Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh đao Sư Thị - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH ĐAO SƯ THỊ
PHẦN MỘT
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ Kheo, một ngàn vị Ưu Bà Tắc và năm trăm người xin đồ ăn dư, du hành trong nhân gian.
Đi khắp từ thành này sang thành nọ, từ thôn này sang thôn khác, đến trong vườn Hảo Y Yêm La, thôn Na La, nước Ma Kiệt Đề.
Bấy giờ có thôn trưởng đệ tử của Ni Kiền tên là Đao Sư Thị đến chỗ Ni Kiền lễ sát chân Ni Kiền, rồi ngồi lui qua một bên.
Lúc ấy Ni kiền nói với thôn trưởng Đao Sư Thị: Ông có thể dùng Tật Lê luận bàn luận cùng với Sa Môn Cù Đàm, để làm cho Sa Môn Cù Đàm nói cũng không được, không muốn nói cũng không được, được chăng?
Thôn trưởng thưa: Thưa thầy, thế nào là luận thuyết Tật Lê luận có thể làm cho Sa Môn Cù Đàm muốn nói cũng không được, mà không muốn nói cũng không được?
Ni kiền bảo thôn trưởng rằng:
Ông hãy đến chỗ Sa Môn Cù Đàm hỏi như vậy: Cù Đàm lúc nào cũng mong ước khiến cho mọi người tăng trưởng đầy đủ phước lợi, Ngài thường có mong ước như vậy và nói như vậy phải không?
Nếu trả lời cho ông là không, thì ông nên hỏi rằng: Vậy, Sa Môn Cù Đàm có khác gì với kẻ phàm ngu si?
Nếu trả lời là có mong ước và có nói, thì ông nên hỏi lại rằng: Nếu Sa Môn Cù Đàm đã có mong ước và có nói như thế, vậy tại sao người dân hiện đang mất mùa đói kém. Mà Ngài còn du hành trong nhân gian dẫn theo một ngàn hai trăm năm mươi chúng Tỳ Kheo, một ngàn vị Ưu Bà Tắc và năm trăm người ăn xin đi từ thành này sang thành nọ, từ thôn này sang thôn khác, làm hao tổn của cải người dân, giống như mưa lớn, mưa đá, chỉ có làm tổn hại chứ chẳng thêm được lợi ích nào.
Những lời nói của Cù Đàm trước sau mâu thuẫn nhau, không giống nhau, không gần giống nhau, không phù hợp nhau, khác nhau. Thôn trưởng, như vậy gọi là Tật lê luận, sẽ làm cho Sa Môn Cù Đàm muốn nói cũng không được, không muốn nói cũng không được.
Bấy giờ, thôn trưởng Đao Sư Thị vâng lời dạy bảo của Ni kiền đi đến chỗ Phật cung kính chào hỏi.
Sau khi cung kính chào hỏi xong ngồi lui qua một bên, bạch Phật: Thưa Cù Đàm, có phải lúc nào Ngài cũng mong ước khiến cho mọi người tăng trưởng phước lợi không?
Phật bảo thôn trưởng: Lúc nào Như Lai cũng mong ước khiến cho mọi người tăng trưởng phước lợi và cũng thường nói như vậy.
Thôn trưởng nói: Nếu như vậy, thì tại sao, thưa Cù Đàm, trong khi những người dân đang bị mất mùa đói kém, mà Ngài còn đi khất thực trong nhân gian và dẫn theo đông đảo đại chúng, cho đến trước sau mâu thuẫn nhau, không giống nhau?
Phật bảo thôn trưởng: Ta nhớ chín mươi mốt kiếp từ trước đến nay, không thấy một người nào mà bố thí cho Tỳ Kheo lại bị cạn kiệt, hay bị tổn giảm cả.
Này thôn trưởng, ông nhìn xem hiện nay có người giàu sang, nhiều tiền của, quyến thuộc đông đảo, tôi tớ đầy nhà, thì biết nhà ấy lâu dài ưa thích bố thí, chân thật tích chứa, nên được phước lợi này. Này thôn trưởng, có tám nguyên nhân khiến cho phước lợi người tổn giảm không tăng.
Những gì là tám?
Đó là bị Vua bức hiếp, bị giặc cướp lấy, bị lửa đốt cháy, bị nước cuốn trôi, bị tiêu hao vì giấu cất, bị kẻ nợ không trả, bị kẻ oán thù tàn phá, bị hoang phí bởi con hư.
Đó là tám nguyên nhân khiến cho tiền của khó tích tụ. Này thôn trưởng, Ta nói vô thường là nguyên nhân thứ chín. Như vậy, này thôn trưởng, ông đã bỏ đi chín nhân, chín duyên trên mà nói Sa Môn Cù Đàm phá hoại nhà người.
Nếu ông không bỏ những lời nói ác, không bỏ ác kiến, thì cũng như gươm ném xuống nước, khi thân hoại mạng chung, ông sẽ sanh vào trong địa ngục.
Bấy giờ, thôn trưởng Đao Sư Thị lòng đâm ra sợ hãi, toàn thân lông dựng đứng lên, bạch Phật: Bạch Thế Tôn, hiện tại con đã hối lỗi rồi, vì con như ngu như si, không tốt, không hiểu biết, nên đối với Cù Đàm con đã nói ra những lời dối trá hư vọng không thành thật. Sau khi nghe những gì Phật dạy, thôn trưởng Đao Sư Thị hoan hỷ tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Sáu Mươi Năm - Phẩm Thân Cận
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Chín Mươi Hai - Kinh Trẻ được Viên Thuốc
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bất Thiện Tụ - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba - Phẩm Thiện Hiện - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Hai Mươi Chín - Phẩm Như Huyễn