Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Một - Phẩm Vô Thường - Tập Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM MỘT

PHẨM VÔ THƯỜNG  

TẬP BỐN  

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc thành Xá Vệ. Lúc đó Vua Ba Tư Nặc, Quốc Vương nước Kiều Tát La ra lệnh cho lính canh ngục hãy đem hết bọn trộm cướp chiếu theo luật đem ra chợ xử tử hết. Lúc ấy, có một tên trộm ở trong đám đông liền trốn thoát, rồi y mượn pháp phục giả làm Sa Môn.

Trong tâm tên trộm này luôn nghĩ làm vậy là mình đã thoát khỏi nguy hiểm, không còn lo sợ bị Vua giết hại. Ở nơi vắng vẻ, không suy nghĩ đạo đức, không học Kinh, Luật, Luận, cũng không thong hiểu được nghĩa lý, các đạo pháp hóa độ thế gian, cũng không ngồi thiền Tụng Kinh, làm việc giúp chúng, xa lìa ba việc, không siêng năng tu tập, cho rằng tu đạo như vậy là đủ rồi, không mạnh mẽ tinh tấn cầu pháp của bậc thượng nhân.

Quả chưa chứng, không siêng năng cầu chứng, những điều chưa được cũng không siêng năng tìm cầu cho được. Đức Như Lai dùng Tam đạt trí quán biết tâm thầy Tỳ Kheo ấy, dần dần giáo hóa, xé tan lưới ngờ vực của vị ấy.

Ngài dạy: Phải dứt trừ nạn của giặc sinh tử, vì nó còn đọng nhiều oan trái khác nữa. Cái thân năm ấm lẫy lừng này trôi lăn trong năm đường không có ngày nghỉ, bị phiền não kết sử giết hại, đọa vào đường ngạ quỷ, súc sanh.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn quán xét ý nghĩa này, thấu suốt gốc ngọn, muốn cho các thầy Tỳ Kheo dứt hết mọi ngờ vực, khiến cho chúng sinh đời sau thấy được chánh pháp sáng suốt tồn tại lâu dài, nên Ngài nói bài kệ này:

Như kẻ tử tù

Dẫn qua chợ búa

Dần vào cõi chết

Mạng người cũng vậy.

Bấy giờ thầy Tỳ Kheo kia ở nơi thanh vắng suy nghĩ, so lường, tự trách mình, hiểu rõ muôn vật đều vô thường, sống không bao lâu rồi cũng trở về cõi chết, sự thay đổi về hưng suy nào phải chuyện mới mẻ gì, mà đã có từ lâu. Ở trước Đức Phật, vị Tỳ Kheo ấy ăn năn hối cải, chứng được quả A La Hán.

Như dòng sông chảy

Không hề trở lại

Mạng người cũng vậy

Đi không trở lại.

Ngày xưa, có đám đông người ra ngồi bên bờ sông, quan sát dòng nước đã giết hại biết bao nhiêu người, hoặc cha mẹ, vợ con, trai gái bị té xuống sông cũng chết vô số lượng. Người được vớt cứu chỉ bằng một phần vạn. Lần nọ, có một người bị chìm xuống nước sâu được cứu sống bèn đến chỗ Đức Phật xin làm Sa Môn.

Đức Phật liền chấp nhận, cho phép nhập đạo, nhưng thầy Tỳ Kheo ấy không biết suy nghĩ đạo lý, cho rằng mình thoát hẳn tai nạn chết hụt, không còn sợ chết chìm nữa, ở nơi thanh vắng không suy tư đạo đức, không học Khế Kinh, Giới Luật, Luận A Tỳ Đàm, không tìm hiểu nghĩa lý sâu sắc, các pháp ra khỏi thế gian, không tu tập ngồi thiền, Tụng Kinh, làm việc giúp chúng, lìa hẳn ba việc, cho rằng hành đạo như vậy là đủ rồi.

Không mạnh mẽ tinh tấn cầu pháp của Bậc Thượng Nhân, quả chưa chứng không siêng năng cầu chứng, những điều chưa được cũng không siêng năng tìm cầu cho được.

Đức Như Lai Thế Tôn dùng Tam đạt trí quán sát tâm thầy Tỳ Kheo này, dần dần giáo hóa, xé tan lưới ngờ vực, Ngài liền nói với thầy Tỳ Kheo: Tránh khỏi nạn giặc sinh tử còn đọng nhiều hoạn nạn khác, thân năm ấm lẫy lừng này trôi lăn trong năm đường không ngừng nghỉ, bị các kết sử giết hại, đọa vào đường ngạ quỷ, súc sanh.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn quán sát ý nghĩa này, tìm xét gốc ngọn, khiến cho các Tỳ Kheo dứt hẳn ngờ vực, khiến chúng sinh đời vị lai thấy được chánh pháp sáng tỏ, tồn tại lâu dài, nên Phật nói bài kệ trên.

Như dòng sông chảy

Không hề trở lại

Mạng người cũng vậy

Đi không trở lại.

Thầy Tỳ Kheo kia nghe Đức Phật dạy rồi trong tâm tự hổ thẹn, biết ra tất cả muôn vật đều trở về chỗ vô thường tử biệt, thay đổi không có gì lâu dài, khổ về thương yêu mà phải chia lìa, oán ghét mà phải gặp nhau, nên suy nghĩ rằng không có ta, không có người, không có mạng sống, tâm ý chuyên chánh hướng về Niết Bàn.

Bị nước sông nhận chìm không có gì đáng nói, chỉ có dòng sông chết nhận chìm nhiều kiếp không thoát ra được, phải tìm phương cách ra khỏi dòng sông chảy xiết ấy. Sau khi nghe lời Phật dạy, thầy Tỳ Kheo kia tâm ý mở tỏ, dứt mọi ý nghĩ xằng bậy, ở trước Đức Phật liền dứt bỏ được nạn sinh tử, chứng được quả A La Hán, ba lần tự nói lành thay, do ý nguyện phước báu mà được.

Bấy giờ, vô số chúng sinh trong pháp hội nghe vị Tỳ Kheo này chứng quả A La Hán nên họ đều phát sinh hạnh vô dục thanh tịnh, đều chứng quả Tu Đà Hoàn.

Công lao tu tập

Nhiều kiếp mới được

Que vạch, nước rẽ

Rút que, nước hợp.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong vườn Cam Lê, thành Tỳ Da Ly.

Lúc ấy rất đông các vị Tỳ Kheo đang ngắm nhìn phong cảnh đất nước này, dân giàu nước mạnh, sự ăn ở được bình yên, ai nấy sống thỏa tình thích ý với lúa thóc lương thực tràn đầy, nhưng không tuân theo pháp luật, trên dưới chống đối nhau, ai cũng cho mình là chân chánh. Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn vì lòng thương xót sự ngu mê của họ, nên Ngài dùng nhiều phương cách dẫn dắt để họ được pháp vị.

Đức Phật liền nhóm họp đại chúng bảo các Tỳ Kheo: Ai là người có trí tuệ thì qua thí dụ sau đây sẽ tự hiểu. Như đất nước này chợt bị chìm ngập trong làn nước bao la không còn chừa một chỗ nào hết, trong cõi nước đó, có một con rùa mù sống ở trong nước trong vô số trăm ngàn kiếp không thể tính kể, trên mặt nước có một mảnh ván bằng khuỷu tay với một cái lỗ, bị gió trôi dạt.

Con rùa mù nọ một trăm năm mới trồi đầu lên ở hướng Đông, thấy gió thổi tấm ván về hướng Nam.

Này các thầy, con rùa mù nọ có chui được vào cái lỗ ấy không?

Dạ không! Bạch Thế Tôn.

Rồi lại một trăm năm nữa, con rùa ấy trồi lên ở phía Nam, nhìn thấy gió dạt tấm ván ấy bên phía Tây.

Này các thầy, con rùa mù nọ có chui được vào lỗ ván ấy không?

Dạ không! Bạch Thế Tôn.

Bốn hướng nhìn và trôi dạt cứ thế xa nhau, các thầy nghĩ sao, con rùa mù ấy có cơ may chui vào được cái lỗ của tấm ván chăng?

Dạ không! Bạch Thế Tôn.

Lúc ấy các thầy Tỳ Kheo bạch Phật: Thế thì trọn kiếp, con rùa mù kia có gặp được lỗ tấm ván không?

Đức Thế Tôn bảo: Việc ấy hẳn là khó vô cùng, nhưng vẫn có lúc gặp được.

Làm thân súc sanh đã khó, từ súc sanh mà được làm thân người lại càng khó hơn. Các thầy phải biết thân người khó được. Có khi được thân người mạng sống lại ngắn ngủi, không giống người xưa tuổi thọ vô lượng. Khi Đức Phật Tỳ Bà Thi ra đời, là Bậc Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác.

Sau khi Ngài nhập diệt, con người sống đến bảy vạn tuổi. Rồi lại có Phật Thi khí ra đời, là Bậc Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hành Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Sau khi Ngài nhập diệt, con người sống đến sáu vạn tuổi.

Bấy giờ có Đức Phật ra đời hiệu là Tỳ Xá Phù Như Lai, là Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn xuất hiện. Sau khi Ngài nhập diệt, con người sống đến năm vạn tuổi.

Bấy giờ có Đức Phật Hiệu là Ca Cưu Lưu Như Lai, Chí Chân Đẳng Chánh Giác, đủ mười hiệu xuất hiện ra đời. Sau khi Ngài nhập diệt, con người sống đến bốn vạn tuổi. Bấy giờ có Đức Phật Hiệu Ca Na Ca Mâu Ni Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, đủ mười hiệu ra đời.

Sau khi Ngài nhập diệt, con người sống được hai vạn tuổi. Lại có Đức Phật Ca Diếp Như Lai, Chí Chân Đẳng Chánh Giác, đủ mười hiệu. Sau khi Ngài nhập diệt, con người sống được một trăm tuổi. Nay ta ra đời hiệu là Thích Ca Văn Như Lai, Chí Chân Đẳng Chánh Giác, đủ mười hiệu. Các Tỳ Kheo nên biết, số người sống lâu hơn một trăm tuổi chẳng là bao, còn số sống khoảng trăm tuổi là thường có.

Cho nên bảo rằng: Công lao tu tập, nhiều kiếp mới được.

Người xưa nhờ tu nhân tích đức nên tuổi thọ vô lượng, các hạnh lành đầy đủ, không có bệnh tật, ôn dịch, khí độc. Người dân sống lâu tám vạn bốn ngàn tuổi. Thời ấy chỉ có ba tật nạn là tâm dục, đói khát, già yếu. Còn đời nay, năm trược lẫy lừng, tuổi thọ con người rất ngắn, với bốn trăm lẻ bốn thứ bệnh ràng buộc than người.

Tôn Giả Mã Thanh cũng có bài kệ:

Các nạn nhóm thành thân

Già chết luôn rình rập

Gươm độc, lửa hừng cháy

Phải chống đỡ vạn bệnh.

Cho nên nói:

Công lao tu tập

Nhiều kiếp mới được

Que vạch, nước rẽ

Rút que, nước hợp.

Như hiện nay, mạng sống con người mong manh không giữ gìn lâu được.

Thế thì ai là người còn ham mến cái đời sống này?

Chỉ có kẻ phàm phu thiếu hiểu biết mới thích sống trong ba cõi. Người dân nghe xong những điều Đức Phật dạy đều phát tâm thanh tịnh, tu hạnh không lui sụt.

Như người cầm gậy

Lùa trâu đi ăn

Già chết cũng vậy

Nó nuôi mạng trùng.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong thành La Duyệt, nước Ma Kiệt Đà, Ngài cùng A Nan đắp y, ôm bát đi khất thực. Trên đường, Ngài thấy người nọ lùa cả ngàn con trâu ra đồng cỏ tốt rồi y đốt khói canh giữ trâu.

Đức Phật hỏi Ngài A Nan: Thầy có thấy người kia lùa bầy trâu chăng?

Ngài A Nan thưa: Bạch Thế Tôn, con có thấy.

Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Bầy trâu này trước kia có đến cả ngàn con, nhưng bởi thả ra đồng chăn giữ không cẩn thận nên bị cọp, thú dữ nhìn thấy bắt ăn thịt hơn phân nửa rồi. Số còn lại không biết lo gì cả cứ thản nhiên húc cụng, đấu đá lẫn nhau, kêu rống inh ỏi. Thương thay sự ngu si vô trí của chúng sao mà quá lắm vậy.

Đức Phật bảo A Nan: Con người sống ở thế gian này cũng giống như vậy. Chấp cái tôi, cái ta, không biết vô thường, tham đắm năm dục, nuôi dưỡng thân này thỏa thích tình ý mà tàn hại lẫn nhau, không biết vô thường rình rập đến bất cứ lúc nào. Họ mờ mịt nào biết chuyện gì xảy ra, có khác gì bầy trâu ọ. Dù được nước ngọt, cỏ non nuôi thân, nhưng đó là rút ngắn mạng sống chứ có ích gì cho bản thân mình.

Đức Phật trở về Tinh Xá, do sự việc trên nên Ngài khuyên dạy bốn chúng đệ tử. Trong số đó có hơn hai trăm người nghe pháp tâm ý khai ngộ, chứng được sáu thứ thần thông, đắc quả A La Hán.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Có người nghe được lời dạy này mà được giải thoát, có người nghe rồi dùng trí tuệ nhiệm mầu suy nghĩ mà được giải thoát, có người nghe qua thí dụ mà được giải thoát. Có người ngu dốt, nghe một câu kệ mà được độ thoát, ấy là nhờ thí dụ vậy. Bài kệ này nói nhằm vào ý nghĩa đó, mỗi người tùy theo sự hiểu biết mà được độ thoát.

Cho nên nói:

Như người cầm gậy… là như thế.

Ngày nay đã qua

Mạng sống giảm theo

Như cá cạn nước

Nào có vui gì

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Người ta sống trên đời việc làm khác nhau, sự hiểu biết cũng khác nhau. Một ngày trôi qua thì mạng sống cũng giảm theo.

Dù sống trăm tuổi, nhưng ngủ nghỉ cũng mất hết phân nửa thời gian.

Đức Phật bèn nói cho hội chúng nghe bài kệ:

Phàm người muốn lập đức

Ngày đêm không để hở

Đêm ngày nhanh như chớp

Mạng người mau cũng vậy.

Lúc ấy người đến tham dự hội quán sát rõ nghĩa ấy mà áp dụng tu hành. Trong một ngày đêm trôi qua có biết bao cơ duyên đưa đến tử biệt. Kẻ ngu nương tựa, đắm nhiễm thân này. Các vị phải siêng năng nhớ nghĩ, phát tâm mạnh mẽ, đừng để mất than này.

Cho nên nói:

Ngày nay đã qua

Mạng sống giảm theo

Như cá cạn nước

Nào có vui gì.

Này các thầy Tỳ Kheo, các thầy phải biết rõ lẽ thật ấy.

Sông lớn, biển rộng còn có lúc khô, cá lớn ở sâu muôn tầm còn phải phơi lưng lên, huống gì là nước ít thì làm sao không như thế được?

Cũng có lúc mưa cuộn nước lũ tràn ngập các ngòi rãnh, nước cuốn băng băng chảy xiết, tiếng vang ầm ầm khắp bốn phía. Người bên bờ kia gọi người bên bờ này không nghe tiếng nhau. Nhưng rồi, cũng có lúc khe ngòi cạn khô, không một giọt nước nào.

Dù chúng sinh trong bốn đường với hình thù khác nhau, nhưng sự sống của ai nấy cũng giảm như cá cạn nước nào có vui gì đâu?

Có chúng sinh tuổi thọ rất dài lâu, như Chư Thiên sống lâu tám muôn bốn ngàn kiếp, địa ngục sống lâu một kiếp, súc sanh có tuổi thọ đồng với địa ngục.

Còn ngạ quỷ có tuổi thọ không hạn lượng. Như Tôn Giả Mãn Nguyện đến giờ đắp y ôm bát vào thành Phất Ca La khất thực, thời thầy gặp một ngạ quỷ đứng tựa ở cửa thành ấy.

Thầy bèn hỏi: Ngươi đứng đây để làm gì?

Quỷ nói: Thầy có thấy con không?

Thầy Tỳ Kheo nói: Ta thấy ngươi.

Quỷ lại nói: Chồng con vào thành đến giờ vẫn chưa trở ra, con đứng đây đợi.

Thầy Tỳ Kheo hỏi: Chồng ngươi vào thành để làm gì?

Quỷ nói: Trong thành này có vị trưởng giả mắc bệnh ung thư lâu ngày, bữa nay u nhọt vỡ mủ, máu chảy đầm đìa, chồng con dắt theo hai ngạ quỷ khác đến đó để ăn uống máu mủ mà sống.

Thầy Tỳ Kheo lại hỏi: Chồng người đến thành này bao nhiêu lần rồi?

Vì thành này tọa lạc gần bên bờ sông nên quỷ giơ tay chỉ thành và nói với thầy Tỳ Kheo rằng: Bờ bên này và bờ bên kia thành này bồi lở đến nay đã bảy lần rồi, chồng con đã vào thành suốt cả thời gian ấy.

Như vậy, tuổi thọ của ngạ quỷ dài lâu không thể tính kể, cũng không hạn định được. Còn loài người thì tuổi thọ cao nhất là trăm năm, tuy có hơn cũng không được bao người.

Cho nên nói: Như cá cạn nước.

Có vui thú gì?

Lời ấy nhắc ai nấy biết đừng để mình bị rơi vào bốn đường.

Đêm dài mất ngủ,

Đường xa mỏi mệt

Ngu sinh tử dài

Không biết chánh pháp.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần