Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Hai - Phẩm Sinh Tử - Tập Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM HAI
PHẨM SINH TỬ
TẬP MỘT
Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.
Tỳ Kheo tuần tự bỏ lậu hoặc như thế nào?
Đầu tiên xả bỏ pháp bất thiện, tiếp đến tu hành pháp thiện, tư duy chánh quán, giữ tâm theo chánh niệm.
Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên Nhãn: Vị Tỳ Kheo kia đầu tiên quán như vậy: Căn trần đối nhau nhưng lại làm nhân duyên cho nhau. Vì thế mà tất cả Thế Giới từ vô thỉ đến nay luân hồi trong sinh tử.
Người kia quán như vậy: Tất cả đều do duyên sinh, cảnh giới đại hải đều vô ngã, chỉ có nhân duyên của nội tâm và ngoại cảnh lưu chuyển trong thế gian.
Như vậy đầu tiên phải tu tập hạnh xa lìa, phải xa lìa nơi ồn náo, ưa thích chốn thanh vắng, nơi A lan nhã, trong vùng núi rừng, đồng rộng, bên gốc cây, nơi đất trống, gò mả… thì có thể chế ngự được cái tâm khỉ vượn. Nhờ vào sự tu tập nên tâm được tịch tĩnh, không ưa Thích Ca múa, đùa giỡn, ồn ào trong xóm làng, cũng không thích nhìn phụ nữ già, trẻ, không thích nói nhiều.
Có hai loại kết hủy hoại phạm hạnh. Một là dâm nữ. Hai là nói nhiều. Hai kết này phải nên lìa bỏ. Lìa bỏ chúng rồi tâm mới được hoàn toàn tịch tĩnh, người ấy theo đấy mà an trụ.
Thế nào là chánh quán?
Đầu tiên quán pháp gì?
Đầu tiên người kia quán mười tám hành của ý, khi quán có thể khởi lên căn thiện, căn bất thiện và căn vô ký.
Mười tám hành của ý là gì?
Tỳ Kheo quan sát đúng đắn về ý: Khi mắt thấy sắc, nếu bị nhiễm do ý hỷ thì mắc quả báo bất thiện, nếu khởi ý ưu, lìa bỏ ý nhiễm dục thì được quả báo thiện, còn khởi ý xả thì đưa đến quả báo vô ký.
Lại nữa, khi tai nghe âm thanh, nếu bị nhiễm do ý hỷ thì mắc quả báo bất thiện, nếu khởi ý ưu, lìa bỏ ý nhiễm dục thì được quả báo thiện, còn khởi ý xả thì đưa đến quả báo vô ký.
Lại nữa, khi mũi ngửi mùi hương, nếu bị nhiễm do ý hỷ thì mắc quả báo bất thiện, nếu khởi ý ưu, xa lìa ý nhiễm dục thì được quả báo thiện, còn khởi ý xả thì đưa đến quả báo vô ký.
Lại nữa, khi lưỡi nếm mùi vị, nếu bị nhiễm do ý hỷ thì mắc quả báo bất thiện, nếu khởi ý ưu, xa lìa ý nhiễm dục thì được quả báo thiện, còn khởi ý xả thì đưa đến quả báo vô ký.
Lại nữa, khi thân xúc chạm, nếu bị nhiễm do ý hỷ thì mắc quả báo bất thiện, nếu khởi ý ưu, xa lìa ý nhiễm dục thì được quả báo thiện, còn khởi ý xả thì đưa đến quả báo vô ký.
Lại nữa, khi ý biết pháp, nếu bị nhiễm do ý hỷ thì mắc quả báo bất thiện, nếu khởi ý ưu, xa lìa ý nhiễm dục thì được quả báo thiện, còn khởi ý xả thì đưa đến quả báo vô ký.
Do ba quả báo thuộc mười tám hành của ý làm cho chúng sinh luôn sinh tử trong thế gian. Nếu Tỳ Kheo kia quan sát mười tám hành của ý như vậy thì đạt được Sơ Địa.
Bấy giờ, Dạ Xoa sống trên đất thấy sự việc như vậy trở nên hoan hỷ, tuần tự nói cho Dạ Xoa nơi hư không nghe.
Dạ Xoa sống trên đất và Dạ Xoa nơi hư không hoan hỷ hướng đến tâu với Tứ Đại Vương, Tứ Đại Vương hướng đến Tứ Thiên Vương hoan hỷ nói: Trong cõi Diêm Phù Đề, ở nước… thuộc thôn… xóm… có thiện nam… họ… tên… đã cạo bỏ râu tóc, mặc pháp y, xuất gia theo chánh tín, lìa bỏ chỗ ồn ào, ở nơi tịch tĩnh. Nay lại quan sát mười tám hành của ý đã chứng được Sơ Địa.
Tứ Đại Vương tâu như vậy, Tứ Thiên Vương lại vô cùng hoan hỷ, nói: Quân ma bị tổn giảm, bạn chánh pháp được tăng trưởng.
Tứ Thiên Vương lại hướng đến cõi Trời Tam Thập Tam, hoan hỷ tâu với Thiên Vương Đế Thích: Trong cõi Diêm Phù Đề, ở nước… thuộc thôn… xóm… có thiện nam… họ… tên… đã cạo bỏ râu tóc, đắp pháp y, xuất gia theo chánh tín, lìa xa nơi ồn ào, cho đến… ở chốn gò mả, đã quán mười tám hành của ý, đúng như pháp chứng được Sơ Địa, như pháp mà chánh quán.
Tứ Thiên Vương tâu với Vua Đế Thích như vậy. Vua Đế Thích Kiều Thi Ca ở cõi Trời Tam Thập Tam nghe xong tâm rất vui mừng.
Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp. Tỳ Kheo kia đúng như pháp đã quán mười tám hành của ý chứng được Sơ Địa.
Sau đó làm sao chứng được nhị địa?
Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Tỳ Kheo kia tuần tự quan sát bằng bốn thứ. Bốn thứ là tuệ, đế, xả và xuất.
Thế nào là Tỳ Kheo trú trong tuệ gia?
Nghĩa là Tỳ Kheo kia quan sát tự thân theo chánh pháp, nhận biết đúng như thật rõ ràng về từng phần. Trong thân này có địa giới, thủy giới, phong giới, hỏa giới, không giới và thức giới.
Thế nào gọi là địa giới?
Địa giới có hai là nội địa giới và ngoại địa giới.
Sao gọi là nội địa giới?
Các bộ phận hiện có trong thân thể gọi là nội địa. Nội địa đó có cảm giác.
Vị ấy có cảm giác như thế nào?
Nghĩa là khi chúng hòa hợp với da, thịt thì có cảm giác. Đó là lông, tóc, móng, răng… các căn, chúng thuộc về chất cứng và nhám, cảm giác ấy thuộc nội nhập.
Nội địa còn gì nữa?
Đó là lông, tóc, móng, răng, da, thịt, gân, mạch, cốt, tủy, thận, tim, phổi, dạ dày, lá lách, đàm, sinh tạng, thục tạng, đại trường, tiểu trường, đầu não. Như vậy tất cả vật gì thuộc phần bên trong thân, thuộc chất cứng và nhám, có cảm giác thì gọi là nội địa giới.
Sao gọi là ngoại địa giới?
Tất cả phần địa hiện có bên ngoài thuộc chất cứng và nhám, không có cảm giác thì gọi là ngoại địa giới. Nếu nội địa giới và ngoại địa giới hòa hợp lại thì địa giới chỉ là địa giới. Quán địa giới không có người tạo tác và không có người thọ nhận. Tất cả đều do nhân duyên, vô thường, không vui thích, vô ngã, bất tịnh.
Tỳ Kheo quan sát bằng trí tuệ như vậy sẽ được giải thoát. Tất cả đều không phải là ngã, không phải là ngã sở, cũng không phải là tự ngã của ngã. Thấy, biết đúng như thật về địa giới như vậy, tâm lìa được dục. Đó là Tỳ Kheo bằng trí tuệ mà được giải thoát.
Thế nào là thủy giới?
Thủy giới có hai là nội thủy giới và ngoại thủy giới.
Thế nào là nội thủy giới?
Tất cả các loại nước đều thuộc về tướng của thủy giới. Nghĩa là tướng hòa tan thấm ướt trong thân như nước mắt, nước dãi, não, máu, mỡ, tủy mật, tiểu tiện, mồ hôi… tất cả các loại nước bên trong thân thể thuộc về cảm giác nên gọi là nội thủy giới.
Sao gọi là ngoại thủy giới?
Các loại nước bên ngoài thuộc về chất ẩm ướt. Chúng bất giác tức là không cảm giác. Vì không có cảm giác nên gọi là ngoại thủy giới.
Nếu nội thủy giới và ngoại thủy giới hòa hợp làm một thì thủy giới chỉ là thủy giới. Quan sát thủy giới này tất cả không phải là ngã, cũng không phải là ngã sở, lại cũng không phải là tự ngã của ngã. Thấy, biết đúng đắn như thật về thủy giới thì tâm lìa được dục. Đó là Tỳ Kheo trú trong trí tuệ.
Thế nào là hỏa giới?
Hỏa giới có hai là nội hỏa giới và ngoại hỏa giới.
Thế nào là nội hỏa giới?
Tất cả những phần nóng hiện có thuộc hơi nóng nơi thân thể, bên trong có cảm giác, nghĩa là hơi ấm trong thân nhưng không thiêu đốt và có thể tiêu hóa.
Sao gọi là có thể tiêu hóa?
Khi ăn uống những thức ăn đồ uống, những thức ngon lưu chuyển, tiêu hóa. Đó là nội và nội phần nơi thân, nóng thuộc về hơi nóng, bên trong có cảm giác nên gọi là nội hỏa giới.
Thế nào gọi là ngoại hỏa giới?
Tất cả những loại lửa bên ngoài thuộc về sự nóng, không cảm giác. Vì không có cảm giác nên gọi là ngoại hỏa giới.
Nếu nội hỏa giới và ngoại hỏa giới hòa hợp làm một thì hỏa giới chỉ là hỏa giới. Quán hỏa giới tất cả đều không phải là ngã, không phải là ngã sở, cũng không phải tự ngã của ngã. Thấy biết đúng đắn, như thật về hỏa giới thì tâm lìa được dục. Như vậy hỏa giới không có người tạo tác, không có người thọ nhận.
Thế nào là phong giới?
Phong giới có hai là nội phong giới và ngoại phong giới.
Thế nào là nội phong giới?
Nội và nội phần bên trong thân thuộc về phong giới, chuyển động nhẹ, có cảm giác.
Còn như thế nào nữa?
Nghĩa là gió thổi lên, gió thổi xuống, gió thổi bên. Những thứ gió phát sinh giống như kim chích, như bị dao chặt. Gió nghiêng, gió xoáy, những thứ gió như vậy có tám mươi loại, chúng chuyển động giống như trùng bò. Tám mươi thứ gió phân chia đi khắp tám mươi chỗ. Như vậy, từng phần, từng chỗ bên trong thân thể thuộc về phong giới, chuyển động nhẹ có cảm giác nên gọi là nội phong giới.
Thế nào gọi là ngoại phong giới?
Có những loại gió bên ngoài thuộc sự động nhẹ, hòa hợp không có cảm giác. Đó là ngoại phong giới.
Nếu nội phong giới và ngoại phong giới hòa hợp làm một thì phong giới chỉ là phong giới. Quán phong giới tất cả không phải là ngã, không phải là ngã sở, cũng không phải tự ngã của ngã. Thế thì phong giới không có người tạo tác, không có người thọ nhận. Thấy biết đúng đắn như thật về phong giới thì tâm lìa được dục. Đó là Tỳ Kheo đạt được trí tuệ.
Thế nào là hư không giới?
hư không giới cũng có hai là nội hư không giới và ngoại hư không giới.
Thế nào là nội hư không giới?
Nghĩa là nội phần trong thân. Hư không của nội phần thuộc về hư không giới, chỗ có cảm giác và có khắp mọi nơi. Chỗ sắc chuyển động, như những thứ thức ăn đưa xuống tiêu hóa bài tiết, chỗ ruột phồng lên. Hư không ở trong cổ họng, trong tai, trong mắt, trong mũi, hư không nơi lưỡi, hư không nơi miệng… hư không khi lưỡi trong miệng hoạt động, đều gọi là nội hư không giới.
Thế nào gọi là ngoại hư không giới?
Nghĩa là tất cả hư không mà không thuộc về cảm giác, có trong tất cả khắp nơi. Hư không trong thân cây, cành, nhánh, lá. Trong các lỗ hang đều có hư không, núi sông, ao rạch đều có hư không như hang lỗ bên ngoài. Đó là ngoại hư không giới.
Nếu hư không giới thuộc nội sắc và hư không giới thuộc ngoại sắc hòa hợp làm một thì giới này chỉ là giới. Quán hư không giới này tất cả đều không phải là ngã, không phải là ngã sở, cũng không phải tự ngã của ngã. Như vậy thấy biết đúng đắn như thật về hư không giới thì tâm lìa được dục.
Quán như vậy rồi tâm không còn buông lung thấy rõ không giới này đều không phải là ngã, không phải là ngã sở, cũng chẳng phải tự ngã của ngã không có tác giả, cũng không có người thọ nhận. Biết vậy rồi thì tâm lìa bỏ dục.
Thức giới là gì?
Nghĩa là mười hai nhập do trong và ngoài hòa hợp lại với nhau. Như nhãn thức thấy vật, ý thức phân biệt. Như vậy, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức gọi là thức giới, trong đó ý là căn bản. Nên tất cả đều do ý thức nhận biết.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:
Ý dẫn đầu các pháp
Ý có sức nhanh chóng
Đầu tiên ý chuyển động
Đưa đến nói và làm.
Rũ sạch các nghiệp ác
Có thể biết chuyển sinh
Biết rõ quả báo nghiệp
Thì đạt chỗ bất tử.
Hay chế ngự các căn
Thích làm lợi chúng sinh
Giữ các căn tịch tĩnh
Là Tỳ Kheo an ổn.
Cỡi chiếc xe sáu căn
Giết được giặc tâm dục
Trí dũng hành lan nhã tịch tĩnh
Đến được nơi tịch tĩnh.
Chỗ thanh vắng biết đủ
Nằm đất cảm thấy vui
Hay dứt sạch pháp ác
Như gió tan mây mù.
Thân khẩu nghiệp đều thiện
Ưa thích tạo điều lành
Thấy rõ nhiệt tâm làm
Có thể phá quân ma.
Các dục không thể trói
Tâm thiện không tham đắm
Có nhiều tâm từ bi
Xuất gia làm Tỳ Kheo.
Cảnh giới là nhân trói
Ai không ưa thích sắc
Được tịch tĩnh thù thắng
Đến chốn không khổ não.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đà La Ni Tập - Phần Hai Mươi Mốt - Công đức Thiên Pháp
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tiễn
Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa đại Bi Phân đà Lợi - Phẩm Hai Mươi Bảy - Phẩm Hiện Phục Tạng Bố Thí
Phật Thuyết Kinh chánh Pháp Hoa - Phẩm Hai Mươi Mốt - Bồ Tát Dược Vương
Phật Thuyết Kinh Con đường Tu Hành - Phẩm Mười Sáu - Thiên Nhĩ
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Bốn Mươi Ba - Phẩm Vô Tác