Phật Thuyết Kinh Thái Tử Loát Hộ

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH THÁI TỬ LOÁT HỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

Nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật ngự tại núi Kỳ Xà Quật thuộc thành La Duyệt Kỳ, cùng với một ngàn hai trăm Tỳ Kheo và một vạn hai ngàn Bồ Tát. Các chúng Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Thiên Vương, Phạm, Thích và vô số dân chúng, Quỷ, Thần, Rồng đều đến pháp hội đông đủ.

Thái Tử con Vua A Xà Thế tên là Loát Hộ cùng năm trăm con của các trưởng giả, quần thần trong nước, đều cầm lọng hoa bằng vàng từ thành La Duyệt Kỳ cùng đi đến chỗ Phật, dâng lọng hoa lên Phật, rồi lui ra cung kính đảnh lễ Phật xong, đồng đứng chắp tay.

Thái Tử Loát Hộ bạch Phật: Con có điều muốn thưa hỏi, nếu Thế Tôn đồng ý thì con mới dám thưa, nếu không cho phép thì con không dám thưa.

Phật đáp: Ta sẽ trả lời tùy theo câu hỏi của ông.

Thái Tử bạch Phật: Vì nhân duyên gì, Bồ Tát được thân tướng đẹp đẽ?

Vì nhân duyên gì, Bồ Tát không vào bụng người nữ mà sinh ra từ hoa sen?

Vì nhân duyên gì có thể tự biết việc của đời trước?

Xin Phat từ bi vì chúng con mà nói rõ.

Phật bảo Thái Tử: Người có thể nhẫn nhục, không giận dữ, đời sau sinh làm người đẹp đẽ, không dâm dục, không giao phối với người nữ, khi tuổi thọ hết, đời sau sinh làm người được một tuổi, một tháng hoặc bảy ngày liền tự biết việc của vô số kiếp trước.

Thái Tử bạch Phật: Vì nhân duyên gì thân của Bồ Tát có ba mươi hai tướng?

Vì nhân duyên gì thân của Bồ Tát có tám mươi vẻ đẹp?

Vì nhân duyên gì được thấy thân Phật người dân nhìn không chán?

Phật bảo Thái Tử: Khi còn làm Bồ Tát, ưa thích bố thí các loại vật cần dùng cho Chư Phật, Bồ Tát, thầy, cha mẹ, dân chúng tùy theo nhu cầu của họ, do đó được ba mươi hai tướng.

Bồ Tát vì có tâm từ thương xót mười phương chúng sinh cho đến loài côn trùng, xem như con đỏ, đều muốn độ thoát, do đó nên được tám mươi vẻ đẹp. Bồ Tát xem oan gia, cũng như cha mẹ, tâm bình đẳng không phân biệt, vì thế nên dân chúng khi thấy Phật nhìn không chán.

Thái Tử lại bạch Phật: Vì nhân duyên gì Bồ Tát có trí tuệ hiểu ro Kinh Điển sâu xa và hạnh Đà La Ni?

Vì nhân duyên gì Bồ Tát biết định ý tam muội được an ổn?

Vì nhân duyên gì lời Phật dạy đều là thiện?

Những người đã nghe đều hoan hỷ tin nhận?

Phật bảo Thái Tử: Vì Bồ Tát ưa thích biên chép, tin nhận, đọc tụng, học tập nên đã có trí tuệ biết Kinh Điển sâu xa, được hạnh Đà La Ni. Vì Bồ Tát thường thích chuyên tâm, chánh ý nên được an ổn trong tam muội. Điều Bồ Tát nói đều chí thành không có sự dối trá. Vì thế những điều nói ra mọi người đều tin tưởng hướng về, những người đã nghe đều vui mừng, thọ nhận.

Thái Tử lại bạch Phật.

Vì nhân duyên gì Bồ Tát học Kinh?

Do nhân duyên gì nghe Phật giảng nói, mọi người đều tin nhận?

Vì nhân duyên gì nhận biết Kinh, Luật, các pháp oai nghi?

Vì nhân duyên gì hiếu thuận, làm theo lời Phật dạy không trái phạm?

Phật bảo Thái Tử: Bồ Tát đời đời không dua nịnh, cho nên học Kinh Phật, nghe Phật nói đều hiểu biết không quên. Bồ Tát hiểu Kinh sâu xa không hãi, không sợ, cho nên khi được Kinh, Luật liền biết theo đúng pháp. Bồ Tát đời đời kính trọng Phật, kính trọng Kinh, kính trọng sư trưởng, kính trọng cha mẹ cho nên được trí tuê.

Thái Tử lại bạch Phật: Bồ Tát vì nhân duyên gì đời đời sinh ở bên Phật?

Vì nhân duyên gì nghe Phật, tán thán Kinh mà được trí tuệ hiểu biết?

Phật bảo Thái Tử: Bồ Tát đời đời gặp người nói Kinh, không gây rối loạn, phá hoại, không chê trách, do đó được ở bên Phật. Vì Bồ Tát thường khen ngợi Kinh sâu xa nên được trí tuệ.

Thái Tử lai bạch Phật: Bồ Tát vì nhân duyên gì không sinh nơi ác?

Vì nhân duyên gì sinh lên Cõi Trời?

Vì nhân duyên gì không tham ái dục?

Phật bảo Thái Tử: Bồ Tát đời đời tin Phật, tin Kinh, tin Tỳ Kheo Tăng nên không sinh vào tám nơi nạn ác. Bồ Tát giữ giới không thiếu sót nên sinh lên Cõi Trời. Bồ Tát biết Kinh Pháp vốn không, nên không tham ái dục.

Thái Tử lại bạch Phật: Vì nhân duyên gì mà hành động của thân, lời nói của miệng, ý nghĩ nơi tâm của Bồ Tát đều trong sạch?

Vì nhân duyên gì Ma không thể tìm được chỗ sơ hở?

Vì nhân duyên gì mà không dám phỉ báng Phật, không dám phỉ báng Kinh, không dám phỉ báng Tỳ Kheo Tăng?

Phật bảo Thái Tử: Bồ Tát hầu Phật ưa thích học Kinh, mến Tỳ Kheo Tăng, cho nên được trong sạch. Bồ Tát ngày đêm hành đạo tinh tấn không biếng trễ nên Ma không thể tìm được chỗ sơ hở. Lời nói của Bồ Tát đều chí thành, vì thế mọi người không dám phỉ báng Phật, không dám phỉ báng Kinh Pháp, không dám phỉ báng Tỳ Kheo Tăng.

Thái Tử lại bạch Phật: Vì nhân duyên gì tiếng của Bồ Tát cao thanh tốt như tiếng Phạm Thiên?

Vì nhân duyên gì có tám thứ âm thanh?

Vì nhân duyên gì biết ý nghĩ của mọi người nên đều đáp ứng cho họ?

Phật bảo Thái Tử: Bồ Tát đời đời chí thành không dối trá, cho nên tiếng cao thanh tốt như tiếng Phạm Thiên. Bồ Tát đời đời không nói lời ác nên được tám thứ âm thanh. Bồ Tát đời đời không nói hai lưỡi, không nói dối cho nên mọi người nhớ nghĩ đến đều có thể đáp ứng.

Thái Tử lại bạch Phật: Vì nhân duyên gì mạng sống được dài lâu?

Vì nhân duyên gì thân không bị bệnh tật?

Vì nhân duyên gì gia đình hòa thuận thương mến nhau, không làm cho người khác ly biệt?

Phật bảo Thái Tử: Người không sát sinh, nên đời sau sinh làm người liền được mạng sống dài lâu. Không cầm dao, đồ binh khí đánh người nên đời sau làm người không bị bệnh tật. Gặp người có ý gây gổ luôn đứng ra hòa giải làm cho họ vui vẻ, vì thế đời sau làm người không hề khiến cho người khác ly biệt.

Thái Tử lại bạch Phật: Vì nhân duyên gì Bồ Tát có được nhiều của vật quý báu mà không bị mất?

Vì nhân duyên gì không mất của cải, không bị người trộm cướp?

Vì nhân duyên gì luôn được tôn quý hơn hết?

Phật bảo Thái Tử: Vì không tham của cải của người khác nên đời sau làm người được giàu có an vui. Hoan hỷ bố thí không tham lam keo kiệt nên không mất tài sản mà vật chất tăng thêm nhiều, thấy người giàu có được tiền của tâm không ganh ghét, không kiêu mạn nên đời sau được cao sang, tôn quý.

Thái Tử lại bạch Phật: Vì nhân duyên gì có thể được thiên nhãn thấy thấu suốt?

Vì nhân duyên gì được thiên nhĩ nghe thông suốt?

Vì nhân duyên gì có thể biết việc sống chết của người đời.

Phật bảo thái tư: Vì ưa thích đốt đèn sáng trước Phật, cho nên đời sau làm người được thiên nhãn xem thấu suốt. Do ưa thích đem âm nhạc ca ngợi cúng dường nơi Chùa, nên đời sau làm người được thiên nhĩ nghe thông suốt. Bồ Tát ưa định ý vao tam muội được thiền định nên biết việc biến đổi sống chết của đời.

Thái Tử bạch Phật: Vì nhân duyên gì Bồ Tát được phi hành bằng bốn thần túc?

Vì nhân duyên gì Bồ Tát nhớ biết việc vô số kiếp đời trước đến nay?

Vì nhân duyên gì Bồ Tát được đắc chánh giác thành Phật, liền nhập Niết Bàn?

Phật bảo Thái Tử: Vì Bồ Tát ưa thích bố thí thường đem xe, ngựa, lừa, la, voi, lạc đà, giày dép và ghe thuyền cúng dường cho Chư Phật, Tỳ Kheo Tăng và dân chúng, do đó nên được bốn thần túc phi hành.

Bồ Tát tâm chuyên nhớ nghĩ Chư Phật, đem chỗ học về tam muội dạy cho người, do thế nên nhớ biết việc đời trước từ vô số kiếp đến nay. Bồ tác được đạo bất thoái chuyển vì nhớ nghĩ không vướng mắc, do đó nên dứt gốc sinh tử, được Phật đạo, nên nhập Niết Bàn.

Thái Tử lại bạch Phật: Vì nhân duyên gì Bồ Tát dự vào việc ở nơi nước Phật?

Vì nhân duyên gì dự vào chúng Tỳ Kheo Tăng?

Vì nhân duyên gì có ánh sáng chiếu khắp mười phương?

Phật bảo Thái Tử: Bồ Tát vốn cầu đạt nguyện lớn nên được ở nơi nước của Phật. Bồ Tát ưa thích làm việc bố thí cho mọi người đến xin một cách hoan hỷ, dạy cho người thực hành sáu pháp Ba la mật, vì thế nên đời sau được làm Tỳ Kheo Tăng. Bồ Tát hoan hỷ đem bảy thứ báu làm lọng hoa dâng lên Phật, vì thế nên có được ánh sáng chiếu khắp mười phương.

Đức Phật đã vì Thái Tử phân biệt nêu giảng các sự việc như vậy. Thái Tử hoan hỷ và năm trăm vị con của trưởng giả cũng đều rất hoan hỷ.

Thái Tử Loát Hộ lại bạch Phật: Xin cho con vào đời sau, Phật nói ra điều gì, khiến cho con được lãnh thọ, làm theo đều được như ý nguyện.

Phật liền cười, từ trong miệng phóng ra ánh sáng năm sắc.

Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: Ông nghe ta nói việc này: Bồ Tát Thái Tử Loát Hộ và con của các vị trưởng giả, đời trước đã từng cúng dường một trăm lẻ tám ức Phật, đều hành đạo Bồ Tát. Cho đến vào đời trước thời Đức Phật Đề Hòa Ca La hành thế, năm trăm người này đều là đệ tử của Phật, được ta dạy bảo.

Đời sau đều trở lại gặp nhau nơi kiếp cuối cùng của sáu ức Đức Phật, cùng ở trong một kiếp hội Ma Ha Ba La. Năm trăm người này trước sau đều thành Phật đồng một hiệu là Nhã Na Kỹ Đầu Đà Da. Sau khi thành Phật, đồng như Phật A Di Đà. Cõi nước của họ cũng như của Phật A Di Đà không khác.

Bồ Tát bay đi qua lại trong nước đều như cõi nước của Đức Phật A Di Đà. Nếu có người nào nghe Kinh này, tin nhận vui mừng, thì đều được sinh vào cõi nước Phật A Di Đà.

Phật giảng nói Kinh này xong, Thái Tử Loát Hộ cùng năm trăm người con của các trưởng giả, các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, các Trời, Người, Quỷ, Thần, Rồng đều hết sức vui mừng, ở trước Phật làm lễ rồi lui ra.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần