Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Bốn Mươi - Phẩm Thất Nhật - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH TĂNG NHẤT A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẨM BỐN MƯƠI
PHẨM THẤT NHẬT
PHẦN BA
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Ta sẽ thuyết pháp cực diệu, ban đầu, ở giữa và rốt sau đều lành, nghĩa lý thâm sâu, đầy đủ để tu phạm hạnh. Kinh này gọi là pháp sạch các lậu. Các thầy khéo suy nghĩ đó.
Tỳ Kheo đáp: Xin vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỳ Kheo vâng lời Phật dạy.
Thế Tôn bảo: Tại sao gọi là pháp sạch các lậu?
Hoặc có hữu lậu duyên kiến mà được đoạn, hoặc có hữu lậu nhờ thân cận được đoạn, hoặc có hữu lậu do xa lìa được đoạn, hoặc có hữu lậu do vui thích được đoạn, hoặc có hữu lậu do oai nghi được đoạn, hoặc có hữu lậu do tư duy được đoạn.
Thế nào là hữu lậu do kiến được đoạn?
Ở đây, người phàm phu chẳng gặp Thánh Nhân, không thuận theo pháp Như Lai, chẳng thể ủng Hộ Pháp Hiền Thánh, chẳng gần gũi thiện tri thức, chẳng phụng sự thiện tri thức. Họ nghe pháp, điều đáng suy nghĩ cũng không phân biệt được, điều không nên suy nghĩ thì lại suy nghĩ.
Dục lậu chưa sanh liền sanh, dục lậu đã sanh liền tăng thêm nhiều, hữu lậu chưa sanh liền sanh, hữu lậu đã sanh liền tăng thêm nhiều.
Vô minh lậu chưa sanh liền sanh, vô minh lậu đã sanh liền tăng thêm nhiều. Ðây là pháp chẳng nên tư duy mà lại tư duy.
Thế nào là pháp đáng tư duy mà không chịu tư duy pháp này?
Pháp nên tư duy là dục lậu chưa sanh, khiến cho chẳng sanh, dục lậu đã sanh thì tiêu diệt đi. Hữu lậu chưa sanh khiến cho chẳng sanh, hữu lậu đã sanh thì tiêu diệt đi.
Vô minh lậu chưa sanh khiến cho chẳng sanh, vô minh lậu đã sanh thì tiêu diệt đi. Ðó là pháp đáng nên tư duy mà không tư duy. Pháp không nên tư duy thì tư duy, pháp nên tư duy lại không chịu tư duy.
Dục lậu chưa sanh liền sanh, dục lậu đã sanh tăng thêm. Hữu lậu chưa sanh liền sanh, hữu lậu đã sanh liền tăng thêm. Vô minh lậu chưa sanh liền sanh, vô minh lậu đã sanh liền tăng thêm.
Người ấy suy nghĩ thế này: Thế nào là có quá khứ lâu xa?
Nay ta phải có quá khứ lâu xa.
Người ấy lại suy nghĩ: Không có quá khứ lâu xa.
Thế nào mà có quá khứ lâu xa?
Thế nào lại có tương lai lâu xa?
Nay ta sẽ có tương lai lâu xa.
Hay lại nói không có tương lai lâu xa?
Thế nào sẽ có tương lai lâu xa.
Ai có tương lai lâu xa?
Thế nào ở đây có chúng sanh từ lâu xa?
Chúng sanh lâu xa này từ đâu mà đến, từ đây mạng chung sẽ đi về đâu?
Người ấy khởi ý nghĩ chẳng lành này, liền nổi lên sáu kiến chấp lần lượt sanh tư tưởng tà vạy: Có ngã kiến, xét rõ có kiến này, không có ngã kiến xét rõ khởi lên cái kiến này, có ngã kiến, không ngã kiến, trong đó khởi xét rõ sanh kiến. Lại tự quán thân rồi khởi kiến chấp.
Ở nơi mình mà không thấy mình, lại khởi cái chấp này. Ở chỗ vô ngã mà không thấy vô ngã, trong đó khởi kiến chấp.
Khi ấy người kia sanh tà kiến này: Ngã đời này cũng là ngã đời sau, thường còn ở đời không có hư hoại, cũng không biến đổi, cũng chẳng di động. Ðó gọi là nhóm tà kiến. Tà kiến khổ hoạn, ưu bi, khổ não, đều do đây sinh không thể trị liệu, cũng bỏ không được, bèn tăng thêm gốc khổ. Do đó không phải là hạnh của Sa Môn, đạo Niết Bàn.
Lại nữa, Tỳ Kheo đệ tử Bậc Hiền Thánh tu hành pháp này không mất thứ tự, khéo hay ủng hộ và ủng hộ cho thiện tri thức. Người ấy có thể phân biệt, pháp chẳng thể tư duy cũng có thể biết. Pháp nên tư duy cũng có thể biết. Pháp không nên tư duy, người ấy cũng chẳng tư duy. Pháp nên tư duy thì tư duy.
Thế nào là pháp chẳng nên tư duy thì chẳng tư duy?
Ðối với các pháp dục lậu chưa sanh mà sanh, dục lậu đã sanh liền tăng thêm. Hữu lậu chưa sanh liền sanh, hữu lậu đã sanh liền tăng thêm. Vô minh lậu chưa sanh liền sanh, vô minh lậu đã sanh liền tăng thêm. Ðó là pháp không nên tư duy.
Những pháp nào nên tư duy thì tư duy?
Ðối với các pháp dục lậu chưa sanh liền chẳng sanh, dục lậu đã sanh liền tiêu diệt. Hữu lậu chưa sanh liền chẳng sanh, hữu lậu đã sanh liền tiêu diệt.
Vô minh lậu chưa sanh liền chẳng sanh, vô minh lậu đã sanh liền tiêu diệt. Ðây là pháp đáng nên tư duy, điều chẳng nên tư duy người ấy không tư duy. Ðiều nên tư duy liền tư duy. Người ấy tư duy như thế liền diệt được ba pháp.
Thế nào là ba?
Thân tà giới, trộm, nghi. Nếu không thấy biết thì tăng thêm hạnh hữu lậu. Nếu người thấy, nghe, nhớ, biết thì chẳng tăng thêm hạnh hữu lậu.
Ðã biết, đã thấy thì hữu lậu chẳng sanh. Ðây là lậu do kiến mà đoạn được.
Thế nào là lậu nhờ cung kính mà đoạn?
Ở đây, Tỳ Kheo! Kham nhẫn đói lạnh, chịu khổ gió mưa, muỗi mòng, lời ác nhục mạ, thân sanh đau đớn, rất là phiền phức, mạng sắp muốn dứt mà có thể nhẫn được. Nếu không dứt được liền khởi khổ não, nếu người có thể kham nhẫn được, như thế chẳng sanh. Ðó là lậu do cung kính được đoạn.
Thế nào là lậu do thân cận được đoạn?
Ở đây, Tỳ Kheo! Giữ tâm thọ nhận y, không đòi trang sức, chỉ muốn giữ gìn thân thể, muốn trừ lạnh nóng. Muốn mưa gió không chạm vào thân.
Lại che thân thể không lộ ra ngoài. Lại giữ tâm theo thời khất thực, không khởi tâm tham nhiễm, chỉ muốn gìn giữ thân thể, cho bệnh cũ được lành, bệnh mới chẳng sanh.
Giữ gìn các hạnh không xúc phạm, được an ổn lâu dài mà tu phạm hạnh được lâu bền ở đời. Lại giữ gìn tâm ý, gần gũi sàng tòa, cũng không đắm nhiễm phục sức vinh hoa.
Chỉ muốn trừ đói lạnh, gió mưa, muỗi mòng, che chở thân thể để hành đạo pháp. Lại giữ gìn tâm, gần gũi thuốc men, chẳng sanh tâm nhiễm đắm, đối với thuốc men chỉ muốn bệnh tật được lành, thân thể được an ổn.
Nếu không thân cận thì sanh hoạn hữu lậu, nếu thân cận thì không sinh hoạn hữu lậu. Ðó là lậu do thân cận được đoạn.
Thế nào là hữu lậu do xa lìa được đoạn?
Ở đây, Tỳ Kheo! Trừ khử loạn tưởng, xem nó như voi ác, lạc đà, trâu ngựa, cọp beo, chó, rắn độc, hầm sâu bờ hiểm, gai góc, sườn dốc, bùn sình, thảy đều xa lìa chúng, chớ theo phụng thờ ác tri thức, cũng không gần gũi người ác, hay nghiền ngẫm ở trong lòng chớ bỏ qua.
Nếu không ủng hộ thì sanh hữu lậu, nếu ủng hộ thì không sanh hữu lậu. Ðó là hữu lậu do xa lìa mà đoạn.
Thế nào là hữu lậu do vui thích được đoạn?
Ở đây, Tỳ Kheo! Sanh dục tưởng mà chẳng xa lìa, nếu khởi sân giận cũng chẳng xa lìa, nếu lại khởi tưởng đố kỵ cũng chẳng xa lìa. Nếu không xa lìa thì sanh hữu lậu, người có thể xa lìa thì có thể chẳng khởi hữu lậu. Ðó là hữu lậu do vui thích được đoạn.
Thế nào là hữu lậu do oai nghi mà đoạn?
Ở đây, Tỳ Kheo! Nếu mắt thấy sắc không khởi sắc tưởng, cũng không khởi tâm nhiễm ô, đầy đủ nhãn căn, cũng không thiếu sót mà hộ nhãn căn.
Nếu tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp, đều không khởi tâm nhiễm ô, cũng không khởi tưởng chấp trước mà gìn giữ ý căn.
Nếu không nhiếp hộ oai nghi thì sanh hữu lậu, nếu nhiếp hộ oai nghi thì không có hoạn hữu lậu. Ðó là hữu lậu do oai nghi được đoạn.
Những hữu lậu nào do tư duy được đoạn?
Ở đây Tỳ Kheo! Tu niệm giác ý, y vô dục, y không nhiễm ô, y diệt tận mà cầu xuất yếu. Tu trạch pháp giác ý, tinh tấn giác ý, hỷ giác ý, khinh an giác ý, định giác ý, hộ xả giác ý, y vô dục, y không nhiễm ô, y diệt tận mà cầu xuất yếu.
Nếu không tu điều này thì sanh hoạn hữu lậu, nếu người hay tu thì không sanh hoạn hữu lậu. Ðó là hữu lậu do tư duy mà đoạn.
Này Tỳ Kheo! Nếu ở trong Tỳ Kheo có các hữu lậu, người do kiến đoạn được thì hãy dùng kiến đoạn, người do cung kính đoạn hãy dùng cung kính đoạn, người do thân cận đoạn hãy dùng thân cận đoạn, người do xa lìa đoạn hãy dùng xa lìa đoạn, người do oai nghi đoạn hãy dùng oai nghi đoạn, người do tư duy đoạn hãy dùng tư duy đoạn.
Này Tỳ Kheo! Ðó là đầy đủ tất cả oai nghi có thể đoạn kiết sử, bỏ được ái dục qua được bốn dòng, dần dần vượt khỏi khổ.
Này Tỳ Kheo! Ðó là pháp trừ hữu lậu. Chư Phật, Thế Tôn thường thi hành niệm từ với tất cả loài hữu tình, nay ta đã thi hành. Các thầy nên ưa thích chỗ vắng vẻ, dưới gốc cây, chuyên cần tinh tấn chớ có giải dãi. Nếu nay không chuyên cần sau hối vô ích. Ðây là lời dạy của ta.
Bấy giờ Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở bên bờ sông A Du Xà cùng với năm trăm chúng đại Tỳ Kheo.
Khi ấy Ðại Quân Đầu đang ở chỗ nhàn vắng nghĩ rằng: Có nghĩa này hằng thêm công đức hay không có lý này?
Quân Đầu liền đứng dậy đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên.
Bấy giờ Quân Đầu bạch Phật: Bạch Thế Tôn!
Vừa rồi con ở chỗ vắng vẻ có nghĩ: Có lý làm các việc được thêm công đức hay không?
Nay con hỏi Thế Tôn, cúi mong thuyết cho.
Thế Tôn bảo: Có thể được tăng thêm công đức.
Quân Đầu bạch Phật: Ðược tăng thêm công đức thế nào?
Thế Tôn bảo: Tăng thêm có bảy việc, phước ấy không thể cân lường, cũng không ai có thể tính toán được.
Thế nào là bảy?
Ở đây, con nhà vọng tộc trai hoặc gái, chưa từng cất Già Lam cho Tăng, liền lập Già Lam. Phước này không thể kể.
Lại nữa, Quân Đầu! Nếu Thiện Nam, Thiện Nữ, có thể đem giường tòa thí cho Tăng Già Lam và cho Tỳ Kheo Tăng.
Này Quân Đầu! Ðó là phước thứ hai không thể tính kể.
Lại nữa, Quân Đầu! Nếu Thiện Nam, Thiện Nữ dùng thức ăn bố thí Tỳ Kheo Tăng.
Này Quân Đầu! Ðó là phước thứ ba không thể tính kể.
Lại nữa, Quân Đầu! Nếu Thiện Nam, Thiện Nữ cấp áo che mưa cho Tỳ Kheo Tăng.
Này Quân Đầu! Ðó là phước thứ tư, không thể tính kể.
Lại nữa, Quân Đầu! Nếu trai gái nhà Vọng tộc đem thuốc men cho Tỳ Kheo Tăng.
Này Quân Đầu! Ðó là phước thứ năm không thể tính kể.
Lại nữa, Quân Đầu! Nếu thiện nam, thiện nữ ở đồng trống làm giếng tốt.
Này Quân Đầu! Ðó là phước thứ sáu không thể tính kể.
Lại nữa, Quân Đầu! Thiện nam, thiện nữ làm nhà gần đường cho người sẽ đi qua có chỗ trú ngụ. Ðó là phước thứ bảy không thể tính kể.
Ðây là, này Quân Đầu! Pháp bảy công đức, phước không lường được. Hoặc đi hoặc ngồi, cho dù mạng chung, phước cũng theo sau như bóng theo hình, đức này không thể tính kể mà bảo rằng có bao nhiêu phước.
Cũng như nước biển lớn không thể dùng thăng đấu đong rồi bảo có bao nhiêu nước. Bảy công đức này cũng lại như thế, phước không có hạn lượng.
Thế nên Quân Đầu! Thiện nam, thiện nữ hãy cầu phương tiện hoàn thành bảy công đức.
Như thế, Quân Đầu, hãy học điều này! Bấy giờ, Quân Đầu nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Các thầy hãy tu hành về tưởng chết, tư duy tưởng chết.
Khi ấy có Tỳ Kheo Thượng Tọa bạch Thế Tôn: Con thường tu hành tư duy tưởng chết.
Thế Tôn bảo: Thầy tư duy tu hành tưởng chết thế nào?
Tỳ Kheo bạch Phật: Con tư duy tưởng chết rằng: Chỉ còn sống bảy ngày nữa, nên tư duy thất giác ý, ở trong pháp Như Lai có nhiều lợi ích, sau khi chết không hối hận.
Bạch Thế Tôn, con tư duy tưởng chết như thế.
Thế Tôn bảo: Thôi, thôi, Tỳ Kheo! Ðây chẳng phải tu hành về tưởng chết. Ðây gọi là pháp phóng dật.
Lại có Tỳ Kheo bạch Thế Tôn: Con có thể kham nhận tu hành tưởng chết.
Thế Tôn bảo: Thầy tu hành tư duy tưởng chết thế nào?
Tỳ Kheo bạch Phật:
Nay con nghĩ rằng: Ý muốn còn có sáu ngày, suy nghĩ chánh pháp Như Lai rồi sẽ chết. Ðiều này có ích.
Con tư duy tưởng chết như thế.
Thế Tôn bảo: Thôi, thôi, Tỳ Kheo! Thầy cũng theo pháp phóng dật, chẳng phải là tư duy tưởng chết.
Lại có Tỳ Kheo bạch Phật: Muốn còn năm ngày, hoặc bốn ngày, hoặc ba ngày, hai ngày, một ngày.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Thôi, thôi, Tỳ Kheo! Ðây cũng là pháp phóng dật, chẳng phải là tư duy tưởng chết.
Khi ấy lại có một Tỳ Kheo bạch Thế Tôn:
Con có thể kham nhẫn tu hành tưởng chết như vậy: Con đến giờ đắp y ôm bát vào thành Xá Vệ khất thực, xong lại ra khỏi thành Xá Vệ trở về chỗ mình. Về trong thất vắng, con tư duy thất giác ý rồi mạng chung.
Ðây là tư duy tưởng chết.
Thế Tôn bảo: Thôi, thôi, Tỳ Kheo! Ðây cũng chẳng phải tư duy tu hành tưởng chết. Lời nói của các thầy đều là hạnh phóng dật, chẳng phải là pháp tu hành tưởng chết.
Lúc đó Thế Tôn lại bảo Tỳ Kheo: Người có thể làm được như Tỳ Kheo Bà ca lợi. Ðây gọi là tư duy tưởng chết. Tỳ Kheo ấy khéo hay tư duy tưởng chết, chán ghét thân này là nhơ nhớp bất tịnh.
Nếu Tỳ Kheo tư duy tưởng chết, buộc ý ở trước, tâm không di động, nhớ số hơi thở ra vào, qua lại, trong đó tư duy thất giác ý, thì ở trong Pháp Như Lai được nhiều lợi ích.
Vì sao thế?
Tất cả các hạnh đều không, đều tịch, khởi và diệt đều là huyễn hóa, không chân thật.
Thế nên Tỳ Kheo! Nên ở trong hơi thở ra vào mà tư duy tưởng chết thì sẽ thoát sanh, già, bệnh, chết, sầu lo khổ não.
Như thế, này các Tỳ Kheo, nên học như vậy!
Bấy giờ, các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Hai Mươi Sáu - Phẩm Bồ Tát Hỏi đạo Tiên A La La - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Mười Năm - Phẩm Biện đại Thừa - Phần Tám
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Bảo Khiếp - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Nhân Duyên Quang Minh đồng Tử - Phần Ba