Phật Thuyết Kinh độ Thế Phẩm - Phần Hai Mươi Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH ĐỘ THẾ PHẨM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN HAI MƯƠI HAI  

Bồ Tát có mười tuệ nghiệp.

Những gì là mười?

1. Lấy sự học rộng làm thiện tri thức, cùng với bạn ấy như bóng theo hình, tôn kính, thọ nhận, hầu cận, trao truyền giáo pháp thì dốc tâm phụng trì không chút phiền muộn.

2. Dứt bỏ tự đại, khiêm tốn thuận hợp, thân hạ thấp, lời nhún nhường, không ương ngạnh, không nóng nảy. Chẳng thô ác, giới cấm đúng đắn, tâm ý nhu hòa, dung mạo vui vẻ, lìa mọi hư dối, hỏi han bậc tiền bối, tính hạnh chân chất không mang tâm dua nịnh.

3. Lấy tuệ làm sự nghiệp, làm ứng khí cho mình, tính ý hòa nhã, hiểu rõ mọi nẻo hướng cầu. Tâm ấy chẳng loạn, trụ vào hỗ thẹn, phụng trì sáu tư niệm, hiển thị sáu chữ gốc là thí, giới, nhẫn, tấn, tịch, trí. Thuận theo sáu pháp kiên cố nên chẳng thoái chuyển, nhập vào mười tuệ giải.

4. Thường cầu nghĩa pháp, ưa pháp, thích pháp, kính mộ chánh pháp, chỗ nghe không chán. Xả bỏ mọi đàm luận của thế tục nên chẳng đồng hành. Lìa bỏ lời nói dung tục, giảng đạo độ thế, không hướng nơi tiểu thừa, ý chí ở tại sự vi diệu của đại thừa.

5. Tâm niệm không có việc khác, chỉ cầu sáu độ vô cực, dốc tu bốn phạm hạnh. Tập quen với pháp nhu thuận làm sáng tỏ hành thông tuệ, học hỏi hiểu biết, lìa các đường tà, dẫn về đường chánh, đem điều suy nghĩ trong tâm ra để ban tuyên, điều phục tâm mình, hộ trì tâm người khác. Đó là tuệ nghiệp.

6. Phụng tu hạnh chính yếu thường muốn xuất gia. Tuy du hành khắp ba cõi, nhưng lại ưa tịch tĩnh, luôn tự quán sát tâm ý, chẳng khởi niệm ác, tiêu trừ ba ác nơi thân, khẩu, ý. Quán xét rốt ráo việc tự nhiên, làm thanh tịnh tâm mình và tâm kẻ khác.

7. Quán thấy năm ấm giống như huyễn hóa. Xét thấy tứ bốn đại giống như rắn độc. Nhìn rõ các nhập suy hoại cũng như làng xóm trống vắng, ảo hóa, dợn nắng, bóng nước, mộng, ảnh, tiếng vang trong núi, như hình dáng trong gương, như vẽ vào hư không, như bánh xe vô dạng.

Dùng những điều ấy làm ví dụ để nói về gốc ngọn của tất cả các pháp không thể nắm bắt được, không so sánh được. Như bóng Mặt Trời không thường, không đoạn, không lai khứ, tất cả các pháp đều không có trụ xứ. Do quán sát các pháp nên nhập vào hành nghiệp vi diệu, sau đấy mới tin. Tức Bồ Tát hiểu rõ muôn vật vừa sinh liền diệt. Đó là tuệ nghiệp thứ bảy.

8. Vào tất cả pháp, lãnh hội tất cả pháp là vô ngã, vô nhân, vô thọ, vô mạng, không tâm nghĩ xét, không dâm, nộ, si, thân không sở hữu, cũng không quán nghiệp, không cấu không sinh, không huân tập sắc, không có ăn mặc, tu tập đến chỗ vô vi. Đã nghe như vậy thì hoan hỷ tin theo, chẳng hề hồ nghi. Đó là tuệ nghiệp thứ tám.

9. Tin hiểu đầy đủ, tinh tấn tùy thời, các căn tịch định, quán việc an nhiên. Ở nơi tất cả niệm không tạo không biết, thật không hình bóng, không ngã, không nhân cũng không chỗ hành. Chẳng trụ vào sự tham thân, văn tự rốt ráo, không có suy hoại, không chỗ đạt nhẫn, không tinh tấn, không biếng trễ, không đôi, không chiếc.

Thân, miệng, tâm không chỗ cốt yếu tinh tấn tu hành. Đối với tất cả pháp và chúng sinh đều dùng tâm bình đẳng, đều không chỗ trụ, chẳng ở cõi này, chẳng sang bờ kia, lìa khỏi đây kia, không hành, chẳng hành tức đã noi theo tuệ tạo tác nghĩ suy đó. Đây là tuệ nghiệp thứ chín.

10. Qua được nỗi lo nơi các tưởng vọng nên thấy các nhân duyên, nhìn rõ các pháp là nghiệp thanh tịnh. Thấy các Bậc Chánh Giác, quán sự an nhiên nên thấy các pháp giới là hoàn toàn thanh tịnh.

Thấy các Bậc Chánh Giác nên quán sát chúng sinh và các cõi nước là rất thanh tịnh. Thấy các cõi thanh tịnh như hư không, quán sự an nhiên, thấy rõ các pháp giới nên tuệ hoàn toàn thanh tịnh. Nhìn thấy các Thánh tuệ và pháp đều thanh tịnh.

Đó là mười tuệ nghiệp.

Bồ Tát hưng khởi thần thông có mười việc.

Những gì là mười?

1. Giỏi nắm giữ pháp Phật nên hưng khởi sự thông đạt.

2. Lấy tinh tấn rốt ráo làm nghĩa đạo.

3. Lìa các tà kiến, tức được sáng tỏ nên các căn thông tỏ.

4. Lấy việc tu bình đẳng, tinh tấn làm chánh giải.

5. Khuyến trợ Thánh tuệ nhập vào sự nghiệp.

6. Hưng khởi hết trí tuệ, trừ được tội lỗi của phiền não.

7. Trí tuệ tuyển chọn phát khởi thiên nhãn minh.

8. Do đời trước vốn thanh tịnh nên biết chỗ du hóa thuở xưa.

9. Tu các thần thông, quán sát căn nguyên của chúng sinh.

10. Dứt hết tất cả các lậu nên chính tuệ phát khởi.

Đó là Bồ Tát hưng khởi việc thần thông.

Bồ Tát cầu pháp có mười việc.

Những gì là mười?

1. Tuy cầu các pháp mà không chỗ ái mộ, xả bỏ các thứ dua nịnh nên dùng tinh tấn cầu pháp.

2. Chí xa rời thế tục, dùng ý không chấp trước nên an vui nơi các pháp.

3. Chẳng tham thân mạng, trừ bỏ tất cả các nạn nơi phiền não nên ưa thích đạo pháp.

4. Chẳng mê hoặc theo ý niệm lợi dưỡng nên luôn vì mình và vì người khác.

5. Thương xót muôn loài nên yêu chuộng Kinh Điển chứ chẳng riêng vì mình.

6. Sở dĩ cầu pháp là muốn nhập vào cọi trí tuệ.

7. Chẳng trụ chấp nơi pháp mà luôn hành trì dẫn dắt.

8. Ái kính pháp, chẳng lấy thái độ đùa giỡn mà khinh dễ pháp.

9. Thương xót chúng sinh nên cầu pháp nghĩa. Không bỏ tâm đạo vì muốn diệt trừ các hồ nghi của chúng sinh nên cầu đạt nghĩa kinh.

10. Vì muốn trừ bỏ do dự nên cầu Phật Đạo. Vì muốn hành hóa tròn đủ nên cầu Kinh Điển, không thích thừa khác.

Đó là mười sự cầu pháp của Bồ Tát.

Bồ Tát hành pháp có mười việc.

Những gì là mười?

1. Giáo hóa các kẻ ngu tối, chí tâm ân cần hội nhập nơi các gốc đức.

2. Niềm tin không chỗ hoại, vượt mọi ngăn ngại, hiểu được các pháp tự nhiên.

3. Dốc tâm hành dụng theo yếu nghĩa.

4. Trụ ở Kinh Điển, phụng theo đạo tuệ chẳng lìa khỏi nghĩa.

5. Tuân theo đạo tuệ, lấy pháp làm niệm, vượt khỏi tám tà địa, vào tám chính lộ, thuận theo tám bậc, đoạn dứt các lưới kết sử, cắt đứt dòng chảy sinh tử, thị hiện nghĩa Chân Đế, ngược dòng mà vượt qua, đó gọi là Tu Đà Hoàn.

6. Chẳng tự phóng túng bình đẳng với người khác, không tỏ vẻ bề ngoài, chỗ qua lại thường tu tập công đức.

7. Hành hóa qua lại, chẳng ưa ba cõi, nên ngay lúc ấy sinh ra chẳng mang tâm chìm đắm. Hành theo các bậc lậu tận vì chẳng còn trở lại.

8. Hiện sáu thần thông, ưa tám cửa giải thoát. Vì gốc Tam Muội mà tu chánh thọ làm chiếc thuyền cho bản thân, giảng nói bốn biện tài là không chỗ chấp trước.

9. Do ưa nhất phẩm, vào duyên khởi, vui với hành nghiệp, lấy tịch tĩnh làm gốc nên không tư, không tưởng.

10. Nhập vào quả vị của mình, tự nghe hành tuệ, chỉ tu thần thông là Duyên Giác. Tâm chí vi diệu, ưa vào cảnh giới sáng suốt, tâm thường nghĩ nhằm độ thoát chúng sinh, tích nghiệp công đức nơi mười lực, bốn vô úy, đầy đủ tất cả đạo nghiệp của Chư Phật.

Đó là mười việc hành pháp của Bồ Tát.

Bồ Tát phụng pháp có mười việc.

Những gì là mười?

1. Phụng kính bạn lành là hành pháp.

2. Chư Thiên khuyến trợ là hành pháp.

3. Thường nghe lời dạy của Chư Phật, Thế Tôn là hành pháp.

4. Thương xót chúng sinh, chẳng đoạn tuyệt sinh tử là hành pháp.

5. Có khả năng siêng tu đạo nghiệp rốt ráo, chẳng ôm tâm kết hận là hành pháp.

6. Vì các đồng học, người tu đại thừa, khuyến họ tu hành theo hạnh tinh tấn của Bồ Tát là hành pháp.

7. Tuân tu theo nghĩa đúng, bỏ các tà nghiệp là hành pháp.

8. Hàng phục tất cả ma nơi trần dục là hành pháp.

9. Trụ ở Thánh giác, thấy được căn cơ của chúng sinh, vì họ giảng nói kinh là hành pháp.

10. Tu sửa đạo nghiệp rộng lớn không lường, chẳng bỏ ý đạo là hành pháp.

Đó là mười việc phụng hành pháp của Bồ Tát.

Bồ Tát có mười thứ ma.

Những gì là mười?

1. Dựa vào thân ma mà chấp nơi năm ấm là chỗ đạt được của ma trần dục.

2. Cũng là sự che ngăn của tội ma.

3. Tự dấy khởi ý niệm chính là tâm ma.

4. Tử ma là từ bỏ nơi chốn sinh ra.

5. Thiên ma là các tưởng vọng nghĩ nhiều về hạnh phóng dật.

6. Ma bỏ gốc đức là theo người tối tăm, chấp trước.

7. Ma loạn định ý là ái mộ nhiều dục lạc.

8. Ma tựa như thiện hữu vì hình dáng bên ngoài như thật.

9. Ma khiến người chẳng tu theo gốc đạo tuệ.

10. Ma lìa khỏi chính nguyện.

Đó là mười thứ ma của Bồ Tát.

Ma nghiệp của Bồ Tát lại có mười việc.

Những gì là mười?

1. Trái với tâm Bồ Tát, bỏ các gốc đức, tâm bố thí thiên lệch.

2. Thấy kẻ phạm giới mà mang sân hận, tuy xa các oán thù, tránh được tâm loạn, nhưng theo các tà trí bỏ chỗ hành của Pháp Sư không khuyến trợ pháp khí.

3. Nếu giảng nói Kinh Điển thì chỉ ca ngợi chuyện ăn mặc, chuyên hủy hoại pháp khí mà lại tỏ ra mệt nhọc chán bỏ các pháp độ vô cực.

4. Nếu lại được chỉ dạy theo chánh pháp thì chỉ nghe mà chẳng phụng hành, bỏ qua lời dạy bảo nhã nhặn, tâm biếng trễ khiếp nhược không tinh tấn, chẳng thuận theo đạo giáo.

5. Tâm mang các tưởng, quen theo các bạn xấu, xa lánh bạn tốt, ưa thích Thanh Văn, Duyên Giác.

6. Nơi chỗ sinh ra, có người ưa lìa ái dục, tâm họ vắng lặng còn chí mình thì chán hạnh Bồ Tát, bài bác họ, tìm tòi chỗ xấu tốt của người khác, muốn dứt bỏ lợi dưỡng của họ.

7. Mắt ác nhìn thầy, phỉ báng chánh pháp, ngay cả kinh chưa được nghe nay mới nghe được cũng chê bai. Biết Pháp Sư khác có điều giảng thuyết cũng chẳng chịu lãnh hội, khinh mạn, đùa giỡn, khen mình nói xấu người, ái mộ những lời tạp ngôn, văn vẻ của đời, tô điểm lời nói, phô trương kiến thức.

8. Thích nghe cái việc của hàng Thanh Văn, Duyên Giác. Giảng nói dạy bảo thì che đi lấp nghĩa thâm diệu chỉ xiển dương phần văn từ trau chuốt tạp nhạp, không phải là ứng khí.

9. Nếu nghe giảng nói pháp sâu xa thì chẳng chịu thọ lãnh, chẳng cầu Phật Đạo, trái lại trụ ở đường tà, vượt các độ giải thoát, tập quen điều chẳng tốt, xả bỏ những việc an lành, ưa chuộng điều sai trái: Quy mạng tà vạy, chưa tỏ, chưa độ, chẳng tu điều thiện, chẳng theo chân lý tâm niệm tự đại không biết khiêm tốn.

10. Nói ra điều gì liền tự cho là cao xa hàm súc, nghĩ điều hại chúng sinh, chẳng cầu đạo tuệ, chẳng nuôi chí tĩnh lặng, thường mang tâm hủy hoại chính luật tu hành, tức là ma nghiệp.

Đó là mười nghiệp của Bồ Tát. Bồ Tát phải dứt bỏ việc ma để cầu Phật Đạo.

Bồ Tát có mười việc trừ bỏ việc ma.

Những gì là mười?

1. Thân cận cùng với bạn lành.

2. Xả bỏ các tự đại, bỏ các thứ ác hại, tự gây thương tổn thân mình, không tạo việc tổn hại.

3. Tin pháp thâm diệu của Phật, chưa từng hủy báng.

4. Tâm chẳng hề lìa bỏ Chánh Giáo.

5. Cầu đạt Nhiết thiết phổ trí, tinh tấn tu tập hành không phóng dật.

6. Tu hành hạnh Bồ Tát, trụ ở pháp tạng.

7. Cầu học nơi tất cả Kinh Điển, chẳng chán bỏ sự hiểu biết rộng sâu.

8. Thường tư niệm các Đức Như Lai ở mười phương để hộ trì mình.

9. Nghĩ khắp nên đạt được ý sáng, tin vui nên phát huy nẻo thiện.

10. Ở nơi công đức, Bồ Tát lấy đó làm bạn bè, không có hai hạnh.

Đó là mười việc dứt bỏ ma nghiệp của Bồ Tát.

Bồ Tát có mười việc thấy đạo của Chư Phật.

Những gì là mười?

1. Phật trụ ở đời, không chỗ nương dựa.

2. Thành Tối Chánh Giác, kiến lập các Thánh Giáo.

3. Chính nghiệp dẫn dắt, tin vui nơi Chư Phật.

4. Điều diễn nói về báo ứng, giáo hóa quay về.

5. Công đức uy thần hiện rõ nên vào nơi Chư Phật tâm dứt mọi tự đại.

6. Bình đẳng tiến đến tất cả pháp giới của Chư Phật.

7. Tâm thường nghĩ tới sự phụng kính các bậc Thánh Hiền.

8. Dùng định ý của Đức Phật để không có phóng dật cũng không chấp trước.

9. Thấu rõ về Phật là rõ gốc tịnh.

10. Như sự giác ngộ của tâm, tâm ấy rộng lớn.

Đó là mười việc thấy đạo nơi Chư Phật của Bồ Tát.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần