Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Một - Phẩm Kulavaka - Chuyện Con Chim Trĩ Tiền Thân Tittira

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MỘT  

PHẨM KULAVAKA  

CHUYỆN CON CHIM TRĨ

TIỀN THÂN TITTIRA  

Ai kính Bậc lớn tuổi. Câu chuyện này, khi đi đến Xá Vệ, Bậc Ðạo Sư kể về Trưởng Lão Xá Lợi Phất đã bị tước đoạt trú xứ như thế nào.

Khi ông Cấp Cô Độc đã làm xong ngôi Tinh Xá và gửi sứ giả báo tin, Bậc Ðạo Sư từ Vương Xá ra đi, đến Tỳ Xá Ly sống tại đấy cho thỏa thích rồi lên đường đi Xá Vệ. Lúc bấy giờ, các đệ tử của nhóm sáu Tỳ Kheo đi phía trước.

Khi các trú xứ chưa được các Trưởng Lão ở, họ giành lấy: Trú xứ này dành cho giáo thọ sư chúng tôi, trú xứ này dành cho Sư Trưởng chúng tôi, trú xứ này dành cho chúng tôi. Các Trưởng Lão đến sau không được các trú xứ.

Các đệ tử của Trưởng Lão Xá Lợi Phất tìm trú xứ cho Trưởng Lão, nhưng không được. Trưởng Lão không được trú xứ, đã ngồi hay kinh hành dưới một gốc cây không xa trú xứ Bậc Ðạo Sư bao nhiêu. Sáng sớm, Bậc Ðạo Sư đi ra, đằng hắng thành tiếng. Trưởng Lão đằng hắng lại.

Thế Tôn hỏi: Ai đó?

Bạch Thế Tôn, con là Xá Lợi Phất.

Này Xá Lợi Phất, vào giờ này, ông làm gì ở đây?

Trưởng Lão kể lại sự việc ấy.

Bậc Ðạo Sư nghe câu chuyện, suy nghĩ: Nay ta còn sống, các Tỳ Kheo còn thiếu tôn trọng, kính nể lẫn nhau.

Khi ta diệt độ rồi, họ sẽ làm như thế nào nữa?

Nghĩ vậy, Bậc Ðạo Sư khởi lên sự lo âu vì chánh pháp.

Khi Trời vừa sáng, Ngài bảo tập hợp đại chúng, và hỏi các Tỳ Kheo: Có thật chăng, này các Tỳ Kheo, các đệ tử nhóm sáu Tỳ Kheo đi trước giành hết trú xứ của các Tỳ Kheo Trưởng Lão?

Thưa thật vậy, bạch Thế Tôn.

Thế Tôn liền chỉ trích nhóm Sáu Tỳ Kheo.

Ngài thuyết pháp, bảo các Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo, ai xứng đáng được chỗ ngồi tốt nhất, được nước uống tốt nhất, được đồ ăn khất thực tốt nhất?

Có người nói: Vị xuất gia từ gia đình Sát Đế Lỵ.

Có người nói: Vị xuất gia từ gia đình Bà La Môn, từ gia đình gia chủ.

Những người khác nói: Những vị trì luật, những vị thuyết pháp, những vị đã chứng thiền thứ nhất, thiền thứ hai, thiền thứ ba, thiền thứ tư.

Những người khác nữa nói: Những vị Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Lai, A La Hán, những vị chứng ba minh, sáu thắng trí.

Khi các Tỳ Kheo đã nói ý nghĩ của mình, Bậc Ðạo Sư nói: Này các Tỳ Kheo, trong giáo pháp ta, xứng đáng được chỗ ngồi tốt nhất, không phải vị xuất gia từ gia đình Sát Đế Lỵ, không phải vị xuất gia từ gia đình Bà La Môn, từ gia đình gia chủ, không phải vị trì luật, không phải vị trì Kinh, không phải vị trì luận, không phải những vị đã chứng sơ thiền v.v... không phải những vị Dự Lưu v.v...

Nhưng này các Tỳ Kheo, trong giáo pháp này, tùy theo tuổi lớn mà quyết định về sự đảnh lễ, nghênh tiếp, chắp tay, phục vụ, mà nhận được chỗ ngồi tốt nhất, nước tốt nhất, đồ ăn khất thực tốt nhất. Chính ở đây, tuổi lớn là mức đo lường.

Do vậy, Tỳ Kheo tuổi lớn xứng đáng được những sự ấy. Nhưng nay, này các Tỳ Kheo, Xá Lợi Phất đệ tử cao nhất của ta, vị chuyển bánh xe tùy pháp, xứng đáng được trú xứ tiếp theo trú xứ của ta, vị ấy lại không được trú xứ, đã trải qua đêm nay sống dưới gốc cây.

Nếu nay các ông không tôn trọng, không kính nể lẫn nhau, thì với thời gian trôi qua, các ông sẽ xử sự như thế nào?

Với mục đích khuyến giáo các Tỳ Kheo, Bậc Ðạo Sư nói:

Này các Tỳ Kheo, trong thời quá khứ, các loài thú cũng nghĩ: Thật không thích đáng cho chúng tôi, nếu chúng tôi sống không tôn trọng, kính nể lẫn nhau, sống không tùy thuận nhau. Sau khi biết ai lớn tuổi nhất trong chúng tôi, chúng tôi sẽ đảnh lễ vị ấy. Sau khi khéo tìm hiểu, biết được vị cao niên nhất, chúng đảnh lễ vị ấy, vì vậy khi mạng chung, chúng được sanh tràn đầy Thiên Giới. Nói vậy xong, Bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

 Thuở xưa, trên sườn Hy Mã Lạp Sơn có ba con vật sống gần một cây bàng lớn: con chim trĩ, con khỉ và con voi. Chúng sống không tôn trọng, không kính nể, không tùy thuận lẫn nhau.

Rồi chúng suy nghĩ: Thật không xứng đáng cho chúng ta sống như thế này.

Ai cao niên nhất giữa chúng ta, chúng ta sẽ đảnh lễ vị ấy!

Trong khi chúng tìm hiểu vị cao niên nhất giữa chúng, thì một hôm, giữa chúng, khởi lên phương tiện này khi cả ba con ngồi dưới gốc cây bàng, chim trĩ và khỉ hỏi con voi: Này bạn voi, bạn có biết, khi bạn thấy cây bàng này lần đầu tiên, cây ấy to như thế nào?

Con voi nói: Này các bạn, khi tôi còn bé nhỏ, cây bàng chỉ là một bụi cây, tôi đi ngang qua nó đụng bắp vế tôi. Khi tôi đứng ngang cây ấy, cành cây cao nhất chỉ chạm đến lỗ rốn. Như vậy tôi biết cây này từ khi còn là một bụi cây. Rồi hai con vật ấy lại hỏi con khỉ như rên.

Con khỉ nói: Này các bạn, khi tôi còn là khỉ con, tôi ngồi trên đất, chỉ vươn cổ ra, có thể ăn được chồi cao nhất của cây bàng non này. Như vậy tôi biết cây này từ khi còn nhỏ. Hai con vật kia lại hỏi con chim trĩ như trên.

Con chim trĩ nói: Này các bạn, thuở trước, tại một chỗ nọ, có một cây bàng lớn. Tôi ăn trái cây, đi đại tiện ở chỗ này, từ đấy, cây này mọc lên. Như vậy, tôi biết cây này từ khi cây ấy chưa mọc. Do vậy, tôi cao niên hơn các bạn.

Ðược nghe nói như vậy, con khỉ và con voi nói với chim trĩ có trí: Này bạn, bạn cao niên hơn chúng tôi. Từ nay trở đi, chúng tôi sẽ cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường bạn. Chúng tôi sẽ đảnh lễ, nghênh tiếp, chắp tay, phục vụ nạn. Chúng tôi sẽ vâng theo lời khuyến giáo của bạn. Bắt đầu từ nay, bạn sẽ chỉ dạy khuyên bảo chúng tôi.

Từ hôm ấy trở đi, con chim trĩ khuyên bảo chúng, an trú chúng trong giới luật, và tự mình thọ trì giới luật. Cả ba con vật kính trọng, kính nể lẫn nhau, tùy thuận nhau, sống như vậy cho đến mạng chung, rồi đi lên Thiên Giới.

Bậc Ðạo Sư nói: Mục đích của ba con vật này là sống phạm hạnh nhờ con chim trĩ.

Này các Tỳ Kheo, nếu những thú vật ấy sống tôn trọng, kính nể lẫn nhau, thì vì sao, các ông đã xuất gia trong pháp luật khéo giảng này, lại không thể sống tôn trọng, kính nể lẫn nhau?

Này các Tỳ Kheo, ta khuyến cáo các ông, bắt đầu từ nay trở đi, tùy theo tuổi lớn, các ông hãy đảnh lễ, nghênh tiếp, chắp tay, phục vụ. Tùy theo tuổi lớn, hãy dành chỗ ngồi tốt nhất, đồ ăn khất thực tốt nhất. Bắt đầu từ nay trở đi, không bao giờ một vị lớn tuổi lại bị một vị trẻ tuổi tranh giành trú xứ. Ai tranh giành sẽ phạm tội.

Sau khi kể Pháp Thoại này, Bậc Chánh Ðẳng Giác đọc bài kệ:

Ai kính Bậc lớn tuổi,

Là thiện xảo trong pháp,

Ðời này được tán thán,

Ðời sau, sanh cõi lành.

Như vậy, Bậc Ðạo Sư nói lên lời tán thán hạnh kính lễ bậc lớn tuổi và kết hợp hai câu chuyện với nhau, rồi nhận diện tiền thân: Thời ấy, con voi là Mục Kiền Liên, con khỉ là Xá Lợi Phất và con chim trĩ là ta vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần