Phật Thuyết Kinh Sinh - đức Phật Thuyết Giảng Kinh Về Vua Quạ ở Nước Câu Tát La
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH SINH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
ĐỨC PHẬT THUYẾT
GIẢNG KINH VỀ VUA QUẠ
Ở NƯỚC CÂU TÁT LA
Tôi nghe như vậy!
Một thời Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ, cùng chúng đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị.
Khi ấy vừa sáng sớm, Đức Thế Tôn khoác y mang bát vào thành khất thực. Quốc Vương Ba Tư Nặc có bốn vị Đại Thần được bổ làm bốn tướng, hiệp với bốn thứ binh mã nhằm đi chinh phục một nước nhỏ ở phương khác.
Lúc ấy, bốn vị Đại Thần từ xa trông thấy Đức Thế Tôn và Chúng Tăng, liền đến thẳng chỗ Đức Phật, cung kính đảnh lễ nơi chân Ngài rồi lui ra đứng sang một bên.
Đức Thế Tôn hỏi họ: Chư vị nhân giả, các vị muốn đi đâu đấy?
Các Đại Thần đáp: Vua Ba Tư Nặc sai chúng con dẫn theo bốn binh mã để đi chinh phục một nước nhỏ ở nơi khác.
Thưa Đức Thế Tôn, thân chúng con đã vì Vua của nước này, góp nhiều công lao để xây dựng với biết bao khó nhọc, nguy hiểm đe dọa đến tánh mạng. Nay chúng con phải đi xa, đi chiến đấu để chinh phạt. Công việc ra đi của chúng con là như thế.
Đức Thế Tôn khen: Hay thay! Hay thay! Các Hiền Giả thật khó ai sánh kịp, việc làm của các vị cũng thế. Đó là báo ân, thể hiện sự đền đáp, cho dù việc làm chỉ ít thôi nhưng chỗ làm ấy không hề mất. Thân của các vị nhận lấy bổng lộc của Vua đương nhiên là phải làm việc.
Công việc ấy là tốt đẹp, vì hình thức điều hành rất thận trọng đúng pháp, ắt trở thành kẻ sĩ chân chánh, vừa báo đáp được ân lớn của Nhà Vua đối với bề tôi, tức thể hiện sự đền đáp qua lại. Các Hiền Giả hãy nghe cho rõ, chẳng phải chỉ đời này, các ông mới vì Quốc Vương mà tạo dựng, thành tựu được nhiều công trạng, khó ai bì kịp, về thời quá khứ xa xưa, ở nước Sa Kiệt.
Có rất nhiều bầy quạ bay đến tụ tập, dừng nghỉ, trong đó có một con quạ chúa tên là Cam Giá một mình làm chủ cả bầy quạ tám vạn con.
Quạ chúa có vợ tên là Cựu Lê Ni lúc ấy đang có thai muốn ăn thứ đồ ăn khó kiếm, nên nghĩ: Muốn được ăn thịt nai chúa.
Muốn được ăn thứ thịt ấy, nên nó khẩn cầu quạ chúa: Nay thân tôi có điều ước nhỏ thế này, là nếu được ăn thịt mềm của nai chúa thì sống, còn không được ăn chắc là phải chết. Lúc đó, Vua nước Sa Kiệt, vì muốn ăn thịt nai chúa mềm ngon nên đã sai thợ săn đi tìm kiếm, hễ bắt được thì đem về dâng Vua.
Bấy giờ quạ chúa nghe lời vợ, họp bầy quạ lại bảo: Các ngươi phải đi đến chỗ Quốc Vương Sa Kiệt, ở đấy có một con nai chúa hình dáng to lớn tên là Tu Cụ Dạ, đã bị đám thợ săn bắt được, phải lấy được thịt nai ấy đem về.
Khi ấy, bốn con quạ ứng đáp: Chúng tôi xin đảm nhận việc đi lấy thịt nai chúa ngon mềm cho Quốc Vương, chúng tôi không hề tiếc thân mạng, sẽ xin hoàn thành việc này. Đừng cho các con quạ khác đi theo sau chúng tôi. Thế rồi bốn con quạ nhiều lần bay đến chỗ nhiều người tụ họp động đảo.
Chúng bàn với nhau: Dùng phương tiện gì để lấy được thịt đây?
Cùng lúc, sứ giả của Quốc Vương báo cho Thái Tử: Quạ luôn bay đến, phải lo giữ gìn, đề phòng và đuổi chúng đi xa. Không được như ý muốn, các con quạ trở về điều động cả bầy quạ đến để nhanh chỏng lấy thịt nai chúa đem về. Người con của Quốc Vương thấy cả bầy quạ quá đông nên sợ hãi bỏ chạy về tâu với Vua, thưa lại đầy đủ sự việc ấy.
Quốc Vương hỏi: Quạ từ đâu bay đến như thế?
Thái tử tâu: Con thấy bốn con quạ hình sắc khác lạ, thường thường bay đến Vườn Nai kia. Con cũng đôi lần đuổi đi, sau đấy bốn con quạ lại xuất hiện với cả bầy đông đảo.
Vua Sa Kiệt ra lệnh cho người bên ngoài lo việc bắt quạ. Người thợ săn đem theo chim ưng đến để bắt quạ. Bốn con quạ thấy thế, sợ nguy đến tánh mạng nên lẩn tránh.
Do vậy, người thợ săn đến bắt chim ưng về và liền thay đổi biện pháp. Ông quan sát các diễn biến nơi đó, tạo ra cách giăng lưới để bắt quạ. Ông liền bắt sống được chúng dâng lên Nhà Vua.
Lúc ấy, Quốc Vương Sa Kiệt mắng hỏi bốn con quạ: Các ngươi cớ sao lại hay đến đây xâm phạm cảnh giới của ta?
Bốn con quạ thưa: Tâu Đại Vương, chẳng phải là điều vui thú của chúng tôi, chúng tôi không mong đến nơi này, chỉ vì có một vị vua tên là An Trụ, cùng với tám vạn con quạ là quyến thuộc, Vua ấy là Tôn Sư của chúng tôi.
Người vợ của quạ chúa là Cựu Lê Ni đang mang thai nghén, khó ăn uống, đòi ăn cho được thịt nai Tu Cụ ngon mềm nên chúa quạ sai chúng tôi đến đây.
Nhận lời chỉ bảo của Vua, chúng tôi chẳng tiếc thân mạng, liều mình vào chỗ chết, để dốc sức phụng sự Vua, chứ chẳng phải ý nguyện riêng của mình.
Quốc Vương nghe được điều chưa từng có ấy, lấy làm ngạc nhiên, lạ lùng. Một đằng thì muốn ăn món ăn không thể kiếm ra được, một đằng thì tự nhận lời chỉ bảo của Vua, tìm ra phương kế, chẳng tiếc thân mạng, vì đấng quân vương mà coi thường mạng sống, những việc làm đó hôm nay, thật không có gì sánh kịp, trên đời ít có.
Muốn tìm người đời có sự đền đáp như thế, nghe lời dạy bảo của Vua, của cha, hãy còn không thể được, huống gì là loài cầm thú. Loài cẩm thú mà biết tuân phụng lệnh Vua, thật khó ai bì kịp, khó ai bì kịp, đúng là chưa từng có.
Lúc đó, các con quạ vì Vua mà nói kệ:
Xin nguyện Đại Quốc Vương
Chúng tôi đến Sa Kiệt
Vì An Trụ thân thiết
Cùng quạ tám vạn con.
Lê Ni đòi ăn ngon
Muốn có thịt mềm tốt
Vườn Nai Ngài hơn hết
Đầy đủ món Vua cần.
Vua chúng tôi lệnh ban
Chúng tôi phụng mạng đến
Nếu nhận được quân lệnh
Chẳng dám tự tới đây.
Quốc Vương bèn nghĩ: Việc này khó làm được, là việc chưa từng có.
Rồi Quốc Vương bảo các con quạ: Ta tha tội lỗi của các ngươi, từ lúc này, các ngươi được giải thoát, không còn bị kềm chế nữa.
Đức Phật bảo các vị Đại Thần: Các ông có biết bản thân bốn con quạ thời đó là ai không?
Nay là các ông, bốn vị Đại Thần đó. Còn Vua An Trụ kia nay là Vua Ba Tư Nặc. Hiện tại Quốc Vương, các binh sĩ, Đại Thần, Quan lại và các ông đều được an toàn cũng như trước đây các ngươi đem tám vạn con quạ đi và được thoát nạn không gặp nguy hại.
Đức Phật đã thuyết giảng như thế, bốn vị Đại Thần, binh sĩ, quan lại và các thầy Tỳ Kheo thảy đều vui mừng lãnh hội.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba