Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Bảy Mươi

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM SÁU

PHẨM QUÁN THIÊN

DẠ MA THIÊN  

TẬP BẢY MƯƠI  

Thấy việc đó Chư Thiên rất nhàm chán kinh sợ, cùng nhau quan sát rồi nói kệ:

Nhỏ nhiệm khó hiểu biết

Đi hết thảy mọi nơi

Nghiệp này khiến chúng sinh

Trôi lăn trong các nẻo.

Người nào khinh Hiền Thánh

Thích làm việc tà kiến

Không tin vào nghiệp quả

Chết sẽ vào địa ngục.

Người nào ôm lòng ác

Dùng pháp lừa dối người

Còn sống bị người ghét

Khi chết vào địa ngục.

Ai say đắm dục lạc

Thường gây tạo nghiệp ác

Bị dục lạc lừa dối

Chết sẽ vào địa ngục.

Nếu được vui rốt ráo

Đó mới là an ổn

Vui mà chịu quả khổ

Đó chẳng phải là vui.

Các vị Thiên phóng dật

Thoái đọa khỏi Cõi Trời

Ai có đầy đủ pháp

Được bậc trí khen ngợi.

Vui chơi trong vườn cây

Thích ngắm các Thiên Nữ

Không biết chán cảnh dục

Do đó bị thoái đọa.

Do thú vui tăng lên

Khát ái càng tăng thêm

Bậc trí tuệ dạy rằng

Dứt ái là tốt nhất.

Ta thấy thân trung ấm

Trở nên rất nhàm chán

Ai sẽ cứu giúp ta

Làm cho ta giải thoát.

Thấy đủ loại trung ấm, Chư Thiên sinh tâm nhàm chán. Biết tâm Chư Thiên đã được điều phục, Vua Trời Dạ Ma Mâu Tu Lâu Đà dẹp bỏ hóa Thiên và hiện nguyên hình lặng lẽ trang nghiêm.

Thấy Thiên Chủ, Chư Thiên trở nên an ổn, đến nhiễu quanh rồi đứng về một phía, sinh tâm kính trọng, hết sức vui mừng nghĩ rằng: Ta đã gặp chủ. Sau khi thấy vô số việc dữ, các vị Thiên thật đều sinh tâm nhàm chán.

Khi ấy, Vua Trời Dạ Ma bảo Thiên Chúng: Vì sao hôm nay các ông không ca múa, vui chơi ở vườn cây, ao hoa và các ngọn núi châu báu xinh đẹp?

Thiên Vương quan sát xem Thiên Chúng đã nhàm chán hay chưa?

Nghe Vua Trời hỏi, Chư Thiên bạch: Ở vườn cây và ngọn núi bảy báu nào có thú vui, chúng con đều thấy vô lượng sinh tử và khổ não khác nhau, chính mắt chúng con thấy tất cả dục lạc đều vô thường và đưa đến khổ đau. Dục lạc thật là vô thường, không bao lâu sẽ hư hoại, không chắc chắn, chẳng có gì vui.

Nghe Chư Thiên nói, Vua Trời Dạ Ma bảo họ: Các ông nên biết, tất cả dục lạc đều đưa đến khổ đau.

Chư Thiên bạch với Thiên Vương: Chúng con đã hiểu dục lạc là nguồn khổ lớn.

Vua Trời Dạ Ma bảo Chư Thiên: Ta có thể chỉ bày rõ về vô lượng khổ não của tất cả sinh tử. Nay ta sẽ nói một phần nhỏ cho các ông nghe để trong ngàn ức kiếp các ông không còn phóng dật và thường làm việc lành nơi hai đường Trời, người. Ai bỏ được phóng dật là người có trí tuệ. Nếu duyên phóng dật đến ta phải tránh xa nó. Ai không bị phóng dật sai khiến thì không bị đọa nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Thiên Chủ lại bảo Chư Thiên: Hôm nay ta sẽ nói cho các vị nghe về ba đường ác và hai đường lành. Hai đường lành là Trời và người. Ba đường ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Ta có thể chỉ bày sự khổ lớn trong năm đường nhưng chỉ nói tóm lược.

Ở trong Cõi Trời, người có mười sáu loại khổ là:

1. Khổ trung ấm.

2. Khổ ở trong thai.

3. Khổ khi ra khỏi thai.

4. Khổ vì tìm kiếm thức ăn.

5. Khổ vì phải gặp kẻ oán ghét.

6. Khổ vì xa người mình thương.

7. Khổ vì lạnh nóng.

8. Khổ vì bệnh.

9. Khổ bị người sai khiến.

10. Khổ vì tìm kiếm việc làm.

11. Khổ vì gần bạn ác.

12. Khổ vì vợ con họ hàng bệnh hoạn, khổ não.

13. Khổ vì đói khát.

14. Khổ bị người khinh chê.

15. Khổ vì già.

16. Khổ khi chết.

Mười sáu nỗi khổ đó là nỗi khổ lớn của con người ở thế gian từ lúc sinh ra cho đến khi chết. Ngoài ra còn có nhiều nỗi khổ khác là ở trong đường sinh tử không thể chịu đựng, các pháp hữu vi không có một chút vui, mọi thứ đều vô thường, đều bị hư hoại, diệt vong.

Đầu tiên, nói về những nỗi khổ mà thần thức phải chịu khi vào thân trung ấm. Nó bị gió nghiệp thổi. Gió này không bị ngăn ngại và không thể dùng nhục nhãn, thiên nhãn để thấy nó. Nếu sinh làm người họ sẽ sinh vào dòng họ thuộc các bậc thượng, trung, hạ, nhờ quả báo bố thí, giữ giới, tu tập trí tuệ, khi sắp sinh, thức này ở trong giai đoạn trung ấm như là hương khí cũng được thức ăn tương tự.

Nếu sắp sinh vào dòng họ bần cùng thì nó phải ăn thức ăn thô nhám, sắc, thanh, hương, vị, xúc đều thô xấu, thân nhỏ và hèn kém, do ít bố thí nên họ không được quả báo tốt. Đó là nỗi khổ ở trong thân trung ấm của loài người.

Nỗi khổ thứ hai là ở trong thai. Do nghiệp phiền não nên họ sinh vào nhà bần cùng. Người mẹ ăn những thức ăn thô nhám, đắng cay, gân, màng nhầy, chỉ có chút ít chất bổ vào rốn làm cho đứa bé trong thai gầy ốm, xấu xí, khí lực yếu ớt.

Do mẹ mệt nhọc nên đứa con ở trong thai rất khổ não, xoay qua lại để tránh đau đớn. Khi mẹ ăn đồ lạnh nóng nó liền chịu khổ không ai cứu được, không thể kêu la. Nó bị chìm trong phân và nước tiểu chịu vô số khổ. Nỗi khổ thứ nhì của con người còn như vậy huống gì là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Nỗi khổ thứ ba là lúc ra khỏi thai bị thai tạng dồn ép giống như ép dầu. Đó là nỗi khổ lớn.

Lại nữa, lúc mới sinh thân mềm mại giống như cục sữa, như bẹ chuối, hoặc như quả chín. Cô mụ đưa tay đón đứa bé, tay bà ta cứng nhám nứt nẻ, mặt bà ta rộng và đáng ghét, móng tay bén, mặt mày xấu xí. Khi bà ta đưa tay ẵm, đứa bé cảm thấy như bị lửa thiêu hoặc dao cắt.

Thân đứa bé rất mềm mại nên khi người mẹ đụng vào nó rất đau đớn. Nếu có được áo mới thì nó thô rít, dày và nặng. Nếu được áo cũ rách rưới may vá lỗ chỗ có nhiều lỗ hổng, chật và mỏng như là đan bằng cỏ thì lúc Trời lạnh đứa bé sẽ chịu khổ vì rất lạnh và khi Trời nóng sẽ giống như lửa đốt.

Do xưa kia làm việc bố thí không trong sạch nên nay nó phải chịu khổ não này. Từ trong thai sinh ra, đứa bé chịu khổ não rất lớn. Lại do việc bố thí bất tịnh nên khiến cho người mẹ ít sữa. Vì ăn uống thiếu thốn nên người mẹ ít sữa làm cho đứa bé gầy ốm, xấu xí, thân thể chỉ còn da bọc xương. Do đói khát bệnh tật nên thân thể đứa bé yếu ớt.

Nếu không có đồ ăn nó phải đi xin người khác và bị khinh rẻ nhưng chỉ được chút ít đồ ăn thức uống lạt lẽo, thiếu sắc hương vị. Nó phải sống dựa vào người khác một cách khổ sở, vì ăn uống thiếu thốn như vậy nên nó thường bệnh đau. Do xưa kia không khéo bố thí nên cho đến khi chết họ thường không được no đủ và thường chịu khổ não vì ăn uống thiếu thốn.

Lại nữa, khổ não thứ tư là nỗi khổ vì tìm kiếm thức ăn. Do bị đói khát hành hạ nên họ làm việc trộm cướp gây ra nghiệp ác, làm việc không lợi ích hoặc làm việc nặng đến nỗi mất mạng, hoặc chịu khổ sở mà chết. Nỗi khổ nặng nhất trong các thứ khổ là đói khát.

Khi ấy, Vua Trời Dạ Ma Mâu Tu Lâu Đà nói kệ cho Chư Thiên nghe:

Sinh tử rất khổ não

Nhưng không bằng đói khát

Chúng sinh vì đói khát

Mà gây các nghiệp ác.

Lửa trong thân phát ra

Gọi là khổ đói khát

Đói khát thiêu ba cõi

Như lửa dữ đốt rừng.

Lửa dữ ở thế gian

Không cháy đến đời sau

Lửa đói khát khó dứt

Cho đến trăm ngàn kiếp.

Người ngu gây nghiệp ác

Đi con đường hiểm ác

Đều là do ăn uống

Người trí nói như vậy.

Đói khát có sức mạnh

Còn hơn cả lửa dữ

Chúng sinh trong ba cõi

Đều do ăn mà sống.

Người nào ở thế gian

Có các loại của cải

Tất cả đều do ăn

Tạo ra biển ba cõi.

Vua Trời Dạ Ma Mâu Tu Lâu Đà đã nói cho Chư Thiên nghe bài kệ đó.

Lại nữa, này Chư Thiên! Người thế gian còn có nỗi khổ thứ năm là khổ vì phải gặp kẻ oán ghét.

Khổ này gồm có sáu loại là: Mắt thấy người mình ghét… thì tâm không ưa thích, không thương xót. Khi thấy sắc thân người ấy, tâm ta liền bị não loạn, tâm và tâm sở phát sinh lo sợ, không được lợi ích, tâm và tâm sở phát sinh khổ não. Trong tất cả sự thù ghét, sự thù ghét bậc nhất là thấy thân tướng của kẻ thù và bạn ác.

Lại nữa, khổ vì phải gặp kẻ oán ghét thứ hai là khi nghe âm thanh của kẻ ấy mình không được lợi ích, không ưa thích nên tâm sinh rối loạn, khổ não. Đó chính là khổ vì phải gặp kẻ oán ghét. Âm thanh đáng ghét nhất là âm thanh ngược với pháp chân chánh.

Do âm thanh đáng ghét ấy, khi chết ta bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu phải nghe âm thanh không đáng ưa, không lợi ích thì ta sẽ bị tâm xấu làm rối loạn vì ta không ưa thích, không thương xót người ấy. Đó là khổ vì phải gặp kẻ oán ghét.

Khổ vì phải gặp kẻ oán ghét thứ ba là khi mũi ngửi mùi không ưa thích thì tâm không tùy thuận, ngửi thấy mùi ấy thì tâm liền phát sinh khổ não. Đó là sự tụ hợp của những việc xấu xa không đáng ưa. Này Chư Thiên, đó là sự tụ hợp những điều không đáng ưa của con người.

Người nào ngu si không có trí tuệ, khi đi hoặc ngồi tâm sinh tham đắm, khinh khi ngã mạn không tôn kính Tam Bảo. Khi có người dâng hương cúng dường Phật, Pháp, Tăng, người ấy ngửi mùi hương đó với tâm tham dục.

Vì vậy khi chết người đó đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Vì tham đắm thân mà thân tâm người đó trở nên bất tịnh và khi chết sẽ đọa vào địa ngục. Này Chư Thiên đó là khổ vì phải gặp kẻ oán ghét của con người.

Lại nữa, khổ vì phải gặp kẻ oán ghét thứ tư là: Người ngu si độc ác tham đắm mùi vị mà gây nghiệp ác. Do nghiệp ác nên khi chết họ bị đọa vào địa ngục.

Người nào chẳng phải Sa Môn mà hiện tướng Sa Môn, bên trong mục nát giống như tiếng ốc, hoặc ở chùa, hoặc ở nhà dân, người này chẳng phải là Sa Môn lại đắp y Sa Môn, thường tham đắm thức ăn ngon và bị mùi vị trói buộc. Do đó khi chết, họ bị đọa nơi địa ngục.

Lại có Tỳ Kheo biếng nhác, xả bỏ vị ngọt của thiền, đi khắp nơi để tìm thức ăn ngon, tâm thường thèm ăn. Do biếng nhác khi chết họ bị đọa vào địa ngục. Này Chư Thiên, đó là do tham đắm mùi vị và gặp những điều không ưa thích nên họ bị khổ não.

Lại nữa, này Chư Thiên! Khổ do phải gặp kẻ oán ghét thứ năm của con người là sự xúc chạm của thân. Do bị nó trói buộc nên tâm không khéo tư duy, không sống đúng pháp, không có chánh niệm.

Người ác đó bị cảnh ác trói buộc nên khi chết bị đọa vào địa ngục. Này Chư Thiên, đó là sự tụ họp những điều không đáng ưa sinh ra khổ não trong loài người.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần