Phật Thuyết Kinh Phật Lên Trời đao Lợi Thuyết Pháp Cho Thân Mẫu - Phần Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH
PHẬT LÊN TRỜI ĐAO LỢI
THUYẾT PHÁP CHO THÂN MẪU
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẦN BỐN
Dù không phân biệt
Đối với sáu căn
Sẽ tới các nẻo
Không chỗ nương tựa.
Nếu quán như vậy
Là giới thanh tịnh
Chưa từng đạt giới
Có chỗ dựng lên.
Họ không có giới
Không ý, không chỉ
Giữ gìn cấm giới
Không tưởng tôi, ta.
Để nuôi cấm giới
Cũng không tưởng giới
Tu giới quan trọng
Chí được tự tại.
Nhờ hay phân biệt
Nếu thấy có thân
Liền không đọa lạc
Sáu mươi hai nghi.
Không chỗ họ thấy
Không thấy nơi chốn
Phụng thờ cấm giới
Không tự kiêu mạn.
Liền hay thuận nhập
Pháp tạng sâu xa
Những việc lễ tiết
Vì không vọng tưởng.
Khéo tu an tường
Cẩn thận thuận theo
Người giữ cấm giới
Chẳng chấp gì khác.
Không ỷ tôi, ta
Cũng không nương giới
Đã không tôi, ta
Nên không cấm giới.
Không nghĩ thân mình
Cùng với cấm giới
Như vậy mới gọi
Là bậc pháp khí.
Người không tôi, ta
Không tựa vào giới
Không chấp nơi thân
Không tưởng niệm pháp.
Người không thân kiến
Không có giới tâm
Người không phạm giới
Không thoát giới cấm.
Cũng không tạo dựng
Ở trong giới cấm
Không chấp có thân
Nên không tưởng giới.
Giới rất sâu xa
Nên không để phạm
Giả sử dũng mãnh
Giữ giới như vậy.
Kẻ ấy chưa từng
Có sự hủy phạm
Giữ giới như vậy
Thánh Hiền khen ngợi.
Với tất cả pháp
Không chỗ dính mắc
Với kẻ ngu si
Trụ tưởng tôi, ta.
Để giữ giới cấm
Rằng ngã đáng sợ
Làm mất giới báu
Mãi chẳng còn gì.
Lại không độ thoát
Tai họa ba cõi
Giả sử có người
Trừ các lưới kiến
Thì không thấy họ
Chống trái cấm giới
Tâm người ấy nghĩ
Không có tôi, ta.
Thuận thờ cấm giới
Không đọa nghi kiến
Liền không sợ hãi
Rơi vào đường ác.
Nếu biết phân biệt
Cấm giới như vậy
Không thấy kiến chấp
Người phạm cấm giới.
Không xét tôi, ta
Không thấy ba đời
Huống đang xem xét
Hủy phạm cấm giới.
Thiên Tử Nguyệt Thị bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thật là điều chưa từng có! Thưa đấng Thiên Trung Thiên! Đạo pháp rất nhiệm mầu của Chư Phật Thế Tôn, là vô thượng chánh chân, sâu xa khó nghĩ tới.
Bồ Tát đã làm điều to lớn đệ nhất ấy, mới có thể thờ phụng tu hành được pháp như vậy. Mà thật ra là sự không có chỗ trụ, cũng không có gì để tu. Trừ bỏ tất cả các vọng tưởng, lìa bỏ ý niệm tôi, ta tu hành vô số kiếp mà không đọa lạc vào Thanh Văn, Duyên Giác, không ngược lại ý đạo của trung đạo, đầy đủ Phật Pháp, nhập vào sự tròn đầy không khuyết.
Sao gọi là Bồ Tát phụng hành pháp sâu xa, tu theo Kinh Điển vi diệu, đối với chân bản tế mà không có sự thủ chứng?
Đức Thế Tôn bảo: Thiên Tử hãy lắng nghe! Bồ Tát có bốn việc để đi sâu vào pháp nhiệm mầu mà đối với chân bản tế, không có sự thủ chứng.
Những gì là bốn?
Bồ Tát Đại Sĩ giữ chí nguyện vững chắc, tạo dựng hạnh cốt yếu, đủ tất cả trí, phụng hành tinh tấn mà không khiếp nhược, dù có ở đâu, vẫn không bỏ chúng sinh, vì lòng thương rộng lớn, không bỏ giáo pháp, phương tiện thiện xảo, khích lệ các gốc đức. Đó là bốn hạnh diệu pháp sâu dày mà đối với chân bản tế, không có sự thủ chứng.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài tụng:
Với người trí sáng
Chí nguyện kiên cường
Chưa từng chống trái
Cổ xưa đã hiểu.
Là Nhất thiết trí
Ân cần tinh tấn
Trọn không thể có
Hưng phát thừa khác.
Phụng hành tinh tấn
Thường không buông thả
Siêng năng tu học
Tâm không khiếp nhược.
Cũng không vất bỏ
Tất cả chúng sinh
Trải tâm bình đẳng
Các loại quần sinh.
Càng thêm thương xót
Chúng sinh muôn đời
Hay chịu khổ sở
Ý không chuyển dời.
Chí không muốn khiến
Đạo Giáo đứt sạch
Giống như có người
Chứa nhiều châu báu.
Mà khéo biết rõ
Phương tiện quyền xảo
Khuyên tạo công đức
Không hề nhàm chán.
Đến chỗ tột cùng
Ôm lòng thương xót
Không phải nửa chừng
Diệt hết các lậu.
Họ đã thọ trì
Với Kinh Điển này
Bậc Bồ Tát ấy
Gọi là dũng mãnh.
Mà thường tu thờ
Pháp sâu xa này
Họ thật chưa từng
Chấp dựa bản tế.
Thiên Tử Nguyệt Thị lại bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Bồ Tát phụng hành sự thâm yếu?
Đức Phật bảo Thiên Tử: Vị Bồ Tát ấy chưa từng phá hoại pháp của phàm phu mà lại thành tựu ý nghĩa Phật Đạo rộng khắp. Cũng không hủy báng pháp của phàm phu. Cũng không thấy có Phật Pháp ích lợi lâu dài. Cũng không xa lìa pháp của phàm phu. Cũng không cầu mong đạt được Phật Đạo, không hưng khởi hạnh này.
Pháp của phàm phu khác với Phật Đạo chăng?
Cũng không nghĩ rằng: Pháp của phàm phu ô uế, nhỏ mọn, đạo pháp của Phật là vi diệu chăng?
Cũng không tạo hạnh này: Pháp của phàm phu thì có lậu hoặc, đạo pháp của Phật thì không lậu hoặc.
Lại nghĩ rằng: Pháp của phàm phu cùng với đạo pháp, cả hai pháp ấy thảy đều rỗng không vắng lặng, chỉ là giả hiệu. Tư tưởng ô uế. Pháp của phàm phu cũng không thành tựu, pháp của Chư Phật cũng không đầy đủ. Pháp của phàm phu vốn không có thật, cũng không tự nhiên. Pháp của Chư Phật đều không thật có, cũng không tự nhiên.
Nếu nói đúng lý, thì pháp phàm phu mà không sở tri, cũng không vô tri. Không sinh, vô sinh. Nếu ai xem xét kỹ thì hãy suy tìm gốc ngọn của nó.
Nếu dùng tuệ của không, tuệ của vô tướng, tuệ của vô nguyện, mà trí tuệ sáng suốt, gọi đó là Phật Pháp. Không thể riêng biệt biết nơi chốn của Phật Pháp, xem gốc ngọn của nó, thấy rõ là không, không không thấy không, cũng không sở tri, cũng không sở quán, thảy đều trong sạch, nhưng vì vô minh mới khởi lên vậy.
Vì vậy, này Thiên Tử! Pháp ấy không pháp, các pháp tự nhiên, lại lập các pháp sợ hãi, pháp sợ hãi ấy không có hai, vì nó không hai nên không phàm phu, cũng không Thanh Văn, cũng không Duyên Giác, Phật Đạo bình đẳng, cũng không có dạy, hạnh cao đẹp ấy là hạnh Bồ Tát. Bồ Tát chuyên tu, phân biệt chánh giáo, không có một pháp nào là không phải Phật Pháp.
Vì sao?
Vì nói là pháp ấy, tập tục là pháp nhưng không có lời tập tục. Nếu có điều để nói, thì không. Cái không nắm bắt, sẽ không chỗ hưng khởi. Vì không chỗ hưng khởi thì không hình tướng để giáo hóa. Tất cả các pháp đều không hình tượng.
Giả sử các pháp không có hạn lượng thì cũng không lìa Phật Pháp.
Cho nên, này Thiên Tử! Phải xem xét như vậy: Tất cả các pháp đều là Phật Pháp, không có tưởng hạnh. Vì cái ý nghĩ tưởng hạnh mà khởi lên cái thức hai việc.
Những loại như vậy, nhờ thức mà tu hành được Phật Pháp vô lậu, cũng lại đối với nó, mà không tưởng cầu. Với họ, sinh khởi hạnh của Thanh Văn. Họ hiểu rõ rằng, pháp giới không bụi trần, cũng không vắng lặng. Giả sử, đối với pháp mà không thọ pháp, thì sẽ không có pháp.
Với pháp trần lao và pháp lặng yên có thể có được trần lao và lặng yên chăng?
Nếu muốn cầu nó, hoàn toàn không thể được.
Như vậy, này Thiên Tử! Bồ Tát hiểu rõ như vậy thì gọi là bậc có hạnh sâu xa tốt đẹp. Họ đối với tất cả pháp, cùng với Phật Pháp, không có chỗ thấy. Vì không có chỗ thấy, nên đó là lìa kiến. Cái chỗ thấy ấy là không chỗ thấy.
Giả sử Bồ Tát xem xét như vậy thì ma và quyến thuộc của chúng không thể sai khiến được, không thể chiến thắng.
Thiên Tử Ngyệt Thị lại bạch Đức Phật: Đúng vậy, bạch Thế Tôn! Thật là điều chưa từng có. Việc làm của Bồ Tát Đại Sĩ rất khó, dùng hình tượng các loài như vậy để xem xét các pháp, đến chỗ rốt ráo như là vô sinh, ngồi đứng, nói năng cũng không nhớ nghĩ.
Đức Phật nói: Này Thiên Tử! Thí như huyễn sư, hóa dùng thuật biến hóa làm cho vật ấy đi lại chạy quanh, ngồi đứng, kinh hành, mà nói ngôn giáo, nó không có tưởng niệm.
Như vậy, này Thiên Tử! Họ đã hiểu rõ các pháp đều như huyễn, hiện đủ năm đường, nhưng không có sự sinh ra, họ sẽ không tưởng. Vị Bồ Tát ấy không nghĩ về sinh, cũng không chỗ khởi lên, nhờ dùng bổn nguyện, nên mới có sự tạo dựng, hiện có sự sinh ra.
Thiên Tử lại hỏi: Như lời dạy của Thế Tôn, Bồ Tát không nghĩ về chỗ sinh, cũng không vãng sinh. Vì sao Như Lai, Đại Thánh, Bậc Chí Chân lại thương xót nhớ nghĩ công ân sinh thành của thân mẫu tại cung Trời Đao lợi, suốt cả ba tháng.
Như Lai không nhờ Vương Hậu Ma Da mà có sinh ra chăng?
Đức Phật bảo Thiên Tử: Bồ Tát không phải do Vương hậu Ma Da sinh ra, nhưng như pháp mà tương ưng.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Năm Mươi Hai - Phẩm Nghi Thức Thuyết Pháp
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Hoa - Phẩm Mười Một - Tháp Bảy Báu
Phật Thuyết Kinh Hoa Thủ - Phẩm Năm - Phẩm Bất Tín
Phật Thuyết Kinh Huyễn Sĩ Nhân Hiền - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh Thế Ký - Phẩm Bốn - ðịa Ngục - Phần Một