp Sư Công đức
Phật Thuyết Kinh Con đường Tu Hành - Phẩm Bốn - Phân Biệt Năm ấm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa đồng Tánh - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Như Lai Trí ấn - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thi Tì
Phật Thuyết Kinh Na Tiên Tỳ Kheo - Phẩm Bốn Mươi Mốt - Phẩm Tại Sao Phật Không Giống Cha Mẹ?