Phật Thuyết Kinh Khởi Thế - Phẩm Mười Hai - Phẩm Tối Thắng - Tập Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
PHẬT THUYẾT KINH KHỞI THẾ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
PHẨM MƯỜI HAI
PHẨM TỐI THẮNG
TẬP BA
Khi ấy các chúng sanh kia cùng nhau tụ tập, ưu sầu than khóc, tự bảo nhau: Ngày nay chúng ta đến tình trạng thế này thật là khốn khổ.
Chúng ta đã làm nảy sanh pháp ác bất thiện, khởi các phiền não, làm tăng trưởng quả khổ sanh, già trong vị lai, sẽ hướng đến đường ác. Nay chúng ta chứng kiến việc dùng tay đánh nhau, rồi níu kéo, xua đuổi, trách mắng, mạ nhục. Nay chúng ta phải tìm một người đứng đắn, cùng lập lên làm chủ để làm người bảo hộ.
Nếu người đáng quở trách thì chính thức quở trách, người đáng phạt thì chính thức phạt, người đáng xua đuổi thì chính thức xua đuổi. Chúng ta chia ruộng, thóc lúa sở hữu tự mỗi người thu hoạch. Vị chủ bảo hộ nếu có cần thứ gì thì bọn chúng ta cùng nhau cung cấp.
Mọi người bàn luận chu đáo như vậy rồi, liền cùng tìm kiếm người đứng đắn làm chủ thủ hộ. Bấy giờ ở trong số đông kia chỉ có một người, thân hình cao lớn, mười phần trang nghiêm, dung nghi đẹp đẽ lạ thường, nhìn không biết chán, sắc thân sáng chói, các căn đầy đủ.
Khi ấy mọi người đến chỗ người kia nói như thế này: Lành thay Nhân Giả! Xin Ngài vì chúng tôi mà làm vị chánh thủ hộ. Chúng tôi ai nấy đều có ranh giới đất ruộng, Ngài nên đến xem xét, đừng để xâm lấn nhau. Kẻ đáng mắng thì phải mắng, đáng trách thì phải trách, đáng phạt thì phải phạt, đáng đuổi thì phải đuổi. Lúa thóc chúng tôi thu hoạch được sẽ phân chia cho Ngài, không để thiếu thốn.
Người kia nghe rồi, liền chấp nhạn làm người thủ hộ, mắng, trách, phạt, đuổi công bình chính trực, không có sự xâm lấn. Mọi người khi thu hoạch lúa gạo đem đến cung cấp không để gián đoạn, thiếu thốn. Cứ theo cách như vậy làm vị chánh chủ. Vì từ trong ruộng lúa của dân chúng lấy đất mà phân chia nên nhân đó gọi là Sát Đế Lợi đời Tùy dịch là Điền Chủ.
Khi ấy, mọi người y theo lời chỉ dẫn làm theo. Vị Sát Đế Lợi kia trong việc phục vụ cho mọi người luôn khôn khéo, trí tuệ, ở trong mọi người, tướng tốt hơn hết, vì vậy lại được gọi là Yết La Xà đời Tùy dịch là Vương. Mọi người lập làm Đại Bình Đẳng Vương, vì vậy lại gọi là Ma Ha Tam Ma Đa. Tùy dịch là Đại Bình Đẳng.
Chư Tỳ Kheo, vị Ma Ha Tam Ma Đa kia, khi làm Vua thì tất cả mọi người mới có tên là Tát Đa Bà. Tùy dịch là chúng sanh.
Chư Tỳ Kheo, Vua Ma Ha Tam Ma Đa có người con tên là Hô Lô Giá. Tùy dịch là Ý Hỷ.
Chư Tỳ Kheo, khi vị Hô Lô Giá kia làm Vua, mọi người cùng xưng là Ha Di Ma Ca. Tùy dịch là Xá Giả.
Chư Tỳ Kheo, Vua Hô Lô Giá có người con tên là Ca Lê Da Na. Tùy dịch Chánh Chân.
Chư Tỳ Kheo, khi vị Ca Lê Da Na kia làm Vua, mọi người cùng xưng là Đế La Xà. Tùy dịch là Hồ Ma Sanh.
Chư Tỳ Kheo, Vua Ca Lê Da Na có người con tên là Bà La Ca Lê Gia Na. Tùy dịch là Tối Chánh Chân.
Chư Tỳ Kheo, khi vị Bà la Ca Lê Da Na kia làm Vua, mọi người cùng xưng là A Bạt La Khiên Đà. Tùy dịch là Vân Phiến.
Chư Tỳ Kheo, Vua Vân Phiến ấy có người con tên là Ô Bô Sa Tha. Tùy dịch là Trai Giới.
Chư Tỳ Kheo, Vua Trai Giới ấy khi tại vị, mọi người cùng xưng là Đa La Thừa Già. Tùy dịch là Mộc Hĩnh.
Chư Tỳ Kheo, trên đảnh của Vua Trai Giới kia tự nhiên lồi lên một bọc thịt, bọc thịt ấy rách ra, sanh một đồng tử đẹp đẽ lạ thường, đầy đủ ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân, vừa sanh ra đã nói: Ma Đà Đa. Tùy dịch là Trì Ngã. Vị Vua sanh trên đảnh ấy đầy đủ thần thông, có oai lực lớn, thống lãnh cả bốn Đại Châu, cai trị và giáo Hóa Tự Tại.
Chư Tỳ Kheo, sáu vị Vua ấy thọ mạng vô lượng.
Chư Tỳ Kheo, đùi vế bên phải của vị Vua sanh từ đảnh ấy, lồi lên một bọc thịt, sanh một đồng tử, đẹp đẽ lạ thường, thân cũng đầy đủ ba mươi hai tướng, tên là Hữu Bễ Sanh, có oai lực lớn, thống lãnh bốn Đại Châu.
Đùi vế bên trái của Vua Hữu Bễ ấy lồi lên bọc thịt, sanh một đồng tử, thân cũng đầy đủ ba mươi hai tướng, tên là Tả Bễ Sanh, có đủ oai đức, cai trị ba Đại Châu.
Bọc thịt ở đầu gối bên phải của Vua Tả Bễ ấy, sanh một đồng tử, oai đức như những vị tướng, cai trị hai Đại Châu.
Bọc thịt ở đùi vế bên trái của Vua Hữu Tất ấy, sanh một đồng tử, oai đức như những vị tướng, cai trị một Đại Châu.
Chư Tỳ Kheo, từ đó về sau, có Vua Chuyển Luân, đều lãnh một Châu, các vị nên biết.
Chư Tỳ Kheo, lần lượt như vậy, từ lúc ban đầu chúng sanh lập Vua Đại Bình Đẳng, rồi kế đến Vua Ý Hỷ, đến Vua Chánh Chân, đến Vua Tối Chánh Chân, đến Vua Thọ Trai Giới, đến Vua Đảnh Sanh, đến Vua Hữu Bễ, đến Vua Tả Bễ, đến Vua Hữu Tất.
Đến Vua Tả Tất, đến Vua Dĩ Thoát, đến Vua Dĩ Dĩ Thoát, đến Vua Thể Giả, đến Vua Thể Vị, đến Vua Quả Báo Xa, đến Vua Hải, đến Vua Đại Hải, đến Vua Xà Câu Lê, đến Vua Đại Xà Câu Lê, đến Vua Mao Thảo, đến Vua Biệt Mao Thảo, đến Vua Thiện Hiền, đến Vua Đại Thiện Hiền, đến Vua Tương Ái.
Đến Vua Đại Tương Ái, đến Vua Khiếu, đến Vua Đại Khiếu, đến Vua Ni lê Ca, đến Vua Na cù sa, đến Vua Lang, đến Vua Hải Phần, đến Vua Kim Cang Tý, đến Vua Sàng, đến Vua Sư Tử Nguyệt, đến Vua Na Da Đê, đến Vua Biệt Giả, đến Vua Thiện Phước Thủy, đến Vua Xí Nhiệt, đến Vua Tác Quang, đến Vua Khoáng Dã, đến Vua Tiểu Sơn, đến Vua Sơn Giả, đến Vua Diệm Giả, đến Vua Xí Diệm.
Chư Tỳ Kheo, Vua Xí Diệm ấy, con cháu truyền thừa có một trăm lẻ một đời, đều ở thành Bô Đa La cai trị giáo hóa thiên hạ. Vua sau cùng tên là Hàng Oán. Vì thường hay hàng phục các giặc oán nên gọi là Hàng Oán.
Chư Tỳ Kheo, con cháu Vua Hàng Oán nối nhau cai trị giáo hóa tại thành A Du Xà, có năm vạn bốn ngàn Vua. Vị Vua sau cùng tên là Nan Thắng.
Chư Tỳ Kheo, con cháu của VuA Nan Thắng ấy kế tục nhau cai trị giáo hóa tại thành Ba La Nại, gồm có sáu vạn ba ngàn Vua. Vị Vua sau cùng tên là Nan Khả Ý.
Chư Tỳ Kheo, con cháu của VuA Nan Khả Ý kế tục nhau cai trị giáo hóa tại thành Ca Tỳ La, gồm có tám vạn bốn ngàn Vua. Vị Vua sau cùng là Vua Phạm Đức.
Chư Tỳ Kheo, con cháu Vua Phạm Đức kế tục nhau cai trị giáo hóa tại thành Bạch Tượng, gồm có ba vạn hai ngàn Vua. Vị Vua sau cùng tên là Tượng Đức.
Chư Tỳ Kheo, con cháu Vua Tượng Đức kế tục nhau cai trị giáo hóa tại thành Câu Thi Na, gồm có ba vạn hai ngàn Vua. Vị Vua sau cùng tên là Hoắc Hương.
Chư Tỳ Kheo, con cháu Vua Hoắc Hương kế tục nhau cai trị giáo hóa tại thành Ưu La Xa, gồm có ba vạn hai ngàn Vua. Vị Vua sau cùng tên là Na Già Na Thị.
Chư Tỳ Kheo, con cháu Vua Na già na thị kế tục nhau cai trị giáo hóa tại thành Nan hàng phục. Gồm có ba vạn hai ngàn Vua. Vị Vua sau cùng tên là Hàng Tha.
Chư Tỳ Kheo, con cháu Vua Hàng Tha kế tục nhau cai trị giáo hóa tại thành Cát Na Cưu Già, gồm có một vạn hai ngàn Vua. Vị Vua sau cùng tên là Thắng Quân.
Chư Tỳ Kheo, con cháu Vua Thắng Quân kế tục nhau cai trị giáo hóa tại thành Bỉ Ba, có một vạn tám ngàn Vua. Vị Vua sau cùng là Thiên Long.
Chư Tỳ Kheo, con cháu Vua Thiên Long kế tục nhau cai trị giáo hóa tại thành Đa Ma Lê Xa, có hai vạn năm ngàn Vua. Vị Vua sau cùng tên là Hải Thiên.
Chư Tỳ Kheo, con cháu Vua Hải Thiên kế tục nhau cai trị giáo hóa trở lại tại thành Đa Ma Lê Xa, có một vạn Vua. Vị Vua sau cùng cũng có tên là Hải Thiên.
Chư Tỳ Kheo, con cháu Vua Hải Thiên kế tục nhau cai trị giáo hóa tại thành Đàn Đa Phú La, có một vạn tám ngàn Vua. Vị Vua sau cùng tên là Thiện Ý.
Chư Tỳ Kheo, con cháu Vua Thiện Ý kế tục nhau cai trị giáo hóa tại thành Ngọc Xá Đại, có hai vạn năm ngàn Vua, vị Vua sau cùng tên là Thiện Trị Hóa.
Chư Tỳ Kheo, con cháu Vua Thiện Trị Hóa kế tục nhau trở lại cai trị giáo hóa tại thành Ba La Nại, có một ngàn một trăm Vua. Vị Vua sau cùng là Đại Đế Quân.
Chư Tỳ Kheo, con cháu Vua Đại Đế Quân kế tục nhau cai trị giáo hóa tại thành Mao Chủ Đại, có tám vạn bốn ngàn Vua. Vị Vua sau cùng lại có tên là Hải Thiên.
Chư Tỳ Kheo, con cháu Vua Hải Thiên kế tục nhau, trở lại cai trị giáo hóa thành Bô Đa La có một ngàn năm trăm Vua. Vị Vua sau cùng tên là Khổ Hạnh.
Chư Tỳ Kheo, con cháu Vua Khổ Hạnh kế tục nhau trở lại cai trị giáo hóa tại thành Mao Chủ Đại, có tám vạn bốn ngàn Vua. Vị Vua sau cùng là Địa Diện.
Chư Tỳ Kheo, con cháu Vua Địa Diện kế tục nhau, trở lại cai trị giáo hóa tại thành A Du Xà, có một ngàn Vua. Vị Vua sau cùng tên là Trì Địa.
Chư Tỳ Kheo, con cháu Vua Trì Địa kế tục nhau, trở lại cai trị giáo hóa tại thành lớn Ba La Nại, có tám vạn Vua. Vị Vua sau cùng tên là Địa Chủ.
Chư Tỳ Kheo, con cháu Vua Địa Chủ kế tục nhau, cai trị giáo hóa tại thành Mị Tu La, có tám vạn bốn ngàn Vua. Vị Vua sau cùng là Đại Thiên.
Chư Tỳ Kheo, con cháu của Vua Đại Thiên cai trị giáo hóa tại thành lớn Mị Tu La, có tám vạn bốn ngàn Vua. Tám vạn bốn ngàn vị Vua này đều ở tại thành lớn Mị Tu La, tu hành phạm hạnh trong rừng Am Bà La. Vua sau cùng là Vua Ni Mị, kế đến là Vua Một, kế là Vua Thụ Tê, rồi Vua Ha Nô.
Vua Ưu Ba, Vua Nô Ma, Vua Thiện Kiến, Vua Nguyệt Kiến, Vua Văn Quân, Vua Pháp Quân, Vua Hàng Phục, Vua Đại Hàng Phục, Vua Cánh Hàng, Vua Vô Ưu, Vua Trừ Ưu, Vua Kiên Tiết, Vua Ma La, Vua Lâu Na, Vua Phương Chủ, Vua Trần Giả, Vua Ca La, Vua Nan Đà, Vua Cánh Diện, Vua Sanh Giả, Vua Hộc Lãnh, Vua Thực Ẩm, Vua Nhiêu Thực, Vua Nan Hàng, Vua Nan Thắng, Vua An Trú, Vua Thiện Trú, Vua Đại Lực, Vua Lực Đức, Vua Thụ Hành.
Chư Tỳ Kheo, con cháu Vua Thụ Hành ấy kế tục nhau cai trị giáo hóa tại thành Ca Nhiếp Ba có bảy vạn năm ngàn Vua. Vị Vua sau cùng tên là Am Bà Lê Sa.
Chư Tỳ Kheo, Vua Am bà lê sa có con tên là Thiện Lập.
Chư Tỳ Kheo, Vua Thiện Lập và con cháu nối nhau cai trị giáo hóa tại thành lớn Ba La, có một ngàn một trăm Vua. Vị Vua sau cùng tên là Kê Lê Kỳ.
Chư Tỳ Kheo, bấy giờ, có Đức Ca Diếp Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác, xuất hiện ở đời. Bồ Tát khi ấy tu hành phạm hạnh sanh lên Cõi Trời Đâu Suất.
Vua Kê lê kỳ có người con tên là Thiện Sanh, con cháu nối nhau trở lại cai trị giáo hóa tại thành Bô Đa La, có một trăm lẻ một Vua, Vua sau cùng tên là Nhĩ Giả. Vua Nhĩ Giả có hai người con, người con lớn là Cù Đàm, người con thứ hai Bà La Đọa Xà. Vua Cù Đàm có một người con tên là Cam Giá Chủng.
Chư Tỳ Kheo, Vua Cam Giá Chủng và con cháu nối nhau, trở lại cai trị giáo hóa tại thành Ba Đa La, có một trăm lẻ một Vua Cam Giá Chủng. Vị Vua cuối cùng tên là Bất Thiện Trường.
Chư Tỳ Kheo, Vua Thiện trường sanh bốn người con: Một là Ưu Mâu Khư, hai là Kim Sắc, ba là Tợ Bạch Tượng, bốn là Túc Cù. Túc Cù có người con tên là Thiên Thành. Thiên Thành có con tên là Ngưu Thành. Vua Ngưu Thành và con cháu nối nhau cai trị giáo hóa tại thành Ca Tỳ La Bà, có bảy vạn bảy ngàn vị Vua.
Vị Vua sau cùng là Quảng Xa, kế đến là Vua Biệt Xa, Vua Kiên Xa, Vua Trụ Xa, Vua Thập Xa, Vua Bách Xa, Vua Cửu Thập Xa, Vua Tạp Sắc Xa, Vua Trí Xa, Vua Quảng Cung, Vua Đa Cung, Vua Kiêm Cung, Vua Trụ Cung, Vua Thập Cung, Vua Bách Cung, Vua Cửu Thập Cung, Vua Tạp Sắc Cung, Vua Trí Cung.
Chư Tỳ Kheo, Vua Trí Cung sanh hai người con: Một là Sư Tử giáp, hai là Sư Tử Túc.
Sư Tử Giáp nối ngôi Vua, sanh bốn người con trai: Một là Tịnh Phạn, hai là Bạch Phạn, ba là Hộc Phạn, bốn là Cam Lộ Phạn và sanh một người con gái tên là Cam Lộ.
Chư Tỳ Kheo, Vua Tịnh Phạn sanh hai người con: Một tên là Tất Đạt Đa, hai tên là Nan Đà.
Bạch Phạn có hai người con: Một là Đế Sa, hai là Nan Đề Ca.
Hộc Phạn có hai người con: Một là A Nê Lâu Đà, hai là Bạt Đề Lê Ca.
Cam Lộ Phạn có hai người con: Một là A Nan Đà, hai là Đề Bà Đạt Đa. Còn bà Cam Lộ chỉ có một người con tên là Thế Bà La.
Chư Tỳ Kheo, Bồ Tát Tất đạt đa có một người con tên là La Hầu La.
Chư Tỳ Kheo, lần lượt như vậy, từ Vua Đại Bình Đẳng về sau, con cháu nối tiếp nhau, là một chủng tộc tối thắng cho đến đồng tử La Hầu La tự thân chứng A La Hán, đoạn các phiền não, dứt đường sanh tử, không còn tái sanh nữa.
Chư Tỳ Kheo, do nhân duyên này nên vào thuở xa xưa có dòng Sát Đế Lợi hơn hết xuất hiện ở thế gian, theo đúng như pháp, chứ chẳng phải phi pháp.
Chư Tỳ Kheo, vì các pháp như vậy, nên chủng tộc Sát Đế Lợi trong thế gian sanh ra là trên hết.
Bấy giờ, lại có các chúng sanh khác nghĩ thế này: Thế gian là hữu vi, là bệnh hoạn, là ung nhọt, là mũi tên độc. Suy nghĩ chính chắn rồi, họ xả bỏ hữu vi, vào trong rừng núi, tạo lập thảo am, tĩnh tọa tu thiền.
Nếu có nhu cầu gì, hoặc vào buổi sáng, hoặc vào chiều tối, họ tạm rời thảo am, vào làng khất thực, mọi người trông thấy, cần gì cúng nấy, nhanh chóng thực hiện, rồi cùng khen ngợi: Những chúng sanh này sớm tu nghiệp thiện, xả bỏ các pháp ác bất thiện, đang tồn tại trong thế gian, đó là Bà La Môn.
Vì Nhân duyên này dòng dõi Bà La Môn xuất hiện ở thế gian. Trong số người ấy, hoặc có người thiền định bất thành, dựa vào thôn xóm, phần nhiều dạy về chú thuật. Do đây lại được gọi là hạng giáo hóa. Lại vì những người ấy vào thôn xóm nên gọi là hạng hướng tới thôn xóm.
Lại vì thành tựu các pháp dục, nên gọi là hạng thành tựu dục. Do nhân duyên này, vào thuở xa xưa Bà La Môn là thù thắng, là chủng tánh cao quý xuất hiện ở thế gian, theo đúng như pháp chẳng phải phi pháp.
Lại nữa, ngoài ra có một hạng chúng sanh làm đủ các thứ để cầu lợi như kỹ năng, công xảo, nghệ thuật, các ngành nghề sanh sống. Do nhân duyên này nên gọi là Tỳ Xá. Vì vậy cho nên ngày xưa dòng dõi Tỳ Xá xuất hiện ở thế gian. Họ cũng theo đúng như pháp chẳng phải phi pháp.
Chư Tỳ Kheo, ba dòng dõi này đã sanh ra ở thế gian rồi, về sau lại có giòng dõi thứ tư sanh ra ở thế gian.
Chư Tỳ Kheo, có một hạng người tự chê bai phép tắc vốn có của gia tộc họ, cạo bỏ râu tóc, mặc áo Ca Sa, xả bỏ thế gian, xuất gia tu đạo, tự xưng: Ta là Sa Môn. Nói như vậy rồi, liền thành tựu chánh nguyện. Dòng dõi Bà La Môn, Tỳ Xá cũng vậy.
Có một hạng người, cũng chê bai như trước, cũng bỏ nhà xuất gia, tự xưng: Ta là Sa Môn, liền thành tựu chánh nguyện, vì họ đã có chánh nguyện về chủng loại.
Chư Tỳ Kheo, có hạng Sát Đế Lợi, nghiệp thân, khẩu, ý làm những hạnh ác. Vì những hạnh ác, nên khi thân hoại mạng chung, chỉ nhận quả khổ. Bà La Môn, Tỳ Xá cũng như vậy.
Lại có hạng Sát Đế Lợi, nghiệp thân, khẩu, ý làm các việc lành. Vì làm việc lành nên khi thân hoại mạng chung chỉ thọ quả vui. Bà La Môn, Tỳ Xá cũng giống như vậy.
Chư Tỳ Kheo, lại có hạng Sát Đế Lợi, nghiệp thân, khẩu, ý làm cả hai việc ác, thiện. Vì làm cả hai nên khi thân hoại mạng chung, sẽ thọ quả khổ lẫn vui. Bà La Môn, Tỳ Xá cũng như vậy.
Chư Tỳ Kheo, lại có hạng Sát Lợi chánh tín xuất gia, tu tập ba mươi bảy pháp trợ đạo, có khả năng dứt hết các lậu, tâm và trí được giải thoát, ngay hiện tại thấy pháp, chứng pháp, đắc các thần thông.
Đã tác chứng rồi tự nêu rõ: Sự sanh của ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, về sau không còn thọ nhận thân sanh tử nữa. Bà La Môn, Tỳ Xá cũng y như vậy.
Chư Tỳ Kheo, ba dòng dõi ấy ở trong đời sau, có khả năng thành tự đầy đủ minh, hạnh, đắc quả A La Hán, gọi là tối thắng.
Chư Tỳ Kheo, Phạm Vương Sa Ha Bà Để, xưa ở trước ta, nói bài kệ:
Sát Lợi giống hơn hết
Nếu rời các chủng tánh
Thành tựu đủ minh, hạnh
Thì hơn các Trời, người.
Chư Tỳ Kheo, Phạm Vương Sa Ha Bà để khéo đọc bài kệ ấy, chẳng làm điều bất thiện. Ta đã ấn chứng.
Chư Tỳ Kheo, Ta, Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác cũng nói nghĩa này.
Chư Tỳ Kheo, cứ lần lượt như vậy, ta đã nói đủ về thế gian chuyển thành, thế gian chuyển hoại, thế gian chuyển trụ.
Chư Tỳ Kheo, có một vị thầy giáo hóa vì các Thanh Văn làm điều nên làm, thương yêu lợi ích, hành hạnh từ bi. Ta đã làm xong, các vị nên nương theo.
Chư Tỳ Kheo, hoặc ở nơi đồng trống, nơi rừng núi vắng vẻ, bên gốc cây, chốn phòng, thất tịch tĩnh, hoặc ở nơi hang hốc ven núi, gò mả, nơi đất thừa, xa lìa làng xóm, dùng các thứ cây cỏ kết tạm làm chỗ ở. Chư vị Tỳ Kheo nên ở các nơi ấy tu tập thiền định, chớ nên phóng dật khiến về sau phải hối hận.
Chư Tỳ Kheo, đó là lời huấn thị của ta.
Phật thuyết kinh xong, Chư Tỳ Kheo… hoan hỷ vâng làm.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Xuất Sinh Nhất Thiết Như Lai Pháp Nhãn Biến Chiếu đại Lực Minh Vương - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Bảo Lăng Già A Bạt đa La - Phẩm Hai - Phẩm Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Quang Tán - Phẩm Một - Phẩm Quang Tán - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Chày Gỗ
Phật Thuyết Kinh ưu Bà Tắc Giới - Phẩm Một - Tập Hội
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Mười Hai - Phẩm Bồ Tát - Phần Một