Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Bốn Mươi Chín - Phẩm Chăn Trâu - Phần Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH TĂNG NHẤT A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẨM BỐN MƯƠI CHÍN
PHẨM CHĂN TRÂU
PHẦN BỐN
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở tại nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Ta thường ngồi ăn một bữa, thân thể nhẹ nhàng, khí lực mạnh mẽ. Tỳ Kheo các thầy cũng nên ăn một bữa, thân thể nhẹ nhàng khí lực mạnh mẽ, dễ tu phạm hạnh.
Bấy giờ, Bạt Đề Bà La bạch Phật: Con không thể ăn một bữa.
Vì sao?
Vì khí lực yếu kém.
Phật bảo: Cho phép thầy đến nhà Đàn Việt, ăn một phần, đem về một phần.
Bạt Đề Bà La bạch Phật: Con cũng không thể làm pháp này.
Phật bảo: Cho phép thầy bỏ ngọ trai, ăn trong ngày.
Bạt Đề Bà La thưa: Con cũng không thể làm theo pháp này. Thế Tôn im lặng không nói nữa. Bấy giờ, Ca Lưu Đà Di vào buổi chiều Mặt Trời lặn, đắp y mang bát vào thành khất thực.
Khi đó, Trời rất tối, Ca Lưu Đà Di dần dần đi đến nhà một Trưởng Giả. Phu nhân của Trưởng Giả ấy đang mang thai, nghe Sa Môn khất thực ngoài cửa, liền tự đem cơm ra cho.
Song thầy Ca Lưu Đà Di sắc mặt rất đen, lại khi ấy Trời sắp mưa, sấm chớp giăng đầy.
Phu nhân của Trưởng Giả ra cửa, thấy Sa Môn mặt đen thui, bèn kinh hoàng kêu là quỷ, và tự hô hoán lên: Chao ôi! Ta gặp quỷ. Liền khi đó đọa thai mà chết. Khi ấy, Ca Lưu Đà Di trở về Tinh Xá, lo buồn không vui, ngồi tư duy hối hận không kịp.
Khi ấy, trong thành Xá Vệ có tiếng ác này: Sa Môn Thích tử trù rủa làm đọa thai con của người.
Nam nữ trong thành đều bảo nhau rằng: Hiện nay Sa Môn hành động không tiết độ, ăn chẳng đúng thời, như hàng Cư Sĩ tại gia chẳng khác.
Bấy giờ, phần đông các Tỳ Kheo đều nghe dân chúng bàn luận điều này: Sa Môn dòng Thích không biết tiết độ, đi đứng không kiêng dè.
Trong đó, các Tỳ Kheo giữ giới, những người đầy đủ giới luật cũng tự oán trách: Thật chẳng phải là oai nghi của chúng ta, ăn không chừng mực, đi không đúng thời, thật là điều quấy của chúng ta. Các vị ấy dẫn nhau đến chỗ Đức Phật, cúi đầu lễ chân Phật, đem hết mọi chuyện bạch Phật.
Phật bảo một Tỳ Kheo: Thầy đi kêu Ca Lưu Đà Di đến đây. Tỳ Kheo vâng lời Phật dạy, liền đi kêu Ca Lưu Đà Di. Ca Lưu Đà Di nghe Phật gọi, liền đến chỗ Phật, cúi đầu lễ Phật, lui ngồi một bên.
Thế Tôn hỏi: Phải ngày hôm qua, vào buổi chiều thầy vào thành khất thực, đến nhà Trưởng Giả khiến vợ Trưởng Giả đọa thai chăng?
Ca Lưu Đà Di bạch Phật: Thưa vâng, Thế Tôn.
Phật bảo: Vì sao thầy không phân biệt thời tiết, lại vào lúc Trời sắp mưa vào thành khất thực?
Ðó không phải là oai nghi của thầy.
Thầy đã là hàng quý tộc, xuất gia học đạo mà còn tham trước ăn uống.
Ca Lưu Đà Di bèn đứng dậy, bạch Phật: Từ nay về sau không dám phạm lại. Cúi xin Thế Tôn nhận cho con sám hối.
Phật bảo Tôn Giả A Nan mau đánh kiền chùy, nhóm các Tỳ Kheo tại giảng đường Phổ Hội, A Nan vâng lời Phật dạy, liền nhóm các Tỳ Kheo tại giảng đường, rồi đến trước Phật, bạch rằng: Các Tỳ Kheo đã nhóm, xin Thế Tôn biết đúng thời.
Thế Tôn liền đến giảng đường ngồi vào tòa chính giữa, bảo các Tỳ Kheo: Các Đức Phật ở đời quá khứ lâu xa đều ăn một bữa. Các hàng Thanh Văn cũng ăn một bữa. Các Đức Phật tương lai và chúng đệ tử cũng sẽ chỉ ăn một bữa.
Vì sao thế?
Ðó là pháp yếu để hành đạo, nên ăn một bữa. Nếu có thể ăn một bữa, thân thể nhẹ nhàng, tâm được khai mở. Tâm đã mở bèn được các căn lành. Ðã được căn lành liền được chánh định. Ðã được chánh định thì biết đúng như thật.
Thế nào gọi là biết đúng như thật?
Nghĩa là khổ đế, biết như thật là khổ đế. Khổ tập đế, biết như thật là khổ tập đế. Khổ tận đế biết như thật là khổ tận đế. Khổ xuất yếu đế đạo đế biết như thật là khổ xuất yếu đế.
Các thầy là dòng hào quý, đã xuất gia học đạo, bỏ tám nghiệp ở thế gian mà không biết thời tiết thì khác gì người tham dục kia?
Phạm Chí có pháp riêng của Phạm Chí, ngoại đạo có pháp riêng của ngoại đạo.
Khi ấy, Tôn Giả Ưu Ba Ly bạch Phật: Chư Phật ở quá khứ và tương lại đều ăn một bữa. Cúi xin Thế Tôn nên vì các Tỳ Kheo hạn chế thời gian ăn uống.
Thế Tôn bảo: Như Lai cũng biết như thế, nhưng chưa có người phạm trước mắt. Có phạm tội mới chế giới cấm.
Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Ta chỉ ăn một bữa, các thầy cũng nên ăn một bữa. Nay các thầy ăn vào giờ ngọ, không được quá thời. Các thầy cũng phải học pháp khất thực.
Thế nào là Tỳ Kheo học pháp khất thực?
Khi Tỳ Kheo chỉ vì mạng sống thì xin được thức ăn cũng không vui, không được cũng không lo. Nếu khi được thức ăn, tư duy quán tưởng mà ăn, không có tâm tham đắm, chỉ muốn thân này được sống, trừ được bệnh cũ lại không tạo mới, khiến cho khí lực đầy đủ. Như thế, này các Tỳ Kheo, gọi là khất thực. Tỳ Kheo các thầy nên ngồi ăn một bữa.
Thế nào là Tỳ Kheo ngồi ăn một bữa?
Nếu đứng lên thì phạm, ăn rồi không nên ăn nữa. Như thế gọi là Tỳ Kheo ngồi ăn một bữa. Tỳ Kheo các Thầy cũng nên được thức ăn mà ăn.
Thế nào là Tỳ Kheo được thức ăn mà ăn?
Khi Tỳ Kheo đã được thức ăn, lại có trai chủ cúng thêm lần nữa, do thức ăn này là được lại, không nên ăn. Như thế, Tỳ Kheo được thức ăn chỉ một lần.
Tỳ Kheo các thầy cũng nên mặc ba y, ngồi dưới cội cây, ngồi chỗ vắng, nên khổ hạnh ngồi nơi đất trống, nên mặc y cũ vá, nên ở chỗ gò mả, nên mặc áo cũ xấu.
Vì sao thế?
Vì khen ngợi người thiểu dục. Nay ta dạy các thầy nên như Tỳ Kheo Ca Diếp.
Vì sao thế?
Tỳ Kheo Ca Diếp tự hành mười một pháp Đầu Đà, cũng dạy người làm theo pháp yếu này. Nay ta dạy các thầy nên như Tỳ Kheo Diện Vương.
Vì sao?
Tỳ Kheo Diện Vương mặc y cũ xấu không mặc y đẹp.
Tỳ Kheo! Ðây là lời dạy của Ta, nên ghi nhớ tu tập.
Như thế, này các Tỳ Kheo, nên học điều này!
Bấy giờ, Tỳ Kheo Bạt Đề Bà La suốt ba tháng không đến chỗ thế Tôn.
A Nan vừa hết ba tháng an cư, đến chỗ Tỳ Kheo Bạt Đề Bà La nói rằng: Nay Chúng Tăng đều may vá y áo, như thế Thế Tôn sẽ đi du hóa nhân gian. Bây giờ thầy không đến, sau hối hận vô ích.
Khi ấy, A Nan dẫn Bạt Đề Bà La đến chỗ Đức Thế Tôn, Bạt Đề Bà La lễ Phật và bạch Phật: Cúi xin Thế Tôn cho con sám hối, từ nay về sau không dám phạm lại. Như Lai chế cấm giới mà con không thọ trì. Cúi xin rủ lòng tha thứ. Thưa như thế ba lần.
Phật bảo: Cho phép thầy hối lỗi, sau chớ phạm lại.
Vì sao?
Ta tự suy nghĩ trong vô số kiếp sanh tử, hoặc có khi làm thân lừa, la, lạc đà, voi, ngựa, heo, dê, ăn cỏ để nuôi thân. Hoặc ở trong Địa Ngục nuốt hoàn sắt nóng.
Hoặc làm ngạ quỷ thường ăn máu mủ. Hoặc làm thân người ăn ngũ cốc. Hoặc làm thân Trời ăn những vị cam lồ tự nhiên. Trong vô số kiếp thân mạng cùng tranh không biết chán.
Bạt Đề Bà La! Như lửa cháy củi không đủ, như biển lớn nuốt các dòng không đủ, nay người phạm cũng như vậy, tham ăn không biết chán đủ.
Thế Tôn bèn nói kệ này:
Sanh tử không đoạn dứt,
Ðều do từ tham dục,
Oán ghét nuôi ác ấy,
Người ngu tập theo đó.
Thế nên, này Bạt Đề Bà La nên ghi nhớ ít muốn, biết đủ, chớ khởi tưởng tham, dấy các niệm tán loạn. Như thế, Bạt Đề Bà La, nên học điều này.
Bấy giờ, Bạt Đề Bà La nghe Phật Giáo giới, đã ở chỗ vắng tự khắc trách mình. Vốn dòng hào tộc, xuất gia học đạo, tu phạm hạnh vô thượng, sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, không thọ thân sau, như thật mà biết. Bạt Đề Bà La liền thành A La Hán.
Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Trong hàng đệ tử ta, người ăn uống nhiều đệ nhất trong số Thanh Văn là Tỳ Kheo Cát Hộ. Bấy giờ, các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở thôn Ương Nghệ, cùng với chúng đại Tỳ Kheo năm trăm người câu hội.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Dân chúng đều gọi các thầy là Sa Môn, giả sử có ai hỏi các thầy có phải Sa Môn chăng thì các thầy cũng đáp là Sa Môn. Nay ta bảo các thầy về hạnh Sa Môn, sau ắt thành quả như thật không khác.
Vì sao thế?
Có hai hạng Sa Môn: Tập hạnh Sa Môn, thệ nguyện Sa Môn.
Thế nào gọi là tập hạnh Sa Môn?
Là Tỳ Kheo tới lui, đi đứng, nhìn ngó, dung mạo, đắp y mang bát, thảy đều đúng như pháp, không đắm trước vào tham dục, sân nhuế, ngu si, chỉ trì giới tinh tấn không phạm phi pháp, học tập các giới. Ðó là tập hạnh Sa Môn.
Thế nào gọi là thệ nguyện Sa Môn?
Ở đây, hoặc có Tỳ Kheo oai nghi giới luật, đi đứng ra vào, dung mạo, nhìn ngó, cử động thảy đều như pháp, chấm dứt hữu lậu thành tựu vô lậu, ở trong hiện pháp tự thân chứng đắc và đi du hóa, sanh tử đã tận, phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, không thọ thân sau, mà biết như thật. Ðó là thệ nguyện Sa Môn. Tỳ Kheo, đó là hai hạng Sa Môn.
Tôn Giả A Nan bạch Phật: Thế nào gọi là pháp hạnh Sa Môn, pháp hạnh Bà La Môn?
Phật bảo A Nan: Ở đây, Tỳ Kheo ăn uống biết vừa đủ, ngày đêm đi kinh hành, tu tập các đạo phẩm không để mất thời tiết.
Thế nào gọi là Tỳ Kheo các căn vắng lặng?
Ở đây, Tỳ Kheo mắt thấy sắc không khởi tưởng đắm trước, không dấy các loạn niệm, trong ấy mà nhãn căn được thanh tịnh, trừ các niệm ác, không nghĩ nhớ pháp bất thiện, hoặc khi tai nghe tiếng.
Mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân biết cảm giác, ý biết pháp không khởi tưởng đắm trước, không dấy các loạn niệm, nơi ý căn được thanh tịnh. Như thế gọi là Tỳ Kheo sáu căn được thanh tịnh.
Thế nào là Tỳ Kheo ăn uống biết vừa đủ?
Ở đây, Tỳ Kheo ăn uống vừa đủ lượng, không cầu mập, trắng, chỉ muốn thân này sống mà thôi, trừ bệnh cũ, bệnh mới không sanh, chỉ muốn thân này sống mà thôi, trừ bệnh cũ, bệnh mới không sanh, được tu phạm hạnh.
Cũng như người nam nữ, thân sanh ghẻ, tùy thời dùng thuốc thoa xức điều trị, vì muốn vết thương lành. Nay Tỳ Kheo cũng lại như thế, lượng vào sức mà ăn.
Sở dĩ dùng dầu bôi vào xe vì muốn đi xa, Tỳ Kheo ăn vừa đủ lượng là muốn duy trì mạng sống. Như thế gọi là Tỳ Kheo ăn uống biết vừa đủ.
Thế nào là Tỳ Kheo thường biết tỉnh thức?
Ở đây, Tỳ Kheo vào đầu đêm, giữa đêm, cuối đêm biết tỉnh thức, tư duy ba mươi bảy đạo phẩm. Ngày thời kinh hành trừ bỏ niệm ác, các tưởng kiết sử, lại vào đầu đêm, cuối đêm kinh hành trừ bỏ kiết sử, các tưởng bất thiện, vào giữa đêm nằm nghiêng hông bên mặt, hai chân duỗi xếp lên nhau, chỉ tưởng về ánh sáng, rồi vào cuối đêm kinh hành tới lui, trừ bỏ niệm bất thiện. Như thế là Tỳ Kheo biết thời tỉnh thức.
Như thế, này A Nan! Ðây là hạnh cần yếu của Sa Môn.
Thế nào gọi là hạnh cần yếu của Bà La Môn?
Ở đây, Tỳ Kheo khổ đế biết như thật là khổ đế, khổ tập, khổ tận, khổ xuất yếu, như thật biết như thế. Sau do mở được tâm dục lậu, tâm hữu lậu, tâm vô minh lậu này mà được giải thoát.
Ðã được giải thoát liền được giải thoát tri kiến, sanh tử đã tận, phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã xong, không thọ thân lại, mà biết như thật. Ðây là hạnh cần yếu của Bà La Môn.
A Nan nên biết! Ðây là ý nghĩa của hạnh cần yếu.
Bấy giờ, Thế Tôn bèn nói kệ:
Sa Môn tên tâm dứt,
Các ác vĩnh viễn tận,
Phạm Chí tên thanh tịnh,
Trừ bỏ các loạn tưởng.
Thế nên A Nan! Nên ghi nhớ tu hành pháp hạnh của Sa Môn, pháp hạnh của Bà La Môn. Chúng sanh nào làm các pháp này, sau mới xưng là Sa Môn.
Lại vì có gì gọi là Sa Môn?
Vì các kết vĩnh viễn chấm dứt nên gọi là Sa Môn.
Lại vì có gì gọi là Bà La Môn?
Trừ sạch các ngu hoặc nên gọi là Phạm Chí, cũng gọi là Sát Lợi.
Lại vì cớ gì gọi là Sát Lợi?
Do đoạn trừ dâm, nộ, si nên gọi là Sát Lợi.
Cũng gọi là tắm gội.
Thế nào gọi là tắm gội?
Do tẩy sạch hai mươi mốt kết nên gọi là tắm gội. Cũng gọi là giác.
Vì cớ gì gọi là giác?
Do biết rõ pháp ngu, pháp tuệ nên gọi là giác.
Cũng gọi là bỉ ngạn.
Vì cớ gì gọi là bỉ ngạn?
Do từ bờ này đến bờ kia nên gọi là bỉ ngạn.
Này A Nan! Hãy hành trì pháp này, sau mới gọi là Sa Môn, Bà La Môn. Ðây là nghĩa như thế, nên ghi nhớ vâng làm.
Bấy giờ, A Nan nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Bảy - Phẩm Hồi Hướng
Phật Thuyết Kinh Con đường Tu Hành - Phẩm Hai Mươi Mốt - Hành Không - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Sáu Sáu - Phần Bảy - Giải Thoát
Phật Thuyết Kinh đại Minh độ Kinh đạo Hành Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Hai Mươi Mốt - Phẩm Cống Cao
Phật Thuyết Kinh Tạo Lập Hình Tượng Phước Báo
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Giới - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Bốn Mươi Mốt - Phẩm đao Lợi - Thí Dụ Bảy Mươi Mốt