Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Bốn - Phẩm Hai - Phẩm Bốn Bài Kệ Số Hai - Chuyện địa Ngục Nồi Sắt Tiền Thân Lohakumbhi

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG BỐN  

PHẨM HAI

PHẨM BỐN BÀI KỆ SỐ HAI  

CHUYỆN ĐỊA NGỤC NỒI SẮT

TIỀN THÂN LOHAKUMBHI  

Ðúng phần của, ta nào ban bố. Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một vị Vua xứ Kosala.

Hồi ấy, nhân một đêm kia, Vua xứ Kosala nghe một tiếng do bốn sinh linh ở địa ngục phát ra, đó là bốn âm, mỗi âm do một sinh linh phát ra. Du, sa, na, se.

Truyền thuyết bảo rằng trong một đời trước họ vốn là bốn Hoàng Tử ở Xá Vệ và đã phạm tội gian dâm. Sau khi làm điều xấu xa với vợ của các láng giềng vốn được trông giữ cẩn thận và cứ buông mình theo tham ái dục lạc, họ đã bị bánh xe của thần chết cắt đứt ngang cuộc sống xấu xa kia gần Xá Vệ. Họ tái sinh vào địa ngục bốn nồi sắt.

Sau khi chịu đau đớn sáu nghìn năm, họ trồi được lên cao và trông thấy bờ miệng của cái nồi, họ liền tự nghĩ: Biết đến bao giờ chúng ta mới thoát khỏi cảnh khổ này?

Thế rồi cả bốn người lần lượt phát lên một tiếng kêu lớn. Vua sợ muốn chết vì những âm thanh ấy, cứ ngồi yên không nhúc nhích và chờ cho đến sáng. Lúc bình minh, các vị Bà La Môn đến vấn an Vua.

Vua bảo: Này các thầy, hôm nay chính ta đây phải nghe những tiếng kêu kinh khủng như thế kia thì làm sao ta khỏe khoắn cho được?

Các Bà La Môn nhún vẫy tay.

Vua hỏi: Gì thế hở các thầy?

Họ đoan chắc với Vua rằng những tiếng kia là điềm rất hung xấu.

Vua hỏi: Có cách gì chữa trị không?

Họ đáp: Tâu Ðại Vương, Ngài có thể bảo rằng không!

Nhưng chúng tôi đã lắm từng trải về các sự việc như thế. Vua nói.

Bằng cách nào các thầy có thể xua tan được các điều xấu ấy chứ?

Tâu Ðại Vương họ đáp chúng tôi vốn có quyền năng chữa trị hiệu nghiệm và nhờ cuộc tế lễ tứ phần gồm đủ các loại sinh linh chúng tôi sẽ xua tan hết mọi điều xấu. Vua phán. 

Vậy thì nhanh lên, hãy bắt hết mọi sinh linh mỗi thứ bốn con. Người, bò, ngựa, voi xuống cho tới chim cút cùng các loài chim khác, và nhờ tế lễ tử sinh như thế, tâm ta được an bình trở lại. Các Bà La Môn tuân lời, họ lấy đủ mọi thứ họ cần rồi cho đào một hố để tế lễ và trói đủ loại sinh linh khốn khổ kia vào các cột.

Họ bắt các vật hy sinh nhiều hơn số cần thiết vì nghĩ rằng họ sẽ được ăn nhiều món ngon và hưởng nhiều lợi lộc.

Họ đi khắp chỗ này chỗ nọ và bảo: Này, tôi phải có thế này, thế kia Hoàng Hậu Mallikà đến hỏi Vua tại sao các Bà La Môn lại vui mừng đến thế.

Vua đáp: Này Hoàng Hậu, bà có liên hệ gì tới chuyện này chứ?

Bà đang say đắm trong vinh quang của riêng bà và chẳng biết rằng ta đã đau khổ như thế nào.

Sao thế, thưa Ðại Vương.

Ta đã nghe những tiếng kêu khủng khiếp và khi ta hỏi các Bà La Môn rằng kết quả việc nghe những tiếng kêu ấy là thế nào, thì họ bảo Vương Quốc của ta, tài sản của ta đang bị đe dọa, nhưng nhờ tế lễ tứ sinh, họ sẽ làm cho tâm ta an bình. Giờ đây họ đang theo lệnh ta, đào một hố tế lễ và đang tìm kiếm các vật hy sinh mà họ cần.

Hoàng Hậu nói. Tâu Hoàng thượng, thế Ngài đã hỏi ý kiến vị Bà La Môn trưởng ở Thiên Giới về nguồn gốc của những tiếng kêu này chưa?

Vua đáp: Hoàng Hậu, ai là Bà La Môn trưởng ở Thiên Giới?

Tâu Ngài, đó là đức Ðại Cồ Đàm Hoàng Hậu trả lời là Đức Phật tối cao.

Ta đã không hỏi ý kiến Đức Phật.

Hoàng Hậu nói. Thế thì xin hãy đến hỏi Ngài đi. Vua nghe theo lời Hoàng Hậu. Sau bữa ăn sáng, Vua lên Vương Xá và đến Tinh Xá Kỳ Viên. Sau khi đảnh lễ bậc Ðạo Sư, Vua nói.

Bạch Thế Tôn, trong đêm gần đây, trẫm có nghe bốn tiếng kêu và hỏi các thầy Bà La Môn, họ cam đoan sẽ làm cho tâm trẫm an bình trở lại bằng cách tế lễ tứ sinh đối với mỗi loài và bây giờ họ đang sửa soạn tế lễ.

Sự việc trẫm nghe các tiếng kêu như thế khiến điều gì xảy ra cho trẫm?

Chẳng xảy ra điều gì cả Bậc Ðạo Sư dạy một số sinh linh ở địa ngục vì phải chịu đựng thống khổ nên kêu lớn lên. Những tiếng ấy không phải riêng Ngài nghe đâu. Các vị Vua ngày xưa cũng đã nghe như thế.

Và họ cũng vậy, sau khi hỏi ý các Bà La Môn, đã nóng lòng tổ chức lễ tế các vật hy sinh, nhưng rồi được các trí giả chỉ bảo, họ không làm như thế nữa.

Các trí giả giảng cho họ tính chất của những tiếng kêu này và khuyên họ thả hết đám vật hy sinh đáng thương kia ra, cùng làm cho tâm họ an bình trở lại. Rồi do yêu cầu của Vua, bậc Ðạo Sư kể một chuyện đời xưa.

Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì xứ Ba La Nại, Bồ Tát sinh ra trong một gia đình Bà La Môn, tại một làng nọ thuộc xứ Kàsi. Khi đến tuổi trưởng thành Ngài từ bỏ các dục lạc và sống đời tu hành.

Ngài phát huy những thần lực do thiền định và an hưởng thiền lạc. Ngài trú tại một khu rừng tịnh lạc trong vùng Tuyết Sơn.

Vua Ba La Nại bấy giờ rất kinh sợ vì nghe bốn tiếng kêu do bốn sinh linh trú trong địa ngục phát ra. Và khi các thầy Bà La Môn bảo cũng y như thế rằng một trong ba tai họa phải xảy đến cho nhà Vua, Vua liền thuận theo đề nghị của họ là cử hành tế lễ tứ sinh để ngăn chặn tai họa.

Vị giáo sĩ của hoàng gia được các Bà La Môn giúp chuẩn bị một hố tế lễ và một số lớn vật hy sinh được mang lại, cột vào các cọc.

Thế rồi Bồ Tát, do lòng từ thúc đẩy, quan sát Thế Giới bằng thiên nhãn. Khi Ngài thấy sự việc xảy ra, liền nghĩ. Ta phải đến để lo an toàn cho các sinh linh này.

Rồi do thần lực, Ngài bay lên không và hạ xuống trong vườn cây của Vua Ba La Nại. Ngài ngồi trên phiến đá của Vua, trông giống như một tượng vàng.

Người đệ từ trưởng của vị giáo sĩ đến gần thầy và hỏi: Thưa thầy, trong Kinh Vệ Đà há chẳng viết rằng không có hạnh phúc cho những ai sát sinh đấy sao?

Giáo sĩ đáp: Ngươi cứ việc mang phẩm vật của Vua lại đây và chúng ta sẽ có lắm thứ ngon để ăn.

Cứ an tâm! Ông nói thế và đuổi anh ta đi.

Nhưng chàng trai tự nghĩ: Ta sẽ không dự phần vào việc này đâu, rồi anh ta vào vườn cây của Vua và thấy Bồ Tát nơi đây. Sau khi thân ái chào Ngài, anh ngồi xuống cách Ngài một khoảng để tỏ lòng kính trọng. Bồ Tát hỏi anh.

Này chàng trai, Vua trị nước có công chính không?

Anh đáp: Thưa Tôn Giả, Vua trị nước rất công chính, nhưng trong đêm, Ngài nghe bốn tiếng kêu và khi Vua hỏi các thầy Bà La Môn thì Ngài được họ đoan chắc rằng họ sẽ làm cho tâm Ngài an bình trở lại bằng cách tế lễ tứ sinh.

Do đó, Vua muốn lấy lại niềm an lạc, đang chuẩn bị đem các loài vật tế lễ và một số lớn các vật hy sinh đã được mang lại trói vào các cột tế lễ.

Bây giờ, đối với những Đạo Nhân như Tôn Giả, há chẳng nên giải thích nguyên do của các tiếng kêu kia mà cứu số đông sinh mạng đáng thương này khỏi nanh vuốt của tử thần ư?

Bồ Tát nói. Này anh bạn trẻ, Vua chẳng biết ta, ta cũng chẳng biết Vua, nhưng chính ta đây biết được nguồn gốc của tiếng kêu la ấy. Nếu Vua đến đây hỏi ta nguyên do, ta sẽ giải quyết mối nghi cho Ngài.

Chàng trai đáp: Thế thì thưa Tôn Giả, xin Tôn Giả chờ một lát, con sẽ đưa Đức Vua lại. Bồ Tát chấp thuận. Chàng trai đến trình với Vua mọi sự và dẫn Vua đến gặp Bồ Tát. Vua đảnh lễ Ngài, ngồi xuống một bên và hỏi có thật Ngài biết nguồn gốc của các tiếng kêu ấy không.

Bồ Tát đáp: Tâu Ðại Vương, thật thế.

Vua nói. Vậy thì thưa Tôn Giả, xin Ngài hãy nói cho ta nghe.

Tâu Ðại Vương Ngài nói những người kia, trong một đời trước đã phạm tội gian dâm với những người phụ nữ ở gần Ba La Nại, vốn là vợ của những người láng giềng, được canh giữ rất kỹ lưỡng.

Và do đó về sau họ bị tái sinh vào Địa Ngục Nồi sắt. Nơi đây, sau khi phải chịu thống khổ suốt ba mươi ngàn năm trong một chất lỏng ăn mòn dầy đặc được nấu sôi, có lúc họ bị chìm đụng đến đáy nồi, có lúc họ trồi lên đỉnh như một cái bọt nước.

Sau những năm như thế, họ thấy được miệng nồi và khi nhìn qua mép nồi, cả bốn người đều muốn đọc lên bốn bài kệ trọn vẹn nhưng họ không thể nào làm được như thế. Và khi mỗi người chỉ mới phát ra được một âm thì bị chìm trở lại trong nồi sắt.

Bấy giờ một người trong bọn bị chìm xuống sau khi phát ra âm du vốn muốn nói như sau.

Ðúng phần của, ta nào ban bố,

Lại sống đời nhiễm ố, tà gian,

Không tìm cứu rỗi vững vàng,

Giờ đây phước lạc một đường bay xa.

Người ấy không thể đọc lên bài kệ trên, nhưng Bồ Tát nhờ có trí tuệ riêng nên đã đọc lại toàn bộ bài kệ ấy. Và đối với ba người kia cũng thế. Người mới chỉ phát âm sa vốn muốn đọc bài kệ sau.

Sầu thảm thay, số này chịu cả

Ðến khi nào buông thả ra cho?

Qua vô số kiếp khôn dò

Cực hình địa ngục bao giờ ngưng đâu!

Còn trường hợp người phát ra âm ha thì đây là bài kệ ông ta muốn đọc.

Nào dứt được khổ sầu đau đớn,

Số phận kia đã gán cho ta,

Ở trần gian tạo ác ra,

Chính phần ta phải nhận mà đền đây.

Và người đã phát ra âm se thì muốn đọc bài kệ sau đây.

Số phận này một mai thoát nhẹ,

Mang kiếp người, ta sẽ vươn lên,

Quyết làm nhiều việc thiện hiền,

Bằng công đức tự trang nghiêm lấy mình.

Sau khi đọc trọn từng bài kệ Bồ Tát bảo: Tâu Ðại Vương, kẻ ở trong địa ngục muốn đọc cả bài kệ trọn vẹn nhưng vì tội của họ nặng quá nên họ không thể làm như thế được. Và khi lãnh nhận hậu quả ác nghiệp của họ như vậy, họ la lớn lên. Nhưng Ngài chớ sợ. Sẽ không một nguy hại nào đến gần Ngài vì Ngài đã nghe tiếng kêu ấy đâu.

Ðược Bồ Tát làm cho an tâm, Vua truyền đánh trống vàng của Ngài và tuyên bố rằng đám đông các vật hy sinh kia phải được thả ra và hố tế lễ bị phá bỏ.

Còn Bồ Tát sau khi đã cứu bao nhiêu sinh vật khổ nạn kia, ở lại đó ít ngày rồi quay về chốn cũ và không hề ngừng tu tập thiền định, ngài được sinh vào cõi Phạm Thiên.

Khi bậc Ðạo Sư thuyết giảng xong, Ngài nhận diện tiền thân.

Xá Lợi Phất bấy giờ là người tu sĩ trẻ tuổi, còn ta là vị ẩn sĩ kia.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần