Phật Thuyết Kinh Chứng Khế đại Thừa - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường
PHẬT THUYẾT
KINH CHỨNG KHẾ ĐẠI THỪA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Địa Bà Ha La, Đời Đường
PHẦN HAI
Đánh đập giận mắng chửi
Ác độc khổ đều nhẫn.
Tâm chưa từng hối hận
Cũng chẳng sinh ác tâm
Đối với các chúng sinh
Không tổn thương, hiềm khích
Mắt từ xem chúng sinh
Khắp đều như con cả.
Để thoát khổ độc lớn
Vô lượng trăm ngàn ức
Trong đời đời kiếp kiếp
Luôn tu hạnh nhẫn lớn
Xưa là Tiên Đại Nhẫn
Tu đạo diễn pháp mầu
Vương phi cùng cung nữ
Hoan hỷ lại nghe pháp
Vua tức, ghen đại nhẫn
Tâm an vui nhẫn nhục
Bậc Thánh tu vững tiến
Ức kiếp chẳng nghĩ màng
Tâm tà vạy, yếu đuối
Thường ngăn không để khởi.
Chí lớn luôn siêng năng
Khai ngộ Phật bồ đề
Lại lấy đạo bồ đề
Soi sáng khắp tất cả.
Xưa làm hạnh khó làm
Siêng năng không biếng nhác
Cúng dường và tôn trọng
Vô lượng các Như Lai
Cho đến vì chúng sinh
Mà ở nơi sinh tử
Thuận theo làm tôi tớ
Biết bao phương tiện dẫn
Vô lượng trăm ngàn kiếp
Siêng năng tu khổ hạnh
Tích góp tu pháp Phật
Mong chứng ngôi vô thượng.
Thuở xưa tu thiền định
Tịch tĩnh điều phục tâm
Tứ Thiền và ngũ thông…
Vô sắc đều đạt đến
Suy nghĩ về tam muội
Vô lậu định trọn đầy.
Khi xưa tu bát nhã
Đầy đủ trí vô lậu
Biết rõ pháp tánh không
Huyền, hư, giả, dối, hoặc
Không có ta, chúng sinh.
Thọ mạng và nuôi dưỡng.
Sống là nhân, nghiệp chuyển
Phiền não liên tục trói
Cõi dục thường bất tịnh
Bốn phiền não nhiễm đầy
Cõi chúng sinh thanh tịnh
Mới biết gốc phiền não
Được thanh tịnh chân thật
Thấy chúng sinh kiếp trước
Thí, giới, nhẫn, tấn, định,
Trí tuệ đều vượt qua.
Vì nghĩa gì khai mở?
Phương tiện và trí độ
Phước thù thắng vô biên
Thẳng đến ngôi Chánh Giác
Siêng tu thân, khẩu, ý.
Chứng quả Phật chân thật
Con nay cúi đầu lạy
Bậc cha lớn thế gian.
Con nguyện ở đời sau
Sẽ thành Phật Chánh Giác.
Khi ấy, chủ Tỳ Tỳ Sản dùng kệ ca tụng Đức Phật xong, đem vô lượng, vô số vòng hoa đẹp nhất, hương đốt, hương xoa, hương bột, y phục, cờ hiệu, lọng, phướn, kèn trống, các thứ âm nhạc ca hát khen tụng, cùng thuộc hạ một lòng chí thành, cung kính như pháp cúng dường Phật và các chúng Thanh Văn, Bồ Tát.
Lúc đó, Tỳ Tỳ Sản bạch: Bạch Thế Tôn! Con có vài điều muốn thưa Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác, nguyện thương xót chấp nhận cho.
Phật bảo Tỳ Tỳ Sản: Ông cứ hỏi, tùy theo ý của ông, ta sẽ giải thích nói rõ.
Chủ Tỳ Tỳ Sản được Phật cho phép, tức liền thưa: Bạch Thế Tôn! Ý nghĩa chúng sinh như thế nào?
Phật bảo Chủ Lăng Già: Chúng sinh là: Do các tánh, tưởng hòa hợp. Đó là đất, nước, lửa, gió, không, thức, danh sắc, giới, nhập, duyên khởi và nhân, nghiệp, quả, hợp hội đối đãi nhau mà sinh ra.
Như cỏ lau mọc trên đất, hoặc chấp ngã, hoặc chấp chúng sinh, con người, người nuôi dưỡng, người trượng phu, hoặc gọi Phú Già La, hoặc xưng Ma Na Bà, hoặc gọi trí, hoặc là nhìn thấy, hoặc là tạo tác, thọ nhận, suy nghĩ.
Này Chủ Lăng Già nên biết! Chúng sinh đều tưởng như vậy.
Tỳ Tỳ Sản lại bạch: Kính bạch Thế Tôn! Những chúng sinh ấy lấy gì làm nguồn gốc?
An trụ chỗ nào?
Lưu chuyển ra sao?
Đức Phật dạy: Tất cả chúng sinh lấy vô minh làm gốc, an trụ vào ái, lưu chuyển theo nghiệp.
Tỳ Tỳ Sản thưa: Bạch Thế Tôn! Nghiệp có mấy loại?
Đức Phật nói: Này Chủ Lăng Già! Có ba loại nghiệp và ba loại tướng của nghiệp.
Thế nào là ba nghiệp?
Đó là nghiệp thân, nghiệp khẩu, nghiệp ý.
Thế nào là ba tướng của nghiệp?
Đó là tướng thiện, tướng bất thiện và tướng thiện bất thiện.
Tỳ Tỳ Sản thưa: Kích bạch Thế Tôn!
Vì sao chúng sinh chết rồi lại thọ sinh?
Khi bỏ thân này lại thọ thân mới như thế nào?
Đức Phật nói: Này Chủ Lăng Già! Thân của chúng sinh chết rồi, nhưng thần thức theo gió nghiệp lưu chuyển thọ nhận quả do nghiệp thiện, bất thiện, thiện bất thiện đã tạo tác. Và theo như những nghiệp thiện đó dẫn đến nhận lấy báo thân, hoặc thọ noãn sinh, hoặc thọ thai sinh, hoặc thọ thấp sinh, hoặc thọ hóa sinh đều là theo gió nghiệp vận hành một cách tất nhiên.
Tỳ Tỳ Sản thưa: Kính bạch Thế Tôn! Chúng sinh chết rồi thọ thân trung ấm, khi chưa thọ thân mới thì trụ ở đâu?
Đức Phật nói: Này Chủ Lăng Già! Ý đó thế nào?
Như hạt giống nảy mầm thì hạt giống diệt trước mầm sinh ra sau, vì mầm sinh ra trước hạt giống diệt sau, hạt giống diệt thì phải trải qua thời gian lâu mầm mới sinh ra.
Tỳ Tỳ Sản thưa: Bạch Thế Tôn! Không phải hạt giống diệt trước rồi mầm mới sinh sau, không phải mầm sinh trước rồi hạt giống mới diệt sau, sinh diệt đồng lúc, không trước không sau.
Đức Phật nói: Này Chủ Lăng Già! Không phải thân cũ sau khi thức diệt rồi thì thân mới, mới bắt đầu thức sinh ra. Cũng không phải thân mới mới bắt đầu thức sinh rồi thì thân cũ sau đó thức mới diệt, sinh diệt cùng lúc không có trước không có sau.
Này Chủ Lăng Già! Như nói di trùng bò đi, đầu đến chỗ nào thì toàn thân theo đến đó, không di chuyển một phần trước dễ gì mà đi, như vậy không có thức gá vào thân thì toàn cả thức đều thuộc vào đó, một khi đã nương gá thì không xa lìa cho đến chết mới rời bỏ.
Tỳ Tỳ Sản thưa: Nếu như vậy thì có thân trung ấm không?
Đức Phật đáp: Này Chủ Lăng Già! Như chúng sinh thuộc noãn sinh sinh ra từ trứng bỏ thân nương gá vào noãn trứng do gió nghiệp lực kết tụ lại ở trong trứng mà không biết, đến lúc trứng thành thục thì thức mới phân biệt. Vì nghiệp, pháp như thế. Vì nghiệp lực nên chúng sinh thuộc noãn sinh khi trứng chưa đến lúc thành thục không nhận biết gì được.
Lại như, Vua Chuyển luân và con của Vua Chuyển luân, do bởi phước nghiệp nên lúc thọ thân, không bị thai uế làm ô nhiễm, không bị thai uế lẫn lộn, bởi không nhiễm thai uế nên phần nhiều là hóa sinh. Hoặc như thai sinh liền có phôi thai không nhiễm thai uế, đến lúc thành thục rồi thì tách phôi mà ra.
Này Chủ Lăng Già! Nên hiểu thân trung ấm là thế.
Tỳ Tỳ Sản thưa: Bạch Thế Tôn! Thần thức mức độ ra sao?
Có hình sắc gì?
Phật nói: Này Chủ Lăng Già! Thức không có hạn lượng, không sắc không hình, không thể hiển hiện, không ngăn ngại, không tương tự, không an trụ, không hình dạng.
Tỳ Tỳ Sản thưa: Bạch Thế Tôn! Thể của thức không hạn lượng, không sắc không hình, không thể hiển hiện, không ngăn ngại, không tương tự, không an trụ, không hình dạng, thì há không phải đoạn dứt tướng ư?
Phật nói: Không phải.
Này Chủ Lăng Già! Nay ta lấy ví dụ để khai mở tâm ngươi khiến cho ngươi tỏ ngộ, như ngươi đang ở trong cung điện của mình, có thể nữ, bộ thuộc hầu hạ vây quanh, giường nằm trải đủ các thứ ưa thích, vô số thứ đẹp dùng trang điểm nơi thân.
Lúc đó, không nghĩ trong vườn cây lớn rải các thứ hoa đẹp phát ra, hoặc theo gió nhẹ nhàng thổi, hoặc gió mạnh nổi lên, không nghĩ hương thơm từ cây bay vào cung điện.
Này Chủ Lăng Già! Ý đó thế nào?
Gió thơm ấy có thể ngửi biết không?
Tỳ Tỳ Sản thưa: Bạch Thế Tôn! Có thể phân biệt biết rõ.
Này Chủ Lăng Già! Cũng có thể phân biệt biết hương thơm của hoa gì không?
Bạch Thế Tôn! Có thể phân biệt biết.
Này Chủ Lăng Già! Nhờ ngửi nên có thể biết, nhưng có thể thấy thể của hương thơm có hạn lượng hình sắc không?
Tỳ Tỳ Sản thưa: Bạch Thế Tôn! Không thể được.
Vì sao?
Vì thể của hương không có sắc hiển hiện, không thể nắm giữ, không có tương tự giống, không hình dạng, không an trụ, lẽ nào thấy được hạn lượng, hình sắc ấy!
Này Chủ Lăng Già! Ý đó thế nào?
Đâu phải vì ngươi không thể thấy thể hương thơm có hạn lượng hình sắc mà cho là đoạn dứt tướng.
Tỳ Tỳ Sản thưa: Bạch Thế Tôn! Không thể. Nếu đã đoạn dứt tướng thì đâu thể ngửi biết.
Đúng vậy! Đúng vậy! Này Chủ Lăng Già! Nếu thể của thức chấm dứt tức không có tướng sinh tử rõ ràng.
Này Chủ Lăng Già! Nên biết thể của thức rất thanh tịnh vi diệu, nhưng bị nhiễm bởi khách trần ô nhiễm như bị vô minh che lấp, khao khát ái dục, nhiễm dần thành nghiệp… ví như hư không vốn trong sạch, nhiệm mầu, nhưng bị vẩn đục bởi khói, mây, bụi bặm, sương mù bốn thứ.
Này Chủ Lăng Già! Thể của thức thanh tịnh không sắc, không hạn lượng, không nắm giữ, không gì ngăn được. Khách trần nhiễm uế cũng như vậy.
Vì sao?
Vì thật trí quán sát hoàn toàn không có chúng sinh, không sinh mạng, không sinh ra, không có trượng phu, không có Phù Dà La, không nhận biết, không tưởng, không thọ, không làm, không nghe, cho đến không có sắc, thọ, tưởng, hành…
Này Chủ Lăng Già! Thật trí quán sát rõ ràng không có đủ đắc, tự tánh các pháp đều hòa hợp sinh ra không có tánh khác.
Này Chủ Lăng Già! Nên tu tập như thế tức thành chúng sinh chân thật, vi diệu, chớ hướng theo cõi sinh tử rỗng không.
Thế nào là chúng sinh chân thật?
Đó là sớm chứng đắc đại trí.
Lúc đó, Đức Thế Tôn nói kệ: Bị nghiệp dắt lưu chuyển
Chưa đạt tám Thánh đạo Thoát nghiệp được vô lậu Làm lợi ích cho đời.
Bấy giờ, Tỳ Tỳ Sản lại bạch: Kính bạch Thế Tôn!
Cảnh giới của chúng sinh vô lượng, vô biên như cát trong Sông Hằng, để được vượt qua ba cõi rộng lớn như biển ấy, hoặc dùng Thanh Văn thừa vượt qua, hoặc dùng Độc Giác thừa vượt qua, chứng đắc đại trí vô thượng thành bậc Đẳng Chánh Giác, không có bờ mé không có tận cùng, vô lượng vố số, tương lai cũng vậy.
Dùng ba thừa để vượt qua sớm chứng đắc Niết Bàn, số ấy vô lượng, vô biên như cát trong sông Hằng, mà cảnh giới của chúng sinh không tăng không giảm.
Bạch thế Tôn! Con thấy việc này không biết chỗ nào bỏ nghiệp?
Phật nói: Này Chủ Lăng Già! Chớ bỏ nghiệp.
Vì sao?
Vì cảnh giới của chúng sinh không có bắt đầu không có kết thúc, cảnh giới hư không và pháp giới cũng như vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bi đại ái - Phẩm Mười Chín - Phẩm Chấm Dứt Lậu Hoặc
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Năm Mươi Năm
Phật Thuyết Kinh Bát Dương Thần Chú
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Mười Tám - Phẩm Tu Trị địa - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Mười Tám - Pháp Hội Hộ Quốc Bồ Tát - Phần Sáu