Phật Thuyết Kinh Phạm Thiên Thưa Hỏi - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH PHẠM THIÊN THƯA HỎI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẦN HAI
Bạch Thế Tôn! Người hành đạo chân chánh, đối với pháp tịch diệt, thì không tạo tướng sinh diệt, không thủ đắc, không chấp nơi quả vị.
Bấy giờ, Bồ Tát Võng Minh hỏi Phạm Thiên Thắng Tư Duy: Năm trăm Tỳ Kheo ấy rời chúng hội ra đi, nên dùng phương tiện gì để dẫn dắt họ hội nhập nơi pháp môn này, khiến họ tin hiểu, xa lìa tà kiến?
Phạm Thiên đáp: Này thiện nam! Dù họ có đi đến hằng hà sa Cõi Phật, thì cũng không ra khỏi pháp môn này. Ví như người ngu sợ hư không nên bỏ hư không mà chạy trốn, thì dù đến đâu cũng không ra khỏi hư không. Các Tỳ Kheo ấy cũng lại như vậy. Tuy ra đi, nhưng không vượt ra khỏi tướng không, tướng vô tướng, tướng vô nguyện.
Ví như người muốn nắm bắt hư không, dong ruổi khắp đây đó nói: Tôi muốn được hư không, nhưng đi ở trong hư không mà chẳng thấy hư không. Các Tỳ Kheo kia cũng như vậy, muốn cầu Niết Bàn, sông trong Niết Bàn mà không cảm nhận được Niết Bàn.
Vì sao?
Vì gọi là Niết Bàn chỉ là danh tự, giống như hư không cũng chỉ là danh tự, không thể thủ đắc. Niết Bàn cũng vậy, chỉ có trên danh tự, không thể thủ đắc.
Khi ấy, năm trăm Tỳ Kheo nghé thuyết giảng như vậy, liền xả bỏ các pháp hữu lậu, tâm được giải thoát, chứng đắc thần thông, cùng nhau bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu người nào đối với tướng tịch diệt rốt ráo của các pháp mà cầu Niết Bàn, thì người ấy chẳng thấy Phật xuất hiện giữa đời.
Bạch Thế Tôn! Chúng con hôm nay không phải là hàng phàm phu, hàng hữu học, vô học A La Hán, chẳng ở thế gian, chẳng trú Niết Bàn.
Vì sao?
Vì chúng con đã xa lìa Tất cả động niệm, tất cả ngã tưởng, tất cả sự sinh khởi, tất cả hý luận. Đó gọi là Chư Phật xuất hiện nơi thế gian.
Bấy giờ, Trưởng Lão Xá Lợi Phất hỏi các Tỳ Kheo: Chư vị hôm nay đích thật là Sa Môn, vậy việc đáng làm đã hoàn tất chưa?
Các vị Tỳ Kheo đáp: Thưa Trưởng Lão Xá Lợi Phất! Chúng tôi nay đã có được các phiền não cấu nhiễm, việc không nên làm mà làm.
Tôn Giả Xá Lợi Phất hỏi: Này các Tỳ Kheo! Vì ý gì mà các ông nói như vậy?
Các Tỳ Kheo đáp: Thưa Trưởng Lão Xá Lợi Phất! Chúng tôi do nhận biết tướng của các phiền não, cho nên nói là chúng tôi có được các phiền não cấu nhiễm, việc không nên làm mà làm.
Thưa Trưởng Lão Xá Lợi Phất! Ý của chúng tôi là ở chỗ đó, nên nói như thế đã được phiền não cấu nhiễm, việc không nên làm mà làm.
Tôn Giả Xá Lợi Phất hỏi: Lành thay, lành thay! Các ông nay đang ở trong ruộng phước, có thể lãnh thọ sự cúng dường.
Các Tỳ Kheo nói: Thưa Trưởng Lão Xá Lợi Phất! Đức Thế Tôn là bậc Đại Sư còn không thể trừ bỏ sự cúng dường, huống gì là chúng tôi có thể từ bỏ được.
Xá Lợi Phất nói: Các ông vì sao nói như vậy?
Các Tỳ Kheo đáp: Thưa Trưởng Lão Xá Lợi Phất! Đức Thế Tôn Đại Sư thấy biết tánh của các pháp là thường, tịnh.
Bấy giờ, Phạm Thiên Thắng Tư Duy bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ai đáng thọ nhận sự cúng dường của thế gian.
Phật dạy: Đó là người không bị pháp thế gian trói buộc.
Phạm Thiên Thắng Tư Duy thưa: Bạch Thế Tôn! Ai có khả năng thọ nhận trọn vẹn các phẩm vật cúng dường?
Phật dạy: Đó là người không chấp thủ nơi các pháp.
Phạm Thiên Thắng Tư Duy thưa: Bạch Thế Tôn! Người thanh tịnh nào có thể làm ruộng phước để có thể lãnh thọ cúng dường?
Phật dạy: Đó là người không hủy hoại tâm Bồ Đề.
Phạm Thiên thưa: Bạch Thế Tôn! Ai là hàng thiện tri thức cho chúng sinh?
Phật dạy: Đó là người đối với tất cả chúng sinh không xả bỏ tâm từ.
Phạm Thiên thưa: Bạch Thế Tôn! Ai là người biết báo đáp ân Phật?
Phật dạy: Đó là người không đoạn trừ hạt giống Phật.
Phạm Thiên thưa: Thế nào là cúng dường Phật?
Phật dạy: Là dùng sự thông tỏ về cảnh giới vô sinh.
Phạm Thiên thưa: Bạch Thế Tôn! Ai có thể thân cận nơi Phật?
Phật dạy: Đó là người cho dù mất mạng cũng không phá bỏ giới cấm.
Bạch Thế Tôn! Ai là người cung kính Phật?
Phật dạy: Đó là người khéo giữ gìn sáu căn.
Bạch Thế Tôn! Ở trong thế gian, ai là người được gọi là giàu có?
Phật dạy: Đó là người thành tựu bảy Thánh tài.
Bạch Thế Tôn! Ai được gọi là biết đủ?
Phật dạy: Đó là người vượt ra ngoài thế gian đạt được trí tuệ thù thắng.
Bạch Thế Tôn! Ai là người xa lìa?
Phật dạy: Đó là người ở trong ba cõi không còn có sở nguyện.
Bạch Thế Tôn! Ai ở trong thế gian mà không làm các việc ác?
Phật dạy: Đó là người đoạn trừ tất cả các kết sử.
Bạch Thế Tôn! Ai được gọi là người an lạc?
Phật dạy: Đó là người không tham đắm nơi các pháp.
Bạch Thế Tôn! Ai là người có thể đạt đến bờ giác ngộ?
Phật dạy: Đó là người có thể xả bỏ sáu pháp.
Bạch Thế Tôn! Ai có thể an trú nơi bờ giác ngộ?
Phật dạy: Đó là người đạt đến đạo bình đẳng.
Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát làm thế nào để tăng trưởng sự bố thí?
Phật dạy: Bồ Tát nên vì các chúng sinh mà thuyết giảng về tâm của nhất thiết trí.
Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát làm thế nào để giữ gìn giới cấm?
Phật dạy: Bồ Tát luôn giữ vững tâm bồ đề.
Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát làm thế nào hành hạnh nhẫn nhục?
Phật dạy: Bồ Tát do thấy rõ tâm nơi nhất thiết trí là vô tận.
Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát làm thế nào để hành hạnh tinh tấn?
Phật dạy: Quan sát về tâm nơi nhất thiết trí là không thể thủ đắc.
Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát làm thế nào hành thiền định?
Phật dạy: Bồ Tát nên biết tự tánh nơi tâm của nhất thiết trí là thanh tịnh.
Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát làm thế nào để có thể hành bát nhã?
Phật dạy: Đối với tất cả các pháp dứt bỏ mọi hý luận.
Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát làm thế nào để hành tâm từ?
Phật dạy: Không sinh tưởng chấp về chúng sinh.
Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát làm thế nào để hành tâm bi?
Phật dạy: Không sinh tưởng chấp về pháp.
Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát làm thế nào để hành tâm hỷ?
Phật dạy: Không sinh tưởng chấp về ngã.
Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát làm thế nào để hành tâm xả?
Phật dạy: Không sinh tưởng chấp về ta, người.
Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát làm thế nào an trú nơi sự tin tưởng?
Phật dạy: Tin nơi tất cả các pháp là không có ngôn ngữ.
Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát làm thế nào trú nơi văn tuệ?
Phật dạy: Không chấp trước nơi tất cả tên gọi của các pháp.
Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát làm thế nào để an trú nơi sự biết xấu hổ?
Phật dạy: Thấy, biết rõ về các pháp bên trong.
Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát làm thế nào để an trú nơi sự biết thẹn?
Phật dạy: Xả bỏ các nhập từ bên ngoài.
Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát làm thế nào để hành hóa khắp tất cả các nơi chôn công đức?
Phật dạy: Có thể làm thanh tịnh ba nghiệp thân, khẩu, ý.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:
Thân tịnh không lầm ác
Khẩu tịnh không nói dối
Tâm tịnh lìa cấu nhiễm
Là việc làm Bồ Tát.
Quán bất tịnh không tham
Hành từ không sân hận
Hành trí nên không si
Là việc làm Bồ Tát.
Như ở nơi thanh vắng
Hoặc ở với đại chúng
Oai nghi không thay đổi
Là việc làm Bồ Tát.
Tin biết pháp là Phật
Tin lìa danh là pháp
Tin vô vi là Tăng
Là việc làm Bồ Tát.
Biết chỗ dục dấy khởi
Cùng sân hận, ngu si
Khéo chuyển hóa được chúng
Là việc làm Bồ Tát.
Không nương vào Dục Giới
Không trú sắc, Vô Sắc
Hành thiền định như vậy
Là việc làm Bồ Tát.
Hiểu rõ các pháp không
Cùng vô tướng, vô nguyện
Nhưng không dứt các lậu
Là việc làm Bồ Tát.
Khéo biết thừa Thanh vân
Cùng thừa Bích Chi Phật
Thông tỏ nơi Phật thừa
Là việc làm Bồ Tát.
Hiểu rõ tất cả pháp
Chẳng nghi đạo, phi đạo
Thương, ghét tâm bình đẳng
Là việc làm Bồ Tát.
Nơi quá khứ, vị lai
Cùng với đời hiện tại
Tất cả không phân biệt
Là việc làm Bồ Tát.
Bấy giờ, Phạm Thiên Thắng Tư Duy bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát sống trong thế gian làm thế nào để vượt khỏi pháp thế gian và không bị pháp thế gian làm cấu nhiễm?
Bồ Tát khéo nhận biết các pháp thế gian đúng như thật tùy thuận pháp thế gian mà không tham đắm, để giáo hóa chúng sinh khiến họ xa lìa mọi hệ lụy, được thấy các pháp thế gian một cách bình đẳng, hành hóa nơi thế gian mà không hủy hoại pháp thế gian?
Đức Thế Tôn dùng kệ đáp: Ta nói thân năm ấm, nơi nương tựa chúng sinh không nương thân năm ấm thoát được pháp thế gian.
Bồ Tát có trí tuệ
Biết thật tánh thế gian
Tuy nương thân năm ấm
Mà không bị cấu nhiễm.
Được, mất và khen chê
Ca, trách cùng vui khổ
Đối với tám pháp ấy
Thường sai khiến người đời.
Bồ tát bậc đại trí
Biết đúng pháp thế gian
Tướng luôn bị hư hoại
Hành hóa không hề động.
Thắng lợi không tự cao
Thất bại không buồn chán
Tâm kiên trì bất động
Không vướng pháp thế gian.
Được mất và khen chê
Ca, trách cùng vui khổ
Đối với tám pháp ấy
Tâm luôn luôn bình đẳng.
Biết thế gian hư vọng
Nương hai điên đảo khởi
Bồ Tát hàng tuệ sáng
Không hành nẻo thế tục.
Đạo lý cửa thế gian
Bồ Tát đều biết rõ
Có thể ở thế gian
Độ chúng sinh dứt khổ.
Tuy sống trong cõi đời
Như hoa sen chẳng nhiễm
Không hủy hoại thế gian
Thông đạt tánh các pháp.
Phàm phu sống ở đời
Mà không biết thế gian
Bồ Tát hành chốn ấy
Biết rõ tướng thế gian.
Thế gian tướng hư không
Hư không cũng không tướng
Bồ Tát biết như vậy
Không nhiễm nơi thế tục.
Như những điều mình biết
Tùy theo đó diễn nêu
Biết thật tánh thế gian
Nên không làm tổn hại.
Năm ấm không tự tánh
Tức là tánh thế gian
Nếu ai không biết vậy
Luôn tự chấp thế gian.
Nếu thấy rõ năm ấm
Không sinh cũng không diệt
Người ấy hành theo đời
Không dựa nương thế tục.
Phàm phu không biết pháp
Ở đời dấy tranh cãi
Là thật hay không thật
Chấp vào hai tướng ấy.
Ta chẳng cùng với đời
Khởi mọi sự tranh chấp
Thật tướng của thế gian
Thảy đã nhận biết rõ.
Pháp Chư Phật thuyết giảng
Hoàn toàn không tranh cãi
Biết thế gian bình đẳng
Không thật không hư vọng.
Nếu quyết định pháp Phật
Có thật, có hư vọng
Đó tức là tham đắm
Cùng ngoại đạo không khác.
Mà nay trong Phật Pháp
Không thật, không hư vọng
Cho nên ta thường nói
Pháp xuất thế không hai.
Nếu người biết thế gian
Thật tánh là như vậy
Nơi thật, nơi hư vọng
Không chấp ác kiến ấy.
Như vậy biết thế gian
Thanh tịnh như hư không
Là bậc danh xưng lớn
Như mặt trời chiếu khắp.
Người nào thấy thế gian
Như những điều ta thấy
Những người đạt như vậy
Thấy được mười phương Phật.
Các pháp từ duyên sinh
Vốn không có định tánh
Nếu biết nhẫn duyên này
Tức đạt thật tướng pháp.
Nếu biết thật tướng pháp
Thì biết được tướng không
Nếu biết rõ tướng không
Tức là thấy Đạo Sư.
Nếu có người thấy được
Tướng thế gian như vậy
Tuy hành nơi thế gian
Mà chẳng trụ trong đó.
Nương chỗ thấy người thường
Việc này không thể rõ
Vì Sao sống ở đời
Mà không dựa thế tục.
Sau khi Phật diệt độ
Ưa thích pháp nhẫn này
Phật đối với người ấy
Thường hiện nơi thế gian.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Một - Kinh Tiểu Tụng - Chương Bốn - Nam Tử Hỏi ðạo
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Chánh Kiến
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh ấm
Phật Thuyết Kinh Bất Không Quyến Sách Thần Biến Chân Ngôn - Phẩm Bảy Mươi Mốt - Phẩm Pháp Cầu Mưa
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Kim Tỳ La
Phật Thuyết Kinh Vô Thượng Y - Phẩm Năm - Phẩm Việc Của Như Lai
Phật Thuyết Kinh Khai Giác Tự Tánh Bát Nhã Ba La Mật đa - Phần Bốn