Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Hai Mươi Năm - Phẩm An Ninh - Thí Dụ Bốn Mươi Chín

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Cự, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH PHÁP CÚ THÍ DỤ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Cự, Đời Tây Tấn  

PHẨM HAI MƯƠI NĂM

PHẨM AN NINH  

THÍ DỤ BỐN MƯƠI CHÍN  

Thuở xưa, Đức Phật trú tại Tinh Xá thuộc nước Xá Vệ. Lúc ấy, có bốn vị Tỳ Kheo ngồi dưới một cội cây cùng bàn với nhau về việc trên đời này, cái gì khổ nhất.

Một người nói: Cái khổ trong đời không gì hơn dâm dục.

Một người khác nói: Sân hận mới là cái khổ lớn nhất.

Người thứ ba bảo: Đói khát là cái khổ lớn nhất.

Người còn lại bảo: Kinh sợ mới là cái khổ lớn nhất. Vì bất đồng ý kiến, họ cứ tranh luận mãi với nhau về ý nghĩa của chữ khổ không dứt.

Đức Phật biết việc này bèn đến đó hỏi: Các ông đang tranh luân với nhau về việc gì?

Các Tỳ Kheo liền đứng dậy làm lễ, trình bày những điều đang bàn luận.

Đức Phật bảo: Này các Tỳ Kheo, các ông đang bàn luận chưa cùng tột hết ý nghĩa của chữ khổ. Cái khổ trong đời không gì hơn có thân. Tất cả việc đói khát, nóng lạnh, sân hận, kinh sợ, sắc dục, oán họa đều do có thân. Thân là gốc cái khổ, nguồn tai họa, gây nên lao tâm mệt trí, lo sợ đủ điều.

Vì nó mà chúng sinh trong tam giới máy cựa tàn hại lẫn nhau. Chấp ngã buộc ràng, sinh tử không dứt đều do nơi thân. Vì vậy muốn xa lìa được cái khổ trong đời phải cầu tịch diệt.

Nếu nhiếp tâm giữ gìn theo đạo chánh, không khởi những vọng tưởng sai lầm có thể đạt được Niết Bàn. Đây chính là chỗ vui nhất.

Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói kệ:

Nóng không gì hơn dâm

Độc không gì hơn giận

Khổ không gì hơn thân

Vui, Niết Bàn trên hết.

Không ham mê vui nhỏ

Luận nhỏ và tuệ nhỏ

Xét tìm điều to lớn

Mới được an lạc lớn.

Ta là Bậc Thế Tôn

Giải thoát không ưu não

Đi thẳng qua ba cõi

Hàng phục được chúng ma.

Đức Phật nói kệ xong, bảo các Tỳ Kheo: Cách đây vô số kiếp về thuở quá khứ, có một vị Tỳ Kheo đã đắc ngũ thông tên là Tinh Tấn Lực tu tịch tịnh dưới gốc cây trong núi cầu đắc đạo. Lúc ấy có bốn loại chim thú nương theo bên cạnh, nên cũng được an ổn. Đó là bồ câu, quạ, rắn độc và nai.

Bốn con này ban ngày đi kiếm ăn, đêm lại trở về một chỗ.

Có một đêm bốn con lại tự hỏi với nhau: Trong đời điều gì là khổ nhất?

Quạ bảo: Đói khát là khổ nhất, vì đói khát thân yếu mắt mờ, tinh thần bất an, lao mình vào lưới, không ngại gươm đao. Chúng tôi sở dĩ mất mạng do đây mà ra. Vì vậy nên đói khát là khốn khổ nhất.

Chim bồ câu nói: Dâm dục là khổ nhất. Sắc dục lừng lẫy che mờ tâm tánh. Nó khiến người ta bị nguy thân mất mạng.

Rắn độc bảo: Nóng giận là khổ nhất. Ý độc ác vừa dấy khởi thì không kể gì thân sơ, có thể giết người cũng có thể giết mình.

Nai nói: Sợ hãi là khổ nhất. Bọn tôi đi trong rừng hoang tâm luôn bất an, sợ gặp thợ săn và lũ sài lang. Hơi nghe động đậy đã phóng mình chạy, có lúc phải sa xuống hố, nên mẹ con phải bỏ nhau, sợ nát gan vỡ mật. Do đó sợ hãi là khổ nhất.

Vị Tỳ Kheo đó nghe vậy liền bảo với bọn chúng: Chỗ các ngươi bàn luận chỉ là ngọn ngành, mà chưa xét đến được cái gốc của khổ. Cái khổ trong đời không có gì hơn thân. Thân là món đồ chứa khổ, lo sợ vô lượng. Ta vì lẽ này mà xả tục học đạo, điều phục vọng tưởng, không tham chấp tứ đại.

Muốn chấm dứt gốc khổ phải để tâm nơi Niết Bàn. Đạo Niết Bàn vắng lặng không hình, mãi mãi không có ưu hoạn, là chỗ đại an lạc. Bốn con vật nghe xong, tâm ý mở tỏ.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Vị Tỳ Kheo ấy chính là ta ngày nay. Bốn con vật thuở đó chính là bốn vị các người. Đời trước các vị đã từng nghe được ý nghĩa của gốc khổ, sao hôm nay lại còn tranh cãi như thế.

Các Tỳ Kheo nghe xong hổ thẹn tự trách, đắc quả A La Hán ngay trước Phật.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần