Phật Thuyết Kinh Mục Kiền Liên Hỏi Năm Trăm Tội Khinh Trọng Trong Giới Luật - Phẩm Hỏi Về Sa Di

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Thiên, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH MỤC KIỀN LIÊN

HỎI NĂM TRĂM TỘI KHINH TRỌNG

TRONG GIỚI LUẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Thiên, Đời Tống  

PHẨM HỎI VỀ SA DI  

Hỏi: Sa Di phạm tội muốn sám hối có cần đối trước chúng không?

Đáp: Không cần. Chỉ cần đến trước Bổn Sư là được. Nếu hiện tại không có Bổn Sư, thì đến một vị Tỳ Kheo khác sám hối cũng được.

Hỏi: Sa Di có cần mỗi nửa tháng tụng giới không?

Đáp: Không có lí này.

Vì sao?

Vì người thụ giới Sa Di không thành người thế tục, mà cuối cùng sẽ thành Tỳ Kheo. Khi đó sẽ được dự thuyết giới. Nhưng hiện nay Sa Di mỗi nửa tháng có thể nhóm họp một lần cùng đại tăng dự Yết Ma thính giới.

Hỏi: Sa Di phạm giới được phép đến một Sa Di khác sám hối không?

Đáp: Không được.

Chú giải: Vì trí tuệ Sa Di cạn không biết phương tiện trì phạm, khinh trọng, không thể chủ trì mọi người Yết Ma xuất tội, nên không được. Giống như văn ở trước đã nói, nếu đến Bổn Sư mà sám hối thì được.

Hỏi: Sa Di được phép mặc y phục thế tục không?

Đáp: Không được.

Chú giải: Giống như ở trước, Sa Di muốn thụ đại giới, không được mặc áo quần thế tục. Đã làm Sa Di, thì ba y không được thiếu, một bình bát luôn mang bên thân. Nếu không như vậy thì thân hình và áo quần mặc trên người không tương xứng, không phải tục mà chẳng phải tăng, nên không được.

Hỏi: Bổn sư làm những việc trái với chính pháp, Sa Di được phép bỏ đi, tìm nương một vị thầy khác không?

Đáp: Được.

Chú giải: Thầy tức là Hòa Thượng.

Luận Tát Bà Đa ghi:

Có bốn hạng Hòa Thượng:

Một, có pháp mà không có ăn mặc.

Hai, có ăn mặc mà không có pháp.

Ba, có pháp và có ăn mặc.

Bốn, không có pháp cũng không có ăn mặc.

Ba hạng đầu có thể nương ở, một hạng sau không nên nương ở. Nhưng những Hòa Thượng có cho ăn mặc nhưng không ban cho pháp, thì Sa Di cũng được bỏ đi, tự tìm thầy giỏi.

Hỏi: Sa Di phản bội Bổn Sư, tôn Cư Sĩ làm thầy để học nghề nghiệp thế tục, lại không xả giới, trải qua một tháng hoặc một năm lại trở về với thầy.

Vị ấy còn là Sa Di không?

Vị ấy chỉ sám hối tội lỗi, không cần thụ giới lại, có được không?

Đáp: Vị ấy vẫn còn là Sa Di và chỉ cần đến thầy sám hối. Lại nữa, vốn không xả giới thì không cần thụ lại. Nếu thụ lại cũng không đắc giới.

Hỏi: Sa Di bị giặc bắt, trải qua một tháng hoặc một năm hoặc chuyển sang chủ khác thì có được phép trốn đi không?

Đáp: Nếu chuyển chủ khác thì không được trốn đi.

Hỏi: Sa Di phạm giới cấm, Chúng Tăng đã đuổi đi, nếu đã sám hối thì vị ấy được phép xuất gia lại không?

Đáp: Nếu chưa xả giới, thì vị đó vẫn còn là Sa Di, nên chỉ cần sám hối mà thôi.

Hỏi: Khi còn là Cư Sĩ, vị này theo vị Sa Di thụ ngũ giới, nhưng một thời gian sau vị Cư Sĩ ấy xuất gia thụ giới Tỳ Kheo.

Bấy giờ vị này được phép gọi vị Sa Di đó là thầy không?

Đáp: Được gọi là thầy, nhưng không được đỉnh lễ, trái lại Sa Di nên đỉnh lễ vị Tỳ Kheo ấy. Lúc còn Cư Sĩ theo chư ni thụ ngũ giới, sau đó xuất gia thì cũng như vậy.

Hỏi: Tỳ Kheo tham tiền của, phẩm vật thì phạm tội gì?

Đáp: Tội đó rất nặng.

Thuở xưa, có một vị Tỳ Kheo tham đắm một cái chuông đồng nhỏ, sau khi chết đọa làm ngạ quỷ.

Một hôm đại chúng vừa phân chia đồ vật xong, quỷ liền hiện đến, thân hình nó rất lớn và đen giống như đám mây đen, các Tỳ Kheo kinh ngạc liền hỏi: Đây là vật gì?

Trong chúng có một người chứng đạo nói: Đây là vị Tỳ Kheo đã chết, nhưng vì tham đắm cái chuông nhỏ mà bị đọa trong loài ngạ quỷ, nay còn tham tiếc nên đến đòi.

Các Tỳ Kheo mang chuông ra trả lại, vừa thấy chuông quỷ liền ôm lấy và lè lưỡi liếm rồi phóng xuống đất bỏ đi. Các Tỳ Kheo nhận lại chuông, nhưng quá thối, không thể đến gần. Sau đó Chúng Tăng lại sai người đúc thành vật dụng khác mà vẫn có mùi thối không thể dùng được. Lấy chuyện này mà nghiệm biết, tham là tai họa lớn.

Tỳ Kheo tham đắm y phục thì có tai họa bị thiêu đốt. Thuở xưa, có một vị Tỳ Kheo vui mừng vì vừa may y mới, nên ngày đêm mê đắm không thôi.

Lúc bị bệnh nguy kịch, tự biết mình sẽ chết, nên vị ấy ngẩng đầu lên ngắm chiếc y, trong lòng khởi niệm ác: Sau khi ta chết, xem thử ai dám đắp y của ta?

Không bao lâu vị Tỳ Kheo này mạng chung, biến thành con rắn, trở về quấn lấy tấm y. Đại chúng khiêng vị Tỳ Kheo chết ra thiêu và an táng xong, liền sai người đến lấy vật dụng và y của Tỳ Kheo ấy.

Khi người đến lấy, con rắn quấn y, miệng phun nọc độc rất xa. Người kia không dám đến gần, liền trở về thưa đại chúng. Đại chúng cùng đến xem, cũng không ai dám lại gần nó.

Lúc ấy có vị Tỳ Kheo chứng đạo, nhập định tứ vô lượng tâm từ, bi, hỉ, xả, nên độc không thể hại được, liền đến đó và nói với con rắn: Đây vốn là y của ngươi.

Nay người chết rồi thì vật này không phải là của ngươi nữa, giữ nó làm gì?

Nghe nói vậy, rắn liền bỏ đi. Đi một đoạn không xa, nó lại chui vào bụi cỏ, lửa độc trên thân nó phát ra thiêu rụi bụi cỏ, lại thiêu cháy luôn thân mình. Sau khi bỏ thân rắn, Tỳ Kheo lại đọa vào địa ngục hỏa thiêu, một ngày trong địa ngục phải trải qua ba lần bị đốt cháy. Tất cả đều do lòng tham làm hại.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần