Phật Thuyết Kinh Trung Bổn Khởi - Phẩm Mười Một - Phẩm Tự ái
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khang Mạnh Tường, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT
KINH TRUNG BỔN KHỞI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Khang Mạnh Tường, Đời Hậu Hán
PHẨM MƯỜI MỘT
PHẨM TỰ ÁI
Đức Phật ở tại vườn ông Cấp Cô Độc, rừng cây ông Kỳ Đà, nước Xá Vệ, đang thuyết pháp cho đông đủ Chúng Tăng.
Bấy giờ Vua Ba Tư Nặc nhân ngày rảnh rỗi, đi đến chỗ Đức Phật, xuống xe, cất lọng, vòng tay, đến phía trước cúi lạy sát đất rồi về chỗ ngồi.
Đức Phật hỏi nhà Vua: Đại Vương từ đâu đến đây mà y phục bị xé rách, hình thể tiều tụy vậy?
Nhà Vua liền rời khỏi chỗ ngồi, gạt lệ bạch rằng: Quốc Thái Phu Nhân đã từ giã cõi đời. Con theo hầu, tống táng linh cữu, an táng, lo liệu xong con mới trở về, cúi xin Đức Thế Tôn, mong ngài đến nước quê mùa của con. Tuy con đang bi ai tiều tụy, mong được sự hiện diện của Đức Thế Tôn.
Tánh con ngu ám, tình con mê hoặc bởi tiếng tà, nay mới được giải toả, nhờ lời dạy sáng suốt, chí chân của Đức Phật là: Ưu bi khổ não đều do ân ái mà ra. Mỗi khi nghĩ tới lời giáo huấn ấy mà thế gian khó được nghe.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo nhà Vua: Đại Vương hãy ngồi xuống và nghe cho kỹ.
Nhà Vua thưa: Dạ vâng!
Đức Phật dạy: Chúng sanh đã thọ nhận thân hình, không luận là già hay trẻ, giàu hay nghèo, đến ngày mạng chung, không ai mà không bị phân tán. Thí như hoa mùa xuân, màu sắc không thể tươi mãi, khi kết hạt thì hoa rụng, lúc quả chín thì phải lìa khỏi gốc.
Núi báu Tu Du kia. Khi kiến tân cũng phải tan nát. Đại hải sâu rộng kia có ngày còn phải bị khô kiệt. Mạng của con người rất nguy cấp, người có trí không trông cậy vào nó, chỉ có tu đức, tinh tấn hành đạo mà thôi.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài tụng:
Mạng người như trái chín
Thường sợ bị rơi rụng
Vì sanh nên có khổ
Ai mà không bị chết
Như nước sông chảy xiết
Đều đổ vào biển lớn
Mạng người cũng như vậy
Chết rồi không trở lại.
Đức Phật lại bảo nhà Vua: Vua Giá Ca Việt La thống lĩnh bốn cõi, phi hành đi tuần tra, có bảy báu theo cùng, tuy thọ một ngàn tuổi cũng phải bị chết.
Chư Thiên phước đức, muốn ăn đồ ăn tự nhiên hiện ra, đến khi hết lộc cũng phải chết. Tỳ Kheo diệt trừ điều ác, một lòng suy nghĩ đến thiền, vinh hoa, lợi lộc không màng, chí vững chắc như núi, bậc thần thông chân nhân còn phải diệt độ.
Như lai xuất thế, hiện thân bằng quyền huệ, thể của Đức Phật như Kim Cang, hào quang chiếu sáng Đại Thiên, chu du ba cõi, tế độ chúng sanh, nhưng đấng Thế hùng có thập lực, còn phải hiện Nê Hoàn kìa!
Con người sống ở thế gian, thân mạng chẳng lâu dài, nhanh như điện xẹt, mau như gió thoảng, với vinh hoa tôn quý, ngôi báu ở đời chỉ như giấc mộng mà thôi. Suy việc xưa, nghiệm việc nay, vô thuỷ vô chung, luân chuyển trong năm đường, hễ thấy chân lý sẽ trở về nẻo chánh.
Đức Phật nói bài tụng này cho Quốc Vương:
Như dòng nước xiết
Qua rồi không lại
Mạng người như vậy
Chết rồi không về
Tuy thọ ngàn tuổi
Cũng phải chết thôi.
Có hiệp phải ly
Chẳng gì nương tựa
Mọi vật đều chết
Ba cõi không yên
Chư Thiên tuy sướng
Hết phước cũng đọa
Chí vững như đất
Đức nặng như núi
Chân nhân vô cấu
Tịch nhiên quy diệt
Vui thay phước báu
Sở nguyện đều thành
Đại Nhân thượng tịch
Tự hiện Nê Hoàn.
Bấy giờ Vua Ba Tư Nặc lại bạch Phật: Sao gọi là tự ái?
Sao gọi là tự hộ?
Đức Phật bảo: Lành thay về câu hỏi ấy! Đại Vương hãy nghe cho kỹ. Con người sanh ở thế gian, do tứ đại hợp thành, tánh ngu, tập si, sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, không tin đạo hạnh. Đó là không tự ái không tự thương mình.
Nếu tập điều thiện, làm điều nhân, biết cuộc đời là phi thường, tin rằng chết rồi lại sanh, tâm tưởng nhớ Tam Tôn, thờ giới, nhiếp tâm, giữ lễ độ bằng lòng khiêm cung, hiếu thuận chí thành. Người ấy xử thế là kẻ biết tự ái vậy.
Còn người chứa điều thiện, nhóm công đức, thân không làm điều ngang ngược, chí hạnh tu điều sáng suốt, được Chư Thiên Cõi Trời vệ hộ, không luận là người nam hay người nữ, các hành nghiệp đều trở về thân mình, binh đao không làm thương tổn, hổ dữ không thể làm hại. Phương pháp của sự tự hộ chỉ có trì giới hạnh mà thôi.
Đức Phật vì Vua Ba Tư Nặc nói bài tụng:
Phàm người làm ác
Không thể tự giác
Ngu si khoái ý
Sau bị nhiệt não
Sanh hạnh không lành
Chết đọa ác đạo
Vào ngục vô gián
Không còn hữu ích
Người tự ái thân
Cẩn thận gìn giữ
Điều thân, chánh thể
Phước ứng Cõi Trời
Người có tín hạnh
Được Thánh khen ngợi
Tự ái như vậy
An lạc, không lo
Hạnh ác nguy thân
Kẻ ngu cho dễ
Việc thiện an thân
Kẻ ngu cho khó
Tín pháp, thờ giới
Ý huệ hay làm
Chư Thiên vệ hộ
kẻ trí thích từ
Nhân ái không tà
ở yên không lo
Hay trừ tức giận
Nhờ đó thoát khổ.
Vua nghe lời pháp
Hết ngu, đoạn vọng
Liền thọ năm giới
Các quan theo hầu
Đều phát đạo tâm
Thiên, Long, Quỷ, Thần
Hoan hỷ thích nghe.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Chư Phật Yếu Tập Kinh Pháp Cốt Yếu Của Chư Phật - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Mười Tám - Pháp Hội Hộ Quốc Bồ Tát - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Tám Mươi Mốt - Phẩm Chánh định
Phật Thuyết Kinh Quán Phật Tam Muội Hải - Phẩm Ba - Quán Tướng - Tập Mười