Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Chín - Phẩm Chín Bài Kệ - Chuyện ðại Anh Vũ Tiền Thân Mahàsuka

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG CHÍN  

PHẨM CHÍN BÀI KỆ  

CHUYỆN ÐẠI ANH VŨ

TIỀN THÂN MAHÀSUKA  

Bất cứ khi nào cây trái sinh. Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỳ Kheo. Chuyện kể rằng vị ấy sống trong rừng gần một làng Biên Địa ở Kosabbi và nhận được lời giáo huấn từ bậc Ðạo Sư theo các đề tài thiền quán. Dân chúng làm cho ông một an thất trong một nơi họ thường lui tới, cung cấp nơi cư trú cả ngày lẫn đêm và phụng sự ông rất tận tâm chu đáo.

Ngay tháng đầu tiên ông an cư mùa mưa, làng ấy bị đốt sạch và dân chúng không còn một hạt thóc nên không thể cúng dường thực phẩm thơm ngon vào bình bát ông, cho nên mặc dù ông ở trong một nơi thoải mái, ông lại buồn khổ vì thiếu thực phẩm đến độ không thể nhập vào Thánh Đạo hay Thánh Quả được.

Vì vậy khi hết ba tháng mưa, ông đến yết kiến bậc Ðạo Sư, sau những lời ân cần chào hỏi, bậc Ðạo Sư bày tỏ huy vọng là mặc dù khó khăn về thực phẩm cúng dường, ông cũng có được một nơi an trú dễ chịu. Vị Tỳ kheo trình Ngài về tình hình đã diễn tiến ra sao.

Khi nghe ông có được một trú xứ an lạc, bậc Ðạo Sư bảo: Này Tỳ Kheo, nếu sự tình là như vậy, một vị tu khổ hạnh nên dẹp bỏ các thói tham đắm, và tri túc với những thức ăn gì mình nhận được để hoàn thành phận sự của người xuất gia.

Các bậc Trí ngày xưa khi được sinh vào loài súc vật, dù chỉ sống bằng bụi bặm trong cây hư mục mà mình cư trú, cũng đã bỏ mọi tham dục, tự biết sống đủ để ở lại nơi kia và hoàn thành đạo lý về ân tình.

Thế thì tại sao ông lại bỏ một nơi cư trú đầy an lạc chỉ vì thức ăn nhận được quá ít ỏi thô sơ?

Và theo lời thỉnh cầu của vị này, Ngài kể câu chuyện quá khứ. Ngày xưa có vô số chim anh vũ két sống ở vùng Tuyết Sơn trên bờ Sông Hằng trong một rừng Sung.

Vua Anh Vũ ấy gặp lúc trái cây nơi mình cư trú đã hết màu, phải ăn bất cứ cái gì còn sót lại, dù là mầm, lá, vỏ cây hoặc giác cây và uống nước Sông Hằng, vẫn thấy an lạc và tri túc nơi mình sống.

Do tâm trạng an lạc tri túc này, chiếc ngai của Thiên Chủ Sakka rung động. Sakka tìm hiểu nguyên nhân và thấy Anh Vũ này, rồi muốn thử thách công hạnh của chim, Ngài dùng thần lực làm cho cây héo tàn, trở thành khúc thân cây mục đầy lỗ hỏng đứng trơ vơ bị mưa gió vùi dập, và bụi bặm bay từ các lỗ ấy!

Anh Vũ vương vẫn ăn bụi cây và uống nước Sông Hằng, không đi đâu khác và vẫn đậu trên ngọn cây, chẳng quan tâm gì đến nắng gió.

Thiên Chủ Sakka nhận thấy Anh Vũ sống rất tri túc, liền tự bảo: Sau khi nghe chim nói về đức tính của tình bằng hữu, ta sẽ đến ban cho chim một đặc ân và làm phép cho cây sung sinh bất tử.

Vì thế Ngài giả dạng một Thiên nga cùng với Hoàng Hậu của Ngài là Sujà đi trước biến hình thành một Nữ Thần A Tu La, Ngài đến rừng sung kia, đậu trên một khóm cây gần đó và ngâm kệ bắt đầu đàm thoại với Anh Vũ:

Bất cứ khi nào cây trái sinh,

Bầy chim đói lại đến đầy cành,

Song khi cây đã thành khô héo,

Lập tức bầy chim bỏ chạy nhanh.

Sau lời này, Ngài lại ngâm vần kệ thúc giục chim đi chỗ khác:

Này ông mỏ đỏ, hãy đi mau,

Ông vẫn ngồi mơ mộng, cớ sao?

Hãy nói ta nghe, xuân điểu hỡi,

Sao ông bám khúc gỗ khô nào?

Chim Anh Vũ đáp: Này thiên nga, do ân nghĩa, ta không rời bỏ cây này.

Rồi chim ngâm hai vần kệ:

Ngay khi Anh Vũ chúa cầu mong,

Biết rõ mọi điều kiện, chánh chân

Dầu sống, chết hay khi khổ lạc,

Ðều không hề bỏ mặc thân bằng

Ta muốn ân cần, giữ thiện tâm

Với cây kết bạn đã lâu năm,

Ta mong sống, dẫu lòng không nỡ

Rời bỏ cây khô đã chết dần.

Sakka nghe chim nói, rất hoan hỷ, vừa ca ngợi chim vừa muốn ban cho chim một điều ước, liền ngâm hai vần kệ:

Ta biết chim giao hữu thật tình

Trí nhân chắc chắn phải hoan nghênh,

Ta ban chim thứ gì chim mong muốn,

Anh Vũ, ước cho thoả ý mình

Nghe vậy, Anh Vũ ngâm vần kệ thứ bảy nói lên điều mình ước:

Thiên nga, nếu bạn muốn ban ân

Mong ước cho cây sống lại dần

Lần nữa vươn lên sức mạnh cũ,

Quả ngon tươi mát mọc đầy thân.

Rồi Thiên Chủ Sakka ngâm vần kệ thứ tam ban đặc ân này:

Bạn nhìn! Cây quý quả sai đầy,

Thích hợp cho chim ở chốn này,

Lần nữa vươn lên sức mạnh cũ,

Quả ngon ngọt mát tươi thay!

Cùng với các lời này, Sakka bỏ lốt ngỗng, thị hiện phép thần thông cùng Hoàng Hậu Sujà, lấy tay múc nước Sông Hằng rảy vào thân cây sung. Lập tức cây mọc lên cành lá sum suê, đầy trái ngọt như mật, tạo thành một cảnh tượng kỳ diệu như đỉnh núi Ngọc Bích lồ lộ.

Anh Vũ thấy vậy, vô cùng hoan hỷ, ngâm vần kệ thứ chín tán thán Thiên Chủ Sakka:

Ước mong Thiên Chủ, mọi Thiên Thân,

Ðều hưởng thọ tràn ngập phước ân,

Hạnh phúc như chim đang thọ hưởng

Khi nhìn cảnh tượng đẹp huy hoàng.

Sau khi ban điều ước cho Anh Vũ, và làm phép để cây sung mọc trái bất tử, Ngài cùng Hoàng Hậu Sujà trở về cõi của Ngài.

Ðể minh hoạ chuyện này, các vần kệ xuất phát từ trí tuệ tối thắng được thêm vào đoạn cuối:

Ngay khi Anh Vũ chúa cầu mong,

Lần nữa cây kia trổ trái dần,

Ðế Thích cùng bà hoàng biến mất

Về vườn Thiên lạc cõi Thiên Thần.

Khi Pháp Thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư bảo: Như vậy, này Tỳ Kheo, các bậc Trí này xưa dù sinh làm súc vật cũng dứt bỏ tham ái.

Thế tại sao nay ông đã được thọ giới trong giáo pháp tối thượng này, lại còn theo các thói xan tham?

Hãy về ở lại chỗ ấy.

Rồi Ngài trao cho vị này một đề tài thiền quán, và nhận diện tiền thân: Thời ấy Sakka là Anurudda À Na Luật Đà và Anh Vũ chính là ta. Vị Tỳ Kheo trở về và nhờ thiền quán đã đắc Thánh Quả A La Hán.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần