Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Ba - Nhẫn Nhục độ Vô Cực - Kinh Số Năm Mươi Hai - Kinh đến Nước Khỏa Thân

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT KINH LỤC ĐỘ TẬP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Khương Tăng Hội, Đời Ngô   

CHƯƠNG BA

NHẪN NHỤC ĐỘ VÔ CỰC  

KINH SỐ NĂM MƯƠI HAI

KINH ĐẾN NƯỚC KHỎA THÂN  

Thuở xưa, Bồ Tát là hai anh em chú bác, đều có vốn liếng trong nước. Một lần họ đem của cải đến quê hương người khỏa thân.

Người em nói: Người nhiều phước thì ăn mặc tự nhiên đầy đủ, còn kẻ bạc phước thì nhờ đến sức lực của mình. Nay quê hương người khỏa thân ấy không có Phật, không có pháp, không có chúng Sa Môn, đáng gọi là đất không có người. Chúng ta đến đó tranh thủ ý của họ đâu phải là chuyện dễ.

Thôi thì vào nước họ phải theo phong tục của họ, tiến lui phải hợp nghi thức, tánh tình mềm mỏng, lời nói từ tôn, giấu sự sáng suốt, bày vẻ ngu dốt, ấy là lo nghĩ của Bậc Đại Sĩ.

Người anh nói: Lễ nghi không nên giảm bớt, đạo đức không nên thoái lui, há có thể khỏa thân để hủy hoại các nghi lễ trước của ta sao?

Người em nói: Phép tắc lớn của Bậc Tiên Thánh là thà mất thân chứ không mất hạnh, đó là đạo thường của giới. Trong vàng ngoài đồng để thích nghi theo thời, trước chê sau khen, đó là cái lớn của đạo quyền biến. Rồi họ cùng đi đến nước ấy.

Người anh bảo: Nay chú vào trước, xem thử sự thể thế nào rồi sai người về bảo thật cho ta.

Người em nói: Thưa vâng! Khoảng mười ngày thì ông sai người về báo cho anh: Nhất định phải theo đúng lễ nghi, phong tục của họ.

Người anh nói ngay: Bỏ phong cách của người mà theo kiểu sống loài vật, đâu phải là hành động của người quân tử?

Chú làm theo còn ta thì nhất định không. Phong tục nước ấy thì cứ lấy ngày rằm tháng cuối, đêm thường tổ chức vui chơi, dùng dầu mè, mỡ thấm ướt đầu, đất trắng vẽ thân, cổ đeo các loại xương, lấy hai viên đá đập vào nhau, rồi trai gái nắm tay nhau nhởn nhơ ca múa.

Bồ Tát cũng làm theo họ, nên người trong nước đều hân hoan. Vua yêu dân kính người khách đến với mình. Vua lấy hết của cải mua lại với giá thập bội.

Người anh đi xe vào nước ấy, nói năng ra vẻ nghiêm túc, làm trái lòng dân, nên Vua giận dân khinh, đã đoạt hết của cải mà còn đánh đập nữa. Người em cầu xin mãi mới được thả ra. Rồi cả hai trở về nước mình. Kẻ đưa tiễn người em đầy đường, còn người anh thì bị mắng rát cả tai.

Người anh xấu hổ, giận nói: Bọn ấy cùng chú sao lại thân, cùng ta sao lại thù?

Chú thì họ đem cho của cải còn ta thì chúng đoạt lấy, há không phải do chú gièm pha gì sao?

Rồi buộc đai người em, nói tiếp: Từ nay về sau, đời đời hại nhau, chứ không tha chú đâu!

Bồ Tát bùi ngùi rơi nước mắt, thề: Xin cho ta đời đời gặp Phật, thấy Pháp, thân phụng Sa Môn, rộng báo đáp bốn ân, cứu giúp chúng sinh, thờ anh như chính bản thân, không hề trái lời thề này. Từ đó về sau người anh luôn cản trở, gây khó người em, còn người em thì thường cứu giúp người anh.

Đức Phật bảo các vị Tỳ Kheo: Người em thuở ấy là thân ta, người anh là Điều Đạt. Bồ Tát thực hành tâm bi nhu hòa độ vô cực đã nhẫn nhục như vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần