Phật Thuyết Kinh Phạm Võng Phật Lô Xá Na - Phần Hai

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH

PHẠM VÕNG PHẬT LÔ XÁ NA 

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

PHẦN HAI  

Chư Phật xoa đầu các bậc Thánh, khuyến khích phát nguyện nhập vào tam muội ma đảnh, từ thần thông phóng ra hào quang chiếu soi quốc độ khắp mười phương, nhập vào oai thần của Phật.

Xuất ra nhập vào một cách tự tại, làm chấn động cả đại thiên Thế Giới, tâm địa vẫn bình thản không hai, không khác, nhưng chẳng phải trung quán mà biết đạo, do năng lực của tam muội nên nơi ánh sáng thấy được Chư Phật trong vô lượng cõi nước hiện đang thuyết pháp.

Khi đó, liền được tam muội xoa đảnh đầu chứng đắc địa hư không bình đẳng, pháp môn tổng trì, các hạnh của Bậc Thánh đều đầy đủ, mọi tâm đều hành trong không, các không tuệ.

trung đạo vô tướng chiếu soi nên tất cả tướng đều tiêu diệt, chứng đắc pháp môn tam muội Kim Cang, nhập vào tất cả hạnh môn, chứng nhập địa hư không bình đẳng như trong Kinh Phật Hoa có nói rộng.

Đức Phật Lô Xá Na nói với ngàn Đức Phật: Như trước các ông đã hỏi về ý nghĩa của mười địa là thế nào?

Này Phật Tử! Bồ Tát nhập vào địa thể tánh bình đẳng tuệ, là pháp chân thật hóa ra tất cả hạnh, bông hoa, ánh sáng đầy đủ.

Ở bốn cõi Trời, nhờ năng lực như lý, giáo hóa không bờ bến, đạt mười lực, thần thông, mười hiệu, mười tám pháp bất cộng, an trú trong Cõi Phật, vô lượng nguyện lớn, biện tài không sợ, tất cả luận.

Tất cả hành đều chứng nhập, sanh vào nhà Phật, an trú ở tánh của Phật, tất cả chướng ngại nhân quả phàm phu đều không thọ nhận, được an vui lớn, từ một Cõi Phật nhập vào vô lượng Cõi Phật, từ một kiếp nhập vào vô lượng kiếp.

Pháp không thể thuyết cũng có thể thuyết, lại chiếu soi thấy tất cả pháp, các pháp nghịch hay thuận đều thấy rõ, thường nhập vào hai đế an trú trong đệ nhất nghĩa đế, dùng một trí biết rõ mười địa, thứ tự mỗi việc để giáo hóa chúng sanh, tâm thường ở trung đạo. Dùng một trí biết tất cả phẩm thù thắng trong Cõi Phật và sự thuyết pháp của Ngài nhưng thân tâm không thay đổi.

Dùng một trí biết về mười hai nhân duyên, mười loại tánh ác thường an trú ở đạo thiện. Dùng một trí thấy được hai tướng hữu, vô. Dùng một trí biết nhập mười chi hành thiền, ba mươi bảy phẩm trợ đạo khéo hiện sắc tâm trong sáu đường.

Dùng một trí biết được các sắc trong mười phương, mỗi mỗi đều phân biệt rõ, thọ nhận quả báo của sắc, tâm không bị trói buộc, ánh sáng chiếu khắp nên tín nhẫn vô sanh, không tuệ thường hiện trước mắt, từ một địa, hai địa cho đến Cõi Phật, trong thời gian đó các pháp môn đều được thực hành.

Tóm lại, hạnh nguyện nơi biển tạng công đức của địa bình đẳng được trình bày ở đây như một giọt nước trên đầu sợi lông ở trong biển.

Này Phật Tử! Bồ Tát ở địa thể tánh thiện tuệ thanh tịnh, thấu suốt các thiện căn là tuệ từ bi hỷ xả.

Tất cả công đức vốn từ quán đầu tiên nhập vào trí tuệ không lớn, trong phương tiện đạo trí thấy các chúng sanh là khổ đế đều có tâm thức, dao gậy của ba đường ác, tất cả duyên khổ não đều do thức sanh gọi là khổ đế. Ba tướng của khổ đế là như thân cảm giác từ dao, gậy, thân sắc ấm trong hai duyên này mà sanh ra cảm giác gọi là duyên hành khổ.

Tiếp đến, tâm nhờ sự nhận biết của thân và cảnh đã duyên do dao gậy và các vết thương tổn ở thân, nên cảm giác duyên khổ khổ, gọi là khổ khổ vì chồng chất lên nên gọi là khổ khổ.

Tiếp đến cảm giác của hai tâm thọ, hành hướng tới sự tổn thương hư hoại của thân sắc ấm, sanh ra cảm giác khổ gọi là duyên hoại khổ. Đây là do ba cảm giác theo thứ tự sanh ra ba tâm nên bị khổ, tất cả đều có trong tâm chúng sanh.

Thấy biết ba khổ sanh khởi vô lượng nhân duyên khổ não nên ta ở trong đó thể nhập tam muội để giáo hóa, thị hiện tất cả sắc thân trong sáu đường, mười loại biện tài giảng thuyết các pháp môn, nghĩa là đầy đủ khổ thức, duyên khổ, duyên nơi dao gậy.

Khổ thức là thân hành bị thương tổn hủy hoại, mọi tiếp xúc trong ngoài, hoặc đủ hoặc không đủ, đủ hai duyên sanh ra thức, thức tạo tác thức thọ nhận các sự tiếp xúc của thức nên gọi là khổ thức.

Vì hiện hành hai duyên nên tâm duyên sắc, khi tâm tiếp xúc mọi phiền não độc hại xúc não gọi là khổ khổ. Tâm ban đầu duyên với thức ở nơi cảm giác của căn gọi là khổ giác. Tâm tạo tác, tâm lãnh thọ, cảm giác về xúc thức khi chưa thọ nhận, nhận các phiền não độc hại gọi là hành khổ.

Bức bách sanh khởi cảm giác như đống lửa trong thân tâm, niệm niệm sanh diệt, thân bị hủy hoại thay đổi tan biến, thức nhập vào duyên hoại, do duyên tích tập, tâm bị tán loạn, tâm khổ não, thọ nhận duyên của niệm sau, nên tâm chấp trước không xả bỏ, gọi là hoại khổ. Đó là tất cả khổ đế trong ba cõi.

Lại quán chiếu vô minh tích chứa vô lượng tâm tạo các nghiệp liên tục không ngừng, tích tập nhiều nhân gọi là tập đế. Thấy biết chân chánh, giải thoát không, không trí đạo tâm tâm, gọi là trí đạo đạo đế.

Diệt hết các quả báo hữu, nhân hữu, thể tánh chiếu sáng thanh tịnh, trí nhiệm mầu vắng lặng nhất đế. Phẩm tuệ đầy đủ gọi là căn. Tất cả tánh tuệ khởi phát không nhập vào quán là thiện căn đầu tiên.

Quán thứ hai là xả tất cả tham đắm, thực hành xả tất cả đều bình đẳng không, vô duyên mà quán các pháp là một tướng của cõi không. Ta quán các cõi ở mười phương đều là thân trước của ta đã ở đó. Nước trong biển lớn là ta, nên nước ở tất cả kiếp hỏa là ta, thân tướng của ta đã ở nơi chốn lửa đó.

Tất cả ngọn gió là ta nên ta hít thở khí đó. Hôm nay ta nhập vào địa này, pháp thân đầy đủ bỏ thân cũ của ta hoàn toàn không thọ thân cũ bốn đại phân đoạn, không trong sạch, gọi là đầy đủ phẩm xả.

Quán thứ Ba là đối với tất cả chúng sanh đã hóa độ là sự an vui của hàng Trời, người, sự an vui của mười địa, sự an vui xa lìa sự sợ hãi của mười điều ác, sự an vui được trong tam muội Diệu hoa cho đến sự an vui của Phật. Quán đầy đủ như thế là viên mãn phẩm Từ.

Bấy giờ, Bồ Tát an trú trong địa này không còn si, không tham, không sân, thể nhập vào một đế trí bình đẳng, gốc của tất cả hạnh đi đến các Thế Giới Chư Phật, thị hiện vô lượng pháp thân như phẩm Nhất thiết chúng sanh Thiên hoa đã trình bày.

Này Phật Tử! Bồ Tát ở địa thể tánh Quang minh, nhờ thiền định đạt được trí, biết rõ những pháp môn của Chư Phật nơi ba đời, phẩm mười hai pháp, danh vị, cú, gồm có: Trùng Tụng, Ký Biệt, Trực Ngữ, Kệ, Bất Thỉnh Thuyết, Luật Giới, Thí Dụ, Cõi Phật, Sự Tích, Phương Chánh, Vị Tằng Hữu, Đàm Thuyết.

Đây là sự khác biệt danh, thể tánh của pháp, và đệ nhất nghĩa, là những danh, vị, cú mà nói tất cả pháp hữu vi, từng phần thọ sanh, ban đầu thức nhập vào bào thai, bốn đại thuộc về sắc tâm, đều tăng trưởng gọi là sáu trụ ở trong căn, phát sanh thật giác chưa phân biệt về khổ, vui gọi là xúc thức.

Lại hiểu rõ về khổ, vui, khổ khổ vui gọi là ba thọ, liên tục tham chấp thọ vô cùng, rồi muốn có ngã kiến giới thủ, thiện, ác, thức bắt đầu gọi là sanh, thức cuối cùng gọi là chết. Mười phẩm này là quả báo, nhân duyên, khổ ở hiện tại, mà quán là trong hành tướng mà nói.

Ta từ lâu đã xa lìa, chúng không có tự thể tánh riêng, nên ta nhập vào quang minh thần thông, tổng trì biện tài, mỗi tâm hành rỗng lặng, mà thị hiện trong các Cõi Phật khắp mười phương, từ một kiếp biến hóa thành trăm, ngàn kiếp, sống trong đất nước đó, dùng thần thông đến trước Đức Phật đảnh lễ lãnh thọ, thưa hỏi pháp.

Lại thị hiện thân trong sáu đường, trong một âm thanh thuyết giảng vô lượng pháp, chúng sanh đều được nghe những pháp mình muốn, tất cả âm thanh đều thuyết về khổ, không, vô thường, vô ngã, cõi nước khác nhau nên thân, tâm biến hóa cũng khác.

Trong địa diệu hoa quang minh này chỉ trình bày tóm lược như trên đầu sợi lông, phẩm pháp và phẩm giải thích quán các pháp môn một ngàn tam muội đã thuyết giảng.

Này Phật Tử! Bồ Tát ở trong địa thể tánh nhĩ chân diệm tục là không đoạn, không thường, tức là sanh trụ, diệt cùng một đời, cùng thời, cùng hoàn cảnh, vì các loài khác nhau nên sự thị hiện khác nhau.

Nhân duyên trung đạo chẳng phải một, chẳng phải hai, chẳng phải thiện, chẳng phải ác, chẳng phải phàm phu, chẳng phải Phật, Cõi Phật cõi phàm đều là một. Đây gọi là Thế đế. Bồ Tát dùng trí đạo để quán phẩm huyền định không phải một cũng không phải hai.

Nghĩa là Đức Phật dạy tâm tu tập, nhận biết ban đầu là nhân của định gồm: Tín giác, tư giác, tịnh giác, thượng giác, niệm giác, tuệ giác, quán giác, ỷ giác, lạc giác, xả giác, mỗi một phẩm là đạo phương tiện.

Tất cả tâm đều thể nhập vào quả của định, người an trú trong định này, trí tuệ sáng suốt biết rõ các hành là không, nếu khởi và nhập định niệm, sanh ra tâm tịnh, sanh tâm ái thuận theo pháp của đạo giáo hóa chúng sanh, gọi là nhẫn pháp lạc, nhẫn trụ, nhẫn chứng, nhẫn tịch diệt.

Nên Chư Phật ở trong tam muội quang quang hoa thị hiện vô lượng Đức Phật lấy tay xoa đầu, một âm thanh thuyết pháp phát ra trăm ngàn tiếng mà không xuất khởi định, an trụ trong định.

Thích vị thiền định an lạc, chấp vào định, tham muốn định, an trú trong định từ một kiếp cho đến ngàn kiếp, thấy Phật ngồi tòa hoa sen thuyết pháp trăm pháp môn, người này an trú trong định cúng dường nghe pháp một kiếp.

Khi ấy trong ánh sáng của Chư Phật ở đỉnh đầu phát ra khởi tướng xuất phẩm định, tướng tấn tới, tướng đi đến nên không bị chìm lắng, không thối lui, không rơi rớt, không dừng nghỉ.

Nhẫn thượng lạc của pháp tam muội đảnh, diệt trừ tất cả, tức là thể nhập tất cả Cõi Phật, tu tập vô lượng công đức, mỗi một hành đều sáng tỏ, thể nhập phương tiện thiện xảo, để giáo hóa chúng sanh khiến cho họ thấy được thể tánh thường, lạc, ngã, tịnh của Đức Phật.

Người này sanh ra an trú vào địa ấy, tu tập các pháp môn, dần dần quán sự sâu xa vi diệu, như hoa giữa hư không, khi đó trí tuệ nhập vào thể tánh trung đạo, thành tựu tất cả pháp môn, giống như phẩm Kim Cang thượng nhật nguyệt đạo, đã nói rõ nghĩa này.

Này Phật Tử! Bồ Tát ở địa thể tánh tuệ chiếu, trong pháp có mười phẩm loại lực sanh, phát khởi lên tất cả hạnh công đức, nhờ trí tuệ phương tiện biết rõ hai việc làm thiện, ác khác nhau. Phẩm xứ lực là năng lực trí biết rõ sự tạo tác của thiện và ác.

Phẩm dục lực là năng lực biết được tất cả sự mong cầu nhân quả của chúng sanh sanh trong sáu đường. Phẩm tánh lực là năng lực biết rõ căn tánh trong sáu đường khác biệt không giống nhau. Phẩm căn lực là năng lực biết nguồn gốc các thiện, ác đều không giống nhau.

Phẩm định lực là năng lực biết rõ định sai lầm, định chân chánh hay không phải định. Phẩm đạo lực là năng lực biết rõ tất cả nhân quả liên tục, nhân nào theo quả ấy, quả nào theo nhân đó.

Phẩm thiên nhãn lực là năng lực của năm nhãn biết được các pháp và tất cả sự thọ sanh. Phẩm túc thế lực là năng lực biết rõ các việc trong trăm kiếp. Phẩm giải thoát lực là năng lực biết được phiền não và vô minh của chúng sanh đã đoạn trừ.

Đây là mười phẩm trí lực. Trí lực này biết rõ sự tu tập nhân quả của mình và sự khác biệt nhân quả của chúng sanh nên thân, miệng, ý sử dụng có khác, từ cõi tịnh thành cõi ác, từ cõi ác làm cõi cực lạc. Có thể chuyển thiện thành ác, chuyển ác thành thiện.

Sắc thành phi sắc, phi sắc thành sắc. Từ nam thành nữ, từ nữ thành nam. Từ sáu đường trở thành chẳng phải sáu đường, chẳng phải sáu đường trở thành sáu đường, cho đến đất, nước, lửa, gió thành chẳng phải đất, nước, lửa, gió.

Khi ấy, người này dùng năng lực phương tiện lớn, theo tất cả chúng sanh mà hiện ra không thể nghĩ bàn, những địa ở dưới, mọi việc cất chân để xuống không ai có thể nhận biết được. Vị này trí tuệ sáng suốt, rộng lớn dần dần tiến đến từng phần trí, sáng suốt nhiều vô lượng, không thể nói, không thể diễn tả, pháp môn hiện ra trước mắt.

Này Phật Tử! Bồ Tát ở nơi địa thể tánh ở hoa quang, là có thể ở trong tất cả Thế Giới, phẩm mười thần thông minh trí. Do thị hiện tất cả chúng sanh biến hóa đủ loại.

Do thiên nhãn minh trí mà biết được tất cả sắc như vi trần trong các cõi nước nơi ba đời, tất cả trở thành thân chúng sanh trong sáu đường, mỗi một thân có các sắc nhỏ như vi trần trở thành sắc lớn, biết rõ ràng.

Do thiên nhĩ trí nên biết được những tiếng khổ vui của chúng sanh trong sáu đường, ba đời mười phương, chẳng phi âm, chẳng phi thanh, tất cả đều là tiếng pháp.

Do thiên thân trí nên biết được tất cả sắc, sắc hay phi sắc, hình tướng phi nam hay phi nữ, ở trong một niệm biến hóa thân nhiều như vi trần trong các cõi nước lớn nhỏ, vô lượng kiếp ở các cõi ba đời, khắp mười phương.

Do thiên tha tâm trí mà biết được sự sanh khởi trong tâm của chúng sanh nơi ba đời, biết những việc thiện, ác, khổ, vui, nhớ nghĩ trong tâm và tâm sở của tất cả chúng sanh thuộc sáu đường, mười phương.

Do thiên nhân trí nên biết rõ thọ mạng, khổ vui ở đời trước của các chúng sanh trong cõi nước nơi ba đời mười phương, biết hết thọ mạng tiếp nối một trăm kiếp.

Do thiên giải thoát trí mà biết rõ chúng sanh ở ba đời mười phương được giải thoát, đoạn trừ tất cả phiền não, hoặc nhiều hoặc ít, từ địa thứ nhất đến địa thứ mười, tất cả phiền não đều diệt sạch.

Do thiên định tâm trí nên biết được tâm chúng sanh trong các cõi nước ba đời mười phương, định không phải định, chẳng phải định chẳng phải không định, khởi lên phương pháp về định được tóm thâu trong một tam muội cho đến trăm tam muội.

Do thiên giác trí nên biết được tất cả chúng sanh đã thành Phật, chưa thành Phật, cho đến những tâm của mọi người trong sáu đường cũng biết được tâm của Chư Phật nơi mười phương đã thuyết pháp. Do thiên niệm trí nên biết được thọ mạng của chúng sanh dài, ngắn trong tiểu kiếp, đại kiếp, trăm kiếp hay ngàn kiếp.

Do thiên nguyện trí nên biết rõ tất cả chúng sanh, mười địa của Hiền Thánh, ba mươi tâm trung, tất cả hạnh nguyện, hoặc cầu khổ vui, hoặc pháp, phi pháp, tất cả mười cầu nguyện, trăm ngàn đại nguyện đều đầy đủ.

Người an trú trong địa này, trong mười thần thông sáng suốt nên hiện ra vô lượng dụng phân biệt của thân, miệng, ý nói về công đức của địa trong trăm ngàn vạn kiếp cũng không cùng tận, đã được Đức Phật Thích Ca tóm lược, trình bày nơi phẩm thần thông minh như đã nói trong phẩm quán mười hai nhân duyên.

Này Phật Tử! Bồ Tát ở địa thể tánh mãn túc, thể nhập vào phẩm thập bát Thánh Nhân trí, ở trong pháp này, những địa ở dưới không đồng chung được.

Nghĩa là thân không còn phiền não, miệng không tạo tội lỗi, ý không còn vọng niệm, xa lìa tám pháp, xả bỏ các pháp, thường an trú nơi tam muội, sáu phẩm đầy đủ đi vào địa.

Từ trí này sanh ra sáu loại trí, vì kết sử tập khí cuối cùng nơi ba cõi không thọ nhận nên dục tâm đầy đủ công đức, tất cả pháp môn, sự mong cầu được thành tựu, nên tấn tâm đầy đủ.

Tất cả sự vận hành của pháp, tất cả việc đời, tất cả việc của chúng sanh đều do trong một tâm cùng một lúc mà biết được, nên niệm tâm được đầy đủ.

Các pháp của chúng sanh nơi sáu đường thuộc tướng của hai đế này, do trí tuệ đầy đủ biết rõ các vị ở mười phát thú, cho đến Chư Phật không còn bị trói buộc, không còn tích tập nên được giải thoát hoàn toàn, tất cả chúng sanh này biết được người khác, mình và đệ tử của ta không còn tội lỗi, các phiền não, nhờ trí tuệ nên biết được thân người khác hoàn toàn giải thoát.

Vị này nhập vào sáu minh trí đầy đủ liền phát sanh trí tuệ, hiện thân tùy theo tâm hành của chúng sanh trong sáu đường, dùng biện tài thuyết vô lượng pháp môn, giáo hóa tất cả chúng sanh, tùy theo tâm hành của chúng sanh thường thể nhập vào tam muội, nên đại địa nơi mười phương đều chấn động, biến hóa khắp hư không, có thể làm cho tâm của chúng sanh tu tập.

Nhờ trí tuệ hoàn hảo, thấy được Đức Phật ra đời trong nhiều kiếp ở quá khứ, cũng dạy bảo chúng sanh, nhờ trí tuệ không vướng mắc nên hiện tại thấy tất cả Chư Phật Trong các cõi khắp mười phương, các hành nơi tất cả tâm và tâm sở của chúng sanh.

Do trí thần thông biết Chư Phật ra đời trong các kiếp ở vị lai, tất cả chúng sanh được nghe pháp của Đức Phật nên an trú trong tam muội tâm tâm của mười tám bậc Thánh Nhân.

Quán các sắc nhiều như vi trần trong ba cõi là thân của ta, hết thảy chúng sanh là cha mẹ của ta nhập vào địa này, tất cả công đức, năng lực thần thông.

Mọi việc làm của Chư Phật cho đến các pháp trong địa thứ tám, địa thứ chín, ta đều đã thể nhập nên ở trong các Cõi Phật Thị hiện thành Phật chuyển pháp luân, giáo hóa, nhập Niết Bàn, thị hiện đến các cõi nước ở phương khác qua ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai.

Này Phật Tử! Bồ Tát ở địa thể tánh Phật hống nhập vào tam muội của địa vị Pháp Vương, trí này như Phật. Vì là tam muội Phật hống nên có mười phẩm môn định ánh sáng lớn thường hiện ra, bông hoa, ánh sáng, âm thanh nhập vào tam muội tâm.

Các tuệ không ấy là môn tuệ của nội không, môn tuệ ngoại không, môn tuệ hữu vi không, môn tuệ vô vi không, môn tuệ tánh không, môn tuệ vô thỉ không, môn tuệ Đệ nhất nghĩa không, môn tuệ không không.

Không không lại là môn tuệ không, là môn tuệ không không. Mười môn tuệ không như vậy, các địa dưới không biết, như hư không bình đẳng không thể nói được.

Đạo trí thần thông chỉ dùng một niệm trí biết sự khác nhau của các pháp, nhập vào vô lượng Cõi Phật, được ở trước quý Ngài thưa hỏi thọ nhận Phật Pháp, rồi đem pháp đó giảng cho các chúng sanh.

Ban thuốc pháp cho chúng sanh, làm bậc thầy lớn dẫn đường, phá diệt bốn loại ma, biến hóa nhiều pháp thân để nhập vào Cõi Phật.

Làm vô số Phật ở trong địa thứ chín, địa thứ mười nuôi lớn pháp thân, trăm ngàn môn Đà La Ni, trăm ngàn môn tam muội, trăm ngàn môn Kim Cang, trăm ngàn môn thần thông, trăm ngàn môn giải thoát, như là trong trăm ngàn môn hư không bình đẳng, làm vị đại tự tại.

Chỉ trong một niệm, một chốc lát đối với một kiếp cho là chẳng phải kiếp, chẳng phải kiếp cho là kiếp. Chẳng phải đạo cho là đạo, đạo cho là chẳng phải đạo.

Chẳng phải chúng sanh trong sáu đường cho là chúng sanh trong sáu đường. Chúng sanh trong sáu đường cho là chẳng phải chúng sanh trong sáu đường. Chẳng phải Phật cho là Phật, Phật cho là chẳng phải Phật, ra vào trong tam muội thể tánh của Chư Phật.

Lại chiếu thuận theo hay trái nghịch, chiếu trước hay sau, chiếu nhân duyên hay quả báo, chiếu không hay có, chiếu vào đệ nhất nghĩa trung đạo. Đó là trí tuệ chỉ đến địa thứ tám mới chứng được, còn những địa dưới thì không bằng.

Không động chuyển, không đến đi, không ra vào, không sanh diệt là phẩm pháp môn của địa này, nhiều vô lượng không thể nghĩ bàn. Hôm nay, ta chỉ khai thị một cách tóm tắt, chỉ bằng đầu sợi lông về địa này trong trăm ngàn phần của phẩm địa, như đã nói rõ trong phẩm La Hán.

Này Phật Tử! Bồ Tát ở địa thể tánh Phật hoa nghiêm dùng tam muội Phật oai nghi Như Lai mà được tự tại bậc nhất trong các định tối thượng, xuất nhập tùy ý trong các thời ở ba ngàn Thế Giới khắp mười phương, trong trăm ức ngày tháng, trăm ức thiên hạ, một khi thành quả Phật chuyển bánh xe pháp cho đến diệt độ.

Tất cả Phật sự dùng trong một niệm cùng thời thị hiện sắc thân để giáo hóa chúng sanh có đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, tự tại an lạc như hư không, vô lượng lòng đại bi tướng tốt tuyệt hảo sáng tỏ, chẳng phải Trời, chẳng phải người, chẳng phải đạo.

Tất cả pháp bên ngoài thường thực hành sáu đạo, thị hiện vô lượng thân, miệng, ý để thuyết giảng vô lượng pháp môn, có thể chuyển từ cảnh giới của ma nhập vào cảnh giới của Phật, từ Cõi Phật có thể vào cảnh giới của ma.

Lại chuyển từ những cái thấy biết thành tri kiến của Phật, từ tri kiến của Phật vào các sự thấy biết, từ tánh Phật vào tánh chúng sanh, từ tánh chúng sanh vào tánh Phật.

Người ở địa này ánh sáng chiếu rực rỡ, trí tuệ chiếu tỏ sáng rực như đèn, bốn vô sở úy, vô lượng pháp như mười lực, mười tám pháp bất cộng, giải thoát Niết Bàn vô vi, nhất đạo thanh tịnh, với tất cả chúng sanh làm cha mẹ, anh em, vì họ mà thuyết giảng pháp vô cùng, trong nhiều kiếp chứng được đạo quả.

Lại thị hiện trong các cõi làm người thân với chúng sanh như cha mẹ, hay người thân với Thiên Ma ngoại đạo như cha mẹ, an trú trong địa này từ sanh tử vô cùng đến quả vị Kim Cang vô tận, chỉ trong một niệm thị hiện những việc như vậy, nên có thể nhập vào vô lượng cõi chúng sanh, vô lượng như thế, tóm lược mà nói chỉ như một giọt nước ở biển.

Này Phật Tử! Bồ Tát nhập vào địa thể tánh Phật giới, trí tuệ lớn như hư không, không lại không, không lại không, tánh như hư không, trí tuệ bình đẳng như tánh của Như Lai.

Đạt mười phẩm công đức đầy đủ, đồng một tướng hư không, thể tánh vô vi, thể của hư không đồng với tánh của pháp, nên gọi là Như Lai, tùy thuận bốn đế, hai đế, diệt trừ tất cả pháp khổ sanh tử nuôi dưỡng pháp thân, không hai gọi là Ứng Cúng.

Vị này thị hiện tất cả việc làm trong khắp các Thế Giới, trí chân chánh, trí bậc Thánh giải thoát, biết rõ tất cả pháp hữu vô, căn tánh của các chúng sanh nên gọi là Chánh Biến Tri, sáng suốt tu tập thành tựu quả Phật đầy đủ gọi là Minh Hạnh Túc.

Thiện thệ là pháp Phật Trong ba đời đồng với pháp của Đức Phật Trước, Đức Phật đã vượt qua hoàn toàn cùng đến tất cả gọi là Thiện Thệ. Vị này tu tập những công đức trên nhập vào thế gian giáo hóa chúng sanh, khiến chúng sanh giải thoát tất cả những phiền não trói buộc, gọi là Thế Gian Giải Thoát.

Vị này đối với tất cả pháp tối thượng thể nhập vào oai nghi thần lực của Đức Phật như chỗ hành Phật Bồ Tát để giải thoát cho thế gian gọi là Vô Thượng Sĩ. Điều phục được tất cả chúng sanh gọi là trượng phu. Giáo hóa hàng Trời, người và tất cả chúng sanh, thưa hỏi thọ nhận pháp nên gọi là Thiên Nhân Sư.

Tánh của Đức Phật vi diệu không hai, giác tánh nhiệm mầu luôn luôn tròn đầy, tất cả chúng sanh đều lễ bái, tôn kính gọi là Phật Thế Tôn. Tất cả người thưa hỏi, lãnh thọ, giáo hóa gọi là địa Phật. Trong địa này tất cả Thánh Nhân đều nhập vào một nơi gọi là địa Phật giới.

Bấy giờ, trên tòa hoa sen báu, tất cả đều được thọ ký vui mừng, pháp thân Đức Phật lấy tay xoa đảnh đầu, tất cả đều đồng thấy, đồng học, các Bồ Tát đồng thanh tán thán, tất cả Chư Phật, Bồ Tát trong trăm ngàn ức Thế Giới cùng thời vân tập, thỉnh Đức Phật chuyển pháp luân không thể thuyết về pháp môn hư không tạng hóa tạng.

Địa này không thể nói, phẩm pháp môn kỳ diệu, pháp môn tam muội kỳ diệu ba minh, pháp môn Đà La Ni, chẳng phải những địa dưới theo tâm thức của phàm phu có thể biết được, chỉ có vô lượng thân, miệng, ý của Chư Phật mới biết được tận nguồn gốc như trong phẩm Quang Âm Thiên đã nói về mười vô úy cùng với Phật đạo không khác.  

PHẨM MƯỜI

GIỚI TÂM ĐỊA BỒ TÁT  

Bấy giờ, Đức Phật Lô Xá Na khai thị tóm tắt cho đại chúng, chỉ bằng đầu sợi lông, về pháp môn tâm địa, một trong các pháp môn, số lượng nhiều đến không thể nói hết, như cát của trăm ngàn sông Hằng. Pháp môn này, tất cả Chư Phật ở quá khứ đã nói, Chư Phật ở vị lai sẽ nói, Chư Phật ở hiện tại đang nói. Tất cả Bồ Tát trong ba đời đã học, sẽ học, đang học.

Như Lai đã trải qua trăm kiếp tu hành tâm địa ấy, danh hiệu là Lô Xá Na. Nay chư vị Phật Đà, các vị hãy chuyển pháp môn Như Lai đã nói cho tất cả chúng sanh, khai thị tâm địa cho họ.

Khi ấy, trên tòa sư tử, ánh sáng chiếu rực rỡ ở đài Liên hoa, tức Thế Giới Hoa Tạng, đức Lô Xá Na phóng ra ánh sáng, khuyến cáo ngàn Đức Phật Trên một ngàn cánh hoa: Các vị hãy đem phẩm pháp môn Tâm địa của Như Lai mà đi, nói lại tuần tự phẩm ấy cho ngàn, trăm, ức đức Thích Ca cùng tất cả chúng sanh.

Với lời khuyến cáo: Các người hãy thọ trì, đọc tụng, nhất tâm thực hành.

Lúc đó, ngàn Đức Thích Ca trên ngàn cánh hoa, ngàn trăm ức Thích Ca đứng dậy từ tòa sư tử rực rỡ ở Thế Giới Hoa Tạng, các vị từ thân đều phát ra ánh sáng không thể nghĩ bàn, hóa hiện vô số Đức Phật, đồng thời dùng vô lượng sắc hoa xanh, vàng, đỏ, trắng dâng cúng Đức Phật Lô Xá Na, tiếp nhận và ghi nhớ phẩm pháp môn tâm địa mà Ngài đã tuyên thuyết.

Các Đức Phật Từ Thế Giới Hoa tạng liên hoa ẩn đi, rồi nhập vào Định Hoa quang của thể tánh thanh tịnh như hư không, trở lại nơi cây Bồ Đề ở châu Diêm Phù Đề của Thế Giới mình, xuất khỏi tam muội Hoa quang thể tánh như hư không, ngồi trên tòa Kim Cang có ngàn ánh sáng.

Tại giảng đường Diệu Quang thuyết giảng về mười biển Thế Giới, rời tòa ấy đến cung Đế Thích nói về mười trụ, rời chỗ ấy đến Diệm Thiên nói về mười hạnh, đến cõi Trời thứ tư là Đâu Suất nói về mười hồi hướng, đến cõi Trời Hóa Lạc thuyết về mười định, đến cõi Trời Tha Hóa nói về mười địa.

Lại đến thiền thứ nhất nói về mười Kim Cang, đến thiền thứ hai nói về mười nhẫn, đến thiền thứ ba nói về mười nguyện, đến Cung Thiên Vương Ma Hê Thủ La thuộc thiền thứ tư nói lại phẩm Phổ Môn tâm địa, chính là Đức Lô Xá Na ở Thế Giới Hoa Tạng đã nói. Ngàn trăm ức đức Thích Ca khác cũng nói như vậy không khác, như phẩm Hiền kiếp đã nêu rõ.

Lúc này, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đầu tiên hiện ra từ Thế Giới Liên Hoa Tạng hướng về phía Đông đi vào cung Thiên Vương nói xong Kinh Ma thọ hóa, liền hạ sanh ở nước Ca Di La thuộc Châu Nam Diêm Phù Đề.

Mẹ là hoàng hậu Ma Da, cha là hoàng đế Bạch Tịnh, Như Lai tên Tất Đạt, bảy tuổi xuất gia, thành đạo lúc ba mươi tuổi, danh hiệu Thích Ca Mâu Ni, ngồi Tòa Kim Cang hoa quang ở đạo tràng vắng lặng, đến Cung Thiên Vương Ma Hê Thủ La, tuần tự thuyết cả mười trụ xứ.

Khi đó, Đức Phật nhìn thấy màng lưới của các Đại Phạm Thiên Vương, nhân đấy nên nói: Vô lượng Thế Giới in như mắt lưới.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường