Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Phật độ Nghiêm Tịnh - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH VĂN THÙ SƯ LỢI
PHẬT ĐỘ NGHIÊM TỊNH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẦN BA
Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát có ba pháp không mất sở nguyện, đầy đủ công đức trang nghiêm Cõi Phật thanh tịnh:
1. Ưa thích ở vắng lặng tâm tập tịch tĩnh.
2. Thường ân cần cẩn trọng hộ cấm giới chưa từng khuyết lậu.
3. Thường thí pháp mà không trông mong cơm áo.
Đó là ba pháp hộ trì cấm giới kiên cố, hành cấm pháp của Bồ Tát, nhờ đó mà được mười thứ vô úy:
1. Hay hộ giới, đi vào thành ấp, hoặc đến xóm làng tâm không trở ngại.
2. Nếu ở trong chúng hội thuyết pháp dũng mãnh.
3. Vào trong chúng không sợ.
4. Ở tại gia giảng tụng tâm không sợ hãi.
5. Nếu vào tịnh xá cũng không sợ.
6. Ở giữa Thánh Chúng không có khiếp đảm.
7. Nói năng bàn việc không có sợ hãi.
8. Phụng thờ Sư phụ và chư Hòa Thượng cung kính không có ngã mạn, không sợ vi phạm.
9. Nếu có nói là luôn nói với tâm từ, tâm không sợ ác.
10. Nếu nhận y thực, giường nằm, thuốc thang cũng dễ dàng. Đó là mười.
Lại thêm mười việc mới đầy đủ trang nghiêm thanh tịnh:
1. Không sợ ác nghiệp.
2. Không tham thân tộc.
3. Không cầu danh xưng.
4. Không luyến tiếc gia nghiệp.
5. Không ghét dòng họ.
6. Thường tri túc.
7. Đối với y, thực, giường, ghế, thuốc thang phải biết tiết chế.
8. Tuy ở tại gia, nhưng luôn nói đạo pháp.
9. Chư Thiên đến đảnh lễ hầu hạ.
10. Chưa từng khởi tưởng trái phép tắc, tâm thường niệm Phật, vui thích chuyên tinh, không có ý mong cơm áo.
Đây mới là trang nghiêm Cõi Phật thanh tịnh đầy đủ.
Lại có mười việc thọ công đức danh xưng:
1. Rời xa chúng hội, không thích sinh sự.
2. Ưa ở chỗ yên tĩnh không nghĩ đến thành ấp.
3. Tâm luôn trong thiền tư không có tà niệm.
4. Không thích đa sự ồn ào.
5. Tâm thường niệm Phật, không suy nghĩ đến việc khác.
6. Không vì yên thân mà tránh việc nguy hại.
7. Tu hành phạm hạnh chưa từng gián đoạn.
8. Vì thiểu sự cho nên được định Tam Muội.
9. Nghe giảng yếu nghĩa chương cú vi diệu thì nhớ mãi không quên.
10. Khi đã được nghe Kinh rồi, hiểu nghĩa quy thú, rồi đem diễn giảng cho người khác.
Đó là mười pháp.
Này Xá Lợi Phất! Lại có bốn pháp không mất sở nguyện.
Đó là:
1. Lời nói và việc làm của Bồ Tát luôn tương ưng.
2. Xả bỏ tự đại.
3. Xả bỏ tham lam tật đố.
4. Khi thấy người khác an ổn thì mình vui thay cho họ.
Đó là bốn pháp.
Lại có bốn việc nên chí thành lắng nghe:
1. Nơi sinh ra, miệng thường thanh tịnh, có mùi thơm hoa Ưu Bát.
2. Nói năng biện tuệ không có khiếm khuyết.
3. Trời người đến bảo hộ và tin tưởng.
4. Tiếng tốt không mất, nhất định được Phật âm.
Đó là bốn việc.
Lại có bốn pháp tu hành răn nhắc là:
1. Không sinh vào ba nẻo, không có người oán ghét.
2. Không thích học chín mươi sáu thứ sở kiến mê hoặc.
3. Oan gia bạn ác không có tiện lợi.
4. Thiện thượng nhân gian đều quay về kính lễ. Đó là bốn pháp.
Lại có bốn pháp lưu truyền răn dạy:
1. Tâm không xả bố thí, lúa gạo tùy thời mà bố thí.
2. Không ham thích sự phồn vinh giàu có ở thế gian.
3. Tự phụng trì cấm giới.
4. Nếu có bố thí thì không ôm lòng tham lam tật đố. Đó là bốn pháp.
Lại có bốn pháp làm cho người khác vui, tâm biết tri túc:
1. Các chúng sinh hay chấp của cải là vật của ta, ta nên an ủi họ.
2. Các chúng sinh ấy tham lam của cải, tự cậy thân lực cho là không ai bằng, Bồ Tát thương xót làm cho họ được an vui, nên dạy họ rằng: Của cải khong phải là bạn của ta, lúc nào cũng lo sợ năm loại giặc xâm chiếm không có kỳ hẹn.
3. Nếu của cải giàu có, vợ con đông đúc, quyến thuộc sum vậy, nhưng không bao giờ màng đến, cũng không luyến tiếc đất nước, huống nữa là người khác trông mong vào chúng sinh.
4. Chưa từng mong cầu tiền tài phi nghiệp ở thế tục.
Đó là bốn pháp. Bồ Tát thực hành bốn pháp này thì không mất sở nguyện, Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh.
Này Xá Lợi Phất! Lại có năm pháp không mất sở nguyện:
1. Ham thích Kinh Pháp, siêng cầu đạo nghĩa.
2. Biết việc qua lại trong vô số kiếp.
3. Đã nghe Kinh rồi, thành thục hạnh như Chư Phật, thành tựu công huân.
4. Khi nghe Kinh mỗi việc đều hỏi nghĩa, tu tập hạnh gì để chóng thành tựu đầy đủ.
5. Nếu nghe Kinh Pháp rồi thì phải siêng năng thực hành.
Đó là năm pháp không mất sở nguyện, Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh.
Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Có sáu pháp không mất sở nguyện:
1. Ưa bố thí tâm không keo kiệt tật đố, đem thân bố thí không tiếc thọ mạng, không luyến ái vợ, con, trai, gái, quyến thuộc, tâm không mong mỏi, không ôm tưởng trông cầu.
2. Dù Bồ Tát tại gia hay xuất gia thà mất thân mạng chứ không phạm cấm giới, giữ gìn cẩn thận, thường sống phạm hạnh, khuyến khích chúng sinh dùng giới hỗ trợ.
3. Biết thân này là giả tạm, các pháp như huyễn, cho nên trụ nhẫn lực chắc chắn, dù có nghịch cảnh đến cũng không chống trả. Giá như gặp phải hoạn độc hại, đao trượng gia hình, chửi bới trù ẻo, nhưng vẫn không khởi ý thu hận.
4. Phụng hành tinh tấn, tâm không đắm trước, thâm niệm phi thường, như cứu lửa cháy đầu, đi, đứng, ngủ, thức chưa từng biếng nhác phế bỏ. Giá như lửa thiêu thân, tâm không lui sụt.
5. Chuyên tâm tịch tĩnh, không nghĩ đến cái khác, nhập vào vô sinh vắng lặng, điều phục ý tưởng không cho khởi lên, tâm như tro tàn, hình như gỗ khô mục.
6. Thấy chánh từ đế, diệt trừ tà ngụy, hiểu rõ ba cõi như tiếng vang, như huyễn hóa, pháp là vô thường, danh như bóng trăng in nước, thương xót khuyến hóa tất cả chúng sinh.
Đó là sáu pháp y như sở nguyện liền thành, đầy đủ công đức trang nghiêm Cõi Phật thanh tịnh.
Này Xá Lợi Phất! Lại có bảy pháp không mất sở nguyện:
1. Đem bố thí hết tất cả sở hữu, vật được thí đó cũng không chấp trước.
2. Phụng trì giới, không thiếu không tưởng sở cấm.
3. Khuyến khích chúng sinh không khởi nhẫn pháp.
4. Dùng hạnh tinh tấn không chấp vào thân tâm.
5. Thành tựu thiền định, nhất tâm nhiếp niệm.
6. Đầy đủ trí tuệ không mong hy vọng.
7. Thường Niệm Phật, xả mọi hy vọng.
Đó là bảy pháp. Nếu Bồ Tát thực hành đầy đủ thì được Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh.
Này Xá Lợi Phất! Lại có tam pháp không mất sở nguyện:
1. Không nói lời vô ích.
2. Dùng việc bố thí để làm trang nghiêm.
3. Tâm nhu hòa không có thô ác.
4. Cung kính Pháp Sư không có khinh mạn.
5. Thường khiêm cung hạ ý hòa thuận với chúng.
6. Tánh hạnh trong sạch không có cấu nhiễm.
7. Nếu không trì giới thì sẽ như việc báo ứng.
8. Không làm thương tổn chính mình, không huỷ hoại người khác.
Đó là tám pháp trang nghiêm Cõi Phật thanh tịnh.
Này Xá Lợi Phất! Lại có chín pháp không mất sở nguyện:
1. Thường hộ thân hành khiến không thiếu mất.
2. Lời nói cẩn thận không có khiếm khuyết.
3. Phòng hộ ý không cho móng tà tưởng.
4. Bỏ tham dục, tâm không đắm trước.
5. Từ bỏ sân nhuế, tâm không khởi thù hận.
6. Diệt nghiệp ngu si không bị tối tăm.
7. Thường tu hành chí thành không bị khi dối mê hoặc.
8. Hành từ kiên cố tâm không dời đổi.
9. Nương Thiện tri thức chưa từng xa rời.
Đó là chín pháp trang nghiêm Cõi Phật thanh tịnh.
Này Xá Lợi Phất! Lại có mười pháp không mất sở nguyện:
1. Nghe khổ địa ngục tâm luôn lo sợ mà tu trì tâm thương xót.
2. Nghe khổ súc sanh cũng lại lo sợ phát khởi lòng thương.
3. Nghe khổ ngạ quỷ cũng sinh lo sợ phát khởi đại từ.
4. Nghe sự an ổn ở Cõi Trời không thích mà lại khởi tâm thương xót.
5. Nghe lúa gạo ở thế gian quý hiếm, tệ ác gia hại mà khởi nhân từ.
6. Tâm tự nghĩ rằng, siêng năng tinh tấn, nhẫn chịu các khổ thì mới được Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh vô lượng.
7. Khiến không có hoạn của ba khổ não.
8. Khiến cho Cõi Phật phồn vinh sung túc.
9. Nhân dân an hòa, thọ mạng vô lượng.
10. Tự nhiên sinh không có tên gọi quyến thuộc, cho đến thành đạo Vô Thượng Chánh Chân.
Đó là mười pháp, sở nguyện không mất Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh.
Này Xá Lợi Phất! Khi Bồ Tát cầm hoa đến chỗ Như Lai hoặc Chùa, tháp nên nguyện cho chúng sinh tâm ý nhu nhuyến thanh tịnh, nhan sắc hòa duyệt, như hoa đẹp tươi tốt, hương sắc thơm khiết, ai thấy cũng vui thích yêu quý.
Nguyện khi thành Phật, trong nước của con khắp tất cả mọi nơi đều có hoa thơm, cây đẹp, y phục, ẩm thực, lụa là, tràng phan, bảo cái, kim ngân, trân báu đều tự nhiên có ra. Nhân dân trong nước ấy cấm giới thanh tịnh, tâm ý nhu nhuyến, tánh tình hòa nhã, pháp nhẫn thậm thâm, thần thông vô thượng.
Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát trước vì người sau mới vì mình, mong rằng tất cả được an ổn như cha, như mẹ, thấy người được an, mình vui thay họ. Nguyện khi thành Phật, người sinh vào nước tôi, đều được an hoa, không có tật đố nghi ngờ, điềm nhiên nhập định, tâm không suy nghĩ.
Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát gìn giữ khẩu nghiệp chưa từng trái phạm, không nói những lời nói gia hại người và vật, nói đúng pháp, không nói phi nghĩa. Nguyện khi thành Phật, người sinh vào nước tôi, ngôn từ nhu hòa, không có lời nói không vừa lòng, tiếng nói có tám cách nói ra hòa nhã.
Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát giới thanh tịnh, thân, khẩu, ý đều thiện, lại khuyến khích người khác đem hạnh thiện của mình truyền đến tất cả. Nguyện khi thành Phật, người sinh vào nước tôi, khiến thân, khẩu, ý hoàn toàn thanh tịnh, không có khuyết lậu, thần thông đầy đủ, đạt đến cao tột.
Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát giáo hóa làm hưng long đạo pháp, thường đem chánh chân khai độ nam nữ, chưa từng giảng luận Tiểu Thừa. Nguyện khi thành Phật, người sinh vào nước tôi không nghe đến hạnh Thanh Văn, Duyên Giác, chuyển luân không thoái mau thành tối Chánh Giác, khiến hạnh thuần thục lưu bố vô cùng.
Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát không ganh ghét người được cúng, không làm gián đoạn sự cúng dường của khác, thấy người được cúng thì vui thay họ. Nguyện khi thành Phật, người sinh vào nước tôi không có tham lam tật đố, tất cả đều được pháp lợi.
Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Nếu có Bồ Tát không tự khen mình, không nói lỗi người, không nói lỗi của Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, nghe thấy cái lỗi của người khác cũng như mình phạm. Nguyện khi thành Phật, người sinh vào nước tôi, đều được thanh tịnh, không nghe đến tên tội lỗi.
Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Nếu có Bồ Tát mong cầu kinh đạo như khát muốn uống, chí luôn chánh chân, không ưa pháp khác. Nguyện khi thành Phật, người sinh vào nước tôi, đều ưa kinh đạo, mong cầu chánh pháp.
Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Nếu có Bồ Tát thường thổi âm nhạc ca tụng công đức của Phật, cúng dường Như Lai, hoặc tháp, hoặc hình tượng, đem công đức đó khuyến khích giúp đỡ người học. Nguyện khi thành Phật, trăm ngàn kỹ nhạc không trổi tự kêu, diễn tám pháp âm, người nghe vui thích, khai phát đạo tâm, đều được chánh chân.
Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Nếu có Bồ Tát thấy tâm chúng sinh giong ruổi buông lung, thì nên khai thị chính yếu để họ không còn giong ruổi ồn ào nữa. Nguyện khi thành Phật, người sinh vào nước tôi, khiến chí không loạn, nhiếp niệm nhập định, dùng thiền làm thức ăn, các tưởng tịnh diệt, đều đạt đến Chánh Giác.
Này Xá Lợi Phất! Giả sử Như Lai trọn đời khen ngợi Cõi Phật thành tựu công huân cũng không thể cùng tận, cũng không thể thí dụ. Nay ta đã vì ông mà lược nêu ra. Nếu có người nghe được hạnh của Bồ Tát rồi suy nghĩ hâm mộ, không còn nghi ngờ thì cũng sẽ thành tựu Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh.
Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát lại có ba pháp mau chóng được Chánh Giác, không mất sở nguyện như ý liền được:
1. Phát nguyện đặc biệt không giống với ai.
2. Sở hành an ổn chắc chắn không có buông lung.
3. Phụng hành pháp đã nghe không biết mệt mỏi.
Đó là ba pháp.
Xá Lợi Phất tán thán: Hay thay! Thật chưa từng có, Như Lai khéo huấn thị đạo phẩm đầy đủ, sở nguyện thành tựu, Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Đúng vậy, đúng vậy! Thật đúng như lời ông nói. Như Lai đã tích tập hạnh Phật nên mới được như vậy, không dùng những lời lẽ trau chuốt mà thành đạo.
Người tánh buông lung thì tự chuốc lấy tối tăm, rơi vào bốn điên đảo, chìm sông sinh tử, cầu thoát khó được. Nếu có Bồ Tát nghe được kinh này, nguyện xin phụng hành hạnh không buông lung, thì nhất định thành tựu như trên đã nói.
Lúc đó, trong hội tám vạn bốn ngàn Bồ Tát, từ chỗ ngồi đứng dậy chắp tay quay về đồng nói lên: Thưa Thế Tôn! Chúng con đều nguyện phụng hành lời Phật dạy, sở nguyện đầy đủ, từ đó mà được đạo, trừ bỏ lời trau chuốt buông lung. Hoàn tất thệ nguyện và giới đức, nguyện cho tất cả đều thực hành lòng thương xót, đem hạnh ấy tự trang nghiêm khử trừ mọi cấu uế.
Lúc đó, Đức Phật mỉm cười, từ miệng phóng ra ánh sáng năm sắc chiếu khắp mười phương, rồi quay trở lại nhiễu Phật ba vòng và nhập vào đảnh Phật.
Hiền Giả Xá Lợi Phất đến trước Phật bạch: Bạch Thế Tôn! Vì sao Ngài cười?
Nay Thế Tôn cười nhất định là có lý do?
Đức Phật hỏi: Này Xá Lợi Phất! Ông có thấy các Thiện Nam này rống tiếng rống Sư Tử không?
Xá Lợi Phất thưa: Con đã thấy, thưa Thế Tôn!
Đức Phật dạy: Các thiện nam này ở đời sau, ngót một trăm ngàn kiếp đều sẽ thành Phật Hiệu là Tịnh Nguyện Như Lai, Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, Quốc Độ trang nghiêm thanh tịnh cũng như nước Tây Phương An dưỡng công huân trang nghiêm thanh tịnh không khác, thọ mạng cũng không sai khác.
Xá Lợi Phất thưa: Thọ mạng bao nhiêu mà lại không khác?
Đức Phật dạy: Tất cả đều thọ mười kiếp.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Nhất Thiết Như Lai Kim Cương Tam Nghiệp Tối Thượng Bí Mật đại Giáo Vương - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Ba Mươi Năm - Phẩm Khiển Trừ Ma Ngoại
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bạch Pháp - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Hưng Khởi Hạnh - Phật Thuyết Kinh Nhân Duyên Kiếp Trước Của Sự Khổ Hạnh
Phật Thuyết Kinh Tuệ ấn Tam Muội - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm Vô Xan Phiền Não