Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Hai - Giới độ Vô Cực - Kinh Số Bốn Mươi - Kinh đảnh Sinh Thánh Vương
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô
PHẬT THUYẾT KINH LỤC ĐỘ TẬP
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Khương Tăng Hội, Đời Ngô
CHƯƠNG HAI
GIỚI ĐỘ VÔ CỰC
KINH SỐ BỐN MƯƠI
KINH ĐẢNH SINH THÁNH VƯƠNG
Tôi nghe như vậy!
Một thời Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ.
Khi ấy Tôn Giả A Nan rảnh rỗi, nên suy nghĩ sâu xa: Chúng sinh từ đầu đến cuối, ít người chán ghét năm dục.
Sau bữa trưa, Tôn Giả đến chỗ Đức Phật, cúi đầu lễ xong lui ra, bạch: Thưa Đức Thế Tôn, nhân lúc ngồi rảnh con suy nghĩ kỹ, thấy rằng chúng sinh, ít người biết đủ, còn kẻ không biết chán năm dục thì rất đông.
Đức Thế Tôn khen: Hay thay! Hay thay! Đúng như ông nói đó. Sở dĩ như vậy là vì.
Đức Phật kể tiếp: Thuở xưa, có vị Vua tên là Đảnh Sinh, Đông, Tây, Nam, Bắc không ai là không thần phục.
Vua có bảy báu là: Đao của bánh xe vàng bay, voi trắng, ngựa tía, ngọc minh nguyệt, vợ ngọc nữ, tôi phụ chính giỏi, tôi điều binh tài. Những thứ bảy báu của Vua xem ra trên đời thật ít có. Vua lại có một ngàn người con đoan chánh, tươi đẹp, thông minh, trí rộng, thiên hạ xưng tụng là Thánh, có sức mạnh chế ngự mọi người, như là sư tử.
Vua đã là Thánh lại nhân từ, khắp Trời an vui thần thuộc, thọ mạng có đến hàng ức năm.
Lòng Vua thường nghĩ: Ta có một Cõi Thiên hạ Câu Da Ni, đất đai ngang dọc ba mươi hai vạn dặm, dân chúng đông đúc, ngũ cốc dồi dào, nhà nhà giàu có, những gì đời hiếm thì nước ta gồm đủ cả.
Tuy nhiên ta vẫn cầu nguyện Vua Trời kia hãy mưa xuống tiền vàng, tiền bạc bảy ngày bảy đêm, cho ta như thế, há chẳng tốt sao?
Trời theo ý nguyện của Vua, mưa xuống hai thứ báu trên đầy cả mọi chốn. Ánh sáng của báu Trời rực rỡ khắp nước. Nhà Vua vui sướng không lường, thiên hạ lại tạ mừng rỡ. Hàng ngày cùng Quần Thần, Nhà Vua vui chơi thỏa thích. Muôn dân đều khen ngợi tốt đẹp vì luôn được an lạc vô bờ.
Qua được vài ngàn vạn năm, Nhà Vua lại nghĩ: Ta có đất phía Tây rộng tới ba mươi hai vạn dặm, tốt tươi, đủ bảy báu, có ngàn đứa con, rạng rỡ cả đất nước, được Trời mưa tiền báu, chưa từng có trên đời. Tuy nhiên, ta nghe ở phương Nam có cõi Diêm Phù Đề, đất rộng, dài có đến hai mươi tám vạn dặm, dân chúng đông đúc, cầu gì được nấy.
Ta mà được đất ấy há chẳng sung sướng lắm sao!
Ý Vua vừa nghĩ, thì bánh xe vàng hướng về Nam, bốn binh chủng bảy báu nhẹ nhàng bay đi, cùng tới trên đất ấy. Vua và thần dân nước đó không ai là không tùng phục. Vua dân nước đó trọn ngày hân hoan. Nhà Vua dừng lại đó giáo hóa mọi người.
Trải qua số năm như trên, Nhà Vua lại nghĩ: Ta có đất phía Tây, nay lại có đất phía Nam, các báu nơi Trời, người cầu gì mà không có. Bây giờ ta nghe ở phương Đông có cõi Phất Vu Đãi, rộng dài ba mươi sáu vạn dặm. Vua dân cõi đó, các báu, ngữ cốc, các thứ báu quý… mong gì được nấy.
Nếu ta được đất ấy thì chẳng càng thích thú sao?
Miệng vừa nói như vậy, thì bánh xe vàng liền hướng về phía Đông, bốn binh chủng đều bay đi đến đó. Vua, tôi, dân chúng nước ấy không ai là không tuân phục. Vua lại dùng chánh pháp, nhân từ giáo hóa muôn dân, số năm dài như trên, nhà nhà đều mang ân đức của Vua.
Rồi Nhà Vua lại nghĩ: Ta có đất ở các cõi Tây, Nam, Đông. Trời, người các báu, không có báu quý gì mà ta không có.
Nay nghe phương Bắc có cõi Uất Đan Việt, nếu ta làm Vua cõi ấy thì chẳng tốt lắm ư?
Vừa mở miệng nói lời nguyện, thì bánh xe vàng đã hướng về phía Bắc, bốn binh chủng đều bay như trước.
Vừa vào cõi ấy, xa xa thấy đất xanh như sắc lông chim thúy, Nhà Vua hỏi: Các người thấy đất xanh chứ?
Họ thưa: Dạ thấy!
Vua nói: Đây là đất Uất Đan Việt.
Lại thấy đất trắng, Vua hỏi họ thấy không, họ đáp: Có thấy.
Vua nói: Đất đây đã thành cơm gạo rồi, các ngươi ăn đi!
Rồi lại thấy các cây báu, trên đó nào là áo quần mịn đẹp, xuyến, nhẫn, chuỗi ngọc lạ lùng, Nhà Vua hỏi: Các ngươi thấy đó chứ?
Thưa: Dạ thấy.
Nhà Vua bảo: Các ngươi lấy mà mặc vào đi! Nhà Vua cai trị bằng lòng nhân từ, giáo hóa dân bằng lòng khoan thứ, số năm ở đấy lâu như trên.
Rồi lại sinh ý nghĩ: Ta đã có ba cõi thiên hạ, nay được thêm cõi phương Bắc bốn mươi vạn dặm, bây giờ thì muốn lên Cõi Trời Đao Lợi, đến chỗ của Đế Thích. Vua vừa nghĩ vậy thì bánh xe vàng liền hướng lên trên, bốn binh chủng bảy báu bay lên Trời, vào Cung Đế Thích.
Đế Thích thấy Nhà Vua đến thì vui mừng nghinh đón, nói: Nghe cao danh đã lâu, muốn được gặp gỡ, nay Ngài bay lên đây, thật là sung sướng lắm. Đế Thích bèn cầm tay cùng ngồi, nhường Vua tòa ngồi.
Nhà Vua ngoái nhìn tả hữu thấy cung điện trên Trời làm bằng vàng ròng, bạc trắng, thủy tinh, lưu ly, xa cừ, hổ phách, trân châu… lòng càng hớn hở, lại nghĩ: Ta có bốn nước, tiền báu vô số, nhưng ở đây sang quý khó tả xiết, nếu khiến cho Trời Đế Thích chết đi, để ta ở ngôi vị ấy thì chẳng thỏa nguyện lắm sao?
Niệm dữ vừa dấy lên thì thần túc liền bị diệt hết.
Đế Thích đưa về Cung cũ thì lâm bệnh nặng, quan phụ chính tâu: Thiên Vương bệnh nặng, nếu có mệnh hệ nào thì sẽ có di huấn gì không?
Nhà Vua nói: Như có ai hỏi vì sao Nhà Vua mất đi thì hãy đáp như chỗ ngươi đã thấy. Do tham mà bị bệnh, đến nỗi mất mạng, ôi, tham lam là lưỡi dao hại mạng, là cái gốc của sự mất nước, xa ba ngôi báu để theo ba đường ác thảy đều do đấy mà ra cả.
Kẻ nối dõi về sau phải lấy đó làm điều răn, xem lửa tham, si là gốc thiêu đốt thân mình, vậy nên cẩn thận chớ tham. Phàm càng sang quý nhiều thì họa càng cao, của báu nhiều thì oán kia càng lắm.
Sau khi Vua mất rồi, những người nối tiếp thuộc nằm lòng những lời răn dạy về tham ấy, nương vào đó làm của báu truyền đời. Dân chúng trong bốn Cõi thiên hạ tôn trọng sự giáo hóa nhân từ, phụng thờ ba ngôi báu, làm theo mười điều thiện nên được phước lâu đài.
Đức Thế Tôn nói: Xem ra ở đời ít kẻ có thể bỏ vinh quý, vứt năm dục. Chỉ có những bậc chứng được các quả Câu Cảng, Tần Lai, Bất Hoàn, Ứng Nghi, Duyên Giác, Vô Thượng Chánh Chân Đạo Tối Chánh Giác Đạo Pháp Ngự Nhân Thiên Sư, thì mới cỏ thể dứt tuyệt được.
Phi hành Hoàng Đế sở dĩ mọi ước nguyện đều đạt được, không hề trái với ý là vì do kiếp trước đã tu tập các pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, chứ không phải tự nhiên mà có. Vua Đảnh Sinh ấy chính là thân ta. Đức Phật nói Kinh xong, Tôn Giả A Nan vui mừng đảnh lễ Phật.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Một - Phẩm Vô Thường - Tập Mười
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tam Muội Niệm Phật - Phẩm Tám - Bồ Tát Bất Không Kiến Khuyến Thỉnh
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Hoa - Phẩm Mười Sáu - Ngự Phước Sự
Phật Thuyết Kinh Tịnh Nghiệp Chướng - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Kim Cang Tam Muội - Phẩm Sáu - Phẩm Chân Tánh Không
Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Phật độ Nghiêm Tịnh - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Tam Mạn đà Bạt đà La Bồ Tát - Phẩm Hai - Phẩm Sám Hối Lỗi Lầm