Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Tịnh Luật - Phẩm Bốn - Phẩm đạo Môn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

VĂN THÙ SƯ LỢI TỊNH LUẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM BỐN

PHẨM ĐẠO MÔN  

Thiên Tử Tịch Thuận Luật Âm lại hỏi: Tất cả các pháp, lấy pháp nào làm cửa đứng đầu?

Đáp: Không tùy thuận theo sự nhớ nghĩ, lấy đó làm cửa đầu tiên. Nhớ nghĩ đúng theo nghĩa trọn vẹn của dòng sinh tử là Niết Bàn. Không sáng suốt tu hành tiến tới là cửa chướng ngại. Thực hành tinh tấn là cửa đạo phẩm. Thực hành mà còn nghi ngờ là cửa phien não. Chuyên tu giải thoát là cửa không chướng ngại. Suy nghĩ nhớ tưởng còn vướng mắc là cửa phiền não.

Không có chỗ tưởng nhớ, không có chỗ hư giả nên không có cửa tham ái. Loạn động nghĩ nhiều là các cửa của mơ tưởng không thật. Tu hành lặng lẽ tự nhiên là cửa an nhiên. Sáu mươi hai tà kiến là cửa kiêu mạn. Tu ở nơi không là cửa không tự cao tự đại.

Theo và gần gũi bạn xấu là cửa tội ác. Theo và gần gũi bạn lành là cửa pháp thiện. Các việc tà kiến là cửa hoạn nạn khổ đau. Nghĩa chánh kiến là cửa an ổn. Sự tham lam, bỏn sẻn là cửa bần cùng. Nghĩa bố thí là cửa nhiều giàu sang. Người hủy phạm giới pháp liền trở về cửa của con đường ác.

Người vâng theo việc tu tập giới cấm, tất cả sẽ trở về cửa phát sinh điều thiện. Người ưa tranh chấp, kiện tụng là trái mất cửa pháp. Nếu người nhẫn nhục sẽ được trở về nơi cửa đặc biệt tốt đẹp diệu kỳ. Người lười biếng là cửa tâm nhơ bẩn. Hướng dẫn tu hành tinh tấn là cửa trong sạch. Sống buông thả là cửa tâm loạn. Các việc đều một lòng là cửa định ý.

Hành theo trí ác là mê hoặc ngu tối, như cánh cửa của trâu, dê. Người trí tuệ tu ba mươi bảy phẩm, là cửa nơi đạo pháp căn bản của sư tử. Người tu hành đầy đủ tất cả tâm Từ là cửa không có tổn hại. Người tu hành có tâm xót thương là cửa của ý chí hòa nhã. Tánh nhu hòa, không dua nịnh là cửa dạy bảo.

Vui vẻ làm việc thiện là cửa pháp vui. Người tu hành giúp đỡ không phân biệt chỗ thân thích là cửa không tăng giảm. Thực hành bốn ý chỉ bốn niệm xứ, không mất đức đã có ở đời trước là cửa các phước thiện. Người tu bốn ý đoạn bốn chánh cần là thuận theo cửa bình đẳng.

Người có bốn thần túc là cửa thân tâm nhẹ nhàng. Người tu hành năm căn, dốc lòng tin giáo nghĩa là cửa đầu tiên. Người thực hành năm lực, không bị phiền não và các ái dục làm khiếm khuyết là cửa không nhiễm ô. Người thực hành bảy giác ý, đều đã hiểu rõ về bình đẳng là cửa trí tuệ. Người thực hành tám chánh đạo, chấm dứt tất cả pháp tà, vượt qua cửa mê hoặc.

Lại nữa, này Thiên Tử! Tính theo các Bồ Tát, Pháp Phật là cửa đầu tiên, bảo vệ tất cả các pháp, cho nên là cửa pháp tự tại. Khéo biến hóa các phương tiện, hiểu rõ mọi nơi là cửa không xứ sở.

Trí Ba la mật không cùng, thấu biết tất cả những nhớ nghĩ trong tâm của chúng sinh để tùy thuận là cửa vượt qua bờ giải thoát. Sáu độ Ba La Mật vô cùng, thu giữ được sáu ham muốn, khiến không còn có chỗ nơi là cửa đại thừa.

Xem xét mong cầu đều không, thấy ba cõi như sự biến hóa, trước sau như giấc mộng, đó là cửa trí tuệ sáng suốt. Tất cả các pháp vốn đều không, đạt pháp nhẫn vô sinh thì thấu suốt tự nhiên, không nơi nào là không thông tuệ, nhưng tuệ giác ấy không nương vào sự thông tuệ của người khác.

Thiên Tử lại hỏi: Thưa Đại Sĩ Văn Thù Sư Lợi! Thế nào gọi là cửa pháp giới?

Đáp: Cửa pháp giới gọi là Phổ Môn còn gọi là phổ pháp tức trong một môn mà gồm thâu cả pháp giới.

Thưa Nhân Giả! Cửa pháp giới lấy gì làm cõi?

Đáp: Là cõi của tất cả chúng sinh, nên gọi là pháp giới.

Thưa Nhân Giả! Pháp giới ấy có thể phân chia giới hạn không?

Lại đáp: Thiên Tử xem cõi hư không có thể phân chia giới hạn được chăng?

Thưa Nhân Giả, không thể vậy.

Này Thiên Tử! Cũng như hư không, không có phân chia bờ bến.

Pháp Giới cũng như vậy, không thể phân chia bờ bến.

Thiên Tử lại hỏi: Thưa Nhân Giả! Có thể nào phân biệt được nơi chốn của pháp giới chăng?

Đáp: Pháp Giới ấy, không thể phân biệt được.

Thưa Nhân Giả! Nguyên nhân nào giúp giảng giải về các pháp, để có thể hiểu rõ ràng như chỗ biện tài này?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Ý Thiên Tử thế nào?

Do tiếng gọi mà phát ra âm thanh thì làm sao giảng nói được pháp?

Thưa Nhân Giả! Âm vang ấy không thể giảng rõ các pháp. Vì nó là do các duyên hợp thành mới phát ra tiếng.

Đúng thế, thưa Thiên Tử! Bồ Tát đều nhân nơi các duyên cho nên mới có chỗ giảng nói.

Thưa Nhân Giả! Vậy thì trụ nơi nào mới có chỗ giảng nói?

Đáp: Đức Như Lai phải hóa ra chỗ trụ để có chỗ giảng nói. Chỗ trụ của ta là chỗ giảng nói này đây.

Lại hỏi: Thưa Nhân Giả! Sự giáo hóa của Như Lai là pháp không có chỗ trụ, sao lại có chỗ giảng nói?

Như Đức Như Lai phải hóa ra nơi không có chỗ trụ, nên có chỗ giảng nói. Ta cũng đã tuyên dương, giáo hóa như vậy.

Giả sử Bồ Tát Văn Thù đối với tất cả các pháp, lập ra không có chỗ để trụ mà lại có chỗ giảng nói, thì Nhân Giả phải đi đến chỗ nào, để thành tựu đạo chánh chân vô thượng, làm đấng Chánh Giác cao tột?

Ta trụ nơi năm nghịch, cho đến khi thành tựu đạo chánh chân vô thượng.

Thưa Nhân Giả! Như vậy người tạo năm nghịch đó trụ nơi nào?

Đáp: Người tạo năm nghịch đó không có căn bản, nên cũng không có chỗ trụ.

Lại hỏi: Đức Như Lai nói, tạo tội năm nghịch không tránh khỏi địa ngục Vô gián, không lìa được chốn địa ngục phải không?

Đáp: Đúng như thế, này Thiên Tử! Đúng như lời Phật dạy. Người tạo tội năm nghịch, sẽ bị đọa vào địa ngục. Nhưng nếu Bồ Tát trụ nơi năm nghịch này sẽ mau thành tựu đạo chánh chân vô thượng.

Vậy thế nào gọi là năm nghịch?

Giả sử Bồ Tát hết lòng ân cần, phát tâm đại đạo, bỏ tâm tiểu thừa, không rơi vào quả vị Thanh Văn, Duyên Giác. Đó là nghịch thứ nhất.

Phát tâm rộng lớn, ban cho tất cả những gì mình có được không chút luyến tiếc, không hòa hợp cùng vơi tâm bỏn sẻn nhỏ nhen. Đó là nghịch thứ hai.

Phát tâm từ lớn đối với tất cả chúng sinh là ta sẽ cứu độ họ, để họ không ở trong sự biếng trễ. Đó là nghịch thứ ba.

Thấy tất cả pháp không từ đâu sinh, ngay nơi ấy liền đạt được pháp nhẫn vô sở tùng sinh, cũng không cùng ở với sáu mươi hai nghi hoặc tà kiến hợp lại. Đó là nghịch thứ tư.

Chỗ nên thấy biết, chỗ nên đoạn trừ, chỗ nên tuyên nói, chỗ nên thành tựu giác ngộ cần phải phát tâm hiểu rõ những thấy biết đó để không nơi nào mà không thông đạt, nhưng không chỗ nào trụ được. Không vướng mắc nơi ba cõi, thành tựu nhất thiết trí. Đó là nghịch thứ năm.

Này Thiên Tử! Bồ Tát đã trụ nơi năm nghịch này rồi khi ấy mới chóng thành tựu đạo quả chánh chân vô thượng, làm bậc Chánh Giác cao tột hơn hết.

Lại hỏi: Thưa Nhân Giả! Như chỗ đã nói, sao gọi là nghịch mà không thành nghịch, thuận lại không là thuận?

Đáp: Như vàng ròng và ngọc như ý, tuy bị rơi vào chỗ nhơ bẩn nhưng có thể hợp chung lại được không?

Thưa không hợp được.

Vì sao?

Vì vật ấy có bản chất riêng của nó, không thể giả hợp lại được.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi dạy: Này Thiên Tử! Tâm người vốn sáng, nên dù buông thả nơi nhơ uế thì vẫn không bị tỳ vết. Giống như ánh sáng không cùng với bóng tối hòa hợp, cũng như hoa sen không bị bùn làm hoen ố.

Ví như hư không, không thể làm cấu bẩn được. Muốn thực hành, học pháp phát tâm của Bồ Tát thì trụ nơi các nghịch mà không dao động. Mở bày chỉ dạy các điều nghịch thì gọi là thuận theo. Tâm ấy vốn sáng nên không cùng với nhơ bẩn hòa hợp.

Vì sao?

Giả sử có hợp lại thì không thể không thành riêng biệt. Nước và đất bùn còn không hợp được, huống chi là tâm vốn trong sạch.

Vô hình và hữu hình hợp được nhau sao?

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần