Phật Thuyết Kinh Quảng Bác Nghiêm Tịnh Bất Thoái Chuyển Luân - Phần Mười Tám
Giảng giải: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trí Nghiêm, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH
QUẢNG BÁC NGHIÊM TỊNH
BẤT THOÁI CHUYỂN LUÂN
Giảng giải: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trí Nghiêm, Đời Đường
PHẦN MƯỜI TÁM
Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa vừa nêu nên Ngài nói kệ rằng:
Nếu trong một trăm kiếp
Dùng các thức ăn ngon
Cúng dường Bậc Đạo Sư
Chưa gọi cúng dường Phật.
Nếu thọ trì Kinh này
Đó gọi cúng dường Phật
Tôn kính pháp các Phật
Là cúng dường trên hết.
Nếu trong một trăm kiếp
Dùng các thứ y phục
Đại tinh tấn cứu đời
Chưa gọi cúng dường Phật.
Nếu thọ trì Kinh này
Là cúng dường trên hết
Đó gọi cúng dường Phật
Hơn hẳn cúng y phục
Nếu trong một trăm kiếp
Tung rải các thứ hoa
Đại tinh tấn cứu đời
Chưa gọi cúng dường Phật.
Muốn cúng dường trên hết
Gọi cúng dường các Phật.
Nên thọ trì Kinh này
Chẳng đắm nhiễm các quả.
Đó là cúng dường lớn
Hơn mọi thứ cúng dường
Nếu thọ trì Kinh này
Mà không chấp lấy ngã.
Nếu trong một trăm kiếp
Giữ tịnh giới bền chắc
Mà không trì Kinh này
Thì chưa gọi giữ giới
Nếu thọ trì Kinh này
Đó mới gọi giữ giới
Trên hết trong các giới
Hơn bố thí ở trước.
Tuy có giới thuần tịnh
Vô lượng, khó thể bàn
Phải nên thường siêng cầu.
Thọ trì Kinh như vậy.
Như trong Kinh này nêu
Người khéo tu giới hạnh
Chẳng gọi là giới ác
Hay là kẻ phá giới.
Nếu giữ giới Kinh này
Gọi giữ giới bồ đề
Giữ định, giới bồ đề
Đầy đủ, giới vô tác.
Các giới như vậy thảy
Đều nói trong Kinh này
Nếu thọ trì Kinh này
Đầy đủ tất cả giới.
Nếu người trong trăm kiếp
Tu hành nhẫn nhục lớn
Chúng sinh lời ác mắng
Tâm ấy đều an nhẫn.
Nếu chân tay bị chặt
Thân cũng không xao động
Không hề sinh tâm ác
Oán giận kẻ hại mình.
Tu nhẫn nhục như thế
Như vị Tiên nhẫn nhục
Tuy trải qua trăm kiếp
Nhẫn ấy chưa trên hết.
Nếu người nghe Kinh này
Tin hiểu chấp nhận được
Nhẫn ấy là trên hết
Nhẫn của Bậc Hiền thiện.
Nhẫn ấy là trên hết
Nhẫn ấy không gì trên
Nếu thọ trì Kinh này
Mà tâm không nhiễm đắm
Nhằm đạt dứt vướng chấp
Muốn cầu không nhiễm đắm
Trí vô thượng các Phật
Không nên sinh chấp đắm
Mau thọ trì Kinh này.
Nếu trong một trăm kiếp
Thường đứng không ngồi nằm
Cũng không hề ngủ nghỉ
Siêng hành tinh tấn lớn.
Người trí siêng tinh tấn
Truyền bá khắp Kinh này
Người ấy được không sợ
Hơn tinh tấn lớn kia.
Nếu trong một trăm kiếp
Đạt đủ năm thần thông
Chẳng được nghe Kinh này
Trí ấy chưa trên hết.
Nếu thọ trì Kinh này
Thông đạt nghĩa không nương
Nơi các thứ thần thông
Thần Thông ấy trên hết
Nếu trong một trăm kiếp
Tu hành các trí tuệ
Tuệ ấy là thế gian
Nhận rõ pháp thế gian
Nếu không học Kinh này
Chưa gọi là tuệ sáng
Nếu tu học Kinh này
Đó gọi tuệ bền chắc.
Nếu được nghe Kinh này
Vui, tin không gì hơn
Người ấy gọi là trí
Cũng gọi người thông đạt
Muốn dùng tuệ như thế
Biết được các pháp như
Nên giảng nói Kinh này
Sẽ được tuệ như thế.
Pháp người trí thực hành
Kinh này đều nói rõ
Phải nên siêng tinh tấn
Để thọ trì Kinh này.
Lúc này, Tôn Giả A Nan liền ở trước Phật nói kệ rằng:
Nên đi một do tuần
Cho tới trăm do tuần
Nghe nhận được Kinh này
Lìa bỏ được các quả
Ví có hầm lửa lớn
Mỗi bề một do tuần
Người trí ở trong đó
Nghe nhận Kinh sâu này.
Muốn được giới các Thánh
Trên hết trong các giới
Nên truyền bá Kinh này
Giữ giới thân thanh tịnh.
Muốn được thiền các
Thánh Trên hết trong các thiền
Nên truyền bá Kinh này
Đốt sạch các phiền não.
Muốn được tuệ các Thánh
Trên hết trong các tuệ
Nên truyền bá Kinh này
Thanh tịnh các Pháp Giới
Muốn đến khắp mọi chốn
Nghiêm tịnh các Thế Giới
Cõi ấy gọi an vui
Nên truyền bá Kinh này.
Muốn thấy Phật A Súc
Trên trong các Mâu Ni
Nên thọ trì Kinh này
Nói rộng cho chúng sinh.
Nếu muốn tịnh Bồ Tát
Khắp mọi nẻo hành hóa
Thực hành khắp mọi điều
Nên truyền bá Kinh này
Được đến cõi an lạc.
Được thấy Phật Di Đà
Ánh sáng không thể bàn
Nên truyền bá Kinh này
Là lời các Phật nói.
Đức Thế Tôn nói bảo A Nan: Lành thay, lành thay! Đúng như lời ông vừa nói.
Vì sao?
Vì nếu có các vị thiện nam, thiện nữ tâm không tán loạn, đọc tụng Kinh này, lại giải thích cho người khác nghe mà muốn thấy các Đức Phật thì đều được thấy. Nếu tâm tán loạn, đọc tụng Kinh này, giải thích cho người khác nghe thì người ấy khi sắp mạng chung sẽ được thấy trăm ngàn Đức Phật.
Vì sao?
Vì tất cả các Phật đều che chở giữ gìn các Thiện Nam, Thiện Nữ ấy.
Lúc bấy giờ, trong chúng hội có một vị đồng nữ tên là Sư Tử cùng năm trăm vị đồng nữ khác, liền đứng dậy, sửa y bày vai phải, gối phải chấm đất, nhất tâm chắp tay bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có người nữ nào thọ trì Kinh này, đọc tụng thông suốt thì có công đức gì?
Đức Phật bảo đồng nữ Sư Tử: Nếu có người nữ mong cầu đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thọ trì Kinh này đọc tụng thông suốt thì nên biết người ấy mang thân nữ đó là thân nữ sau cùng.
Vì sao?
Vì nếu có người nữ, tâm không tán loạn thọ trì Kinh này đọc tụng thông suốt, thì tất cả phiền não thọ thân người nữ đều được dứt sạch.
Đồng nữ Sư Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Cac phiền não nào làm cho phải thọ thân nữ?
Phật bảo đồng nữ Sư Tử: Phàm những người nữ khi trông thấy những người nữ khác hình dung xinh đẹp, lại dùng vàng bạc châu báu cùng nhiều thứ ngọc ngà trang sức thân thể thì thường sinh tâm thích thú sung sướng từ đó sinh tâm yêu đắm, không thể quán sát một cách như thật thân này rằng chỉ là sự chứa nhóm bao thứ nhơ nhớp bất tịnh, chỉ nhờ lụa là màu sắc, hương thơm xông ướp làm mê lầm mắt người, khiến sinh tâm đắm nhiễm, khởi lên bao thứ phiền não, vì vậy phải thọ thân nữ.
Lại nữa, đồng nữ Sư Tử! Tánh người nữ thường bỏn sẻn ganh ghét, lời nói tùy theo lúc mà khác nhau, tâm nghĩ tùy theo lúc mà khác nhau, trước mặt thì nói thế này, nơi kín đáo thì nói khác, thêm bớt tô điểm, nếu có đến chỗ các Tỳ Kheo thì cũng ít vì chánh pháp, chất chứa nhiều giận hờn, ham đắm ngủ nghỉ, ưa thích chuyện trò. Vì lý do ấy mà không thể thọ trì Kinh này, ngày đêm tâm thường bị ô nhiễm, ít có tâm giải thoát, đầy đủ các tâm phiền não như vậy nên thường chịu thân nữ không thể dứt được.
Cho nên, này đồng nữ Sư Tử! Nếu có người nữ muốn không khởi phiền nao, không còn chịu thân nữ thì phải thọ trì đọc Tụng Kinh này, giảng nói cho người khác nghe.
Vì sao?
Vì Kinh này có công năng dứt trừ các phiền não cho người nữ.
Đồng nữ Sư Tử lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có người nữ, không vì việc lìa bỏ thân nữ mà thọ trì Kinh này, đọc tụng thông suốt thì họ còn chịu thân nữ nữa chăng?
Phật bảo đồng nữ Sư Tử: Nếu có người nữ, tuy chẳng vì việc lìa bỏ thân nữ mà thọ trì Kinh này, đọc tụng thông suốt thì nên biết rằng thân nữ ấy là thân nữ cuối cùng của người đó, ngoại trừ trường hợp do thần thông thị hiện làm thân nữ.
Này đồng nữ Sư Tử! Ví như có người tự nhảy vào đống lửa lớn mà lại bảo: Đừng đốt cháy thân tôi, đừng hủy hoại sắc diện của tôi.
Vậy theo ý của đồng nữ, người ấy có được như lời mình nói chăng?
Đồng nữ Sư Tử thưa: Bạch Thế Tôn! Không thể được vì sao?
Vì tánh của lửa là có công năng đốt cháy thân sắc con người.
Phật bảo đồng nữ Sư Tử: Kinh này cũng như thế, có công năng đốt cháy các phiền não không để dư sót. Cho nên, này đồng nữ Sư Tử, nếu có người nữ chẳng muốn thọ thân nữ nữa, muốn mau được tất cả Phật Pháp, muốn được thấy vô lượng, vô biên các Đức Phật, muốn được biện tài vô ngại, muốn dùng tâm từ bi duyên khắp tất cả chúng sinh thì phải thọ trì Kinh này, đọc tụng thông suốt, giải thích cho người khác nghe.
Bay giờ, đồng nữ Sư Tử và năm trăm vị đồng nữ khác đều bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chúng con vào thời Phật Nhiên Đăng đã thọ trì Kinh này, như thế lần lượt cho đến ngày hôm nay.
Bấy giờ, A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đồng nữ Sư Tử này vì sao chưa dứt được thân người nữ?
Phật bảo A Nan: Ý ông nghĩ sao?
Ông cho rằng đồng nữ Sư Tử là người nữ chăng?
A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn, đúng vậy!
Phật bảo A Nan: Ông chớ nên nói lời ấy.
Vì sao?
Vì đồng nữ Sư Tử và năm trăm vị đồng nữ đều do năng lực thần thông thị hiện làm thân nữ, vì lòng từ bi thương xót làm lợi ích cho các người nữ đời vị lai.
Vì sao?
Vì tất cả người nam, công việc đi sát đến mọi gia đình để giáo hóa sẽ gặp khó khăn, vì thế mà các vị nữ ấy đã dùng năng lực thần thông thị hiện làm thân nữ. Nhưng thân nữ này không có pháp người nữ, không có pháp người nam, cũng không có pháp chẳng phải nam, chẳng phải nữ.
Vì sao?
Vì pháp người nữ, pháp người nam, pháp chẳng phải nam, chẳng phải nữ không thật có.
Này A Nan! Đối với pháp này không có tất cả pháp, thành tựu pháp nhẫn, được sáng tỏ hoàn toàn.
Cho nên, này A Nan! Tất cả người nữ phải học theo đồng nữ thọ trì Kinh này, đọc tụng thông suốt, giải thích cho người khác nghe.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Những điều Bồ Tát Hải ý Hỏi Về Pháp Môn Tịnh ấn - Phần Hai Mươi Tám
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Hai Mươi Chín
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Hai Mươi Hai
Phật Thuyết Kinh Chúng Hứa Ma đế - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm Thập Báo Pháp
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tuệ Căn - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Cha Con Gặp Nhau - Phẩm Một - Vua Tịnh Phạn Mới Phát Lòng Tin - Phần Hai