Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh Thanh Tịnh - Phần Ba

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TRƯỜNG BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

KINH THANH TỊNH  

PHẦN BA  

Về vấn đề vị lai, Như Lai có trí do tuệ sanh: Ðây là đời sống cuối cùng, nay không còn đời sống nào khác nữa.

Này Cunda, nếu những gì thuộc quá khứ là hư vọng, không thật, không lợi ích, Như Lai không trả lời.

Này Cunda, nếu những gì thuộc quá khứ là chân chánh, như thật, nhưng không lợi ích, Như Lai cũng không trả lời.

Này Cunda, nếu những gì thuộc quá khứ là chân chánh, như thật, có lợi ích, Như Lai biết thời trả lời câu hỏi ấy.

Này Cunda, nếu những gì thuộc vị lai là hy vọng, không thật, không lợi ích, Như Lai không trả lời.

Này Cunda, nếu những gì thuộc vị lai là chân chánh, như thật, nhưng không lợi ích, Như Lai cũng không trả lời.

Này Cunda, nếu những gì thuộc vị lai là chân chánh, như thật, có lợi ích, Như Lai biết thời trả lời câu hỏi ấy một cách vắn tắt.

Này Cunda, nếu những gì thuộc hiện tại là hư vọng, không thật, không lợi ích, Như Lai không trả lời.

Này Cunda, nếu những gì thuộc hiện tại và chân chánh, như thật, nhưng không lợi ích, Như Lai cũng không trả lời.

Này Cunda, nếu những gì thuộc hiện tại là chân chánh, như thật, có lợi ích, Như Lai biết thời trả lời câu hỏi ấy. Như vậy, này Cunda, đối với các pháp quá khứ, vị lai, hiện tại, Như Lai là vị nói phải thời nói chân chánh, nói như thật, nói có lợi ích, nói đúng pháp, nói đúng Luật. Do vậy mới gọi là Như Lai.

Này Cunda, trong Thế Giới này với Chư Thiên, Ma Vương, Phạm Thiên, với chúng Sa Môn và Bà La Môn, với Chư Thiên và loài người, những gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được phân biệt, được đạt đến, được tìm cầu, được suy đạt với ý, tất cả đều được Như Lai biết rõ. Do vậy mới gọi là Như Lai.

Này Cunda, trong thời gian giữa đêm Như Lai chứng ngộ Vô Thượng Chánh Ðẳng Giác và đêm Như Lai nhập Vô Dư Y Niết Bàn giới, trong thời gian ấy, những gì Như Lai nói trong khi thuyết giảng, nói chuyện hay trình bày, tất cả là như vậy, chớ không gì khác. Do vậy mới gọi là Như Lai.

Này Cunda, Như Lai nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy. Nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy nên được gọi là Như Lai. Ðối với Thế Giới với Chư Thiên, Ma Vương, Phạm Thiên, với chúng Sa Môn và Bà La Môn, với Chư Thiên và loài người, Như Lai là bậc toàn thắng, không ai có thể thắng nổi, bậc toàn kiến, bậc tự tại.

Này Cunda, sự kiện này có thể xảy ra.

Các du sĩ ngoại đạo có thể nói: Thế nào Hiền giả, Như Lai có tồn tại sau khi chết không.

Như vậy là đúng sự thực, ngoài ra là sai lầm?

Này Cunda, được nói vậy, ngươi phải trả lời các du sĩ ngoại đạo như sau: Như Lai không có nói: Như Lai có tồn tại sau khi chết.

Như vậy là đúng sự thật, ngoài ra là sai lầm!

Này Cunda, sự kiện này có thể xảy ra.

Các du sĩ ngoại đạo có thể nói: Thế nào Hiền giả, Như Lai không có tồn tại sau khi chết, có phải không?

Như vậy là đúng sự thật, ngoài ra là sai lầm?

Này Cunda, được nói vậy, ngươi phải trả lời các du sĩ ngoại đọa như sau: Như Lai không có nói: Như Lai không có tồn tại sau khi chết. Như vậy là đúng sự thực, ngoài ra là sai lầm.

Này Cunda, sự kiện này có thể xảy ra.

Các du sĩ ngoại đạo có thể nói: Thế nào Hiền giả, Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết Như lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?

Như vậy là đúng sự thực, ngoài ra là sai lầm?

Này Cunda được nói vậy, ngươi phải trả lời các du sĩ ngoại đạo như sau: Như Lai không có nói: Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết. Như vậy là đúng sự thực, ngoài ra là sai lầm.

Này Cunda, sự kiện này có thể xảy ra.

Các du sĩ ngoại đạo có thể nói: Này Hiền giả, vì sao Sa Môn Gotama lại không nói?

Này Cunda, được nói vậy, ngươi phải trả lời các du sĩ ngoại đạo như sau: Này Hiền giả, vì không liên hệ đến lợi ích, không liên hệ đến pháp, không liên hệ đến căn bản phạm hạnh, không hướng đến yểm ly, vô tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ và Niết Bàn. Do vậy Thế Tôn không trả lời.

Này Cunda, sự kiện này có thể xảy ra.

Các du sĩ ngoại đạo có thể nói: Này Hiền giả, Sa Môn Gotama nói điều gì?

Này Cunda, được nói vậy, ngươi phải trả lời các du sĩ ngoại đạo như sau:

Ðây là Khổ, này Hiền giả, đó là điều Thế Tôn nói.

Ðây là Khổ Tập, này Hiền giả, đó là điều Thế Tôn nói.

Ðây là Khổ diệt, này Hiền giả, đó là điều Thế Tôn nói.

Ðây là con đường đưa đến khổ diệt, này Hiền giả, đó là điều Thế Tôn nói.

Này Cunda, sự kiện này có thể xảy ra.

Các du sĩ ngoại đạo có thể nói: Này Hiền giả, vì sao Thế Tôn lại nói vậy?

Này Cunda, được nói như vậy, ngươi phải trả lời cho các du sĩ ngoại đạo như sau: Này Hiền giả, vì liên hệ đến lợi ích, liên hệ đến pháp, liên hệ đến căn bản phạm hạnh, vì nhất định hướng đến yểm ly, vô tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ và Niết Bàn. Do vậy, Thế Tôn mới nói.

Này Cunda, mọi biện luận về các tà kiến liên hệ đến quá khứ tối sơ, những biện luận nào đáng nói cho các ngươi, ta đã nói cho các ngươi.

Còn những biện luận nào không đáng nói cho các ngươi, sao ta lại sẽ nói cho các ngươi?

Này Cunda, mọi biện luận về các tà kiến liên hệ đến tương lai, những biện luận nào đáng nói cho các ngươi, ta đã nói cho các ngươi.

Còn những biện nào không đáng nói cho các ngươi, sao ta lại sẽ nói cho các ngươi?

Này Cunda, thế nào là những biện luận về tà kiến liên hệ đến quá khứ tối sơ, những biện luận nào đáng nói cho các ngươi, ta đã nói cho các ngươi, và những biện luận không đáng nói cho các ngươi?

Này Cunda, có một số Sa Môn, Bà La Môn có những quan điểm như sau, có những tri kiến như sau: Bản ngã và Thế Giới là thường còn, như vậy là đúng sự thực, ngoài ra là sai lầm.

Có một số Sa Môn, Bà La Môn có những quan điểm như sau, có những tri kiến như sau: Bản ngã và Thế Giới là không thường còn. Bản ngã và Thế Giới là thường còn và không thường còn. Bản ngã và Thế Giới là không thường còn và không không thường còn. Bản ngã và Thế Giới là do mình tự tạo ra. Bản ngã và Thế Giới là do người khác tạo ra.

Bản ngã và Thế Giới là do mình tạo ra và do người khác tạo ra. Bản ngã và Thế Giới là không do mình tự tạo ra và cũng không phải không do mình tự tạo ra. Bản ngã và Thế Giới là tự nhiên sanh, không do mình tư tạo ra, không do người khác tạo ra. Như vậy là đúng sự thực, ngoài ra sai lầm.

Lạc, khổ là thường còn. Lạc, khổ là vô thường. Lạc, khổ là thường còn và vô thường. Lạc, khổ là không thường còn và không vô thường. Lạc, khổ là do tự mình tạo ra. Lạc, khổ là do người khác tạo ra.

Lạc, khổ là do tự mình tạo ra và do người khác tạo ra. Lạc, khổ là do tự nhiên sanh, không do mình tự tạo ra, không do người khác tạo ra. Như vậy là đúng sự thực, ngoài ra đều là sai lầm.

Này Cunda, những vị Sa Môn, Bà La Môn nào có quan điểm như sau, có tri kiến như sau: Bản ngã và Thế Giới là thường còn, như vậy là đúng sự thật, ngoài ra đều là sai lầm.

Ta đến những vị ấy và nói: Này Hiền giả có phải Hiền giả nói rằng: Bản ngã và Thế Giới là thường còn không?

Nếu các vị ấy trả lời: Như vậy là đúng sự thật, ngoài ra đều là sai lầm, thì ta không chấp nhận như vậy.

Tại sao vậy?

Có một số hữu tình có những tư tưởng sai khác. Ta cũng không xem quan điểm ấy ngang bằng quan điểm của ta, chớ đừng nói cao hơn. Như vậy ở đây ta cao hơn về thượng trí.

Này Cunda, những Sa Môn, Bà La Môn nào có quan điểm như sau, có tri kiến như sau: Bản ngã và Thế Giới là thường còn. Bản ngã và Thế Giới là không thường còn. Bản ngã và Thế Giới là thường còn và không thường còn. Bản ngã và Thế Giới là không thường còn và không không thường còn.

Bản ngã và Thế Giới là do mình tự tạo ra. Bản ngã và Thế Giới là do người khác tạo ra. Bản ngã và Thế Giới là do tự mình tạo ra và do người khác tạo ra. Bản ngã và Thế Giới là do tự mình tạo ra và không do người khác tạo ra.

Bản ngã và Thế Giới do tự nhiên sanh, không do mình tự tạo, không do người khác tạo ra.

Lạc, khổ là thường còn. Lạc, khổ là vô thường. Lạc, khổ là thường còn và vô thường. Lạc, khổ không thường còn và không vô thường. Lạc, khổ là tự mình tạo ra. Lạc, khổ là tự người khác tạo ra.

Lạc, khổ là tự mình tạo ra và tự người khác tạo ra. Lạc, khổ là tự nhiên sanh, không tự mình tạo ra và không do người khác tạo ra. Như vậy là đúng sự thực, ngoài ra đều là sai lầm.

Ta đến những vị ấy và nói: Này Hiền giả, có phải Hiền giả nói rằng: Lạc, khổ là tự nhiên sanh, không tự mình tạo ra và không do người khác tạo ra?

Nếu các vị ấy trả lời: Như vậy là đúng sự thực, ngoài ra đều là sai lầm, thì ta không chấp nhận như vậy.

Tại sao vậy?

Có một số hữu tình có những ý tưởng sai khác.

Này Cunda ta cũng không xem quan điểm ấy ngang bằng quan điểm của ta, chớ đừng nói cao hơn. Như vậy ở đây ta cao hơn về thượng trí.

Này Cunda, những biện luận về các tà kiến liên hệ đến quá khứ tối sơ này, biện luận nào đáng nói cho các ngươi, ta đã nói cho các ngươi.

Còn những biện luận nào không đáng nói cho các ngươi, sao ta lại sẽ nói cho các ngươi?

Này Cunda, thế nào là những biện luận về tà kiến liên hệ đến tương lai, những biện luận nào đáng nói cho các ngươi, ta đã nói cho các ngươi.

Và những biện luận không đáng nói cho các ngươi?

Này Cunda, có một số Sa Môn, Bà La Môn có những quan điểm như sau, có những tri kiến như sau: Bản ngã là có sắc, không bệnh, sau khi chết. Như vậy là đúng sự thật, ngoài ra là sai lầm.

Lại nữa này Cunda, có một số Sa Môn, Bà La Môn có những quan điểm như sau, có những tri kiến như sau: Bản ngã là vô sắc. Bản ngã là có sắc và vô sắc. Bản ngã là không có sắc và không vô sắc. Bản ngã là có tưởng. Bản ngã là vô tưởng. Bản ngã là có tưởng và vô tưởng.

Bản ngã là không có tưởng và không vô tưởng. Bản ngã là đoạn diệt, biến hoại, sau khi chết không có tồn tại. Như vậy là đúng sự thật ngoài ra là sai lầm.

Này Cunda, những vị Sa Môn, Bà La Môn nào có quan điểm như sau, có tri kiến như sau: Bản ngã là có sắc, không bệnh sau khi chết. Như vậy là đúng sự thật, ngoài ra là sai lầm.

Ta đến những vị ấy và nói: Này Hiền giả có phải Hiền giả có nói: Bản ngã là có sắc, không có bệnh sau khi chết?

Nếu các vị ấy trả lời: Như vậy là đúng sự thật, ngoài ra là sai lầm, thì ta không chấp nhận như vậy.

Tại sao vậy?

Này Cunda, vì có một số hữu tình có những tư tưởng sai khác.

Này Cunda, ta cũng không xem quan điểm ấy ngang bằng quan điểm của ta, chớ đừng nói cao hơn. Như vậy ở đây, ta cao hơn về thượng trí.

Này Cunda, có những Sa Môn, Bà La Môn có những quan điểm như sau, có những tri kiến như sau: Bản ngã là có sắc. Bản ngã là vô sắc. Bản ngã là có sắc và vô sắc. Bản ngã là không có sắc và không vô sắc. Bản ngã là có tưởng. Bản ngã là vô tưởng.

Bản ngã là có tưởng và vô tưởng. Bản ngã là không có tưởng và không vô tưởng. Bản ngã là đoạn diệt, biến hoại, sau khi chết không có tồn tại. Như vậy là đúng sự thật, ngoài ra là sai lầm.

Ta đến những vị ấy và nói: Này Hiền giả, có phải Hiền giả nói rằng: Bản ngã là đoạn diệt biến hoại, sau khi chết không có tồn tại?

Này Cunda, nếu những vị ấy nói: Như vậy là đúng sự thật, ngoài ra là sai lầm, thì ta không chấp nhận như vậy.

Tại sao vậy?

Vì có một số hữu tình có những tư tưởng sai khác. Này Cunda, ta cũng không xem quan điểm ấy ngang bằng quan điểm của ta chớ đừng nói cao hơn. Như vậy ở đây, ta cao hơn về thượng trí.

Này Cunda, những biện luận về những tà kiến liên hệ đến tương lai, những biện luận nào đáng nói cho các ngươi, ta đã nói cho các ngươi.

Còn những biện luận nào không đáng nói cho các ngươi, sao ta lại sẽ nói cho các ngươi?

Này Cunda, với mục đích đoạn trừ và vượt qua những biện luận về các tà kiến liên hệ đến quá khứ tối sơ này và các biện luận về các tà kiến liên hệ đến tương lai này, mà bốn pháp niệm xứ được ta tuyên thuyết, trình bày.

Thế nào là bốn?

Này Cunda, ở đây vị Tỳ Kheo sống quan thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, với mục đích nhiếp phục tham, sân ở đời, sống quán thọ trên các cảm thọ trong các tâm quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, với mục đích nhiệp phục tham ưu ở đời.

Này Cunda, với mục đích đoạn trừ và vượt qua các biện luận về các tà kiến liên hệ đến quá khứ tối sơ này và các biện luận về các tà kiến liên hệ đến tương lai này mà bốn niệm xứ được ta truyền thuyết trình bày.

Lúc bấy giờ, Tôn Giả Upavàna đang đứng sau lưng hầu quạt Thế Tôn.

Tôn Giả Upavàna bạch Thế Tôn: Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Thật kỳ diệu thay, bạch Thế Tôn!

Bạch Thế Tôn, pháp thoại này thật là thanh tịnh!

Bạch Thế Tôn, pháp thoại này thật là tuyệt đối thanh tịnh!

Bạch Thế Tôn, pháp thoại này tên là gì?

Này Upavàna, pháp thoại này là thanh tịnh Pàsàdikà, hãy như vậy mà phụng trì.

Thế Tôn thuyết dạy như vậy. Tôn Giả Upavàna hoan hỷ, tín thọ lời dạy của Thế Tôn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường