Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Cứu Cánh Kiên Cố Và Mật Nhân Của Như Lai Về Chư Bồ Tát Vạn Hạnh để Tu Chứng Liễu Nghĩa - Phần Mười Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Lạt Mật Đế, Đời Đường

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI PHẬT ĐẢNH CỨU CÁNH

KIÊN CỐ VÀ MẬT NHÂN CỦA NHƯ LAI

VỀ CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH ĐỂ TU

CHỨNG LIỄU NGHĨA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Lạt Mật Đế, Đời Đường  

PHẦN MƯỜI BỐN  

Bạch Thế Tôn! Con và những vị Hữu Học thuộc hàng Thanh Văn thì cũng lại như vậy. Từ vô thỉ, chúng con sanh ra trong vô minh và diệt mất trong vô minh. Mặc dù chúng con đa văn, có thiện căn, và còn được xuất gia, nhưng chúng con như những kẻ cách vài ngày lại bị sốt. Kính mong Như Lai đại từ mà thương xót cho những kẻ chìm đắm trong luân hồi.

Làm sao thân và tâm của chúng con hôm nay bị siết buộc và chúng con phải gỡ trói từ đâu?

Xin Thế Tôn hãy chỉ dạy và hầu cũng khiến cho những chúng sanh khổ nạn ở vị lai được thoát miễn luân hồi và không còn rơi vào ba cõi.

Khi tác bạch xong, Ngài Khánh Hỷ cùng toàn thể đại chúng cúi đầu đảnh lễ sát đất. Rồi Tôn Giả rơi lệ như mưa và thành tâm chờ đợi lời khai thị vô thượng của Đức Phật Như Lai.

Lúc bấy giờ Thế Tôn thương xót Ngài Khánh Hỷ cùng những vị hữu học ở trong Pháp Hội, và cũng vì hết thảy chúng sanh ở vị lai mà làm nhân xuất thế và làm con mắt cho tương lai. Đức Phật dùng bàn tay xoa lên đỉnh đầu của Ngài Khánh Hỷ, và từ nơi đó phóng ra ánh sáng vàng tím như vàng ở dưới sông tại châu Thắng Kim.

Lập tức khắp Thế Giới của Chư Phật đều chấn động sáu cách. Số lượng Như Lai đang trụ thế nhiều như vi trần, mỗi vị phóng ra ánh sáng báu từ đỉnh đầu. Những ánh sáng đó đồng thời ở các Thế Giới kia chiếu đến Rừng cây Chiến Thắng và rót vào đỉnh đầu của Như Lai. Khi ấy toàn thể đại chúng được điều chưa từng có.

Tiếp đến Tôn Giả Khánh Hỷ và các đại chúng đều nghe chư Như Lai trong mười phương nhiều như vi trần, dị khẩu đồng âm, bảo Ngài Khánh Hỷ rằng: Lành thay, Khánh Hỷ! Ông muốn nhận biết vô minh đã sanh cùng lúc với ông, là căn gốc kết buộc đã khiến ông luân chuyển trong sanh tử, chính là sáu căn của ông không có vật nào khác.

Ông lại muốn biết Đạo vô thượng để khiến ông mau chứng giải thoát an lạc, tịch tĩnh vi diệu và thường hằng, thì cũng sẽ do sáu căn của ông không có vật nào khác.

Tôn Giả Khánh Hỷ tuy nghe Pháp Âm như thế, nhưng tâm vẫn chưa hiểu.

Ngài cúi đầu và bạch Phật rằng: Làm sao sáu căn này mà không phải bất cứ vật nào khác, đã khiến con sanh tử luân hồi mà đồng thời cũng sẽ giúp con được an lạc vi diệu thường hằng?

Phật bảo Ngài Khánh Hỷ: Căn và trần đồng đến từ một nguồn gốc. Giải thoát và trói buộc chẳng phải hai. Tánh của thức là hư vọng và tựa như hoa đốm.

Này Khánh Hỷ! Do bởi các trần mà phát khởi tri kiến, và nhân bởi các căn mà có tướng. Tướng và tri kiến đều chẳng có tự tánh. Chúng phụ thuộc lẫn nhau, tựa như cỏ lau đan siết với nhau. Cho nên ông nay dựa vào tri kiến để nhận biết, nhưng nó chính là gốc của vô minh. Nếu nhận biết tri kiến vốn không thì chính là chân tánh thanh tịnh, tịch diệt vô lậu.

Tại sao ông lại chứa thêm vật khác vào trong chân tánh chứ?

Lúc bấy giờ Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa lý ở trên nên nói kệ rằng:

Hữu vi rỗng không trong chân tánh

Do từ duyên sanh nên như huyễn

Vô vi vô khởi bất sanh diệt

Nhưng cũng chẳng thật như hoa đốm

Giảng nói hư vọng để hiển chân

Nhưng vọng lẫn chân đều hư vọng

Bởi chân và vọng vốn phi chân

Năng kiến sở kiến làm sao có?

Ở giữa hai chúng không thật tánh

Cho nên đan siết như cỏ lau

Trói buộc giải thoát đồng sở nhân

Thánh Nhân phàm phu chẳng hai lối

Ông hãy quán sát trong tánh siết

Có không cả hai đều chẳng phải

Si mê tối tăm tức vô minh

Phát huy diệu minh liền giải thoát

Tháo gút cần phải theo thứ tự

Khi sáu đã gỡ một cũng vong

Tuyển chọn một căn đắc viên thông

Bước vào dòng thánh thành chánh giác

Như Lai tịnh thức rất vi tế

Tập khí kết thành dòng chảy xiết

Chân với phi chân e sẽ mê

Nên ta hiếm nói về điều ấy

Khi tâm của ông giữ tâm ông

Phi huyễn sẽ thành pháp huyễn hóa

Huyễn và phi huyễn chẳng nắm giữ

Phi huyễn mà còn chẳng sanh ra

Huống là huyễn pháp sao thành lập?

Pháp này gọi là diệu liên hoa

Kim cang kiên cố bảo giác vương

Như huyễn chánh định ai tu hành

Thoáng khảy móng tay vượt vô học

Đây là diệu pháp không gì sánh

Chư Phật Như Lai khắp mười phương

Một đường thẳng đến tịch diệt môn.

Khi Ngài Khánh Hỷ và các đại chúng nghe được bài kệ giáo hối từ bi vô thượng của Đức Phật Như Lai, kết hợp với diệu lý thanh tịnh oánh triệt, mắt tâm của họ mở sáng và tán thán là điều chưa từng có.

Ngài Khánh Hỷ chắp tay đảnh lễ, rồi thưa với Phật rằng: Nhờ lòng đại bi vô tận của Phật mà con nay nghe được Pháp cú chân thật về tánh tịnh diệu thường hằng. Tuy nhiên, tâm con vẫn chưa thông đạt phương pháp thứ tự tháo gút và khi sáu đã gỡ ra thì một cũng sẽ tiêu vong. Kính mong Thế Tôn rủ lòng đại từ mà xót thương chúng hội này thêm một lần nữa và cũng như chúng sanh ở vị lai, xin hãy ban thí pháp âm để tẩy trừ cáu bẩn của trầm luân.

Bấy giờ Như Lai vẫn đang ngồi ở trên tòa sư tử, Ngài chỉnh sửa áo trong và đại y khoác ở ngoài, rồi đưa tay tới cái bàn bảy báu ở trước mặt để lấy tấm khăn choàng hoa văn mà một vị thiên thần ở Trời Thiện Thời đã dâng lên.

Ở trước đại chúng, Thế Tôn buộc nó thành một nốt gút, rồi chỉ cho Ngài Khánh Hỷ thấy và bảo rằng: Đây là gì?

Ngài Khánh Hỷ và đại chúng đều thưa với Phật rằng: Dạ đó là một nốt gút.

Tiếp đến Như Lai buộc thành một nốt gút khác chồng lên ở tấm khăn choàng hoa văn và lại bảo Ngài Khánh Hỷ: Và đây là gì?

Ngài Khánh Hỷ và đại chúng lại thưa với Phật rằng: Dạ đó cũng là một nốt gút khác.

Lần lượt như vậy, Đức Phật tổng cộng buộc thành sáu gút chất chồng lên ở tấm khăn choàng hoa văn.

Mỗi nốt gút khi đã buộc xong, Ngài đều cầm lên và hỏi Ngài Khánh Hỷ rằng: Và đây là gì?

Mỗi lần như thế, Ngài Khánh Hỷ và đại chúng cùng đều thưa với Phật rằng: Dạ đó cũng là một nốt gút khác.

Phật bảo Ngài Khánh Hỷ: Khi Ta buộc nốt gút đầu tiên ở tấm khăn choàng, ông nói là một nốt gút. Ngay từ đầu, tấm khăn choàng hoa văn thật sự chỉ là một tấm khăn.

Cho đến lần thứ nhì và thứ ba, tại sao các ông đều gọi là một nốt gút khác?

Ngài Khánh Hỷ bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Mặc dù tấm khăn choàng hoa văn quý báu này được dệt thành và nó vốn là một vật, nhưng theo sự suy nghĩ của con khi Như Lai buộc nó lại thì đó gọi là một nốt gút.

Cho dù Thế Tôn buộc nó một trăm lần thì chúng con vẫn mãi gọi đó là một trăm nốt gút. Hà huống chỉ có sáu nốt gút ở tấm khăn này. Đức Phật đã không buộc thành nốt gút thứ bảy và cũng không dừng lại ở nốt gút thứ năm.

Thế thì tại sao Như Lai chỉ thừa nhận nốt gút thứ nhất nhưng phủ nhận nốt gút thứ nhì và thứ ba?

Phật bảo Ngài Khánh Hỷ: Ông biết tấm khăn choàng hoa văn quý báu này vốn chỉ là một tấm khăn. Khi Ta buộc nó sáu lần thì gọi là có sáu nốt gút. Ông hãy quán sát tường tận, thể của tấm khăn thì giống nhau, nhưng nhân bởi thắt gút mà ông nói rằng nó có sai khác.

Ý ông nghĩ sao?

Khi Ta buộc thành nốt gút đầu tiên thì ông gọi là nốt gút thứ nhất.

Ta nay muốn mang nốt gút thứ sáu để trở thành nốt gút thứ nhất có được chăng?

Dạ không, thưa Thế Tôn! Do bởi có sáu nốt gút, chúng ta vĩnh viễn không thể gọi nốt gút thứ sáu là nốt gút thứ nhất được. Suốt đời con chuyên chú vào sự học hỏi và biện luận, làm sao có thể khiến con lẫn lộn tên gọi của nốt gút thứ sáu và thứ nhất chứ?

Đức Phật bảo: Như thị! Sáu nốt gút chẳng giống nhau. Bây giờ chúng ta hãy thứ tự nhìn lại nguồn gốc hình thành của chúng. Chúng đều do một tấm khăn tạo thành và dù muốn khiến chúng tạp loạn chẳng theo thứ tự thì vĩnh viễn không thể được. Sáu căn của ông thì cũng lại như vậy. Ở trong một cứu cánh, sự khác biệt tất sẽ khởi sanh.

Phật bảo Ngài Khánh Hỷ: Giả sử ông chẳng thích sáu nốt gút ở trong tấm khăn choàng mà chỉ muốn nó là một tấm khăn dài.

Thế thì làm sao sẽ được?

Ngài Khánh Hỷ thưa rằng: Thưa Thế Tôn! Những nốt gút này vẫn còn thì sẽ tự nhiên sanh khởi trái phải ở trong đó. Nốt gút này chẳng phải là nốt gút kia, hoặc nốt gút kia chẳng phải là nốt gút này. Nhưng nếu Như Lai hôm nay giải trừ tất cả và không còn nốt gút nào, thì sẽ chẳng có sự phân biệt đây kia.

Tên gọi của nốt gút thứ nhất mà còn chẳng có, huống nữa là nốt gút thứ sáu ư?

Đức Phật bảo: Khi sáu đã gỡ ra và một sẽ tiêu vong thì cũng lại như vậy. Do sự cuồng loạn về tâm tánh của ông từ vô thỉ nên tri kiến hư vọng phát sanh và những sự phát sanh hư vọng này chưa từng thôi nghỉ. Sự căng thẳng đè lên nhận biết thì sẽ phát khởi trần cảnh.

Đây ví như cứ nhìn trừng mắt đến hồi lâu tức sẽ có hoa đốm. Ở giữa tánh trạm nhiên tinh nguyên minh liễu, sự cuồng loạn khởi sanh mà chẳng do nguyên nhân. Tất cả vạn vật trên thế gian, sơn hà đại địa, và cũng như sanh tử tịch diệt đều chỉ là do căng thẳng cuồng loạn điên đảo và chúng tựa như hoa đốm.

Ngài Khánh Hỷ bạch rằng: Sự căng thẳng này giống như những nốt gút.

Làm sao giải trừ nó đây?

Khi ấy Như Lai dùng tay kéo những nốt gút ở tấm khăn choàng về bên trái, rồi hỏi Ngài Khánh Hỷ rằng: Có phải tháo ra như thế chăng?

Dạ không, thưa Thế Tôn!

Đức Phật lại dùng tay kéo những nốt gút về bên phải, rồi cũng hỏi Ngài Khánh Hỷ rằng: Có phải tháo ra như thế chăng?

Dạ không, thưa Thế Tôn!

Phật bảo Ngài Khánh Hỷ: Ta nay đã dùng tay kéo những nốt gút về bên trái và phải, nhưng ta vẫn không thể tháo ra.

Ông có cách nào để tháo gút chăng?

Ngài Khánh Hỷ thưa với Phật rằng: Thưa Thế Tôn! Ngài phải tháo ra từ ở giữa mỗi nốt gút thì mới nới lỏng chúng được.

Phật bảo Ngài Khánh Hỷ: Như thị, như thị! Nếu ai muốn cởi gút thì họ phải tháo ra từ ở giữa mỗi gút.

Này Khánh Hỷ! Ta thuyết giảng Phật Pháp từ nhân duyên sanh, nhưng các Pháp này không phải nắm lấy từ tướng hòa hợp thô kệch của thế gian. Như Lai hiển thị rõ pháp thế gian và pháp xuất thế gian. Ta biết bổn nhân của chúng tùy theo duyên mà sanh ra.

Thậm chí cho đến có bao nhiêu giọt nước mưa đang rơi ở Thế Giới cách xa các Thế Giới nhiều như số cát Sông Hằng, ta cũng biết được. Ta đều thấu hiểu nguyên do của muôn sự việc ở hiện tiền, như là vì sao cây tùng thẳng đứng, gai góc uốn cong, chim ngỗng màu trắng, hay chim quạ màu đen.

Cho nên, Khánh Hỷ! Ông hãy lựa chọn kỹ càng từ một căn ở trong sáu căn. Nếu ông gỡ nốt gút của căn đó thì trần tướng của nó sẽ tự động diệt trừ và những hư vọng liền tiêu tan.

Vậy những gì còn lại sao không thể là chân thật chứ?

Này Khánh Hỷ! Bây giờ ta hỏi ông, làm sao chúng ta có thể đồng thời tháo gỡ hết sáu nốt gút ở chiếc khăn choàng bông gòn này?

Không thể, thưa Thế Tôn! Do những nốt gút này được buộc theo thứ tự, nên bây giờ chúng cần phải gỡ ra theo thứ tự. Mặc dù sáu nốt gút ở cùng một chiếc khăn choàng, nhưng chúng được buộc ở mỗi thời điểm khác nhau.

Vì vậy làm sao mà có thể đồng thời gỡ ra hết được chứ?

Đức Phật bảo: Giải trừ sáu căn thì cũng lại như vậy. Một khi căn đầu tiên được gỡ ra, họ trước tiên sẽ hiểu rằng ngã là không. Một khi hiểu rõ thấu triệt không tánh, họ sẽ có thể giải thoát khỏi các pháp. Một khi đã giải thoát khỏi các pháp, thì cả ngã lẫn pháp đều không và chẳng còn sanh nữa. Đây gọi là Bồ Tát từ chánh định mà được vô sanh nhẫn.

Khi Ngài Khánh Hỷ và các đại chúng tiếp thọ lời khai thị của Phật, họ được tuệ giác viên thông và không còn hoài nghi.

Bấy giờ Ngài Khánh Hỷ chắp tay, rồi đảnh lễ với trán chạm sát đôi chân của Phật và thưa với Phật rằng: Hôm nay thân tâm của chúng con tỏa sáng và mau được sự hiểu biết vô ngại. Mặc dù chúng con giác ngộ về ý nghĩa khi sáu đã gỡ ra thì một sẽ tiêu vong, nhưng vẫn chưa thấu rõ căn nào sẽ dẫn chúng con đạt đến viên thông.

Thưa Thế Tôn! Chúng con phiêu dạt trong sanh tử đến nhiều kiếp như kẻ xin ăn cô độc.

Chúng con không bao giờ lại ngờ rằng mình sẽ gặp được Phật và có quan hệ mật thiết với Ngài?

Chúng con như các đứa trẻ thất lạc hốt nhiên gặp lại mẹ hiền. Do nhân ấy mà chúng con có cơ hội thành đạo. Nhưng lời mật ngôn mà chúng con nghe được lại đồng như giác ngộ căn bổn. Như thế với việc chưa hề nghe chẳng có khác biệt gì. Kính mong Thế Tôn rủ lòng đại bi mà huệ thí cho con pháp bí mật uy nghiêm và đó sẽ là lời khai thị tối hậu của Như Lai.

Khi nói lời ấy xong, Ngài cúi đầu đảnh lễ sát đất và lui xuống, rồi ẩn tàng vào tâm bí mật và hy vọng Đức Phật sẽ mật truyền cho Ngài.

Lúc bấy giờ Thế Tôn bảo toàn thể chư Đại Bồ Tát và những vị đại Ứng Chân với các lậu đã tận ở trong chúng hội rằng: Chư Bồ Tát và những vị Ứng Chân các ông đây đã sanh trưởng trong pháp của ta và được thành bậc vô học. Ta bây giờ hỏi các ông.

Khi phát khởi đạo tâm lúc tối sơ, cái nào trong mười tám giới mà các ông đã sử dụng để chứng viên thông, và từ phương tiện nào mà vào chánh định?

1. Bấy giờ Tôn Giả Giải Bổn Tế và những vị khác ở trong nhóm năm vị Bhikṣu, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật và thưa với Phật rằng: Khi ở vườn Nai và vườn Gà, chúng con đã nhìn thấy Như Lai thành đạo ở lúc ban sơ.

Khi nghe âm thanh của Phật, chúng con liền giác ngộ bốn Thánh đế. Bấy giờ Đức Phật hỏi các vị Bhikṣu, và con là người liễu giải đầu tiên. Như Lai ấn chứng và đặt tên cho con là giải. Âm thanh vi diệu bí mật đã hiển lộ khắp nơi đến con. Do từ thanh âm mà con được thành bậc Ứng Chân.

Phật hỏi về viên thông. Nhân qua sự chứng đắc của con, quán sát âm thanh là phương pháp đệ nhất.

2. Bấy giờ Tôn Giả Trần Tánh liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật và thưa với Phật rằng: Con cũng thấy Đức Phật thành đạo ở lúc ban sơ. Con quán tướng bất tịnh và sanh tâm nhàm chán vô cùng.

Con giác ngộ rằng các sắc tánh khởi sanh từ bất tịnh. Xương trắng trở thành vi trần và tan biến trong hư không. Do con hiểu rằng hư không và hình sắc đều chẳng thật sự tồn tại nên thành tựu đạo vô học. Như Lai ấn chứng và đặt tên cho con là Trần Tánh. Hình sắc vi diệu bí mật đã hiển lộ khắp nơi đến con. Do từ sắc tướng mà con được thành bậc Ứng Chân.

Phật hỏi về viên thông. Nhân qua sự chứng đắc của con, quán sát hình sắc là phương pháp đệ nhất.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần