Phật Thuyết Kinh ưu Bà Di Tịnh Hạnh Pháp Môn - Phẩm Một - Phẩm Tu Hành
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH ƯU BÀ DI
TỊNH HẠNH PHÁP MÔN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẨM MỘT
PHẨM TU HÀNH
Tôi nghe như vậy!
Một thuở nọ, Đức Phật ở trong cung điện Hoan Hỷ, vườn Phất Bà La của Di Già La Mẫu Tỳ Xá Khư Mẫu. Lúc này, Tỳ Xá Khư Mẫu cùng một ngàn năm trăm thanh tín cận sự nữ đến chỗ Phật cúi đầu lạy sát chân Ngài, rồi lui ngồi qua một bên.
Phật dạy: Này Tỳ Xá Khư! Sáng sớm con đến đây có duyên sự gì?
Tỳ Xá Khư Mẫu thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Trước đây con đã nghe Như Lai nói lược qua về pháp vô thượng sâu xa khó hiểu tên là Ưu Bà Di Tịnh Hạnh. Cúi xin Thế Tôn hãy thương xót chúng con mà giảng nói phân biệt tướng pháp vi diệu ấy.
Sau khi nghe pháp này để về sau chúng con sẽ thường yên ổn và an lạc trong Cõi Trời, người cho đến khi giác ngộ.
Phật dạy Tỳ Xá Khư: Lành thay! Lành thay! Này Thiện Nữ! Về vô lượng kiếp thuở xa xưa, con luôn thích nghe pháp và đã cùng quyến thuộc từng thỉnh cầu ta giảng pháp này. Nghe Phật nói nhân duyên thuở trước, Tỳ Xá Khư Mẫu vui mừng khôn xiết và thưa Phật.
Bạch Thế Tôn! Cúi xin Như Lai giảng nói để con được hiểu rõ.
Phật dạy: Này Tỳ Xá Khư! Hãy lắng nghe. Ta sẽ giảng rõ cho con.
Này Thiện Nữ! Trong vô lượng kiếp lâu xa về quá khứ, có nước tên Ba La Nại, Vua hiệu Phạm Dự, phu nhân tên Bạt Đà La.
Vua có một người con gái tên là Liên Hoa với dung mạo xinh đẹp, bẩm tính nhu mì, hiền dịu, thông minh, sáng suốt, chí thích học hỏi, siêng năng dõng mãnh, thường tu hạnh lành, những kỹ thuật ở đời cô đều thông đạt và luôn được cha mẹ yêu chuộng.
Bấy giờ, trong núi tuyết có một Phạm Chí tên Na La Đà siêng năng tu phạm hạnh, đắc được năm thần thông, luôn giảng pháp cho các đại chúng nên tiếng tốt đồn xa lan khắp bốn phương.
Bấy giờ cô gái ấy nghe bạn bè khen ngợi Phạm Chí có thần thông và những công đức khó lường như vậy, còn tuyên dương diệu pháp cho đại chúng nữa, nên cô ta rất vui mừng và tự nghĩ: Người thiện khó gặp, pháp cũng khó nghe, thân mạng khó bảo tồn, cho nên ta phải mau đến đó để lễ lạy hỏi pháp.
Nghĩ vậy rồi, cô đến thưa cha mẹ: Con nghe mọi người khen ngợi Phạm Chí tu hành có đạo đức cao vòi vọi. Cúi xin cha mẹ hãy cho phép con đến chỗ Phạm Chí để hưởng thọ pháp vị.
Cha mẹ cô nói: Tuổi con còn nhỏ dại, lớn lên trong thâm cung, tánh tình lại yếu mềm, chưa từng ra khỏi cung.
Nay núi tuyết xa xôi, đường sá gian nan làm sao có thể đến đó được?
Nước ta có nhiều Phạm Chí kỳ cựu, thần thông trí tuệ vô song giỏi giảng nói diệu pháp sâu xa. Vì con, ta sẽ thỉnh mời họ vào cung nội để giảng dạy đạo pháp, con sẽ tha hồ mà học hỏi, không cần phải đi xa.
Cô gái lại xin: Thưa cha mẹ! Các Phạm Chí kỳ cựu trong nước Ba La Nại đều tôn trọng và suy tìm đạo thuật của họ. Cúi xin cha mẹ hãy cho phép con được nghe pháp giải thoát. Vì quá yêu thương nên Vua không muốn trái ý con, đành miễn cưỡng cho phép. Vua cha liền ra lệnh bốn vị quan thần và thể nữ trong cung chuẩn bị đầy đủ vật cúng dường.
Quan thần tâu Vua: Những gì Đại Vương ra lệnh, chúng thần đều chuẩn bị xong rồi.
Khi ấy Vương Nữ nghĩ: Ta cầu nghe được pháp nay đã đúng lúc. Rồi cô cùng một ngàn năm trăm thể nữ trong cung chở hương hoa đến chỗ Phạm Chí để nghe pháp.
Phật dạy: Này Tỳ Xá Khư! Vương Nữ thuở đó chính là con, còn Phạm Chí ở núi tuyết chính là ta vậy. Lúc xưa, con đã từng cầu nghe pháp cũng như nay vậy. Bây giờ ta sẽ phân biệt giảng nói pháp môn Tịnh Hạnh cho con.
Tỳ Xá Khư thưa: Lành thay! Bạch thế Tôn! Như Lai có lòng đại bi thương xót chúng sinh, cúi xin Ngài giảng nói con sẽ tu hành theo.
Phật dạy: Này Tỳ Xá Khư! Các ngươi hãy lắng nghe cho kỹ, ta sẽ giảng nói rõ pháp môn Ưu Bà Di Tịnh Hạnh cho các con. Pháp ấy được Chư Phật hộ niệm, con cần phải tinh tấn tu hành.
Này Tỳ Xá Khư! Nếu Thiện Nữ nào lìa bỏ ác tri thức, gần gũi bạn lành, người đáng cúng dường thì nên cúng dường, đó gọi là Ưu Bà Di Tịnh Hạnh.
Nhờ nhân Đời trước ở đất nước yên ổn, cũng gọi là tịnh hạnh.
Cúng dường cha mẹ, chăm sóc con cái, cũng gọi là tịnh hạnh.
Đừng khinh thường tội nhỏ, việc cần làm thì làm theo thứ lớp, cũng gọi là tịnh hạnh.
Ưa thích bố thí, tu tập thực hành theo pháp, yêu mến quyến thuộc bạn bè, gọi là tịnh hạnh.
Tránh xa rượu chè, không làm các điều ác, tu hành ái ngữ, gọi là tịnh hạnh.
Học nhiều kỹ thuật, rất giỏi về oai nghi.
Nghe điều gì thì nghiên cứu, không để quên mất, gọi là tịnh hạnh.
Có lòng cung kính tôn trọng mọi người, ít muốn biết đủ, thọ ân luôn phải báo đáp, gọi là tịnh hạnh.
Không bị tám pháp làm động tánh tình hòa nhã, gọi là tịnh hạnh.
Không lo buồn, thường được an ổn.
Tất cả những việc như vậy mà không lùi bước và làm việc không ngừng nghỉ, gọi là tịnh hạnh.
Đối với pháp thiện không biếng nhác, mau chứng vô thượng giải thoát Niết Bàn, gọi là tịnh hạnh.
Nhẫn nhục, vâng lời, thường muốn gần gũi Sa Môn, thân hành động chân chánh, làm theo gia nghiệp, gọi là tịnh hạnh.
Dùng lửa trí thiêu đốt phiền não, đầy đủ pháp lành, dõng mãnh không thối lui, gọi là tịnh hạnh.
Không chê bai người, không đánh đập, khéo hộ trì các căn, giữ tâm không tán loạn, gọi là tịnh hạnh.
Tâm chân thật không tham lam, ưa thích ở chỗ thanh vắng, siêng năng tu tập, không bao giờ thối chuyển, gọi là tịnh hạnh.
Làm tăng trưởng đạo bồ đề, không để thối lui, nhàm chán ba cõi như cái thây chết, quán sát sâu xa như vậy, gọi là tịnh hạnh.
Ưa bỏ những gì khó bỏ, những giới cấm khó giữ thì giữ hoàn hảo, thích tu thiền định, không bị tán loạn, gọi là tịnh hạnh.
Với đạo bồ đề thì vô lượng chúng sanh có tư tưởng thối lui, nhưng ta tiến tới. Còn tất cả người tiến tới thì ta không thối lui, đi đứng cũng như vậy, gọi là tịnh hạnh.
Tất cả chúng sinh bị thiêu đốt căn lành thì ta làm cho chúng phát sanh, mọi người thích làm phát sinh căn ác thì ta liền diệt nó. Sanh tử không cùng mà ta ở một bên ấy, gọi là tịnh hạnh.
Sau khi nghe Phật dạy, Tỳ Xá Khư vui mừng hớn hở chưa từng có và thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Ưu Bà Di pháp môn có bao nhiêu hạnh?
Phật dạy: Này Tỳ Xá Khư! Có mười pháp lành mà con phải tu học.
Thế nào là mười?
1. Gặp người có lỗi xan tham thì phải thích tu hạnh bố thí.
2. Gặp người có lỗi năm giác quan thì phải thích giữ cấm giới.
3. Gặp người có lỗi tại gia thì phải thích xuất gia.
4. Gặp người có lỗi nghi ngờ thì phải thích tu trí huệ.
5. Gặp người có lỗi giãi đãi thì phải thích siêng năng tinh tấn.
6. Gặp người có lỗi sân giận thì phải thích tu hạnh nhẫn nhục.
7. Gặp người có lỗi vọng ngữ thì phải thích trung tín.
8. Gặp người có lỗi loạn tâm thì phải thích thiền định.
9. Gặp người có lỗi tội khổ thì phải thích tu từ bi.
10. Gặp người có lỗi khổ vui thì phải thích tu thực hành tâm xả.
Muốn tuyên lại nghĩa trên, Thế Tôn nói kệ:
Bố thí được phước lớn
Xả bỏ thân yêu quý,
Lìa dục muốn xuất gia
Giữ giới hộ các căn
Tu học được trí tuệ
Tinh tấn đoạn biếng nhác.
Nhẫn nhục trừ sân giận
Nói thật không hư dối
Gặp tám pháp thế gian
Tâm an trụ bất động
Tâm luôn thích thiền định
Không bao giờ tán loạn
Từ bi lợi chúng sanh.
Tu xả ly khổ lạc
Nếu ai hành pháp này
Gọi là đại dõng mãnh.
Được qua bờ biển pháp
Mà chứng đạo bồ đề.
Nghe Phật nói vậy, Tỳ Xá Khư rất vui mừng và thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Có bao nhiêu điều cần phải xả ly?
Có bao nhiêu pháp cần phải gần gũi?
Phật dạy Tỳ Xá Khư: Có năm mươi pháp cần phải tu học cũng cần xả ly.
Đó là gì?
Nghĩa là xa lìa tất cả các pháp bất tịnh, gần gũi pháp tịnh. Nên xa lìa pháp ác, gần gũi pháp thiện. Không đáng nuôi dưỡng thì không nuôi dưỡng. Chỗ không nên đến thì đừng đến gần gũi. Chỗ đáng đến thì nên đến.
Việc không nên làm thì không bao giờ làm ẩu. Việc đáng làm thì tạo mọi cách để làm. Cầu được phi pháp thì không nên dùng. Nếu đúng như pháp thì nên thọ dụng, điều phục thân tâm thích ở nơi thanh vắng, từ bỏ lời lừa dối, thực hành chánh ngữ, tránh xa giãi đãi thích hành tinh tấn, thâu nhiếp các căn không cho phóng túng.
Tâm khiêm nhường cung kính, bỏ cống cao ngã mạn, thường thực hành nhẫn nhục không sân giận, không tranh cãi kiện tụng, hòa hợp với đại chúng, xả bỏ không ở nơi che giấu nhưng sống ở nơi hiển lộ ra, lìa bỏ lời vô nghĩa luôn nói lời đúng nghĩa.
Tránh tà mạng mà sanh sống bằng chánh mạng, khéo lượng thân mình mà thọ nhận thức ăn uống, không thích cầu nhiều mà luôn biết đủ, không cứng cõi mà sống mềm mại như đất, tu tập lời hòa nhã, tránh xa lời cộc cằn.
Tránh xa chỗ không an lạc mà sống nơi an lạc, bỏ sự bất đồng ý kiến để cùng nhau sống chung, lìa chỗ không có học vấn để đi đến chỗ có học vấn, nhàm chán ba cõi không sống trong ba cõi. Tránh tất cả tạo tác nên trụ vào vô sở tác, bỏ ngã kiến tu học pháp không.
Này Tỳ Xá Khư! Trên đây là năm mươi tám pháp đầu tiên con cần phải tu hành.
Vì muốn tuyên lại nghĩa trên nên Thế Tôn nói kệ:
Thuận tất cả sở học
Đầu cuối không còn dư
Nên viễn ly, gần gũi
Làm xong được an lạc
Đã học tất cả pháp
Sở nguyện đều đầy đủ
Bỏ thân mạng yêu quý
Mà chứng đạo vô thượng
Nếu ai học như vậy
Đối với môn tịnh hạnh
Không chỉ riêng Thanh Văn
Duyên Giác và Bồ Tát
Ở trong vô lượng kiếp
Khen công đức người ấy.
Sau khi Phật nói kệ xong, Tỳ Xá Khư Mẫu vui mừng hớn hở hỏi thêm: Bạch Thế Tôn! Lại pháp môn Tịnh Hạnh có bao nhiêu loại gọi là Đại Hạnh.
Phật dạy: Có ba Đại Hạnh, con phải tu hành.
Ba Đại Hạnh đó là:
1. Đại tín tâm.
2. Đại tinh tấn.
3. Đại trí tuệ.
Tỳ Xá Khư thưa: Bạch Thế Tôn! Sao gọi là đại tín tâm?
Phật dạy: Đai tín tâm là tin Phật. Phật Là Bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Đây gọi là đại tín tâm.
Tỳ Xá Khư hỏi: Sao gọi là đại tinh tấn?
Phật dạy: Nếu trong lúc hành tinh tấn có thể xa lìa vứt bỏ tất cả pháp ác, cần phải giữ gìn tất cả pháp thiện. Với pháp thiện thì dõng mãnh không dừng nghĩ. Đây là đại tinh tấn.
Tỳ Xá Khư hỏi: Sao gọi là đại trí tuệ?
Phật dạy: Người nào có trí tuệ mắt thấy pháp sanh diệt mà là Bậc Thánh đã vượt qua diệt hết khổ vô thường.
Đó gọi là đại trí tuệ.
Trên đây là ba đại hạnh.
Để tuyên lại nghĩa trên, Thế Tôn nói kệ:
Với đại tín tâm
Ghi sâu không lìa
Các hạnh đầy đủ
Để cầu bồ đề
Với đại tinh tấn
Kiên cố không bỏ
Cần tu viên mãn
Để cầu bồ đề
Với đại trí tuệ
Hiểu rõ rốt ráo
Đủ Ba la mật
Để cầu bồ đề
Pháp đã tăng trưởng
Biết đại danh văn
Tăng trưởng tận rồi
Tùy ý tu hành
Nhờ biết như vậy
Hiểu rõ nhân pháp.
Sau khi Phật nói bài kệ này, Tỳ Xá Khư Mẫu lòng rất vui mừng, lại hỏi Phật: Bạch Thế Tôn! Pháp Môn Ưu Bà Di Tịnh Hạnh muốn bước lên Phật Địa thì có mấy hạnh?
Phật dạy: Này Tỳ Xá Khư! Có bốn hạnh để bước lên Phật Địa.
Đó là:
1. Tinh tấn không biếng nhác.
2. Trí huệ không mê hoặc.
3. Định tâm không thối lui.
4. Hành từ bi làm lợi ích chúng sinh.
Này Tỳ Xá Khư! Nhờ bốn pháp này mà bước lên Phật Địa.
Để tuyên lại nghĩa trên, Thế Tôn nói kệ:
Siêng năng không biếng nhác
Trí tuệ không mê hoặc
Thiền định không thối lui
Hành từ lợi chúng sinh
Nhờ bốn pháp này đây
Mà chứng Nhất thiết trí.
Sau khi Phật nói kệ này.
Tỳ Xá Khư Mẫu rất vui mừng lại hỏi Phật: Bạch Thế Tôn! Có mấy pháp để an trụ đắc quán?
Làm thế nào để pháp tập hợp lại không bị phân tán và pháp hợp có mấy pháp?
Phật dạy: Này Tỳ Xá Khư! Có bốn pháp để an trụ đắc quán. Đó là từ, bi, hỷ và xả. Trong đó pháp tập hợp không bị phân tán là khi đắc trí Thanh Văn, trí Bích Chi Phật, trí bát nhã và trí Phật.
Pháp hợp có ba mươi hai quán pháp đó là:
1. Niệm Phật.
2. Niệm pháp.
3. Niệm Tăng.
4. Niệm Giới.
5. Niệm Thí.
6. Niệm Thiên.
7. Niệm A Na.
8. Niệm Bát Na.
9. Quán diệt tưởng.
10. Quán tưởng thân.
11. Quán tưởng tịch tịnh.
12. Quán tưởng địa.
13. Quán tưởng thủy.
14. Quán tưởng hỏa.
15. Quán tưởng phong.
16. Quán tưởng xanh.
17. Quán tưởng vàng.
18. Quán tưởng đỏ.
19. Quán tưởng trắng.
20. Quán tưởng hư không.
21. Quán tưởng thức xư.
22. Quán tưởng phình trướng.
23. Quán tưởng hôi thối.
24. Quán tưởng kĩ chảy.
25. Quán tưởng hư nát.
26. Quán tưởng.
27. Quán tưởng rơi rớt tứ tung.
28. Quán tưởng xương thịt ngổn ngang.
29. Quán tưởng xương ướt.
30. Quán tưởng xương màu trắng.
31. Quán tưởng tất cả vô thường.
32. Quán tưởng tất cả các pháp là vô ngã.
Đó là ba mươi hai pháp quán, với bốn vô thượng tâm gọi là an trụ đắc quán trí Thanh Văn, trí Bạch Chi Phật, trí Tát Bà Nhã và trí Phật là pháp tập hợp không bị phân tán.
Thế Tôn nói lại bằng bài kệ:
Nếu dùng hạ quán
Đắc trí Thanh Văn
Khéo tu trung quán
Đắc trí Duyên Giác
Thượng quán viên mãn
Đắc trí bồ đề.
Phật nói kệ này xong, Tỳ Xá Khư Mẫu rất vui mừng và lại hỏi Phật: Bạch Thế Tôn! Đối với pháp môn bất tịnh nên trụ tâm như thế nào để mau lìa phiền não và thông đạt lục môn?
Phật dạy Tỳ Xá Khư: Có ba mươi hai pháp môn mà đối với bất tịnh thì tâm được lạc trú, mau lìa phiền não thông đạt lục môn, ba mươi hai pháp môn đó là gì?
Nghĩa là trong thân có: Lông, tóc, móng, ghèn, răng, da, thịt, gân, xương, thận, mỡ lá, mở miếng, tủy, não, tim, lá lách, thận, gan, mật, đại trường, tiểu trường, lá lách, phổi, dạ dày, bụng, máu, đàm, mồ hôi, nước giải, nước mắt, nước mũi và phân rất là bất tịnh.
Này Tỳ Xá Khư! Đó là ba mươi hai điều quán bất tịnh làm cho tâm thích trụ vào pháp môn tịnh hạnh, mau xả bỏ phiền não, được thông đạt lục môn.
Để tuyên lại nghĩa trên, Thế Tôn nói kệ:
Giống như dòng sông
Đều vào biển cả
Trong pháp môn này
Dòng quán cũng vậy
Khéo quán thô tế
Tịnh và bất tịnh
Pháp Vô Thượng trí
Phật đều thông đạt.
Nghe Phật nói bài kệ này, Tỳ Xá Khư Mẫu rất vui mừng và lại hỏi Phật: Bạch Thế Tôn! Đối với pháp môn tịnh hạnh, Bồ Tát có bao nhiêu sự ràng buộc trụ vào thế gian mà không được giải thoát?
Phật dạy: Này Tỳ Xá Khư! Pháp môn tịnh hạnh trước các Bồ Tát có bảy dây ràng buộc trụ vào thế gian.
Bảy pháp đó là:
1. Nếu ta được độ mà thế gian chưa độ thì ta sẽ độ họ.
2. Nếu ta đã giải thoát mà thế gian chưa giải thoát thì ta sẽ giải thoát cho họ.
3. Nếu ta đã giác ngộ mà thế gian chưa giác ngộ thì ta sẽ giác ngộ cho họ.
4. Nếu ta đã điều phục mà thế gian chưa điều phục thì ta sẽ điều phục họ.
5. Nếu ta đã an lạc mà thế gian chưa an lạc thì ta sẽ làm cho họ an lạc.
6. Nếu ta thành đạo mà thế gian chưa thành đạo thì ta sẽ dẫn dắt cho họ.
7. Nếu ta đã đắc Niết Bàn mà thế gian chưa đắc Niết Bàn thì ta sẽ tạo điều kiện để họ nhập Niết Bàn.
Này Tỳ Xá Khư! Đó là bảy sự ràng buộc mà Bồ Tát phải trụ thế gian không được giải thoát.
Để tuyên lại nghĩa trên, Thế Tôn nói kệ:
Độ rồi, độ chúng sanh
Thoát rồi, thoát chúng sanh
Giác rồi, giác chúng sanh
Điều rồi, điều chúng sanh
An rồi, an chúng sanh
Đạt rồi, dạy chúng sanh
Ta đã đắc Niết Bàn
Khiến chúng sinh được đắc
Ba cõi như nhà lửa
Tham dục như lưới bùn
Tất cả đều diệt sạch
Để chứng đạo bồ đề.
Thế Tôn nói kệ này xong, Tỳ Xá Khư rất vui mừng lại hỏi Phật: Bạch Thế Tôn! Với pháp môn tịnh hạnh thì phải tu bao nhiêu hạnh lành để viên mãn tất cả pháp?
Phật dạy: Tu ba hạnh lành để tất cả pháp được viên mãn.
Ba pháp lành là:
1. Hạnh lành thuộc thân.
2. Hạnh lành thuộc khẩu.
3. Hạnh lành thuộc ý.
Ba hạnh lành này viên mãn thì tất cả pháp được viên mãn, nghĩa là bố thí được viên mãn, trì giới được viên mãn, xuất gia được viên mãn, được trí tuệ viên mãn, được tinh tấn viên mãn, được nhẫn nhục viên mãn, được chân thật viên mãn, được thệ nguyện viên mãn, được từ, bi, hỷ, xả viên mãn, được bốn tư viên mãn, được bốn định viên mãn, được bốn thần túc viên mãn, được năm căn viên mãn.
Được năm lực viên mãn, được thất bồ đề viên mãn, được bát chánh đạo viên mãn, được chín trí viên mãn, được mười trí lực viên mãn, được trí đạo Tu Đà Hoàn viên mãn, được trí quả Tu Đà Hoàn viên mãn, được trí đạo Tư Đà Hàm viên mãn, được trí quả Tư Đà Hàm viên mãn, được trí đạo A Na Hàm viên mãn.
Được trí quả A Na Hàm viên mãn, được trí đạo A La Hán viên mãn, được trí quả A La Hán viên mãn, được bốn trí viên mãn đó là pháp trí, vị tri trí, danh tự trí và tha tâm trí viên mãn, được tận trí viên mãn, được vô sanh trí viên mãn, được song thần lực viên mãn, được đại bi tam muội trí viên mãn, được nhất thiết trí viên mãn, được vô ngại trí viên mãn.
Này Tỳ Xá Khư! Nhờ ba hạnh lành viên mãn này mà làm cho tất cả các pháp được viên mãn.
Bấy giờ Thế Tôn nói kệ:
Tu ba hạnh lành rồi
Viên mãn tất cả pháp
Các pháp viên mãn rồi
Thì chứng đạo bồ đề.
Phật nói kệ xong, Tỳ Xá Khư Mẫu rất vui mừng, lại hỏi Phật: Bạch Thế Tôn! Trong pháp môn Tịnh Hạnh có bao nhiêu niệm cho bậc Đại Nhân?
Phật dạy: Có tám niệm cho bậc Đại Nhân.
Tám niệm đó là:
1. Ít muốn chứ chẳng phải không ít muốn.
2. Biết đủ chẳng phải không biết đủ.
3. Tịch tịnh chẳng phải không tịch tịnh.
4. Viễn ly chẳng phải không viễn ly.
5. Tinh tấn chẳng phải không tinh tấn.
6. Thiền định chẳng phải không thiền định.
7. Trí tuệ chẳng phải không trí tuệ.
8. Vô ngại chẳng phải không vô ngại.
Này Tỳ Xá Khư! Đó là tám niệm của bậc Đại Nhân.
Để tuyên lại nghĩa trên, Thế Tôn nói kệ:
Khéo định các niệm
Niệm phi thiện pháp
Nếu bỏ niệm này
Để rồi chán xa
Khéo định các niệm
Niệm phi thiện pháp
Quán rõ pháp tướng
Bước tới vô thượng.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Tập Những điều Bồ Tát Hư Không Tạng Hỏi Phật - Phần Tám
Phật Thuyết Kinh Nhu Thủ Bồ Tát Vô Thượng Thanh Tịnh Phân Vệ - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Lạc - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh Quán Phật Tam Muội Hải - Phẩm Ba - Quán Tướng - Tập Mười
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật Sao - Phẩm Ba - Công đức
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Chín - Phẩm Nhân - Kinh Tăng Thượng Tâm