Phật Thuyết Kinh đồng Tử Thiện Tư - Phần Sáu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Đời Tùy

PHẬT THUYẾT

KINH ĐỒNG TỬ THIỆN TƯ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Quật Đa, Đời Tùy  

PHẦN SÁU  

Các pháp không chỗ khởi

Sao nói các pháp tập

Không chỗ khởi nói diệt

Chúng ấy xa pháp ta.

Trong pháp tịch như vậy

Không có cho phân biệt

Các pháp đã không có

Chỗ diệt lại cũng không.

Nếu có tâm cạnh tranh

Sao nói là tịch diệt?

Thiện Tư, ông nên biết

Đây không phải chân thật.

Nói đạo với nói pháp

Đấy là thị hiện có

Đã có chỗ thị hiện

Nen giả hiện có đường.

Ta nói các Bồ Tát

Đại trí đời vị lai

Có thể hành như vậy

Là nương cảnh giới này.

Hành giả có thể hành

Chư Phật nói thâm diệu

Họ đã cúng dường ta

Lợi ích cho muôn loài.

Có thể trì Kinh này

Các Bồ Tát đại trí

Trong đời vị lai kia

Vì gìn giữ các pháp.

Ta đã nói các pháp

Thường trụ không phân biệt

Đó tức là bồ đề

Lìa đó không đạo khác.

Lúc Đức Thế Tôn Giảng nói pháp này rồi, Đồng Tử Thiện Tư liền chứng đắc thuận nhẫn vô sinh ở trong các pháp. Đã chứng đắc nhẫn vô sinh nên vĩnh viễn xa lìa tất cả buồn vui của thế gian, được niềm vui lớn, liền bay trên hư không cách mặt đất bảy cây Đa La.

Đức Thế Tôn liền mỉm cười.

Khi các Đức Thế Tôn có pháp mỉm cười như vậy thì từ nơi diện môn phóng ra các loại ánh sáng, đó là: Tím, xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, vừa xanh vừa trắng, xanh biếc, màu lục, pha lê.

Ánh sáng ấy chiếu khắp vô lượng, vô bien các thế giới của Chư Phật, cho đến cung điện nơi Cõi Hữu Đảnh, Đại Phạm Thiên, rồi trở về chỗ Phật, nhiễu quanh ba vòng và nhập vào đảnh Phật. Bấy giờ, đại địa hiện đủ sáu cách và mười tám tướng chấn động.

Lúc này, trong hư không, trên thượng giới, trời mưa các loại bột Chiên Đàn, trầm thủy, hương bột, mưa các loại hoa trời, các loại âm thanh nơi cõi trời vi diệu tự nhiên phát ra, tam thiên đại thiên Thế Giới trở nên thanh tịnh, trang nghiêm, giống như cõi nước Uất Đan Việt nơi phương Bắc không khác. Cũng vậy, tam thiên đại thiên Thế Giới này cũng không khác.

Bấy giờ, Trưởng Lão Tỳ Kheo A Nan, từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, bày áo vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật, bạch: Thật là hy hữu! Bạch Thế Tôn! Con chưa rõ vì nhân duyên gì khiến Như Lai mỉm cười, phóng ra hào quang?

Chư Phật Thế Tôn không phải không có nhân duyên mà phóng ra ánh sáng.

Tôn Giả A Nan liền dùng kệ thưa Phật:

Chư Phật, Bậc Tối Thắng thế gian

Mỉm cười, phóng quang ắt có việc

Chỗ lợi ích đó xin Phật dạy

Vì nhân duyên gì hiện điềm lành?

Hư không trời mưa hoa

Để cúng dường Thế Tôn

Hoan hỷ đều ca tụng

Khen ngợi thuyết Kinh này.

Trong tam thiên thế giới

Thanh tịnh và trang nghiêm

Giống như Uất Đan Việt

Ánh sáng chiếu mười phương.

Như xưa các Thế Tôn

Trong ấy hành thọ ký

Phật phóng quang chiếu xong

Trở vào nơi đảnh Phật.

Thế Tôn đã phóng quang

Ánh sáng nhiều loại sắc

Từ diện môn Phật xuất

Vì con nói nhân này.

Đức Thế Tôn liền dùng kệ bảo Trưởng Lão A Nan:

Đồng Tử Thiện Tư này

Xưa trồng căn lành sâu

Ở trong đời vị lai

Thành Phật Lưỡng Túc Tôn.

Đức Phật nói kệ rồi, lại bảo Tôn Giả A Nan: Này A Nan! Đồng Tử Thiện Tư từ nay trở đi cung kính cúng dường ức na do tha A tăng kỳ kiếp Chư Phật Như Lai, thừa sự, phụng hành, không làm trái lời dạy của Chư Phật ấy.

Lại nữa, còn cúng dường chư Thế Tôn ấy đầy đủ tứ sự: Y phục, thuốc thang, phòng ốc, ngọa cụ. Sau khi các Như Lai ấy diệt độ, sẽ cúng dường Xá Lợi, dùng nhiều loại châu báu để xây tháp, mỗi một tháp đều cao trăm ngàn do tuần.

Trong tất cả các bảo tháp ấy đều an trí Xá Lợi, dùng các loại danh hương để cúng dường. Lại dùng tất cả các loại tràng hoa để tạo vẻ trang nghiêm, tất cả các báu, tất cả các loại cờ phướn, vô số loại hoa đẹp và bột hương chiên đàn, bột hương trầm thủy… rải lên trên ấy để cúng dường.

Lại dùng các loại âm thanh thượng diệu để cúng dường. Cúng dường chư Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác ấy rồi, thì xả bỏ thân sau cùng, thành Phật hiệu là Tịnh Nguyệt Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, xuất hiện ở đời.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì Tôn Giả A Nan và chư đại chúng, nhằm nêu rõ lại nghĩa này nên nói kệ:

Các châu báu diệu kỳ

Đầy khắp mười phương cõi

Cúng dường Phật Thế Tôn

Và các chúng Bồ Tát.

Được nghe pháp tướng này

Như Đại Thánh đã nói

So công đức tài thí

Phước này nhiều hơn trước.

Khi ấy, Trưởng Lão Xá Lợi Phất nghe Đức Thế Tôn đối chiếu về công đức liền dùng kệ bạch Phật:

Thế Tôn nói Kinh này

Sâu xa tối vi diệu

Mà không nói danh tự

Sao chúng con thọ trì?

Kinh Điển này nói rõ

Các pháp đều bình đẳng

Không có đắc, chẳng đắc

Hy hữu, Phật khéo nói!

Hữu lậu và hữu vi

Pháp vô lậu, vô vi

Kinh này không phân biệt

Thế Tôn khéo giảng nói.

Thế gian, xuất thế gian

Đệ nhất nghĩa, thế đế

Hai cõi không sai khác

Kinh này nói như vậy.

Phật nói về các hạnh

Phương tiện vì chúng sinh

Chân lý thay đều không

Từ kim khẩu Phật nói.

Chư Phật và các pháp

Tất cả vốn là không

Năng, Sở thừa đều không

Hy hữu, Phật khéo nói!

Chư Thế Tôn mười phương

Nói về các pháp tướng

Chúng vốn không chơn thể

Kinh này hành như vậy.

Lành thay! Đại Thánh Tôn!

Lành thay! Trí Tối Thắng!

Kinh này tên là gì

Vì chúng con nói rõ!

Trí tuệ nói vậy rồi

Ngày nay trừ các nghi

Đủ tám tướng công đức

Âm thanh bảo với họ.

Muốn biết tên Kinh này

Gọi là Quán Đảnh Vương

Tuy nói Quán Đảnh Vương

Quán đảnh cũng không có.

Người thọ trì Kinh này

Chư Phật nói người ấy

Nơi trời, người, thế gian

Sẽ là như tháp báu.

Chỗ ta nói Kinh này

Thính chúng có tám ngàn

Các căn lành nhiều loại

Phát ý đạo vô thượng.

Chúng ấy ở đời sau

Tất thành bậc vô thượng

Được nghe Kinh diệu này

Phước đức khó nghĩ bàn.

Dừng trú nơi an ổn

Trong căn lành sâu mầu

Người ấy mới có thể

Thọ trì Kinh Điển này.

Buộc niệm, chuyên đọc tụng

Kinh pháp Quán Đảnh Vương

Những người này nơi ấy

Không nghi hoặc các pháp.

Đây không nói nhẫn đầu

Đệ nhị nhẫn cũng không

Tướng các pháp đã không

Sao lại có chỗ nói.

Nếu người nào thọ trì

Kinh Điển Quán Đảnh Vương

Người làm những việc ấy

Biện tài nơi các pháp.

Nếu người nữ có trí

Thọ trì Kinh Điển này

Mau xả thân tạp uế

Thân bất tịnh nghiệp tội.

Một trí biết tất cả

Tất cả trí biết một

Đó là nắm các pháp

Trong Kinh này nói đủ.

Pháp Kinh này nêu giảng

Chỗ vào như hư không

Con nói vào đạo này

Làm sáng rõ các pháp.

Biết nhiều sự sáng tỏ

Có nhiều loại khắp nơi

Tuy nói về các pháp

Pháp ấy không thủ đắc.

Thể vô ngôn hiện có

Tướng ấy rốt ráo không

Biết các pháp môn này

Đó là thọ trì pháp.

Nói không có các pháp

Chỗ ấy không có, không

Đó là tướng thể pháp

Gọi là Đà La Ni.

Nếu người muôn vô biên

Ánh sáng chiếu tất cả

Nên thọ trì Kinh này

Khéo nói Quán Đảnh Vương.

Muốn cầu bờ pháp giới

Trong đó đã nói đủ

Giới ấy không thủ đắc

Nên gọi Đà La Ni.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần