Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Hỏi Về Việc Trừ Cấu đoạn Kết Của Bồ Tát Thập Trụ - Phẩm Hai - phẩm Lưu Hóa
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT KINH TỐI THẮNG
HỎI VỀ VIỆC TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT
CỦA BỒ TÁT THẬP TRỤ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM HAI
PHẨM LƯU HÓA
Bấy giờ Bồ Tát Tối Thắng ở trước Đức Phật, thưa: Bồ Tát ở Nhị Địa phải như thế nào mới đầy đủ công hạnh, quả đạt được đều đúng như nguyện không sai lạc?
Đức Phật bảo Ngài Tối Thắng: Bồ Tát ở Nhị Địa luôn phải tư duy, nhớ giữ giới thanh tịnh của mình, suy tư về ân nặng đó, siêng năng tu tập nhẫn nhục, khiêm cung với kẻ dưới, luôn giữ tâm hoan hỷ, cười trước nói sau, thực hành tâm đại từ bi, hiếu thuận với Sư Trưởng, trọn lòng tin Tam Bảo, tôn sùng trau dồi diệu tuệ, không sanh nhiễm trước chấp có thường còn.
Kẻ chấp thường thì cho rằng nghiệp sanh tử vốn là lẽ thường của đạo. Thường đạo thì chẳng phải là tôn quý. Nếu tôn quý thì phải hiện ra những việc phi thường, đó mới gọi là tôn quý.
Tôn quý đã chẳng phải là tôn quý thì làm sao gọi là đạo tôn quý?
Do vậy, này Tối Thắng, Bồ Tát hiểu rõ đạo thì không thấy có tôn quý hay thấp hèn, cũng không thấy có hình tướng. Hư không do thường còn nên nói là có hình chất. Danh hiệu chân đạo không thể nhìn thấy được. Tâm ấy thản nhiên không gì trói buộc, công đức nghiệp đã tu tập không xa lìa Chư Phật, không hề ở trong đạo mà bị đoạn tuyệt.
Tất cả các ác đều trừ sạch. Tâm Bồ Tát luôn ở trong chánh định, không hề chuyển động, chí như Kim Cương, không có bạn lữ. Bồ Tát biết căn bổn của tất cả pháp, đã trừ các cấu nhiễm, tiêu diệt ám chướng, không pháp giải thoát nào mà không thấu tỏ.
Tâm ý luôn chất trực, không hề siểm nịnh, tánh hạnh bình đẳng không có ý tranh hơn thua. Đã phát tâm rồi thì luôn nhớ mãi, do vốn thanh tịnh nên được rời xa các cấu uế, tắm gội trong nước mát chốn vực sâu, gột trừ các uế trược.
Đức tin kiên cố, không gì có thể làm xao động. Tâm thí rộng lớn vô hạn lượng, tâm như hư không không có chỗ tận cùng, thâu nhận đến hàng hạ liệt, nuôi dưỡng, độ thoát cho họ. Cho nên bậc có tâm như vậy thì trí tuệ thuần thục, không gì có thể làm chướng ngại.
Chỗ quy về của tâm, không chỗ nào là không rõ. Đức đại bi vô cùng là kho chứa vô tận. Bồ Tát có thức biện tài nhưng luôn giữ tâm xấu hổ, kiên trì tu tập, tâm không xao động.
Có năng lực giác ngộ đạo pháp, không pháp nào không thể thâm nhập. Biện tài vượt chúng, không ai không kính ngưỡng, được các pháp tổng trì mà không quên mất.
Lúc đầu không vội thuyết pháp mà trụ tâm trong trăm, ngàn loại định, xuất định không còn nghi ngờ, nghe pháp thiện ác không nghĩ đến buồn vui, không cống cao tự kiêu mà cũng không tự ti. Đi đứng nghiêm trang không mất oai nghi.
Hiểu rõ mười hai hành và năm ấm bị sự tác động của sáu suy. Dùng khổ, tập, tận, đạo phân biệt mười hai duyên khởi, biết rõ vô minh, hành… đều là không thật, quán sát năm căn suy lường quán triệt, không còn qua lại chốn sanh tử dơ uế.
Do vậy Bồ Tát dùng tám mươi bổn môn trí tuệ tiêu diệt các lậu, phát thệ nguyện lưu hóa thân một kiếp để giáo hóa.
Như thân của Ta hiện nay sắp nhập Niết Bàn Vô dư nhưng không phải vĩnh viễn diệt độ mà lưu lại hóa thân, có vô số Bậc Hiền trí vây quanh để nghe pháp vi diệu.
Tối Thắng nên biết, trong hiền kiếp, cách đây mười ba ức hằng hà sa Phật Độ về phương Bắc, có Thế Giới tên là Bất Động Chuyển, Đức Phật Hiệu là Chiếu Ý Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác hiện nay đang nói pháp bất động chuyển giới.
Thế Giới đó không có tên Thanh Văn, Duyên Giác, chỉ thuần là các bậc lên đến địa vị hành giả Đại Thừa bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, dùng trí tuệ thần thông để tự vui, trí tuệ vô vực thông đạt toàn thân, tùy thời phân biệt chương cú diệu pháp.
Tâm từ, bi, hỷ, nộ xả bình đẳng như hư không, quán chúng sanh biết trước chí tánh của họ, tuôn mưa cam lộ có vô lượng pháp vị, người nào uống rồi không còn giận hờn.
Thực hành ba môn tam muội: Không, vô tướng, vô nguyện, đứng trên bờ giải thoát dẹp trừ sanh tử, quét sạch bụi ma oán độc trong tâm. Thần lực của Đức Phật ấy cảm ứng hóa hiện khắp vô lượng Cõi Phật.
Người nghe lời dạy không biết là hóa thân Phật đều cho là chân thân của Phật. Trong quá khứ, hằng hà sa các Đức Phật Thế Tôn đều lưu lại hóa thân tiếp độ chúng sanh để họ được giải thoát. Do vậy, hình tướng biến hóa ẩn hiện của Như Lai là không thể nghĩ bàn.
Các Đức Phật trong tương lai như Đức Từ Thị, mỗi vị cũng có hóa thân Phật để khai đạo chúng sanh. Ta tuy diệt độ nhưng hóa thân Phật của Ta không hề diệt độ. Cho nên, này Tối Thắng, hóa cũng là không hóa, Phật cũng là không Phật, hiểu rõ như vậy là giác ngộ không tịch.
Lại nữa, cũng không có hai, ba hay vô số tướng. Hàng Nhị Địa Bồ Tát phải luôn tu tập pháp ảo hóa, quán chiếu thật rõ thang bậc trí tuệ, thang bậc tín tâm, thấy địa vị liền dẹp trừ địa vị thì thành tựu địa vị rốt ráo. Địa vị của hàng Thanh Văn, Duyên Giác tuy trị được bệnh nhưng không chấp thủ địa vị ấy.
Này Tối Thắng, giả sử hàng nhị trụ Bồ Tát muốn đạt được quả vị chứng đắc của Thanh Văn, Duyên Giác thì thật không khó.
Ví như có người tay cầm vòng hoa và hạt ngọc minh nguyệt ném lên hư không thì khi chúng chưa rơi xuống đất, trong khoảng thời gian đó, Bồ Tát đoạn kết trừ cấu, diệt hoàn toàn các lậu, không còn nỗi khổ sanh, già, chết, sầu lo.
Tuy Bồ Tát biết đã đoạn trừ mọi trói buộc nhưng vẫn không chấp thủ quả chứng đắc. Cho nên những bậc như thế chưa quán sát tâm bậc thượng, trung, hạ của chúng sanh thì giữ tâm kiên cố luôn trụ nơi cứu cánh mà là hưng khởi mây giải thoát, giáo trí tuệ.
Nổi lên sấm sét, tuôn mưa thuốc cam lộ, tuyên nói pháp bảo Chân Đế, không đoạn ba nghiệp, ý niệm vắng lặng như nước trong sạch, luôn dùng cấm giới để tự trang nghiêm, lại dùng các đức hạnh để trang điểm cho tân, tôn thờ đạo giác ngộ vi diệu của chư Hiền Thánh đến tận lúc tối hậu thân Nhất sanh bổ xứ.
Bồ Tát hiểu rõ bổn nghiệp đã tạo của Chư Phật hiện tại, hiểu rõ các pháp tổng trì đều không chỗ nương thì trước khởi ý niệm làm nghiêm tịnh Đạo Tràng, lúc đi, đứng, nằm, ngồi đều niệm An Ban.
Ở trong chúng khó điều phục thì điều phục không sợ hãi, tâm dũng mãnh nên được tự tại, phát tâm chí thành thật đáng kính.
Vì các chúng sanh mà nói pháp hỷ lạc, tâm ấy đáng tôn kính, siêu việt mọi loài. Nếu có thể ngộ rõ tướng của không vô thì kỹ thuật của ngoại đạo nào có thể vượt qua. Đó là điều hàng Thanh Văn, Duyên Giác luôn tôn kính.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Ngài Tối Thắng: Hàng Nhị Địa Bồ Tát biết được bổn vô thì xa lìa được thân hành, bỏ lỗi lầm của miệng, trừ loạn niệm của ý, tiêu diệt tam uế, ngăn chặn tam tai, phủ che năm ấm lạnh lẽo, tìm kiếm gốc si hành của mười hai nhân duyên và năm kiết sử thượng phần và hạ phần phân ra khắp ba cõi.
Do dần trừ bỏ nên khiến chúng không còn tăng thêm. Tư duy về mười một loại bệnh khổ não, trừ bỏ các bệnh chấp trước nặng nề của bốn đại, phân biệt vật chất là pháp ác, phải tránh xa gia nghiệp, rời bỏ tập quán thế gian, đoạn trừ ái dục, sân hận, tham cấu.
Các căn của Bồ Tát thanh tịnh không bị kiết sử lôi cuốn, thường nhớ nghĩ tư duy vô ngã tưởng, giữ tứ tín kiên cố, trụ bốn ý chỉ, thành tựu bốn ý đoạn, tuyên bố năm căn, bày rõ năm lực, chí không khuyết giảm, hiểu rõ bảy giác chi, kho tàng của các báu.
Tu hành tám chánh đạo của Hiền Thánh, không hề buông bỏ tám điều của bậc Đại Nhân. Như thế, này Tối Thắng, hàng Nhị Địa Bồ Tát giữ gìn tâm, điều phục ý, không biết bao nhiêu niệm đều giác ngộ là không, không phải chân thật cho đến đạt được địa vị ở trên, nhận thọ ký Bồ Tát vị vẫn tinh tấn tu tập bất động, cũng không lìa bỏ việc tu hành.
Học đạt đến bậc thượng trí, tuy tôn quý nhưng ý không hề sanh cống cao, quán sát biết rõ các pháp, thấy một pháp không sanh tưởng chấp có hai, ba pháp.
Cũng không khởi tưởng vô ích, không có tưởng hữu biên, tưởng vô biên, tưởng hữu biên vô biên, hiểu rõ tưởng vô biên mà không trụ vô, tư duy Chánh Giác thanh tịnh thì Chư Phật cũng thanh tịnh, khéo điều tâm chánh trụ không tà.
Đối với thiện ác đều bình đẳng, biết rõ đều là không. Không đó không nghi ngại, cũng không thấy có tranh hay không tranh, có quán hay không quán. Bổn vô là một, cũng không thấy một, biết một trừ một, không trụ ở một, lại không theo một mà khởi các tưởng.
Bình đẳng với tập và vô tập, ý vượt hữu hạn, cũng không thấy có pháp hữu hạn, có vượt qua, có nương tựa. Không thấy tâm tán loạn vượt ra khỏi nội ngoại pháp. Khéo phòng giữ thức trong định không động. Tuy ở trong tam hữu mà không chấp trước tam hữu.
Quán sát thật kỹ các tánh, hiểu rõ chúng không có nguồn gốc. Bồ Tát biết được vô căn nên được gọi là Bồ Tát trụ Nhị Địa thanh tịnh.
Bồ Tát tự kiểm tâm, quán nguồn cội các pháp đều là vô thường. Khi vô thường đến thì không thấy xuất sanh, không có thiện hay bất thiện và các danh từ tốt hay xấu như lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc.
Điều phục tâm không còn ưu não, ở ngay tâm ấy khai mở đại pháp tạng, đi vào đại pháp hải, nghĩ cầu thật tuệ, ngâm nấu tam ái, khéo chế phục tứ lưu, tu lục trọng pháp, thành tựu quả chứng.
Này Tối Thắng, bậc Bồ Tát Đại Sĩ đầy đủ các pháp như vậy rồi, biết không hình mạo nên không thể thấy. Đó gọi là bậc Nhị Địa tu học thanh tịnh.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Một - Một Pháp - Phẩm Mười Ba - Phẩm Một Người
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tam Chủng điều Mã
Phật Thuyết Kinh Cựu Tạp Thí Dụ - Phần Hai Mươi Mốt
Phật Thuyết Kinh Bảo Vũ - Phần Mười Chín
Phật Thuyết Kinh đại Tập Những điều Bồ Tát Hư Không Tạng Hỏi Phật - Phần Hai Mươi Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm - Phần Hai