Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bà Tứ Tra - Phần Một

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống  

KINH BÀ TỨ TRA  

PHẦN MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ. Bấy giờ, nước Xá Vệ có một nữ Bà La Môn là Bà tứ tra, tin Phật, Pháp, Tăng. Quy y Phật, Pháp, Tăng. Đối với Phật, Pháp, Tăng đã dứt hồ nghi.

Đối với khổ, tập, diệt, đạo cũng đã dứt nghi hoặc, thấy đế, đắc quả, được tuệ Vô Gián. Chồng của bà là Bà La Đậu Bà Giá thuộc chủng tánh Bà La Môn.

Mỗi khi bà làm công việc gì mà có chút ít nên hay hư, đều niệm: Nam Mô Phật!

Hướng về phương nào mà ở đó Như Lai đang trụ, chắp tay nói ba lần: Nam Mô Đa Đà A Già Độ A La Hán Tam Miệu Tam Phật Đà, thân chói sáng như vàng ròng, sáng xa một tầm, thân tròn đầy như cây Ni Câu Luật, Đấng Mâu Ni khéo nói Diệu Pháp, là Thượng Thủ Tiên Nhân, là Đại Sư của con.

Bấy giờ người chồng Bà La Môn nghe vậy, sân hận không vui, nói với vợ: Bà bị quỷ ám chăng?

Không có lý này. Bà đã bỏ các vị Đại Đức Bà La Môn tam minh mà đi xưng tán lão Sa Môn đầu trọc, phần tử hắc ám, mà đời không ai khen. Bây giờ tôi sẽ đến cùng tranh luận với Đại Sư của bà thì đủ biết ai hơn thua.

Người vợ nói với chồng: Tôi không thấy Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa Môn, Bà La Môn, các Thần và người đời mà ai có thể cùng tranh luận với Thế Tôn, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, thân sắc vàng, chói sáng một tầm, thân tròn đầy như cây Ni Câu Luật, là bậc Thượng Thủ Tiên Nhân, khéo nói pháp vi diệu, là bậc Đại Sư của tôi. Nhưng bây giờ thì ông cứ đến đó để tự biết. Lúc ấy, Bà La Môn liền đi đến chỗ Phật.

Thăm hỏi ủy lạo xong, ngồi lui qua một bên, nói kệ:

Giết hại những thứ gì,

Mà giấc ngủ an ổn?

Giết hại những thứ gì.

Khiến tâm còn không lo?

Giết hại những thứ gì,

Được Cù Đàm khen ngợi?

Bậy giờ, Thế Tôn biết ý nghĩ Bà La Môn, Ngài nói kệ:

Người giết hại sân hận,

Giấc ngủ được an ổn.

Người giết hại sân hận,

Thì tâm không còn lo.

Sân nhuế là rễ độc,

Hay hại hạt giống ngọt.

Người nào giết hại chúng,

Được Thánh Hiền khen ngợi.

Nếu người nào hại chúng,

Tâm họ không còn lo.

Khi ấy, Bà La Môn Bà La Đậu Bà Giá nghe những gì Phật nói, được khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho vui mừng và lần lượt Ngài thuyết pháp.

Nghĩa là nói về bố thí, nói về trì giới, nói về pháp sanh lên Trời, nói về sự mê đắm dục vị là tai hoạn, phiền não. Về thanh tịnh xuất yếu, viễn ly, tùy thuận phúc lợi thanh tịnh, phân biệt một cách rộng rãi.

Giống như tấm vải trắng trong sạch dễ được nhuộm màu, cũng vậy, Bà La Môn Bà La Đậu Bà Giá ngay tại chỗ ngồi, đối với bốn Thánh Đế mà chứng đắc hiện quán, thấy khổ, tập, diệt, đạo.

Bà La Môn này thấy pháp, đắc pháp, biết pháp và nhập pháp, vượt qua khỏi mọi nghi hoặc, không do người khác độ. Đối với chánh pháp luật được vô sở úy.

Liền từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai bên hữu, chắp tay bạch Phật: Con đã được độ, bạch Thế Tôn! Con đã được độ, bạch Thiện Thệ!

Hôm nay sau khi quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tỳ Kheo Tăng rồi, suốt đời con nguyện làm Ưu Bà Tắc. Xin chứng tri cho con. Bà La Môn Bà La Đậu Bà Giá nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ làm lễ ra về.

Trở về nhà mình, vợ ông Ưu Bà Di vừa thấy chồng về, liền thưa rằng: Ông đã cùng luận nghị với thầy tôi Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác có thân sắc vàng ròng, sáng xa một tầm, thân đầy đặn như cây Ni Câu Luật là Thượng Thủ Tiên Nhân, Đấng Đại Mâu Ni khéo nói pháp phải không?

Người chồng đáp: Tôi chưa từng thấy Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa Môn, Bà La Môn, quỷ thần hay người đời mà có thể luận nghị với Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác thân sắc vàng ròng, sáng xa một tầm, thân đầy đặn như cây Ni Câu Luật, bậc Tiên Nhân Thượng Thủ, khéo nói Diệu Pháp, là Đấng Mâu Ni, Đại Sư của bà. Bây giờ bà may cho tôi một pháp y tốt để tôi đem đến chỗ Thế Tôn xin xuất gia học đạo.

Lúc ấy, người vợ lấy xấp vải lụa trắng, sai may pháp y cho ông.

Bà La Môn cầm y đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, bạch Phật: Bạch Thế Tôn, nay con có thể xuất gia học đạo, tu phạm hạnh, ở trong pháp của Thế Tôn được không?

Phật bảo Bà La Môn: Nay, ông có thể xuất gia học đạo, tu các phạm hạnh, trong pháp luật này. Ông liền xuất gia, một mình ở chỗ vắng suy tư về lý do khiến người Thiện Nam cạo bỏ râu tóc, mặc áo Cà Sa, chánh tín xuất gia học đạo, cho đến đắc A La Hán, tâm khéo giải thoát.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường