Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi - Phẩm Tu đà - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH TĂNG NHẤT A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẨM BA MƯƠI
PHẨM TU ĐÀ
PHẦN HAI
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ, Thế Tôn cùng đại chúng Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.
Khi ấy trưởng giả Cấp Cô Ðộc nhiều tiền lắm của, vàng bạc, trân bảo, xa cừ, mã não, trân châu, hổ phách, thủy tinh, lưu ly, voi, ngựa, trâu, dê, nô tỳ, đầy tớ chẳng thể tính kể.
Trong thành Mãn Phú có trưởng giả tên Mãn Tài cũng nhiều tiền lắm của, xa cừ, mã não, trân châu, hổ phách, thủy tinh, lưu ly, voi, ngựa, trâu, dê, nô tỳ, tôi tớ chẳng thể kể lường.
Ông lại là bạn cũ từ thời tuổi trẻ của trưởng giả Cấp Cô Ðộc, hai người rất thương mến nhau chưa hề quên. Trưởng giả Cấp Cô Ðộc hằng có mấy ngàn vạn trân bảo, tài sản mua bán trong thành Mãn Phú kia để trưởng giả Mãn Tài coi sóc gìn giữ.
Và trưởng giả Mãn Tài cũng có mấy ngàn vạn trân bảo tài sản mua bán ở thành Xá Vệ nhờ trưởng giả Cấp Cô Ðộc coi sóc giữ gìn.
Trưởng giả Cấp Cô Ðộc có cô con gái tên Tu Ma Đề, nhan sắc mạo đoan chánh như màu hoa đào, thế gian hiếm có. Bấy giờ trưởng giả Mãn Tài có chút việc đến thành Xá Vệ, tới nhà trưởng giả Cấp Cô Ðộc. Đến rồi ngồi tại tòa.
Cô Tu Ma Đề từ trong phòng riêng bước ra lễ bái cha mẹ trước, sau lễ bái trưởng giả Mãn Tài rồi trở về phòng.
Trưởng giả Mãn Tài thấy cô Tu Ma Đề nhan mạo đoan chánh như màu hoa đào, thế gian hiếm có, liền hỏi trưởng giả Cấp Cô Ðộc: Ðây là con gái nhà ai?
Cấp Cô Ðộc đáp: Vừa rồi là con gái tôi.
Trưởng giả Mãn Tài nói: Tôi có con trai chưa cưới vợ.
Có thể làm thông gia được chăng?
Trưởng giả Cấp Cô Ðộc bảo: Việc này không nên!
Trưởng giả Mãn Tài nói: Vì những gì mà việc đó không nên?
Vì dòng họ hay vì tài sản?
Trưởng giả Cấp Cô Ðộc đáp: Dòng họ và tài sản đều tương xứng. Nhưng việc thờ thần, cúng tế thì khác với tôi. Con gái tôi thờ Phật, đệ tử Thích Ca. Còn bên ông thờ ngoại đạo dị học. Vì thế, nên không theo ý ông được.
Trưởng giả Mãn Tài nói: Mỗi bên chúng ta sẽ thờ phượng, cúng tế riêng. Cô gái này sẽ phụng sự riêng, tự mình cúng dường.
Trưởng giả Cấp Cô Ðộc nói: Con gái tôi nếu làm dâu nhà ông thì tài bảo bỏ ra không thể tính kể. Và trưởng giả cũng sẽ bỏ ra tài bảo không thể tính kể.
Trưởng giả Mãn Tài nói: Nay ông đòi bao nhiêu tài bảo?
Trưởng giả Cấp Cô Ðộc nói: Nay tôi cần sáu vạn lượng vàng.
Trưởng giả liền đưa sáu vạn lượng vàng.
Trưởng giả Cấp Cô Ðộc lại nghĩ: Ta dùng phương tiện từ khước trước mà vẫn chẳng khiến ông ta dừng được.
Ông bảo trưởng giả kia rằng: Nếu tôi gả con gái, cần phải đến hỏi Phật. Nếu Thế Tôn có dạy bảo gì sẽ vâng làm. Bấy giờ trưởng giả Cấp Cô Ðộc xếp đặt sự việc như một chuyến đi nhỏ, ra khỏi cửa đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi đứng một bên.
Trưởng giả Cấp Cô Ðộc bạch Thế Tôn: Con gái con là Tu Ma Đề được trưởng giả Mãn Tài trong thành Mãn Phú cầu hôn.
Con nên gả hay không nên gả?
Thế Tôn bảo: Nếu gả Tu Ma Đề sang nước đó, sẽ có nhiều lợi ích, độ thoát nhân dân không thể đo lường.
Trưởng giả Cấp Cô Ðộc lại nghĩ: Thế Tôn dùng trí phương tiện bảo ta nên gả qua nước kia. trưởng giả cúi lạy, nhiễu Phật ba vòng rồi lui đi. Ông trở về nhà bày biện các món ăn ngon ngọt cho trưởng giả Mãn Tài.
Trưởng giả Mãn Tài nói: Tôi dùng thức ăn này làm gì?
Ông có gả con gái cho con tôi không?
Cấp Cô Ðộc nói: Ý tôi muốn thế!
Ông có thể đem nó theo!
Mười lăm ngày sau ông đưa con trai đến đây!
Ông nói xong liền lui đi. Trưởng giả Mãn Tài sắm đủ món cần, cỡi xe Vũ Bảo, từ trong tám mươi do diên đi đến. trưởng giả Cấp Cô Ðộc lại sửa soạn cho con gái mình tắm rửa, xông hương.
Rồi ông cỡi xe Vũ Bảo đưa con gái đến đón con trai trưởng giả Mãn Tài. Giữa đường gặp nhau, trưởng giả Mãn Tài được cô gái, liền đem về thành Mãn Phú.
Nhân dân nơi này có ra điều lệ: Nếu trong thành có người đem con gái gả cho người nước khác sẽ bị trọng phạt. Nếu người lại đi nước khác cưới vợ đem về nước cũng bị trọng phạt. Bấy giờ nước ấy có sáu ngàn Phạm Chí. Dân trong nước đều tuân theo điều lệ.
Có luật rằng: Nếu ai phạm điều lệ, sẽ đãi cơm cho sáu ngàn Phạm Chí. Trưởng giả Mãn Tài tự biết mình vi phạm điều lệ, liền dọn ăn cho sáu ngàn Phạm Chí. Thức ăn của Phạm Chí là thịt heo và canh thịt heo, thêm rượu ngon.
Và Phạm Chí mặc y phục hoặc mặc dạ trắng hoặc đáp y lông thú. Nhưng cách của Phạm Chí lúc vào nước, lấy y vắt lệch lên vai phải, để lộ nửa người.
Bấy giờ, trưởng giả bạch: Ðã đến giờ!
Thức ăn uống đã đủ. Sáu ngàn Phạm Chí đều đắp lệch y áo, lộ nửa người, đi vào nhà trưởng giả. Trưởng giả thấy Phạm Chí tới, ông quỳ gối lết đến trước tiếp đón, cung kính làm lễ. Phạm Chí lớn nhất giơ tay lên khen lành, ôm cổ trưởng giả, đi đến tòa ngồi. Các Phạm Chí khác cũng tùy theo thứ lớp mà ngồi.
Bấy giờ, sáu ngàn Phạm Chí ngồi xong, định ăn thì trưởng giả bảo cô Tu Ma Đề rằng: Con sửa soạn rồi đến làm lễ thầy của chúng ta!
Cô Tu Ma Đề đáp: Thôi, thôi! Thưa cha!
Con không thể làm lễ những người khỏa thân được.
Trưởng giả nói: Ðây không phải người khỏa thân. Không có gì phải hổ thẹn.
Pháp phục của họ đáp lối ấy!
Cô Tu Ma Đề nói: Ðây là người không biết hổ thẹn, cùng bày thân thể ra ngoài, có dùng pháp phục gì đâu?
Mong trưởng giả nghe con: Thế Tôn cũng nói có hai nhân duyên mà người đời quý. Nghĩa là có hổ, có thẹn. Nếu không có hai việc này thì cha mẹ, anh em, dòng họ, thân tộc, tôn ti cao thấp không thể phân biệt.
Như này loài gà, chó, heo, dê, lừa, ngựa đều cùng loại không có tôn ti. Do có hai pháp này ở đời nên ắt biết có tôn ti sai khác. Nhưng những người này lìa hai pháp ấy, giống như cùng bầy với gà, chó, heo, dê, lừa, ngựa. Thật không thể lễ bái họ được.
Chồng Tu Ma Đề bảo vợ: Nay cô nên đứng dậy làm lễ thầy chúng ta. Các vị này đều là Trời mà tôi phụng sự.
Cô Tu Ma Đề đáp: Hãy dừng, công tử! Tôi không thể lễ bái những người khỏa thân không biết xấu hổ.
Nay tôi là người mà làm lễ lừa, chó!
Người chồng lại nói: Nín, nín! Quý nương! Chớ nói thế! Hãy giữ miệng, chớ lỡ lời!
Ðây chẳng phải lừa, cũng chẳng phải dối gạt. Những y đắp chính là pháp phục.
Bấy giờ cô Tu Ma Đề rơi lệ khóc vùi, nhan sắc biến đổi, nói: Thà bà con, cha mẹ của tôi mất mạng, thân chặt làm năm. Tôi trọn không rơi vào nhà tà kiến.
Sáu ngàn Phạm Chí đồng lớn tiếng nói: Thôi, thôi, trưởng giả! Vì sao để đứa tiện tỳ này chửi mắng như thế?
Nếu thỉnh mời thì dọn bưng thức ăn uống đi! Trưởng giả và chồng Tu Ma Đề liền bày thịt heo, canh thịt và rượu nồng mời sáu ngàn Phạm Chí ăn rất đầy đủ. Các Phạm Chí ăn xong, nghị luận chút đỉnh rồi đứng lên đi.
Trưởng giả Mãn Tài lên lầu cao, phiền oán sầu não, ngồi riêng suy nghĩ: Nay ta đem cô gái này về, thật là đồ phá nhà.
Chẳng khác nào làm nhục nhà cửa mình!
Bấy giờ, có Phạm Chí tên Tu Bạt đã đắc Ngũ thông, và đắc các thiền. Trưởng giả Mãn Tài rất quý trọng ông.
Phạm Chí Tu Bạt nghĩ: Ta với trưởng giả xa cách đã lâu ngày, nay nên đến thăm.
Phạm Chí liền vào thành Mãn Phú, đến nhà trưởng giả, hỏi người gác cửa: Trưởng giả đang ở đâu?
Người gác cửa đáp: Trưởng giả ở trên lâu, sầu lo hết sức, không nói nổi.
Phạm Chí đi thẳng lên lầu gặp trưởng giả.
Phạm Chí hỏi trưởng giả: Sao mà sầu lo đến thế?
Không lẽ bị huyện quan, trộm cướp, tai biến nước, lửa xâm phạm chăng?
Lại, không lẽ trong nhà không được hòa thuận?
Trưởng giả đáp: Không có tai biến, huyện quan, giặc cướp. Nhưng trong nhà có việc không vừa lòng.
Phạm Chí hỏi: Cho nghe tình trạng xem có chuyện gì?
Trưởng giả đáp: Hôm qua tôi cưới vợ cho con trai, lại phạm phép nước, thân tộc bị nhục. Tôi mời các thầy đến nhà, đưa vợ của con trai đến lễ bái mà nó không vâng lời.
Phạm Chí Tu Bạt nói: Nhà cô gái ở nước nào?
Cưới hỏi xa gần?
Trưởng giả nói: Cô này là con gái trưởng giả Cấp Cô Ðộc trong thành Xá Vệ.
Phạm Chí Tu Bạt nghe xong, kinh ngạc lạ lùng, hai tay bịt tai nói: Ôi chao! Trưởng giả! Rất đặc biệt, rất lạ lùng! Cô gái này còn có thể sống mà không tự sát, không gieo mình xuống lầu thì thật là may mắn.
Vì sao thế?
Thầy mà cô gái này phụng sự đều là người phạm hạnh.
Hôm nay cô còn sống, rất là lạ lùng!
Trưởng giả nói: Tôi nghe Ngài nói lại muốn phì cười.
Vì sao thế?
Ngài là ngoại đạo dị học, tại sao lại khen ngợi hạnh của Sa Môn dòng họ Thích?
Thầy mà cô gái này thờ có oai đức gì?
Có thần biến gì?
Phạm Chí đáp: Trưởng giả! Ông muốn nghe thần đức của thầy cô gái này chăng?
Nay tôi sẽ kể sơ nguồn gốc này.
Trưởng giả nói: Mong được nghe nói.
Phạm Chí bảo: Ngày trước, tôi đến phía Bắc Tuyết Sơn, đi khất thực trong nhân gian, được thức ăn xong bay đến bên suối A Nậu Đạt.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Sáu - Phẩm Thiện Hiện - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Bốn - Phẩm Long Vương Tắm Thái Tử - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Bốn - Phẩm Buông Lung - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tịnh - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh đắc Danh Xưng
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Năm Mươi Năm