Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm Xuống Tóc Nhuộm Y - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Đời Tùy

PHẬT THUYẾT

KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Quật Đa, Đời Tùy  

PHẨM HAI MƯƠI HAI

PHẨM XUỐNG TÓC NHUỘM Y  

PHẦN MỘT  

Khi Thái Tử ra khỏi cửa Thành Ca Tỳ La, Ngài bảo Xa Nặc: Này Xa Nặc, ngươi nay nên đi trước ta, đi thẳng đến thôn La Ma.

Xa Nặc bạch Thái Tử: Dạ vâng, hạ thần y theo lời Thái Tử chỉ dạy chẳng dám làm sai.

Xa Nặc dẫn đường đi trước hướng về phía thôn La Ma, ngựa Kiền Trắc bốn chân nhẹ nhàng phi như gió, khởi hành từ khi nửa đêm đến khi sao mai mọc vượt qua dặm đường mười hai do tuần Sư Ma Ha Tăng kỳ nói: Ngựa khởi hành lúc nửa đến khi sao mai mọc đi được mười hai do tuần.

Hoặc các Sư khác thì nói: Ngựa khởi hành lúc nửa đêm đến khi sao mai mọc đi được một trăm do tuần đến một làng tên là Di Ni Ca, khi mặt trời mọc đi đến chỗ ở của Tiên Nhân Bạt Già Bà.

Khi đến đây Thái Tử lại hỏi Xa Nặc: Này Xa Nặc, đây là chỗ nào?

Xa Nặc đáp: Thưa Thái Tử, chỗ này còn cách thôn La Ma chẳng bao xa.

Thái Tử thấy rừng cây sầm uất mà lại là chỗ ở của Tiên Nhân đời trước, nơi đây thấy nhiều cầm thú, hồ ao, khe suối, sống ngòi Thái Tử biết ý Xa Nặc và ngựa Kiền Trắc muốn dừng nghỉ nơi đây trong chốc lát nên Thái Tử bảo: Này người hiền Xa Nặc, nếu thấy đúng lúc thì nên dừng nghỉ nơi đây.

Người ngựa dừng lại, Thái Tử từ trên lưng ngựa Kiền Trắc nhảy xuống phát lời đại thệ nguyện: Nay đây là nơi cuối cùng ta ngồi trên lưng ngựa bước xuống! Nay đây là nơi cuối cùng ta từ trên lưng ngựa bước xuống.

Thái Tử bước xuống ngựa rồi, dùng lời nói tình cảm an ủi Xa Nặc: Này Xa Nặc, ở thế gian có nhiều hạng bề tôi, hoặc có kẻ trong tâm hiếu thuận với kẻ bề trên mà không có năng lực, hoặc lại có kẻ có năng lực mà không có tâm hiếu thuận, hoặc lại có kẻ tâm không hiếu thuận và cũng không có năng lực, lại có kẻ bề tôi tâm hiếu thuận và đầy năng lực.

Này kẻ hiền Xa Nặc, như ngươi ngày nay thật là hy hữu ít có ở đời, ngươi đem tâm tốt cung kính hiếu thuận ta mà lại đầy năng lực.

Này Xa Nặc, ta nay đối với người cũng hết sức hoan hỷ, do vậy mà ông đem tâm rất hiếu thuận hết sức kính ái ta. Ông nay ái kính phụng sự ta như vậy mà không đem tâm cầu lợi.

Phàm thường tình ở thế gian, người cung phụng kẻ phú quý là vì mang tâm tham đắm mới phụng sự kẻ khác, mà nay ông phụng sự ta lại không có tâm như vậy.

Ở đời lại có người khi thấy người phú quý mà phụng sự vì sinh tâm mong cầu vạt chất, còn thấy kẻ nghèo hèn thì sinh tâm xa lánh. Ông nay thì không có tâm niệm như vậy.

Rồi Thái Tử nói kệ:

Nuôi con để nối nghiệp

Thờ cha đền dưỡng dục

Vì lợi, canh tác ruộng

Đều do cầu quả báo.

Xa Nặc nghe kệ rồi liền thưa hỏi Thái Tử: Bạch Đại Thánh Thái Tử, phàm kẻ nô bộc thấy chủ nhân muốn phát tâm làm một việc gì, đều không được thưa hỏi lý do, nhưng nạy kẻ bề tôi này thấy Thái Tử đến trong núi này, do vậy, xin mạo muội hỏi Thái Tử, vì lý do gì Thái Tử phát tâm vào sống nơi đây như vậy?

Thái Tử đáp: Này kẻ hiền Xa Nặc, ta nay hỏi ông, ngày nay ông lại cần gì phải biết việc ấy?

Xa Nặc lại đáp: Thưa Đại Thánh Thái Tử, tôi thuộc dòng hạ tiện, nhưng so với Thái Tử thì đồng sinh một ngày, mà tôi lại làm người hầu hạ trung thành không bao giờ làm trái ý Thái Tử.

Thái Tử lại bảo Xa Nặc: Này kẻ hiền Xa Nặc, ta nay nhờ ông một việc, ông có thể làm được không?

Xa Nặc đáp: Bạch Đại Thánh Thái Tử, tôi là nô bộc của Thái Tử, gần gũi phụng sự Thái Tử, nào đâu dám không làm.

Thái Tử lai nói: Này kẻ hiền Xa Nặc, ta nay bỏ ngôi Thánh Vương, không phải vì sợ sệt một việc gì khác, chỉ cầu mong sự giải thoát, xa lìa sự trói buộc trong vòng sinh tử.

Này Xa Nặc, ta nay không nhận lấy vương vị như vậy mà tâm ta được vui vẻ.

Này Xa Nặc, tất cả vương vị đều bị sự khủng bố ác liệt, điều này trong tâm ta thấy rõ ràng như vậy.

Này Xa Nặc, ta thấy việc xuất gia có những lợi ích không bị cái móc sinh tử lôi kéo, cho nên ta cắt bỏ tất cả những gì ở đời mà đến ở trong núi này vì ta nay muốn cầu giải thoát sinh tử.

Này kẻ hiền Xa Nặc, ngươi nay nên đem con ngựa Kiền Trắc trở về cung, ta nay xuất gia, tâm ý đã dứt khoát.

Rồi Thái Tử nói kệ:

Lại chẳng cần phải nói dông dài

Ngươi biết ý ta mến tâm ngươi

Cắt ái từ thân nên vào núi

Kiền Trắc và ngươi gấp trở về.

Xa Nặc thưa Thái Tử: Thưa Đại Thánh Thái Tử, phàm người xuất gia hiện có bốn việc, rồi sau đó mới xuất gia.

Bốn việc đó là: Hoặc là thân đến tuổi già, hoặc thân mang bệnh, hoặc sống cô đơn, hoặc không có tài sản. Mà nay Thái Tử đối trong bốn việc này không có một. Lại khi Thái Tử sơ sinh, tất cả các thầy Bà La Môn có trí tuệ thông minh, họ đọc nhiều Kinh Sách Thánh Nhân, uyên thâm các luận, có tài xem tướng.

Lúc ấy các tướng Sư tiên đoán: Đồng Tử có tướng tốt như thế này nhất định sẽ làm Chuyển Luân Thánh Vương, thống lãnh bốn châu thiên hạ, làm vị đại địa chủ đầy đủ bảy báu. Bảy báu đó là xe báu, ngọc báu, voi báu, ngựa báu, ngọc nữ, quan báu chủ kho tàng và quan báu coi binh lính.

Vua Chuyển Luân sinh một ngàn Thánh Tử đều dũng kiện có tài đánh dẹp giặc thù, thông lãnh cõi đại địa và bốn biển, đem chánh pháp cai trị dân chúng, hàng phục giặc thù.

Thưa Thánh Tử, khi được xe báu bằng vàng, chiếc xe này do Chư Thiên làm ra không phải con người chế tạo, cân đối đẹp đẽ ai cũng ưa thích.

Ở trong hư không bảo luân chạy phía trước, Thánh Vương nương nơi hư không bay theo sau, tất cả quyến thuộc đoanh vây hai bên tả hữu đồng bay đi trong hư không.

Lúc ấy Thái Tử đang ở địa vị Thánh Vương hưởng đại phước đức. Thái Tử dùng báo ngọc Ma Ni Minh Nguyệt trong đêm tối chiếu sáng bảy do tuần, chung quanh cõi đại địa này đều được sáng tỏ.

Lúc đó Thái Tử ở địa vị Chuyển Luân Thánh Vương thọ hưởng vô lượng diệu lạc. 

Thưa Đại Thánh Thái Tử, nếu khi Nhà Vua muốn cỡi bạch tượng, thì bảy chi của nó đều phục sát đất, đại bạch tượng sáu ngà này được trang bị các vật như: yên, bàn đạp, dây cương đều toàn bằng vàng. Màu sắc óng ả ẩn hiện, phía trên mình được dùng chuỗi anh lạc trang trí, rồi lại phủ lên trên bằng một mành lưới vàng.

Đại bạch tượng đầy đủ thần thông phi hành tự tại, Thánh Vương cỡi lên rồi cũng có thể đi khắp cõi đại địa này. Lúc ấy Thái Tử ở ngôi Chuyển Luân Thánh Vương thọ hưởng đầy đủ khoái lạc.

Lại nữa nếu Thánh Tử ở đời vị lai muốn cỡi ngựa chúa, ngựa chúa này toàn thể một màu xanh biếc, sắc lông đầu đen như quạ, bờm và lông đuôi thật dài, được trang bị các vật như: yên, cương, bàn đạp, dây đai, đều bằng vàng ròng.

Lại dùng chuỗi anh lạc và mành lưới bằng vàng ròng phủ phía trên lưng ngựa. Ngựa chúa này có sức thần thông vô ngại, có tài phi hành khắp cõi hư không, khi muốn đi Thánh Tử cỡi ngựa này đi khắp cõi đại địa. Khi ấy Thái Tử ở ngôi Chuyển Luân Thánh Vương thọ hưởng đầy đủ các thứ khoái lạc.

Lại nữa, Thánh Tử ở đời vị lai khi được ngọc nữ, dung nhan các nùng rất khả ái, mặt mày xinh đẹp, đi đứng dáng điệu thùy mị tuyệt vời, giống như Ngọc Nữ Chư Thiên, tự nhiên xuất hiện.

Khi ấy Thái Tử mặc tình thọ hưởng đủ thứ ngũ dục. Địa vị Chuyển Luân Thánh Vương thật rất hạnh phúc Lại nữa, Thánh Tử nếu ở đời vị lai được chủ kho tàng quý báu, quan chủ kho tàng này chứng được Thiên nhãn, thường đem các kho tàng vàng bạc và tất cả vật quý báu từ dưới đất xuất hiện dâng hiến cho Thánh Vương, lúc ấy Thái Tử thọ hưởng đủ thứ vui dục lạc.

Lại nữa, Thánh Tử nếu ở đời vị lai được chủ binh báu, ông quan chủ binh này túc trí đa mưu thông minh lanh lợi, am tường binh pháp, có tài thông lãnh bốn binh chủng, trong thời gian khoảnh khắc biết được tâm niệm của Thánh Vương, liền ra lệnh quân lính mặc áo giáp, trang bị vũ khí đầy đủ không có thiếu sót, các bộ phận binh chủng đều cung ứng kịp thời bên Thánh Vương, tùy ý sử dụng. Khi ấy Thái Tử ở ngôi Chuyển Luân Thánh Vương thọ hưởng khoái lạc rất mực đầy đủ.

Lại nữa Thánh Tử, nếu ở đời vị lai, đầy đủ bảy thứ báu này, thuở ấy cõi đại địa, bốn biển lớn, tất cả rừng núi sông ngòi ở nơi thế gian này, không có một nơi nào là không thuộc quyền sở hữu của Thánh Tử, tất cả giặc thù đều quy phục.

Khi hàng phục rồi, không còn một nơi nào đáng lo sợ nghi ngờ bất an, tất cả dân chúng đều được giàu có, không có một nơi nguy nan nào mà không hàng phục, Nhà Vua không dùng khí giới: Dao, gậy, giáo, mác y như giáo pháp mà thực thi, y như Chánh Pháp cai trị thiên hạ, lúc ấy Thái Tử ở địa vị Thánh Vương thọ hưởng khoái lạc không cùng tận.

Thái Tử nghe những lời Xa Nặc nói như vậy, liền hỏi Xa Nặc: Này kẻ hiền Xa Nặc, các tướng sư Bà La Môn đó chỉ đoán ta như vậy hay lại còn có tiên đoán những gì khác nữa không?

Xa Nặc đáp: Các tướng Sư còn tiên đoán những việc khác nữa.

Thái Tử hỏi: Những lời tiên đoán khác như thế nào?

Xa Nặc đáp: Thưa Thánh Tử, các tướng sư còn tiên đoán, Đồng Tử này nếu bỏ Vương vị, xuất gia nhất định sẽ thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Sau khi chứng quả bồ đề rồi, Ngài sẽ chuyển pháp luân vi diệu vô thượng.

Thái Tử bảo Xa Nặc: Này Xa Nặc, ngươi nên cẩn thận chớ vọng ngữ, ngươi cần phải nói lời chân thật.

Ngay thuở ấy Tiên Nhân A Tư Đà chỉ tiên đoán: Đồng Tử này nhất định sẽ thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, chỉ tiên đoán ta sẽ chuyển pháp luân vô thượng.

Xa Nặc nghe lời nói này rồi, tâm sinh lo sợ, toàn thân run rẩy dựng chân lông, bạch Thái Tử: Thưa Đại Thánh Thái Tử, Ngài có tài nhớ lời tiên đoán như vậy, tôi lén nghe hàng quyến thuộc họ Thích bảo rằng đừng để cho Thái Tử nghe được lời tiên đoán ấy, vì sợ Thái Tử phát tâm bồ đề.

Thái Tử bảo Xa Nặc: Này Xa Nặc, ta thuở xưa từ cung Trời Đâu Suất giáng sinh vào thai Thánh Mẫu và tất cả những việc khi còn ở trong thai, tâm ta vẫn còn nhớ rõ không quên, huống nữa là lời tiên đoán sau khi ta sinh ra rồi mà quên, hoàn toàn không có lý đó.

Này Xa Nặc, Chư Thiên còn nói với ta thế này: Nhân giả Thái Tử, Ngài sớm xuất gia, quyết định sẽ chứng quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, sau khi chứng quả bồ đề rồi sẽ quyết định chuyển pháp luân vô thượng diệu vị.

Này Xa Nặc, do vậy ta quyết định sẽ thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, quyết định sẽ chuyển pháp luân vi diệu vô thượng.

Này Xa Nặc, ta nay nói thật với ông, ta thà bị dao cắt thịt trên thân, thà ăn chất độc mà chết, thà nhảy vào hầm lửa lớn mà chết, thà gieo mình xuống vực thẳm mà chết, thà tự lấy dao cắt cổ mà chết. Nếu đời này ta chưa chứng được pháp thoát ly sinh tử, thì ta không bao giờ trở về Hoàng Cung.

Vì sao?

Vì tất cả pháp ngũ dục thế gian đều vô thường, chẳng bao lâu nó sẽ chấm dứt, đó là pháp hoại diệt.

Lúc bấy giờ tay trái Thái Tử gỡ các viên ngọc vô giá Cõi Trời nơi chiếc thiên quan đội trên đầu trao cho Xa Nặc và dặn: Này Xa Nặc, ta nay trao cho ngươi ngọc Ma Ni này, ngươi đem ngọc này về Hoàng Cung dâng lên Đại Vương Tịnh Phạn thân phụ ta, khi ngươi đến nơi lễ Đại Vương vô lượng lạy, ngươi chắc hiểu ý ta sắp dặn ngươi những gì.

Ngươi phải nghe lời ta, ngươi nay đem ngọc này trở về, đến nơi Phụ Vương ta tâu cho rõ ràng, khiến tất cả sầu khổ của Đại Vương được tiêu trừ.

Ngươi lại hết mình vì ta tâu lên Đại Vương như thế này: Con nay không phải bị người đời khi dễ, mà bỗng nhiên xa lìa sự hầu hạ bên mình Đại Vương, cũng chẳng phải có tâm sân hận, cũng chẳng phải đi tìm của cải, cũng chẳng phải do thiếu sự phong cấp bổng lộc, cũng chẳng phải muốn cầu sinh lên Trời.

Chỉ vì tất cả chúng sinh không ở trong con đường chân chánh, mà lại bị màn hắc ám vô minh làm mê hoặc, đi theo con đường tà vạy nên muốn làm ngọn đèn trí tuệ soi sáng ánh quang minh, muốn diệt trừ các pháp sinh tử, muốn đoạn các pháp hữu lậu vô thường vì thế mà xuất gia.

Xin Đại Vương mở lòng đại từ đại bi thấy những nguyên nhân mà con muốn xuất gia là như vậy, Phụ Vương chẳng nên ưu sầu.

Rồi Thái Tử nói kệ:

Giả sử suốt đời chung ân ái

Có hội họp quyết phải xa lìa

Thấy cảnh vô thường trong nháy mắt

Do vậy con nay cầu giải thoát.

Thái Tử đọc kệ rồi, nói tiếp: Ta nay vì muốn thoát khỏi cảnh ưu sầu khổ não cho nên xả tục xuất gia, do vậy ngươi phải trình bày lên Đại Vương thân phụ ta chẳng nên ưu sầu.

Thế gian nếu có người lấy việc ưu sầu coi như sự say đắm thú vui ngũ dục, thì những người như thế cần phải ưu sầu, vì sao?

Ở đời phần nhiều cha mẹ sinh con như mong cầu tiền của, do đó mới nuôi dưỡng.

Nhưng ở đời, người dửng giáo pháp báo hiếu cha mẹ thì khó có ai!

Nếu ý Phụ Vương nghĩ: Ngày nay con ta xuất gia không đúng lúc. Cúi xin Phụ Vương không nên quan niệm như vậy, phàm cầu giáo pháp không quy định thời gian.

Vì sao vậy?

Vì người sống ở đời thọ mạng không đồng. Người trí biết vậy, nên xả tục xuất gia, cầu cảnh giới tối thắng.

Ví như có người cùng với giặc thù tử thần sống chung một nhà mà tự khoe rằng ta sống lâu thì thật là vô lý.

Này Xa Nặc, đây là lời nói quyết định phát xuất từ tâm ta, ngươi về Hoàng Cung đến bên Đại Vương Tịnh Phạn thân phụ ta trình bày tất cả những lời nói này, khiến tâm Đại Vương an ổn, khi ngươi trình bày phái hết sức khéo léo dùng đủ mọi cách an ủi phân giải đừng để Đại Vương nhớ đến ta.

Này Xa Nặc, tuy nhiên ta lại bảo ngươi: Nếu đến bên Đại Vương Tịnh Phạn phụ thân ta, ngươi chỉ nói những việc trái nghịch sai lầm thiếu đạo đức của ta như: Thái Tử không biết ân nghĩa, không có tâm yêu mến như vậy, ông chớ nói những điều hiếu thuận của ta.

Vì sao nói như vậy?

Vì để Đại Vương không còn tâm yêu mến ta nữa, tức xả bỏ tất cả nỗi nhớ nhung ưu sầu.

Xa Nặc nghe Thái Tử nói những lời như vậy rồi, cả người đau khổ, nước mắt tuôn trào ràn rụa mặc mày, chắp tay hướng về Thái Tử thưa: Bạch Đại Thánh Thái Tử, những lời Ngài dạy vừa rồi đối với Đại Vương và thân quyến của Thái Tử sẽ sinh tâm hết sức ưu sầu.

Ý tôi không vui, nỡ nào thấy cảnh tâm tình đoạn tuyệt, giống như voi già sa trong đầm bùn lầy không thể nào tự ra khỏi được. Nghe nói như vậy ai lại không rơi lệ.

Xa Nặc lại đem tâm chân thành thưa với Thái Tử: Những người khác nghe nói còn bùi ngùi cảm động, huống nữa Xa Nặc này, từ nhỏ đến giờ thường sống bên nhau, đồng sinh một ngày, cùng lớn lên với tâm ái kính, thương mến nhau không thôi.

Rồi Xa Nặc nói kệ:

Giả sử có gan đồng dạ sắt

Nghe lời thề biệt ly như vậy

Ai lại không chua xót đau lòng

Huống tôi yêu mến đồng ngày sinh.

Xa Nặc nói kệ rồi, lại bạch Thái Tử: Tôi dắt ngựa chúa cho Thái Tử cỡi là do sức thần thông của Chư Thiên, khiến tâm tôi dắt ngựa đến, chẳng phải tự ý của tôi, tôi làm sao ngăn cản được sự xuất gia của Thái Tử.

Tôi là kẻ nô bộc đồng ngày sinh với Thái Tử và con ngựa chúa này cũng vậy không khác, chưa từng xa Thái Tử dù trong chốc lát, mà nay bảo tôi một mình trở về Hoàng Cung, nhất định không có việc như vậy.

Thái Tử chẳng cùng chúng tôi trở về Hoàng Cung, mà chỉ bảo tôi và ngựa Kiền Trắc trở về, lại còn bảo tôi đem những lời ái biệt ly buồn thảm này thưa với Đại Vương thân phụ Ngài.

Ngày nay Thái Tử không đoàn tụ gia đình mà trái lời Phụ Vương, tuổi đã về già, tự ý xuất gia, việc làm của Thái Tử như vậy là phải hay trái?

Lại không có một pháp tốt đẹp cao thượng nào có thể vượt hơn việc Thái Tử hiếu thuận cha mẹ, là đấng đã sinh ra mình. Thái Tử cũng không nên xa lìa Di Mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề, người đã từng cho Thái Tử bú mớm, người ta sẽ căn cứ vào đó mà luận, thì Thái Tử trở thành kẻ vô ân bội nghĩa, không nhớ công ân dưỡng dục ban đầu.

Còn nàng Da Du Đà La chánh phi của Thái Tử là người đàn bà trinh tiết đầy đủ Đức Hạnh, mà Ngài không chung sống lại bỏ đi, tạo cảnh biệt ly.

Tuy nhiên ngày nay Thái Tử xa lìa tất cả thân tộc quyến thuộc dòng họ Thích, còn tôi đây là nô bộc đồng sinh một ngày với Thánh Tử, Ngài cũng không cho hầu hạ kề bên mà lại đuổi đi.

Thưa Thái Tử, hễ Ngài đi đến đâu, kẻ nô bộc này nguyện theo hầu đến đó không bao giờ xa lìa.

Bạch Đại Thánh Thái Tử, do đó, hôm nay trong tâm tôi, không nỡ đem lửa đỏ ưu sầu đốt lây tâm tình ân nghĩa, đơn thân độc mã trở về hoàng thành để Thái Tử một mình ở lại nơi rừng hoang vắng vẻ này.

Dầu cho tôi rời nơi đây, khi trở về hoàng thành, Thái Tử có biết Đại Vương Tịnh Phạn sẽ quở trách tôi điều gì chăng?

Lại nữa, Thái Tử không về triều, khi tôi về một mình, Thái Tử có biết có bao nhiêu bạn hữu tri thức và tất cả Hoàng Hậu, cung phi, thể nữ trong cung hỏi tôi điều gì chăng?

Mà Thái Tử còn sai tôi về triều nói những lời thế này: Ngươi nay đem những lời xấu ác hủy nhục ta đến nói với hoàng tộc, khiến quyến thuộc đâm ra chê trách oán ghét ta, mà không còn nhớ nghĩ đến ta nữa.

Thưa Đại Thánh Thái Tử, kẻ nô bộc này sao dám vọng ngữ, nói lời hủy nhục Thánh Tử như vậy, tâm tôi đâu không tự biết xấu hổ.

Tâm ý và miệng lưỡi tôi, nếu vì Thánh Tử nói lời xấu ác, dù tôi có vọng ngữ nói xấu Thánh Tử, thì thử hỏi lúc đó ai tin lời nói của tôi.

Thưa Thánh Tử, chẳng khác nào có người nói xấu hủy nhục Nguyệt Thiên Tử, nếu như có người nghe Thánh Tử ngày nay tâm thường tu tập hạnh từ bi mà lại bảo tôi nói lời bất thiện, nghe những lời nói như vậy, họ có thể tin không?

Thánh Tử đã tu hạnh đại từ bi, thường đem lời ái ngữ an ủi chúng sinh, nay Thái Tử rời bỏ hoàng tộc, việc này e chẳng lành. Do vậy, tốt hơn Thái Tử nên hồi tâm trở về Hoàng Cung thọ hưởng cảnh an vui.

Lúc ấy Thái Tử nghe những lời Ưu sầu khổ não của Xa Nặc nói như vậy, rồi lại bảo Xa Nặc: Ngươi nay cần phải bỏ tâm khổ não, chớ nên ưu sầu, vì sao?

Tất cả chúng sinh có sinh tất phải có già, ắt phải biệt ly. Này Xa Nặc, tất cả chúng sinh đều có tâm phiền não ái nhiễm, vấn đề ở trong thai và vấn đề nuôi dưỡng cũng đều hư vọng có hợp ắt có biệt ly, những người ấy chẳng phải là ta, ta chẳng phải là những người ấy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần