Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Bốn - Phẩm Học Năm Loại Mắt
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Vô La Xoa, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH PHÓNG QUANG BÁT NHÃ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Vô La Xoa, Đời Tây Tấn
PHẨM BỐN
PHẨM HỌC NĂM LOẠI MẮT
Tôn Giả Xá Lợi Phất bạch Phật: đại Bồ Tát tương ưng với bát nhã Ba la mật từ đâu sinh đến đây và từ đây sinh về đâu?
Phật bảo Xá Lợi Phất: Bồ Tát tương ưng với bát nhã Ba la mật, từ nơi Cõi Trời Đâu Suất sinh xuống cõi này, hoặc ở Cõi Phật khác vào cõi này, hoặc từ trong loài người mà sinh ở cõi này. Nếu từ nơi Cõi Trời Đâu Suất đến đây thì giữ đầy đủ bát nhã Ba la mật, các pháp Đà La Ni, các pháp tam muội, các pháp trí tuệ đều tồn tại.
Từ nơi Cõi Phật khác đến thì mau chóng thành tựu bát nhã Ba la mật. Trí tuệ mỗi ngày thêm tăng, đầy đủ các pháp sâu xa, về sau mới thành tựu bát nhã Ba la mật, sinh ra ở đâu cũng thường gặp Phật và không rời xa Chư Phật. Từ loài người đến thì Bồ Tát chưa đạt được quả vị không thoái chuyển, các căn ám độn không thể thành tựu bát nhã Ba la mật, không gặp được các pháp Đà La Ni.
Xá Lợi Phất! Câu hỏi của ông về Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật ở cõi này sau sẽ sinh về đâu?
Là như thế này: Bồ Tát này sẽ sinh ở Cõi Phật khác, từ Cõi Phật này đến Cõi Phật kia, lại thường gặp, không rời xa Chư Phật Thế Tôn. Lại có Bồ Tát không có phương tiện quyền xảo, từ bốn thiền thực hành sáu pháp Ba la mật, giữ phước thiền này sinh vào Cõi Trời Trường Thọ. Ở Cõi Trời sống lâu vô cùng này, sinh đến thế gian cúng dường Chư Phật, các Bồ Tát này các căn chậm lụt không thông minh lắm.
Xá Lợi Phất! Lại có Bồ Tát hành bốn thiền và bốn vô đẳng ý, bốn vô hình Thiền niệm, ba mươi bảy phẩm, đại từ, đại bi, giữ gìn phương tiện thiện xảo của phước Thiền thì không thể ở lâu chỗ đó mà thường sinh đến chỗ Chư Phật giáo hóa, sẽ sinh trong hiền kiếp thành bậc giác ngộ, không xa lìa bát nhã Ba la mật.
Lại có Bồ Tát thực hành bốn thiền, bốn vô đẳng ý, bốn định vô hình, dùng phương tiện quyền xảo, nên không sinh vào các cõi Thiền mà sinh vào dòng tộc tôn quý, sinh vào nhà Phạm chí, vào nhà bậc Trưởng Giả, sinh vào chỗ nào cũng thường giáo hóa chúng sinh.
Lại có Bồ Tát thực hành bốn thiền, bốn Vô đẳng ý, bốn Vô hình định, dùng phương tiện quyền xảo, nên không bị lệ thuộc vào thiền, sinh vào Cõi Thiền Tứ Thiên Vương, Trời Đao Lợi, tầng Trời thứ sáu, thường giáo hóa Chư Thiên làm thanh tịnh Cõi Phật, giáo hóa chúng sinh cung kính cúng dường Chư Phật.
Lại có Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật, dùng phương tiện quyền xảo, hành thiền thứ nhất sinh vào nơi tôn quý, Cõi Trời Phạm Thiên, từ cõi đó đi khắp mười phương thỉnh Chư Phật Thế Tôn Chuyển Pháp Luân.
Lại sinh làm Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ hành bát nhã Ba la mật, dùng phương tiện quyền xảo, gồm đủ bốn thiền, bốn đẳng ý, bốn định vô hình, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, không, vô tướng, vô nguyện, thực hành đầy đủ tam muội, không lệ thuộc vào tầng Thiền nào, thường gặp Chư Phật, phụng sự Thế Tôn, giữ gìn hạnh thanh tịnh, nên sinh vào Cõi Trời Đâu suất, trong Cõi Trời này sống lâu tùy ý, các căn đầy đủ, thuyết pháp cho hàng Trời người quyến thuộc đang vây quanh, về sau sinh trong loài người thành bậc Chánh Đẳng Giác.
Xá Lợi Phất! Lại có Bồ Tát tuy đã chứng được sáu phép thần thông nhưng không sinh vào Sắc Giới hay Vô Sắc Giới của Cõi Dục, mà lại đi từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác để lễ bái các Đức Phật. Lại có Bồ Tát chứng sáu pháp thần thông đi khắp các Cõi Phật, đến những cõi không có danh tự Thanh Văn, Bích Chi Phật mà giáo hóa.
Lại có Bồ Tát hành trì sáu pháp thần thông sinh vào các Cõi Phật, sinh vào cõi nào cũng thọ mạng vô lượng. Lại có Bồ Tát dùng sáu pháp thần thông đi khắp các cõi, đi đến chỗ không có Phật để hoằng dương đạo pháp, khiến chúng sinh kia nghe công đức của Tam Bảo, nghe xong hoan hỷ mà sinh vào các Cõi Phật.
Lại có Bồ Tát từ lúc bắt đầu phát tâm đạt được bốn thiền, bốn thanh tịnh, bốn định vô hình, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, cho đến mười tám pháp bất cộng, không sinh trong tam giới, sinh những nơi làm lợi ích cho tất cả chúng sinh.
Lại có Bồ Tát thực hành sáu pháp Ba la mật, từ lúc bắt đầu phát tâm liền đạt địa vị Bồ Tát cho đến địa vị không thoái chuyển.
Lại có Bồ Tát từ lúc bắt đầu phát tâm liền đạt được Chánh Đẳng Giác, chuyển pháp luân làm lợi ích trăm ngàn vạn ức chúng sinh, rồi từ nơi cảnh giới Vô dư mà nhập vào Niết Bàn, pháp này lưu lại từ nửa kiếp đến một kiếp.
Lại có Bồ Tát vừa phát tâm liền tương ưng với bát nhã Ba la mật, cùng với vạn ức Bồ Tát đồng đi đến các Cõi Phật làm cho thanh tịnh.
Lại có Bồ Tát thực hành sáu pháp Ba la mật, từ bốn thiền, bốn đẳng ý cho đến bốn định vô hình, hưởng vui trong các pháp ấy, trụ ở bốn thiền. Từ bốn thiền đến thiền giải thoát, từ thiền giải thoát đến định vô hình, từ định vô hình vào thiền giải thoát, từ thiền giải thoát vào thiền vô tư tưởng tuệ thiền, lại từ đây trở về thiền giải thoát, dùng phương tiện quyền xảo nhập tam muội Bổ Khư Xà. Đây là Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật.
Lại có Bồ Tát thực hành ba mươi bảy phẩm trợ đạo cho đến mười tám pháp bất cộng, không chấp vào quả vị Thanh Văn, Bích Chi Phật.
Lại có Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật, dùng phương tiện quyền xảo hành ba mươi bảy phẩm trợ đạo, làm cho những vị mới phát tâm hạn hẹp đều được độ. Các vị Thanh Văn, Bích Chi Phật được đạo tuệ đều do sự kiên trì của Bồ Tát. Nên biết, người hành bát nhã Ba la mật này là bậc không thoái chuyển.
Xá Lợi Phất! Lại có Bồ Tát thực hành sáu pháp Ba la mật, sinh vào Cõi Trời Đâu suất. Nên biết, đây là các vị Bồ Tát trong kiếp hiền.
Lại có Bồ Tát dùng bốn phước thiền cho đến mười tám pháp bất cộng đều không chấp vào quả vị đã đạt. Nên biết, đây là vị Bồ Tát nhất sinh bổ xứ.
Lại có Bồ Tát hành sáu pháp Ba la mật, từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác, dìu dắt chúng sinh đến Đạo Tràng. Bồ Tát này từ lúc mới phát tâm đến nay trải qua vô số A tăng kỳ kiếp mới được thành Phật.
Lại có Bồ Tát thực hành sáu pháp Ba la mật, không nói những điều vô ích cho chúng sinh.
Lại có Bồ Tát thực hành sáu pháp Ba la mật, nên từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác, đoạn trừ ba đường ác cho chúng sinh.
Lại có Bồ Tát thực hành sáu pháp Ba la mật, thường bố thí làm an lạc tất cả, hoan hỷ cung cấp voi, ngựa, xe, y phục, tiền, thức ăn, thành quách và châu báu cho người xin.
Lại có Bồ Tát thực hành sáu pháp Ba la mật, có khả năng hóa nhiều hình dạng Đức Phật đi vào ba đường ác, tùy theo ngôn ngữ mà thuyết pháp làm cho họ được giải thoát.
Lại có Bồ Tát thực hành sáu pháp Ba la mật, hóa ra thân Phật ở khắp mười phương giáo hóa chúng sinh làm thanh tịnh Cõi Phật, rồi đến khắp nơi quán các oai nghi tốt xấu dơ sạch của Chư Phật, tạo nên cõi vi diệu thù thắng khác nhau, chỉ dùng Nhất Thừa để giáo hóa các vị Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ.
Lại có Bồ Tát thực hành sáu pháp Ba la mật liền được thân bậc Đại Sĩ, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, các căn hoàn hảo. Chúng sinh trông thấy đều cung kính hoan hỷ. Nhân họ vui vẻ, Bồ Tát dùng pháp Tam thừa khiến họ được độ thoát nhập vào Niết Bàn.
Xá Lợi Phất! Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật trước hết làm cho thân, khẩu, ý được thanh tịnh. Khiến cho các căn đã hoàn hảo rồi làm cho hoàn hảo hơn, không tự đề cao mình cũng không hạ thấp người.
Lại có Bồ Tát từ lúc mới phát tâm, do thực hành bố thí và trì giới Ba la mật không bị đọa vào ba đường ác cho đến lúc thành bậc Chánh Đẳng Giác.
Lại có Bồ Tát từ lúc mới phát tâm cho đến lúc thành Chánh Đẳng Giác thường không quên thực hành mười điều thiện.
Lại có Bồ Tát thực hành bố thí Ba la mật, làm Vua Chuyển Luân bố thí vô ngại, giáo hóa chúng sinh tu theo mười điều thiện, đem tài vật bố thí rộng rãi cho chúng sinh.
Lại có Bồ Tát Bố thí, trì giới Ba la mật, trăm ngàn ức kiếp làm Chuyển Luân Vương luôn bố thí không ngại, thường cúng dường không bị đọa vào ba đường ác, cung kính Chư Phật.
Lại có Bồ Tát thực hành sáu pháp Ba la mật, giáo hóa chúng sinh, thắp sáng chánh pháp, cho đến lúc thành bậc Chánh Đẳng Giác không rời đuốc tuệ.
Do đó, Bồ Tát làm sáng rạng Phật Pháp, đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật. Người hành đạo Bồ Tát thường giữ gìn thân, khẩu, ý, khiến cho các việc bất thiện không khởi lên.
Xá Lợi Phất bạch Phật: Vì sao Bồ Tát phải giữ gìn thân, khẩu, ý?
Phật đáp: Nếu Bồ Tát không có ý giữ gìn thân, khẩu, ý thì từ các nhân duyên xấu dễ gây thành tội lỗi.
Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật cũng không thấy thân, khẩu, ý. Tuy có thân, khẩu, ý nhưng không sinh tật đố tà kiến, không lưỡng thiệt, ác khẩu, vọng ngôn, ỷ ngữ. Không sát, đạo, dâm. Không giải đãi, ý không bao giờ nghĩ việc làm ác. Nếu Bồ Tát không xả bỏ các điều ác này thì không phải là Bồ Tát.
Lại có Bồ Tát thực hành sáu pháp Ba la mật, bỏ hành động ác, bỏ lời nói ác, bỏ ý niệm ác.
Xá Lợi Phất bạch Phật: Thế nào là Bồ Tát trừ bỏ thân, khẩu, ý?
Phật nói: Bồ Tát không lệ thuộc vào thân, khẩu, ý cho nên có thể đoạn trừ. Bồ Tát từ lúc bắt đầu phát tâm đến nay thường giữ mười điều thiện, cho nên hơn hẳn Thanh Văn và Bích Chi Phật.
Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật, dùng sáu pháp Ba la mật làm thanh tịnh Cõi Phật.
Xá Lợi Phất bạch Phật: Bồ Tát làm thanh tịnh Cõi Phật như thế nào?
Phật dạy: Bồ Tát không lệ thuộc vào thân, khẩu, ý. Không lệ thuộc vào sáu pháp Ba la mật. Không lệ thuộc vào A La Hán, Bích Chi Phật. Không lệ thuộc vào Bồ Tát cũng không lệ thuộc vào Phật.
Vì sao vậy?
Vì đối với tất cả các pháp đều không có sự lệ thuộc, đó là Bồ Tát đạo.
Xá Lợi Phất! Lại có Bồ Tát luôn thực hành các pháp bát nhã Ba la mật, nhờ đó mà không ai có thể thu phục.
Xá Lợi Phất bạch Phật: Tại sao Bồ Tát thực hành sáu pháp Ba la mật thì không ai có khả năng thu phục?
Phật dạy: Bồ Tát thực hành sáu pháp Ba la mật thì không có niệm năm ấm, niệm sáu căn. Không có niệm sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Không có niệm mười tám tánh. Không có niệm ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Không có niệm sáu pháp Ba la mật. Không có niệm mười lực của Phật, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng, không có niệm pháp Thanh Văn, Bích Chi Phật, không có niệm Phật đạo, cũng không có niệm chánh biến tri.
Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát thực hành sáu pháp Ba la mật, công đức này ngày càng thêm lợi ích, nhờ thế nên không ai có thể thu phục.
Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát trụ nơi bát nhã Ba la mật, đầy đủ trí nhất thiết. Nhờ trí tuệ nên không sinh vào cõi ác thú, không sinh trong bần cùng, lại được làm người có các căn đầy đủ, không bị oán ghét, thường được Chư Thiên, A Tu La kính mến.
Xá Lợi Phất bạch Phật: Trí tuệ Bồ Tát như thế nào?
Phật dạy: Bồ Tát với trí tuệ đầy đủ thấy hết hằng hà sa số Chư Phật Thế Tôn, theo Thế Tôn nghe và thọ trì giáo pháp của Chư Phật. Bồ Tát có trí tuệ không có tưởng Phật, không có tưởng Bồ Tát, không có tưởng Thanh Văn, không có tưởng Bích Chi Phật, không có tưởng về ngã, tưởng về nhân, không có tưởng về Phật Quốc.
Bằng trí tuệ, Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật, thực hành ba mươi bảy phẩm trợ đạo, nhưng không nghe danh tự ba mươi bảy phẩm trợ đạo, cũng không thấy mười tám pháp bất cộng.
Xá Lợi Phất! Đây là trí tuệ của Bồ Tát, do trí tuệ này nên được đầy đủ các pháp, nhưng không tự cao cho rằng thấy tất cả các pháp.
Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật làm thanh tịnh năm loại mắt: Nhục nhãn, thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhãn và Phật nhãn.
Xá Lợi Phất bạch Phật: Bồ Tát thanh tịnh nhục nhãn như thế nào?
Phật đáp: Có Bồ Tát dùng nhục nhãn để thấy một trăm do tuần, thấy hai trăm do tuần. Lại có Bồ Tát dùng nhục nhãn để thấy một cõi Diêm Phù Đề, hai cõi Diêm Phù Đề, thấy khắp bốn thiên hạ.
Có Bồ Tát dùng Nhục nhãn để thấy một ngàn Thế Giới, thấy hai ngàn Thế Giới, thấy cả ba ngàn Thế Giới. Đó là Bồ Tát có nhục nhãn thanh tịnh.
Xá Lợi Phất bạch Phật: Thiên nhãn là gì?
Phật đáp: Bồ Tát dùng thiên nhãn để thấy, hiểu biết tường tận Cõi Trời Tứ Thiên Vương, từ Trời Đao Lợi đến Cõi Trời thứ sáu. Đến Cõi Trời Sắc Cứu Cánh, Bồ Tát đều thấy, hiểu biết hết.
Những người trên Cõi Trời Tứ Thiên Vương, Cõi Trời Vô Sắc đều không thấy, không biết được thiên nhãn của Bồ Tát thấy đếm. Thiên nhãn của Bồ Tát thấy khắp hằng sa Thế Giới ở mười phương, biết hết các việc sinh tử, thiện ác của chúng sinh trong mười phương, đó là Bồ Tát có thiên nhãn thanh tịnh.
Xá Lợi Phất bạch Phật: Tuệ nhãn của Bồ Tát thấy thế nào?
Phật dạy: tuệ nhãn của Bồ Tát không khởi lên ý niệm có pháp hữu vi, pháp vô vi, pháp đạo, pháp tục. Bồ Tát có tuệ nhãn thì thấy hết các pháp, nghe hết các pháp và biết hết các pháp, đó là Bồ Tát có tuệ nhãn thanh tịnh.
Xá Lợi Phất bạch Phật: Thế nào là Bồ Tát được pháp nhãn thanh tịnh?
Phật dạy: Bồ Tát dùng pháp nhãn thanh tịnh thấy đây là người có lòng tin vững chắc vào pháp, đây là người đã an trú trong vô tướng, vô nguyện giải thoát. Bên trong thì không lệ thuộc vào cảm thọ của năm căn, vào định nên thành tựu tuệ giải thoát.
Lại dùng Tuệ giải thoát vượt qua ba chướng ngại: Thân ngại, hồ nghi ngại, tà tín ngại mà đắc quả Tu Đà Hoàn.
Bồ Tát nhờ sự chứng đắc này khiến cho dâm, nộ, si mỏng dần rồi đắc quả Tư Đà Hàm.
Bồ Tát siêng năng tu tập đến lúc dâm, nộ, si diệt trừ thì đắc quả A Na Hàm.
Khiến cho năm ái tiêu trừ: Một là sắc ái, hai là vô sắc ái, ba là si ái, bốn là hận ái, năm là loạn chí ái. Người đoạn trừ năm ái này liền đắc quả A La Hán.
Bồ Tát thực hành pháp quán không, liền được giải thoát về pháp không và thành tựu năm căn, nhanh chóng thành tựu A La Hán đạo mà không lệ thuộc vào tầng thiền định. Đó là bậc đã đạt vô tướng giải thoát, thành tựu năm lực cho đến quả A La Hán.
Đó là Bồ Tát chứng đắc pháp nhãn thanh tịnh. Bồ Tát biết pháp sinh đều là pháp diệt liền thành tựu năm căn, đó là Bồ Tát đạt pháp nhãn thanh tịnh.
Bồ Tát phát tâm thực hành bố thí Ba la mật đến bát nhã Ba la mật, đầy đủ trí căn, tinh tấn căn, phương tiện quyền xảo căn, giữ gìn ba căn cùng các công đức sẽ sinh vào nhà vương giả, dòng tộc lớn, nhà Phạm chí, nhà Trưởng Giả, sinh lên Cõi Trời Tứ Thiên Vương, đến tầng Trời thứ sáu.
Ở các Cõi Trời Bồ Tát đều dạy bảo chúng sinh, ở chỗ nào cũng an lạc làm thanh tịnh Cõi Phật, lễ bái cúng dường Chư Phật, không rơi vào Thanh Văn, Bích Chi Phật mà thành tựu bậc Chánh giác. Đây là Bồ Tát có pháp nhãn thanh tịnh.
Bồ Tát có pháp nhãn biết tất cả chúng sinh đã được thọ ký hay chưa được thọ ký, thoái chuyển hay không còn thoái chuyển, đầy đủ thần thông hay không đầy đủ thần thông.
Bồ Tát đã có đầy đủ Thần Thông liền đi đến các Cõi Phật, gần gũi lễ bái Chư Phật. Cũng có những vị chưa đạt được, có vị được ở Cõi Phật thanh tịnh hay không thanh tịnh. Bồ Tát có giáo hóa chúng sinh hay không giáo hóa chúng sinh.
Bồ Tát được Chư Phật tán thán hay không được Chư Phật tán thán. Bồ Tát có gần gũi Chư Phật hay không gần gũi Chư Phật. Bồ Tát thành Phật, chúng đệ tử của Ngài số lượng vô hạn hoặc hữu hạn. Lúc Bồ Tát thành Phật, lấy các Bồ Tát làm Tăng, không lấy Bồ Tát làm Tăng. Có Bồ Tát do chuyên cần khổ hạnh thành Phật, có vị không do chuyên cần khổ hạnh mà thành Phật.
Có Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ hay có Bồ Tát chưa đạt Nhất sinh bổ xứ. Có Bồ Tát đến Đạo Tràng hoặc có Bồ Tát chưa đến Đạo Tràng. Có Bồ Tát ngồi dưới gốc cây thu phục các ma. Tất cả các việc Bồ Tát đều biết rành rẽ. Đó là Bồ Tát đạt được pháp nhãn thanh tịnh.
Xá Lợi Phất bạch Phật: Bồ Tát đắc Phật nhãn thanh tịnh như thế nào?
Phật dạy: Bồ Tát thành tựu tam muội Kim cang, đạt trí nhất thiết, mười lực, bốn vô sở úy, thực hành bốn đẳng tâm, mười tám pháp bất cộng, đại từ, đại bi. Tuệ nhãn Bồ Tát thấy tất cả sự vật của vạn pháp, không có việc gì Bồ Tát không thấy, không có âm thanh nào Bồ Tát không nghe, không có vật nào Bồ Tát không phân biệt, không có pháp nào Bồ Tát không biết.
Xá Lợi Phất! Đây là Bồ Tát được Chánh Đẳng Giác, đạt được chánh giác nhãn thù thắng.
Bồ Tát muốn đạt được năm loại mắt thanh tịnh nên tu tập sáu pháp Ba la mật.
Vì sao?
Vì tất cả các pháp của Bồ Tát, Thanh Văn, Bích Chi Phật đều không hơn được bát nhã Ba la mật. Bát nhã Ba la mật đây chính là mẹ của năm loại mắt, sẽ mau chóng thành tựu bậc Chánh Giác.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba