Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Hai - Phẩm Quyết định được Thọ Ký - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
PHẬT THUYẾT
KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
PHẨM HAI
PHẨM QUYẾT ĐỊNH ĐƯỢC THỌ KÝ
PHẦN MỘT
Bấy giờ ở phía Nam Tuyết Sơn của nước này có một vị Phạm Chí tên là Trân Bảo, xuất thân từ dòng Bà La Môn thanh tịnh, từ bảy đời Tổ Tiên đến nay chưa có ai làm những việc tầm thường nhơ bẩn, chưa từng có một kẻ nào dám chê bai hủy báng.
Dòng họ này đều được những nhà trí thức ca ngợi, lại được các bậc Đạo Sư cung kính, đầy đủ ba hạnh, hay dạy tất cả luận Phệ Đà, bốn luận Phệ Đà đều uyên thâm.
Lại thông hiểu cả: Xiển Đà Luận, Tự Luận, Thinh Luận, Khả Tiếu Luận, Chú Thuật Luận, Thọ Ký Luận, Thế Gian Tướng Luận, Thế Gian Tế Tự Chú Nguyện Luận đầy đủ tướng đại trượng phu, được sinh từ nhà đạo đức, lại có năm trăm người cũng thuộc dòng dõi đạo đức làm đệ tử hầu hạ cung phụng bên người.
A Nan phải biết Bà La Môn Trân Bảo lúc ấy chính là Bồ Tát Di Lặc ngày nay. Năm trăm đệ tử thuở ấy tùy tùng theo thầy học, đọc tụng tế tự, chú thuật v.v...
Trong năm trăm vị đệ tử này có một người thuộc dòng Bà La Môn tôn quý tên là Vân, là người đứng đầu trong chúng, đầy đủ đức hạnh, theo học thầy từ thuở thiếu thời, đến năm lên mười sáu tuổi, hình dung tuân tú khả kính, lại là người được sinh trong dòng họ đạo đức, cha mẹ thanh tịnh, cho đến Tổ Tiên bảy đời không có tỳ vết, không ai dám chê cười gia tộc này.
Lại đầy đủ tướng đại trượng phu, thế gian không ai sánh bằng, sắc thân như vàng ròng, đầu tóc cũng vậy, tiếng nói trong trẻo như âm thanh của Phạm Thiên, luôn luôn ở bên Tiên Nhân Trân Bảo thọ học, đọc tụng chú thuật.
Thông minh lanh lợi được pháp chân chánh, vừa nghe qua liền hiểu, biện luận rõ ràng câu văn rành mạch. Tất cả chú thuật kỹ nghệ khéo léo, những gì Bà La Môn Trân Bảo có, người đều thông suốt.
Đồng Tử Vân sau khi am hiểu xong rồi, bạch với Tôn Sư: Bạch Đại Sư Hòa Thượng, con đã thông suốt đạo đức học thuật nơi Hòa Thượng rồi, ý con muốn trở về nhà.
Hòa Thượng Phạm Chí trong tâm luyến mộ Đồng Tử Vân không muôn xa lìa, nên nói với Đồng Tử: Này Đồng Tử phạm hạnh, ta có một bộ luận tên là Tỳ Đà, luận này của chư tiên đời xưa để lại, tất cả ngoại đạo Bà La Môn chưa từng nghe biết, huống lại được xem. Ta nay đem luận ấy dạy cho ngươi.
Đồng Tử thưa: Cúi xin Hòa Thượng vì con chỉ giáo. Phạm Chí liền dạy cho những chư thuật bí yếu, Đồng Tử cũng thọ lãnh tất cả.
Lại bạch Phạm Chí: Con nay đã hiểu tường tận chú thuật của Hòa Thượng, con còn phải làm gì nữa?
Phạm Chí lại bảo Đồng Tử: Ta là người thừa kế dòng dõi Bà La Môn, lại có Pháp Bảo gia truyền, nếu có đệ tử theo thầy học tập, quyết định phải báo ân, đem tất cả tài vật dùng vào việc hiến dâng.
Đồng Tử thưa: Hòa Thượng vì con giảng dạy Pháp Bảo gia truyền, sẽ lấy vật gì báo ân?
Hòa Thượng ngày nay ý muốn những gì?
Phạm Chí bảo: Này Đồng Tử, ngươi muốn báo ân ta, ngươi có thể đem các vật dụng như: Tàng lọng, giày da, gậy vàng, cây nạng vàng, bình vàng, bát vàng, áo quần và năm trăm tiền vàng cúng dường cho ta.
Đồng Tử thưa Phạm Chí: Thưa Đại Sư Hòa Thượng, con không có những vật dụng như đã nói ở trên để cung phụng Hòa Thượng. Xin Hòa Thượng cho con rời khỏi nơi đây để đi khắp bốn phương tìm kiếm. Khi nào có được, con lập tức trở về cúng dường Hòa Thượng.
Phạm Chí bảo: Nếu ngươi biết vậy, sẽ tùy ý đến nơi nào ngươi muốn. Đồng Tử Vân liền đảnh lễ dưới chân thầy, nhiễu quanh ba vòng rồi từ biệt ra đi. Lúc ấy Đồng Tử nghe có một nơi cách Tuyết sơn năm trăm do tuần có một thành tên là Thâu La Ba Xa. Trong thành này có một dòng họ Đại Bà La Môn tên là Tế Tự Đức.
Đối với những người cư trú trong thành này, ông ta là người giàu có bậc nhất, tài sản rất nhiều. Đại Bà La Môn Tế Tự Đức sắp vì sáu vạn Bà La Môn khác tổ chức hội Vô Giá suốt một năm, sắm đủ sáu vạn đồ vật để cúng dường.
Mỗi một người là một tàng lọng, một cây nạng, một đôi giày da, một bình bát, một bộ quần áo và tiền bạc v.v... vật dụng cần thiết cho bản thân thảy đều đầy đủ.
Đặc biệt vì một vị Thượng Tọa Bà La Môn, tạo những vật dụng bằng vàng: Một tàng lọng tuyệt hảo, một đôi giày da thượng hạng, một cây gậy toàn bằng vàng, một cây nạng bằng vàng, một bát vàng, một bình vàng, một bộ quần áo. Giá trị mỗi thứ trăm ngàn lượng vàng, năm trăm tiền vàng, một ngàn con trâu cái, mỗi con trâu cái có một con trâu nghé.
Mỗi con trâu cái vắt được một đấu sữa, trên sừng của nó đều bịt vàng, năm trăm đồng nữ đều dùng chuỗi anh lạc trang sức. Trong số nữ nhân này có một đồng nữ tên là Thiện Kỹ là người đứng đầu.
Hội Vô Giá này chỉ còn một ngày nữa là mãn đủ một năm, lúc đó Đồng Tử Vân từ dưới Tuyết Sơn ung dung tiến về phía thành Thâu La Ba Xa nơi hội Vô Giá đang tổ chức.
Sáu vạn Bà La Môn trong hội từ xa trông thấy Đồng Tử, liền cao giọng xướng lên: Hay thay! Nơi đây khéo tổ chức hội Vô Giá, hôm nay Phạm Thiên tự nhiên đến đây thọ sự cúng dường của hội này.
Đồng Tử Vân nói với sáu vạn Bà La Môn kia: Các người chớ kêu ta là Phạm Thiên, ta là người nhân gian, thật chẳng phải Phạm Thiên.
Các người Bà La Môn lại hỏi: Ngài là Đấng gì?
Đồng Tử Vân nói: Các ông có lẽ không nghe, ở phía nam Tuyết Sơn có một vị Phạm Chí tên là Trân Bảo, mọi Kinh Điển Ngài đều thông đạt, dạy dỗ năm trăm đệ tử. Trong chúng của Ngài có một vị thượng túc tên là Vân, tuổi vừa mười sáu, trí tuệ thông minh tài đức vẹn toàn, so với thầy không kém.
Hơn thế nữa, giọng nói của người như tiếng Phạm Thiên, các ông có nghe chăng?
Các Bà La Môn đều đáp: Có nghe.
Đồng Tử Vân nói: Chính là tôi đây.
Các Bà La Môn sau khi biết rõ rồi, lại càng vui mừng cất tiếng hô to: Lành thay! Lành thay! Khéo lập hội Vô Giá này, được Đồng Tử Vân đến thọ cúng dường. Khi ấy con gái của Bà La Môn Tế Tự Đức, dung nhan kiều diễm cùng với một số đồng nữ ở trên lầu cao, từ xa trông thấy Đồng Tử Vân hình dung tuân tú, ít có người thứ hai.
Nàng vui mừng hướng về bốn phương Trời lễ Chư Thiên Chư Thần, trong tâm thầm khấn vái: Nguyện Đồng Tử luận nghị đệ nhất này, biện luận hơn vị cựu Thượng Tọa Bà La Môn trong hội, để ta xa lìa kẻ bất thiện đó, chẳng cùng với người bất thiện đó kết tóc trăm năm.
Khi Đồng Tử tiến vào trong hội, nhiễu quanh Thượng Tọa Bà La Môn ba vòng, rồi đến trước vị Thượng Tọa Bà La Môn dùng lời thân mật vấn an sức khỏe, lại hỏi: Nhân Giả trì tụng luận gì?
Sáu vạn Bà La Môn đáp lời Đồng Tử Vân: Nhân Giả chớ hỏi Thượng Tọa chúng tôi trì tụng luận gì?
Vì sao?
Vì Thượng Tọa chúng tôi có thể trì tụng hết thảy các luận, chú thuật, các pháp Bà La Môn của chúng tôi.
Đồng Tử hỏi: Trong hàng Bà La Môn, Ngài là bậc Thượng Tọa, tuy đã đọc tụng các pháp y phương, kỹ nghệ của Bà La Môn các Ngài. Nhưng học thuật Bà La Môn của thầy trò ta riêng có một pháp đặc biệt, chúng ta cần phải học hỏi lẫn nhau.
Các Ngài có biết luận tên là Tiên Hữu chăng?
Sáu vạn Bà La Môn, mỗi người đều đáp: Chúng tôi chưa từng nghe tên luận, huống nữa là có! Huống nữa là đọc!
Đồng Tử nói: Trong số giáo pháp mà thầy ta đã dạy cho ta, có một Luận Tỳ Đà tên là Tiên Hữu, ta cũng tụng được. Các Bà La Môn trong đại hội thưa. Xin Ngài vì chúng tôi mà giảng thuyết, chúng tôi rất thích nghe. Đồng Tử Vân ở trước Thượng Tọa sửa chỗ đứng, rồi dùng giọng nói Trời Phạm Thiên tụng luận Tiên Hữu Tỳ Đà này.
Lúc ấy, sáu vạn chúng Bà La Môn trong hội vui mừng hớn hở, đồng thinh xướng: Rất hợp tâm chúng tôi! Rất hợp ý chúng tôi!
Họ rất sung sướng thưa với Đồng Tử: Ngài Đồng Tử, từ ngày hôm nay, Ngài vì chúng tôi làm bậc Thượng Tọa, ngồi vị trí hàng đầu của chúng tôi, nhận lấy phần nước uống ngon nhất của Thượng Tọa chúng tôi, nhận lấy thức ăn trước tiên của Thượng Tọa chúng tôi.
Thế là Đồng Tử đã đẩy Thượng Tọa kia xuống hàng hạ tọa, liền thăng tòa, thọ dụng nước uống trước nhất, thọ dụng thức ăn trước nhất, các thức ăn uống đều hợp ý.
Sau mỗi bữa ăn, những đồ cúng dường tùy ý cần dùng, đúng như pháp của hàng Thượng Tọa mà thọ lãnh, những đồ nào đối với Đồng Tử không cần dùng thì Ngài không thọ lãnh.
Lúc đó, Đại Bà La Môn Tế Tự Đức thầm nghĩ: Ta nay thiết lập hội Vô Giá này chẳng đúng theo Thánh Pháp?
Hay là tất cả bao nhiêu phẩm vật cúng dường không đúng theo Thánh Giáo?
Tại sao tất cả vật bố thí trong hội thí này không được Đồng Tử Vân thọ nhận đầy đủ như ý ta mong muốn?
Đại Bà La Môn Tế Tự Đức quỳ mọp thưa Đồng Tử Vân: Thưa Đại Đức Đồng Tử, xin Ngài thọ nhận tất cả vật bố thí này của tôi, chớ để cho hội thí của tôi chẳng được trọn vẹn.
Đồng Tử Vân nói với Bà La Môn Tế Tự Đức: Này Đại Bà La Môn, hội bố thí của Ngài rất tốt, đầy đủ các thứ, không thiếu một vật gì, nhưng hôm nay ta chỉ nhận lãnh những gì ta cần, còn những vật gì ta không cần, dầu ta có nhận lãnh cũng vô ích.
Lúc ấy vị cựu Thượng Tọa Bà La Môn kia trong tâm thầm nghĩ: Ta từ lâu mong được sự bố thí như thế, quyết tâm muốn được thọ lãnh trước. Tại sao hôm nay ta bị Đồng Tử này đến đẩy ta xuống hàng hạ tọa, đoạt lấy lợi dưỡng của ta. Như ta từ khi sinh ra cho đến nay, có tất cả bao nhiêu công đức trì giới tinh tấn, được quả báo khổ hạnh.
Do quả báo này, đời đời kiếp kiếp ta cùng với Đồng Tử thường gặp lại nhau. Nhưng vì Đồng Tử chiếm đoạt lợi dưỡng của ta, ta không bao giờ bỏ oán thù này.
A Nan nên biết: Đồng Tử Vân lúc ấy là thân ta, còn Bà La Môn Tế Tự Đức lúc ấy nay là Đàn Đà Ba Ni, còn vị Thượng Tọa Bà La Môn lúc ấy nay tức là Đề Bà Đạt Đa.
Này A Nan, do vì nhân duyên đó, Đề Bà Đạt Đa là người ngu si, thuở xưa cùng ta đời đời kiếp kiếp luôn luôn tạo oán thù không bao giờ xa lìa.
Bấy giờ Đồng Tử Vân đem những vật bố thí có được, mang về Tuyết Sơn để cung phụng Phạm Chí. Người trải qua bao nhiêu xóm làng thôn ấp, thành phố các nước.
Lúc nghỉ lúc đi quan sát cảnh vật, như vậy lần lần cuối cùng tiến đến thành Liên Hoa. Khi đặt chân vào thành này thấy phong cảnh trang nghiêm tốt đẹp lạ thường, không tài nào tưởng tượng hay diễn tả được, như đã nói ở trên.
Đồng Tử liền nghĩ: Vì lý do gì thành Liên Hoa ngày hôm nay trang nghiêm không thể tưởng tượng hay diễn tả được.
Hoặc có người sắp tổ chức hội Vô Giá ở thành này chăng?
Hoặc lại tế tự các vị tinh tú trên Trời chăng?
Hoặc tạo điều an lành tốt đẹp gì chăng?
Hoặc tổ chức làm phước chăng?
Hoặc nhằm tiết lễ hội Bà La Môn chăng?
Hoặc dân chúng trong thành này nghe danh tiếng ta đa trí học rộng, họ cho rằng ta đến đây cùng các vị Bà La Môn nghị luận chăng?
Hoặc lại cung kính lễ bái ta, nhưng tại sao không có một người đoái tưởng đến ta?
Khi ấy ta liền hỏi một người trong thành: Thưa Nhân Giả, tại sao thành này trang hoàng đẹp đẽ tuyệt vời như vậy?
Người trong thành trả lời: Này Đồng Tử đại trí, Ngài không nghe sao! Đức Thế Tôn Nhiên Đăng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác, chẳng mấy chốc sẽ đến thành này thuyết pháp giáo hóa dân chúng. Vì nhân duyên này, Đại Vương Hàng Oán ra lệnh dân chúng mỗi nhà phải trang hoàng. Tất cả mọi người muôn tạo phước nghiệp, mới trần thiết tất cả các thứ trang nghiêm như vậy. Vì họ quyết định cúng dường Đức Như Lai Nhiên Đăng.
Này A Nan, ta lúc đó thầm nghĩ: Trong giáo pháp của ta có nói:
Người nào có đủ ba mươi hai tướng tốt thì có hai quả báo:
Một là, nếu ở tại gia quyết định sẽ làm Chuyển Luân Thánh Vương.
Hai là, nếu xuất gia tu học Thánh đạo, quyết định sẽ chứng quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, danh tiếng vang khắp mọi nơi, oai đức tự tại. Ta không nghi ngờ lời nói này.
Này A Nan, ta thuở ấy lại sinh tâm niệm: Ngày nay, trước hết ta nên dừng lại nơi đây, cúng dường lễ bái Đức Thế Tôn Nhiên Đăng, cầu đời vị lai chứng quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, rồi sau đó mới báo ân thầy Phạm Chí.
Ta lại thầm nghĩ: Sẽ đem những vật gì để cúng dường Đức Phật?
Đem sự nghiệp gì để gieo trồng các thiện căn?
Tâm ta lại suy nghĩ: Chư Phật Thế Tôn không chuộng cúng dường bằng tiền tài, chỉ đem pháp cúng dường mới được Thánh Nhân khen ngợi. Ta nay chưa có pháp cúng dường, không lẽ đứng nhìn. Ngay bây giờ ta có thể đi mua các hoa đẹp thượng hạng đem về dâng cúng Đức Phật, nguyện đời vị lai thành Phật Đạo.
Nghĩ rồi, liền khi ấy đến một cửa hàng bán hoa, nói với người chủ: Nhân Giả có thể bán hoa này cho ta không?
Người bán hàng bảo ta: Nhân Giả Đồng Tử, người không nghe sao! Đại Vương Hàng Oán ban sắc lệnh xuống dân chúng những nơi nào có tràng hoa không được bán cho ai hết.
Vì sao?
Vì Nhà Vua tự mua lấy để cúng dường Phật. Ta nghe qua người bán hoa nói như vậy, lại đi đến các gian hàng của những người bán hoa khác nài nỉ mua hoa. Họ đều trả lời như người bán hoa trước. Như vậy ta rảo khắp mọi nơi mà mua hoa không được, ta lén tìm hỏi những người ở hai bên vệ đường.
Bỗng thấy một tỳ nữ mặc áo xanh đi múc nước tên là Hiền Giả, người giấu bảy cành hoa sen xanh trong bình đựng nước, từ phía trước đi lại.
Ta thấy người này rồi, tâm sinh vui mừng, liền nói với tỳ nữ: Nàng mang hoa này muốn dùng vào việc gì?
Ta nay đưa cho nàng năm trăm tiền vàng, nàng có thể trao cho ta bảy cành hoa sen xanh trong bình chăng?
Tỳ nữ lại nói: Này Nhân Giả Đồng Tử, Ngài chẳng nghe sao?
Đức Thế Tôn Nhiên Đăng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác ngày nay sắp vào thành, Ngài đã nhận lời thỉnh của Vua Hàng Oán chủ cõi nước này.
Nhà Vua đối với Đức Phật sinh tâm tôn trọng, lại muốn vun trồng các công đức, nên truyền lệnh trong nước cách thành phạm vi mười hai do tuần, nơi nào có dầu thơm tràng hoa, không một ai được phép giấu bán. Nếu có bán thì chỉ một mình Nhà Vua được mua để đích thân đem cúng dường Đức Phật.
Vì gần nhà tôi có một người bán tràng hoa tên là Oán Thù, người này có một người con gái lén nhận của tôi năm trăm tiền vàng, người liền giấu cho tôi bảy cành hoa này.
Tôi đã trái lệnh của Nhà Vua, được hoa này tự muốn cúng dường Thế Tôn Nhiên Đăng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác. Thật tình tôi không thể bán cho Ngài được.
Ta lại nói với tỳ nữ: Thiện nữ đã trình bày nguyên do được hoa, ta nay đã biết vậy, nàng có thể lấy năm trăm tiền vàng, cho ta năm cành hoa sen xanh còn hai cành thuộc về nàng.
Tỳ nữ liền hỏi: Nhân Giả Đồng Tử, Ngài lấy hoa này sẽ dùng vào việc gì?
Ta đáp: Như Lai xuất hiện ở đời khó thấy, khó gặp. Ta nay gặp được, muốn mua hoa này dâng lên Đức Phật Nhiên Đăng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác để trồng các thiện căn, vì đời vị lai cầu quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Tỳ nữ nói với ta: Tôi xem Đồng Tử hình dung trong ngoài thân tâm dũng mãnh, tinh tấn ham mộ giáo pháp, Ngài sẽ thành đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Này Đồng Tử, Ngài chịu hứa với tôi, trong khoảng thời gian Ngài chưa chứng Thánh đạo, đời đời kiếp kiếp tôi sẽ là vợ Ngài. Nếu khi Ngài đắc đạo, tôi sẽ cạo tóc xuất gia học, cầu quả A La Hán, làm đệ tử của Ngài, tu hạnh Sa Môn. Nếu được như vậy, hôm nay tôi sẽ trao cho Ngài năm cành hoa sen này, không được như vậy thì tôi chẳng trao.
Ta lại nói với tỳ nữ: Này thiện nữ, ta ngày nay thuộc dòng Bà La Môn chủng tộc thanh tịnh, thông đạt bốn Luận Tỳ Đà.
Trong Luận Tỳ Đà của ta có dạy: Nếu người nào muốn cầu đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, hành đạo Bồ Tát, người này nên đối với tất cả chúng sinh sinh tâm thương xót, sinh tâm làm cho họ an lạc.
Có ai đến cầu xin vật gì không nên lẫn tiếc, cho đến cầu xin thân mạng cũng phải bố thí cho họ, huống nữa các thứ yêu quý như vợ con, và ngoài ra như của cải không được tham lam bỏn sẻn.
Này Thiện Nữ, ta nay phát nguyện cầu quả vị Bồ Đề vì muốn đem lại an lạc cho tất cả chúng sinh. Giả sử có người đến xin vợ con, ta cũng bố thí. Tâm luyến ái của nàng nếu làm trở ngại hạnh Bồ Tát, thì tâm nguyện cắt xả của ta không thành, lại ở bên nàng tạo vô lượng tội lỗi.
Nàng nếu phát nguyện, có thể ở trong lúc đó đối với tất cả tài sản bảo vật đang có, khi ta bố thí không được cản ngăn thì ta sẽ hứa: Nàng cùng ta kết thành phu phụ.
Tỳ nữ nói với ta: Này Đồng Tử, giả sử có người đến với Ngài xin thân tôi, tôi cũng không sinh tâm bỏn sẻn huống nữa là họ xin con trai, con gái và các của cải khác.
Ta nói với nàng: Nếu nàng được như vậy, ta sẽ theo như sở nguyện của nàng, sẽ hứa ở đời vị lai cho nàng làm vợ. Lúc ấy, tỳ nữ nhận nơi ta năm trăm tiền vàng, liền cầm năm cành hoa sen xanh trao cho ta, còn hai cành nữa nhờ ta thay nàng dâng cúng Đức Phật.
Nàng còn nói với ta: Nơi nào Ngài muốn trồng thiện căn, hãy đem hai cành hoa này rải trên đó, sẽ nguyện Ngài cùng tôi đời đời sống với nhau không bao giờ xa cách.
Khi đó, Đức Phật Nhiên Đăng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác từ ngoài tiến vào thành Liên Hoa. Ta cầm bảy cành hoa sen trông thấy Đức Phật từ xa hướng đến, dần dần tiến gần, xem thấy thân Phật đoan chánh khả kính, hào quang trong sáng chiếu khắp thế gian, các căn điều phục, tâm Ngài vắng lặng an trụ chẳng động, sáu căn lặng yên như nước ao lưu ly, đi đứng oai nghi giống như voi chúa.
Lại có vô lượng trăm ngàn vạn ức đại chúng Chư Thiên vây quanh trước sau, mỗi người đều rải vô lượng các thứ hoa Trời và vô lượng bột hương Chiên Đàn Cõi Trời, hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen trắng, hoa sen trắng lớn lên trên Đức Phật Nhiên Đăng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác tôn trọng cúng dường.
Bấy giờ, Đại Vương Hàng Oán chuẩn bị bốn binh chủng đầy đủ oai phong, xuất phát từ cửa thành để nghinh đón Đức Phật Nhiên Đăng.
Lúc ấy nơi hoàng thành tụ tập vô lượng vô biên chúng sinh: Người, A Tu La, Trời, Rồng, tám bộ chúng Quỷ Thần Họ đem theo bột hương và các thứ hoa để. Rải trên Đức Phật Nhiên Đăng, tuyệt nhiên không có một hoa nào rơi xuống mặt đất, đều trụ trong hư không trên đảnh Đức Phật làm thành bảo cái lớn. Khi Đức Phật đi đứng thì bảo cái này cũng di chuyển theo.
Khi thấy Đức Phật Nhiên Đăng, ta sinh tâm chánh tín, sinh tâm kính trọng, đem bảy cành hoa sen xanh rải trên Đức Phật, phát lời thệ nguyện: Ở đời vị lai khi ta thành Phật, như Đức Như Lai Nhiên Đăng đắc pháp hôm nay, và ở trong đại chúng giống nhau không khác. Hoa của Đồng Tử rải, trụ trong hư không, cánh hoa hướng xuống, cuống hoa xoay lên, ngay trên đảnh đầu Đức Phật, thành chiếc lọng hoa theo Đức Phật đi, đứng. Ta thấy sức oai đức thần thông như vậy, tâm kính tín lại tăng bội phần.
Này A Nan, lúc đó, vô lượng vô biên dân chúng đều đem y phục tuyệt hảo vô giá trải trên mặt đường, như là: Y Ca Thi Ca mịn mỏng, y bằng dạ trắng mịn, y bằng vải gấm mỏng, y bằng lông thú mềm mại tốt đẹp và chăn bằng tơ tằm thêu đủ màu sắc. Vì sắp cúng dường Đức Phật Nhiên Đăng nên trải phủ kín mặt đất.
Này A Nan, ta thấy vô lượng vô biên dân chúng đem áo quý giá trải kín trên mặt đất, riêng ta chỉ có một tấm da nai, ta đem nó trải trên mặt đường, chỗ đất mà tấm da nai của ta phủ lên, dân chúng chê trách oán ghét, họ cầm tấm da nai của ta vứt thật xa.
Ta nghĩ: Ôi thôi! Đức Thế Tôn Nhiên Đăng có thể không thương xót ta chăng?
Thầm nghĩ như thế rồi, Phật biết được ý ta, nên Ngài thương xót đến ta.
Đức Phật Nhiên Đăng dùng sức thần thông, biến một vùng đất trên mặt đường thành một vũng lầy, dân chúng thấy đường lầy lội đều lánh đi ngõ khác, không một ai đi qua đoạn đường lầy này.
Lúc ấy, ta thấy đường đi như vậy, liền lướt đến chỗ đó, thấy đường bùn lầy rồi, liền thầm nghĩ: Như thế này làm sao Đức Thế Tôn qua được. Nếu Ngài lội qua đoạn đường lầy này thì chân Ngài sẽ dính bùn nhơ bẩn, ta nay có thể đem nhục thân bất tịnh này làm chiếc cầu lớn bắc qua vũng bùn để Đức Phật bước lên thân ta mà qua. Lúc đó ta liền xõa tóc phủ khắp chỗ đất tấm da nai, úp mặt xuống làm chiếc cầu lớn cho Đức Phật đi qua.
Tất cả dân chúng chưa được bước qua, chỉ một mình Đức Phật là người trước tiên đi trên tóc ta. Ta đã cúng dường Đức Phật Nhiên Đăng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác như vậy.
Lại phát sinh ý nghĩ: Chân của Như Lai Nhiên Đăng và chúng Thanh Văn này đi trên tóc và thân ta qua khỏi đoạn đường bùn này.
Lại phát nguyện: Nguyện đời vị lai khi ta thành Phật có oai đức thế lực làm bậc Đạo Sư cho Trời người, như Đức Như Lai Nhiên Đăng ngày hôm nay không khác.
Nếu ngày hôm nay không được Đức Phật Nhiên Đăng thọ ký, ta nguyện trọn đời không ra khỏi vũng bùn này. Đang khi Đồng Tử trải thân tóc thì Cõi Đại Địa chấn động theo sáu cách.
Nghĩa là: Phía Đông vọt lên phía Tây lặn xuống, phía Tây vọt lên phía Đông lặn xuống.
Phía Nam vọt lên phía Bắc lặn xuống, phía Bắc vọt lên phía Nam lặn xuống. Chính giữa vọt lên chung quanh lặn xuống, chung quanh vọt lên chính giữa lặn xuống.
Bấy giờ, Đức Như Lai Nhiên Đăng Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác biết tâm niệm ta, Ngài cùng một trăm ngàn vị đại Tỳ Kheo và ngàn vạn ức chúng Thiên, Long đồng hướng đến chỗ ta, chân Đức Phật bước ung dung trên tóc và thân ta như đại long Vương, Ngài đưa mắt nhìn hai bên rồi bảo chư vị Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo, các người không được cùng ta đi chung một lối, không một người nào được phép bước trên thân và tóc của Đồng Tử, chỉ trừ một mình Như Lai mới có thể bước đi trên thân và tóc người này mà thôi.
Tại sao?
Đây là tóc và thân của vị Bồ Tát.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba