Phật Thuyết Kinh Tập Nhất Thiết Phước đức Tam Muội - Phần Mười
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT
KINH TẬP NHẤT THIẾT
PHƯỚC ĐỨC TAM MUỘI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẦN MƯỜI
Này Na La Diên! Nếu Bồ Tát muốn thành tựu tam muội này, đối với bốn pháp không sinh tâm sợ hãi.
Những gì là bốn?
1. Đối với các chúng sinh khởi tâm đại bi vô biên.
2. Cõi Phật vô biên.
3. Trí Phật vô biên.
4. Nhập vào tâm của tất cả chúng sinh mà hành vô biên.
Này Na La Diên! Bồ Tát đối với bốn việc vô biên này không sinh tâm sợ hãi.
Lại nữa, Bồ Tát thường nên nghĩ biết bốn điều không thể nghĩ bàn.
Những gì là bốn?
1. Nghiệp và nghiệp báo không thể nghĩ bàn.
2. Tất cả chúng sinh mỗi mỗi hành động bao nhiêu là sai biệt không thể nghĩ bàn.
3. Hạnh của Phật Như Lai không thể nghĩ bàn.
4. Bồ Tát hành trì các hạnh thanh tịnh không thể nghĩ bàn.
Này Na La Diên! Đó gọi là bốn điều không thể nghĩ bàn, cần nên hiểu rõ.
Này thiện nam! Bồ Tát cần hiểu rõ được bốn điều không cùng tận.
Những gì là bốn?
1. Phước đức là không cùng tận.
2. Mãn lời thề nguyền là không cùng tận.
3. Vui nói pháp không cùng tận.
4. Trí rốt ráo là không cùng tận.
Na La Diên, như vậy gọi là Bồ Tát đạt được bốn điều không cùng tận.
Này Na La Diên! Bồ Tát nên tu hành bốn pháp.
Những gì là bốn?
1. Dùng thiện căn để trang nghiêm không thể đầy đủ.
2. Phương tiện hồi hướng tất cả không cùng tận, không thể đầy đủ.
3. Các việc trang nghiêm nơi tất cả Cõi Phật, dùng để trang nghiêm Cõi Phật của mình cũng không có thể đầy đủ trong bản tiếng Phạm thiếu một pháp.
Na La Diên, Bồ Tát nên như vậy tu tập thực hành bốn pháp này.
Khi ấy, Bồ Tát Na La Diên lại hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Kinh Tam Muội Nhất Thiết Phước Đức này nên trao đến tay những Bồ Tát nào?
Nếu là Kinh quyển hoặc đến tận nhà ở hoặc người tu thiền, hoặc người tu nhẫn hoặc tại gia hoặc xuất gia.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Na La Diên! Nếu Đại Bồ Tát nghe pháp tam muội này, hoặc tai được nghe, hoặc đến tận tay, hoặc gặp tại nhà, người này không sinh tâm phỉ báng, nếu được như vậy, ta không gọi họ là người tại gia mà gọi người này là người xuất gia.
Vì sao?
Vì nhân duyên này mà Bồ Tát siêng tu phân biệt đúng tam muội. Cho nên người này sẽ diệt trừ tất cả vọng tưởng và ở đâu người này cũng có đủ tất cả phước đức và trí tuệ không cùng tận, không tiêu tán.
Này Na La Diên! Bồ Tát vì giáo hóa các chúng sinh, nên thị hiện các hình sắc, tướng mạo.
Này Na La Diên! Người này đi đến cùng khắp các nơi, cũng như mặt trời, mặt trăng chiếu khắp, bốn phương thiên hạ đâu đâu cũng đều hiển hiện.
Như vậy, này Na La Diên! Bồ Tát cũng vậy, không nương nơi các chướng nạn. Tuy ở tại gia mà không nương gá nơi nhà, cũng như xuất gia mà không nương gá pháp Sa Môn, cả hai đều không thể nói.
Vì sao?
Vì Bồ Tát không nương nơi tất cả pháp sở hữu và các nhập.
Này Na La Diên! Như đồ dùng bằng lưu ly, tuy để ở đâu cũng không làm mất tính chất của nó.
Như vậy, này Na La Diên! Nếu có Bồ Tát trú trong pháp tam muội này, tuy ở tại gia cũng như là người xuất gia, không bao giờ mất thể tánh của pháp giới.
Khi ấy, Bồ Tát Na La Diên hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Vị Đại Bồ Tát an trú chỗ nào mà không để mất pháp tam muội tập nhất thiết phước đức, để được phước đức, trí tuệ trang nghiêm không cùng tận.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Vị Đại Bồ Tát có bốn chỗ an trú:
1. Bồ Tát không trụ nơi thân mạng và các lợi dưỡng.
2. Luôn tôn trọng, tán thán pháp tam muội: Không, vô tướng, vô nguyện.
3. Không trú vào địa vị Thanh Văn, Duyên Giác, hy vọng thành tựu trí tuệ của Phật và biện tài vô ngại, mà không cao ngạo vọng tưởng phân biệt, cũng không chấp trước chỗ an trú như vậy.
4. Chỗ Bồ Tát trú vì giải thoát tất cả chúng sinh, không trụ vào ngã, nhân, chúng sinh, thọ mạng và trượng phu.
Này Na La Diên! Như vậy, đó là bốn chỗ trú của Bồ Tát, là chỗ trú tối thắng trang nghiêm không cùng tận, chỗ gồm thâu phước đức lớn trang nghiêm không cùng tận, chỗ gồm thâu trí tuệ lớn để đoạn trừ tất cả kiến chấp, thành tựu đầy đủ, sinh khởi các pháp của Phật.
Bồ Tát Na La Diên hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Bồ Tát trú xứ như thế nào mà được gọi là xuất gia?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Na La Diên! Bồ Tát có bốn pháp làm chỗ an trú. Nghĩa là trú từ, bi, hỷ, xả.
Na La Diên, đó gọi là trú vào bốn chỗ an trú của Bồ Tát.
Này Na La Diên! Bồ Tát nếu trú nơi phong ấp, xóm làng, hoặc ở chỗ trống, hoặc ở chỗ thực hành bốn phạm hạnh, gọi là những chỗ ở chân chánh. Nếu xa lìa chỗ ở, thực hành bốn phạm hạnh, tuy ở trong cung điện lầu gác, cũng không gọi là chỗ ở yên ổn.
Này Na La Diên! Người này gọi là lừa dối tất cả hàng Trời, Người, A Tu La luống ăn đồ dùng cúng dường.
Này Na La Diên! Bồ Tát nếu trú vào các phạm hạnh khác, đều nhiếp vào trong bốn phạm hạnh này.
Vì sao?
Này Na La Diên! Chỗ trú của phạm hạnh này rất là khó được, nếu người không thấy biết bốn phạm hạnh này là nhân duyên của Bậc Thánh tu thiền, đó là người vướng vào thân kiến không đoạn trừ được kiêu mạn.
Bồ Tát Na La Diên hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Thế nào là Bồ Tát được gọi là trú trong bốn pháp từ, bi, hỷ, xả?
Văn Thù Sư Lợi đáp: Na La Diên! Nếu có Bồ Tát nghĩ như thế này: Ta cần phải hóa độ tất cả chúng sinh, như vây gọi là trú pháp từ. Ta cần cứu thoát tất cả chúng sinh, như vậy gọi là trú pháp bi. Ta nên khiến cho tất cả chúng sinh được an trú trong giáo pháp của Đức Phật, như vậy gọi là trú pháp hỷ. Ta nên dùng pháp xuất thế gian để cho tất cả chúng sinh đều được vắng lăng, gọi là trú pháp xả.
Lại nữa, này Na La Diên! Bồ Tát nếu hiểu rõ tất cả pháp giới đều là không, như vây gọi là trú pháp từ. Nếu Bồ Tát hiểu rõ được các pháp giới vốn vắng lặng, như vây gọi là trú pháp bi. Nếu Bồ Tát hiểu rõ tất cả pháp giới không trước, không buộc, không giải, như vậy gọi là trú pháp hỷ. Nếu Bồ Tát hiểu rõ tất cả pháp giới vốn không qua không lại, như vậy gọi là trú pháp xả.
Na La Diên, như vậy gọi là Bồ Tát an trú từ, bi, hỷ, xả.
Lại nữa, này Na La Diên! Bồ Tát nếu thấy pháp vô ngã mà không sợ hãi gọi là trú pháp từ. Nếu thấy tất cả chúng sinh vốn vắng lặng mà không sợ hãi, như vậy gọi là trú pháp bi. Nếu nghe tất cả các pháp của Chư Phật đồng đẳng như pháp của một Đức Phật mà không sợ hãi, như vậy gọi là trú pháp hỷ. Nếu nghe tất cả cõi nước không cùng tận mà không sợ hãi, như vậy gọi là trú pháp xả.
Lại nữa, này Na La Diên! Không bị trệ ngại gọi là từ. Cứu khổ chúng sinh gọi là bi. Không bị khổ não gọi là hỷ. Không có tâm cao thấp gọi là xả.
Lại nữa, này Na La Diên! Có từ bi chẳng phải đại từ, đại bi. Đại từ đại bi Thanh Văn, Duyên Giác đều không có, Thanh Văn, Duyên Giác chỉ có từ bi vì không thể làm cho tất cả chúng sinh an lạc nên gọi là từ bi mà chẳng phải là đại từ bi.
Thế nào gọi là đại từ đại bi?
Nếu đối với tất cả chúng sinh khởi tâm bình đẳng độ thoát khổ não cho họ, như vậy gọi là Bồ Tát có tâm đại từ đại bi.
Nếu sinh trong năm đường, vì các chúng sinh từ bỏ niềm vui của mình mà nghĩ: Nếu các chúng sinh rơi trong tà đạo, ta sẽ dẫn dắt vào trong chánh đạo, như vậy gọi là Bồ Tát có tâm đại từ đại bi.
Này Na La Diên! Vì vậy nên biết: Thanh Văn, Duyên Giác có từ có bi mà không có đại từ đại bi.
Này Na La Diên! Vì vậy Bồ Tát cần nên tu hành đầy đủ tâm đại từ đại bi.
Khi nói pháp đại từ đại bi này, có tám ngàn chúng sinh phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, họ đều nói: Chúng tôi sẽ an trú như Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi về tâm đại từ đại bi.
Tám ngàn Bồ Tát đạt được tam muội tập nhất thiết phước đức.
Tám ngàn chúng sinh xa lìa trần cấu đạt được pháp nhãn thanh tịnh.
Khi ấy, Bồ Tát Na La Diên bạch: Thưa Thế Tôn! Như Lai Thế Tôn gọi là có trăm phước tướng trang nghiêm, do nhân duyên gì mà được những tướng như vậy?
Đức Phật bảo: Này Na La Diên! Nếu đối với mười phương Thế Giới nhiều như cát Sông Hằng, có các chúng sinh đều thành Chuyển Luân Vương, họ có bao nhiêu công đức đều gom lại sẽ bằng phước đức của một Đế Thích.
Mười phương Thế Giới như cát Sông Hằng, có các chúng sinh thành tựu phước gom lại đều như Trời Đế Thích. Phước gom lại của tất cả Đế Thích bằng phước đức gom lại của một Phạm Vương.
Này Na La Diên! Nếu Thế Giới nhiều như cát Sông Hằng, có tất cả chúng sinh thành tựu phước gom lại đều như là Phạm Vương, vì vậy nên phước gom lại của các Phạm Vương bằng phước gom lại của một vị Thanh Văn.
Này Na La Diên! Nếu khắp Thế Giới nhiều như cát Sông Hằng, có tất cả chúng sinh đều thành Thanh Văn có những phước đức gom lại cũng chỉ bằng phước đức gom lại của một Duyên Giác.
Này Na La Diên! Trong Thế Giới nhiều như các Sông Hằng, có tất cả chúng sinh đều thành tựu Duyên Giác có những phước đức gom lại. Tất cả Thanh Văn, Duyên Giác có bao nhiêu phước đức gom lại làm một, Bồ Tát thành tựu tam muội tập nhất thiết phước đức, có tất cả phước đức gom lại vượt hơn phước đức của Thanh Văn, Duyên Giác nói trên.
Này Na La Diên! Vì vậy Bồ Tát thành tựu thiện căn phước đức nhiều vô lượng vô biên.
Này Na La Diên! Nếu khiến các Thế Giới khắp mười phương nhiều như cát Sông Hằng, trong đó có tất cả chúng sinh thảy đều được tam muội tập nhất thiết phước đức ấy gom lại, những phước đức gom lại này lại nhân lên trăm ngàn lần, còn không so bằng phước của một đức tướng của Phật.
Vì vậy cho nên gọi là Như Lai có trăm phước đức tướng trang nghiêm mà tất cả chúng sinh đều không thể so lường, cũng gọi Như Lai là đấng có trăm phước đức tướng trang nghiêm không thể nghĩ bàn.
Khi Đức Phật giảng nói pháp trăm phước đức tướng trang nghiêm, khắp ba ngàn đại thiên Thế Giới chấn động đủ sáu cách, ánh sáng lớn chiếu khắp trăm ngàn, nhạc cụ không khảy tự hòa âm vang động, Trời mưa hoa tươi đẹp.
Tất cả thế gian Trời, người, A Tu La v.v… tán thán là việc chưa từng có, lớn tiếng xưng tụng điều lành, năm vóc gieo xuống đất đảnh lễ dưới chân Đức Thế Tôn, thưa: Nếu có chúng sinh phát tâm cầu đạo Chánh Chân Vô Thượng rất khoái thích vì được lợi lành, sẽ được trăm phước đức tướng để trang nghiêm thân, thù thắng hơn tất cả phước đức gom lại của Đế Thích, Phạm Vương hộ đời và của hàng Thanh Văn, Duyên Giác.
Nếu có chúng sinh nghe Kinh quý báu tập nhất thiết phước đức tam muội này sẽ được lợi ích lớn, được nghe rồi nên như lời dạy trong Kinh mà tu hành.
Thưa Thế Tôn! Trong nước chỗ nào có Kinh này nên biết ở đó có các thiện nam, tín nữ nhờ Phật lực gia trì có thể phát hành lưu thông Kinh ấy.
Thưa Thế Tôn! Giả sử khắp Thế Giới có lửa lớn, cũng nên từ trong đó vượt qua mà đến nghe cho được Kinh này.
Đức Phật dạy: Đúng như vậy! Này thiện nam! Như ông đã nói, nếu có thiện nam, tín nữ không nghe được Kinh này, nên biết người này đã bị ma nắm giữ.
Này thiện nam! Nếu Bồ Tát nghe Kinh Tam Muội này mà không thể thọ trì, ta không nói rằng người này đã được nghe. Nếu nghe mà không trì, không đọc, không tụng, không truyền bá rộng ra, không ở giữa đại chúng rộng, phân biệt giảng nói thì không thể gọi là người đa văn.
Bấy giờ, đại chúng cùng nhau đồng thanh bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Nguyện hộ trì Kinh tập nhất thiết Phước Đức tam muội và làm cho lưu truyền rộng khắp.
Khi ấy, Đức Thế Tôn phóng ra ánh sáng rực rỡ từ tướng bạch hào, chiếu khắp vô lượng vô biên Thế Giới, trong ánh sáng ấy phát ra âm thanh: Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Giác hộ trì Kinh này.
Bấy giờ, Đức Phật bảo Đại đức A Nan: Này A Nan! Như Lai không bao lâu nữa sẽ vào Niết Bàn, sau ba tháng sẽ vào Niết Bàn vô dư.
Này A Nan! Nay ta đem Kinh Tam Muội này giao phó cho ông, ông nên thọ trì đọc tụng rộng phân biệt giảng nói.
Này A Nan! Nếu có chúng sinh nào thọ trì Kinh này, thì đối với người này Đức Phật không vào Niết Bàn, pháp cũng không hề diệt.
Vì sao?
Này A Nan! Nếu có người được khai mở chỉ bày về Kinh Điển này, nên biết người này đã được thấy Phật. Nếu có người ở trong đại chúng vì họ phân biệt diễn nói Kinh, chỉ rõ văn nghĩa, nên biết người này giữ gìn chánh pháp.
Khi ấy, A Nan rơi lệ cảm động bạch: Thưa Thế Tôn! Xin Thế Tôn trụ lâu ở đời một kiếp, hoặc trụ trăm kiếp, hoặc trụ lâu ở đời ngàn kiếp để đem lại nhiều lợi ích an ổn, nhiều lợi ích an lạc cho cả hàng Trời và người.
Đức Phật bảo A Nan: Ông chớ buồn khóc, nên giữ gìn Kinh này để thường đọc tụng, truyền bá rộng rãi, chớ để thất lạc, thì khi nào cũng thường được thấy Phật.
Vì sao?
Vì Phật Như Lai đều không thể dùng sắc thân để thấy, không thể dùng ba mươi hai tướng để thấy, không thể dùng các tướng hảo mà được diện kiến.
Này A Nan! Nếu có người được thấy những Kinh Điển như thế này, thì chính là thấy Phật.
Khi Đức Phật giảng nói Kinh này rồi, Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi, Bồ Tát Na La Diên, Lực sĩ Tịnh Oai và các Bồ Tát Đại Tăng, Đại Đức A Nan v.v… đại chúng Thanh Văn, tất cả hàng Trời, Người, loài Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La trong thế gian, tất cả chúng sinh nghe Phật giảng nói đều rất hoan hỷ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Lê Tê đạt đa - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nê Hoàn - Phẩm Mười Năm - Phẩm điểu Dụ
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Một - Một Pháp - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Chủng Tử
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tam Muội Niệm Phật - Phẩm Hai - Bản Sự Của Bồ Tát Bất Không Kiến - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Bi - Phẩm Hai - Phẩm Thương Chủ
Phật Thuyết Kinh Trung Bổn Khởi - Phẩm Mười Năm - Phẩm đức Phật ăn Lúa Ngựa