Phật Thuyết Kinh Pháp Luân Không Thoái Chuyển - Phẩm Hai - Phẩm Tín Hành - Tập Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi Hộ, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH
PHÁP LUÂN KHÔNG THOÁI CHUYỂN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thi Hộ, Đời Tống
PHẨM HAI
PHẨM TÍN HÀNH
TẬP MỘT
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ ấy xong, Tôn Giả A Nan liền bạch Phật: Hôm nay Như Lai vì Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi mà chuyển pháp luân không thoái chuyển?
Phật dạy: Đúng thế!
A Nan lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Hôm nay Như Lai chuyển pháp luân không thoái chuyển phải không?
Đức Phật dạy: Đúng vậy, này A Nan! Như Lai thật sự chuyển pháp luân không thoái chuyển.
Tôn Giả lại bạch Phật: Như Lai dùng phương tiện thế nào để nói về tín hành, pháp hành, tám bậc như thị?
Cũng như nói về các quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Thanh Văn, Bích Chi Phật.
Đối với bốn chúng đệ tử đang nghe pháp, Như Lai đều nêu rõ các pháp Bồ tat chăng?
Vì sao Như Lai lại nói: Vì hạng chúng sinh thấp kém nên mới xuất hiện ở cõi đời năm trược, hạng chúng sinh ấy khó lãnh hội pháp Đại Thừa.
Như Lai là Bậc Tự Tại, thành tựu phương tiện, nhận thấy chúng sinh hạng có tâm nguyện lớn thì ít, mà hạng tâm niệm thấp kém thì nhiều. Do vậy, vì Thế Tôn biết rõ căn tánh của chúng sinh để mở bày Phật Pháp, dùng phương tiện cứu độ, dùng vô lượng các pháp lành để giáo hóa chúng sinh, khien họ diệt trừ các khổ, được biết sinh tử, lìa các phiền não, khiến trụ nơi chánh đạo, chứng Niết Bàn vô vi, cho tới đạt được nhất thiết chủng trí.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả A Nan: Bậc Đại Bồ Tát! Vì vô lượng, vô biên chúng sinh giúp họ phát sinh tin tưởng, hiểu biết các kiến giải về Phật Pháp và pháp mà vô số các Đức Phật đã chứng biết. Các pháp ấy là không sắc, cho đến không thọ, tưởng, hành, thức, không tham nhiễm, không mê đắm, nên được gọi là tín hành.
Lại nữa, này A Nan! Bậc Đại Bồ Tát tin tưởng trí tuệ Phật tâm sinh vui mừng.
Thế nào là trí tuệ?
Trí tuệ là đều không thấy có thật pháp, vì không thấy có thật pháp nên gọi là tín hành.
Lại nữa, này A Nan! Các vị Đại Bồ Tát không đắm nhiễm năm dục lạc, không lìa bỏ lòng tin, nên gọi là Bồ Tát tín hành.
Bậc Đại Bồ Tát lại nghĩ rằng: Bố thí pháp không thể nghĩ bàn cho các chúng sinh vẫn giữ tướng như thế, tin tưởng pháp thì không thể nghĩ bàn như thế, đó gọi là Bồ Tát tín hành.
Các vị Bồ Tát Ma Ha tát luôn tạo được sự hoan hỷ, có thể xả bỏ cả thân mình mà vẫn chưa cho là đủ, đối với mọi hoàn cảnh và nơi chốn đều không hề sinh ganh ghét giận dữ, các việc làm bố thí đều hồi hướng, hồi hướng mà cũng không có ý tưởng để cầu được bồ đề, vì không hoại diệt công đức hồi hướng ấy nên gọi là Bồ Tát tín hành.
Lại nữa, này A Nan! Các vị Đại Bồ Tát luôn giữ lòng tin thanh tịnh, chánh niệm hướng về Phật, tâm không cấu uế và cũng tin là không hề bị cấu nhiễm, xem các pháp đều bình đẳng, không có chúng sinh, thọ mạng, ta, người, không có uẩn, giới, nhập, cũng tự mình không mê đắm thọ mạng, nơi chốn, đó gọi là tín hành giải thoát.
Các vị Đại Bồ Tát giáo hóa chúng sinh khiến họ kính tin Phật Pháp, để điều phục tâm hồi hướng về bồ đề, cũng không chấp vào tướng của tâm. Nhận thức rõ về sáu giới, năm uẩn, mười hai nhập đều bình đẳng, đều đồng với pháp giới.
Vì không phân biệt nên biết pháp giới không có tướng khác, đó là tin tất cả hành là vô thường, tất cả các hành là khổ, tất cả hành là không, tất cả hành là vô ngã. Đối với pháp ấy được năng lực trí tuệ. Tin bố thí, tin vào giới luật của Phật, không rơi vào cõi chỗ đùa bỡn, được năng lực Thiền định, tin vào cõi vắng lặng, đó gọi là Bồ Tát tín hành.
Các vị Đại Bồ Tát tuy giáo hóa chúng sinh thường tin vào sự vắng lặng nhưng không bám víu vào tướng chúng sinh, xem các chúng sinh đồng với giải thoát, khéo biết tất cả chúng sinh là vô tướng, đều đồng với pháp giới, chẳng thể nhận thức, cũng không phải chẳng nhận thức.
Vì sao?
Vì pháp giới tức là cõi tâm của tất cả chúng sinh, nên gọi là Đại Bồ Tát tín hành.
Lại nữa, này A Nan! Đại Bồ Tát xem tất cả chúng sinh là không thật có, không trụ, không diệt, tánh tướng vốn không. Vì vậy, chẳng hề thấy tất cả chúng sinh, cũng không thấy có nơi nương tựa, xem tất cả chúng sinh đồng giới cảnh giới Niết Bàn.
Vì sao?
Vì tất cả chúng sinh đều nhập vào không giới. Bồ Tát có khả năng khiến cho vô lượng chúng sinh như thế đều kính tin và hiểu rõ nên gọi là Đại Bồ Tát tín hành.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn nói lại ý nghĩa vừa nêu nên nói bài kệ:
Chúng sinh kính tin
Thấy vô số Phật
Không đắm sắc tướng
Đó là tín hành.
Tin tất cả pháp
Mở bày không tướng
Thành tựu giải thoát
Đó là tín hành.
Thường tin chánh pháp
Ưa thích cầu Phật
Lúc nào sẽ đạt
Trí không nghĩ bàn
Xét rõ năm dục
Thật không đáng tin,
Được năng lực tin
Đó là tín hành.
Niềm tin như thế
Rất là tốt đẹp
Phải tu pháp thí
Cúng dường Đại Tiên.
Thí không nghĩ bàn
Nên được tín biện
Không tâm thấp kém
Đó là tín hành.
Xả bỏ tất cả
Thân mình yêu mến
Nhưng không tưởng xả
Đó là tín hành.
Bố thí tất cả
Chẳng hề ganh ghét
Lìa tưởng bồ đề
Đó là tín hành.
Tín tâm thanh tịnh
Dứt tất cả nhơ
Cũng không tuổi thọ
Đó là tín hành.
Tuy tu hạnh thí
Chẳng cầu quả báo
Được sức tin sâu
Đó là tín hành.
Xả bỏ sáu nhập
Chẳng nghĩ quả báo
Khéo hiểu sáu giới
Đó là tín hành.
Tự điều phục mình
Và điều phục người
Khiến tin Phật Pháp
Đó là tín hành.
Được niềm tin rồi
Hồi hướng bồ đề
Dứt những tướng tâm
Đó là tín hành.
Biết rõ sáu giới
Đều đồng pháp giới
Tuy nói pháp giới
Chẳng đạt tướng giới.
Các hành vô thường
Khổ, không, vô ngã
Cũng không mê đắm
Đó là tín hành.
Kính tin giới Thánh
Dứt mọi đùa bỡn
Thành tựu thiền định
Đó là tín hành.
Tin các chúng sinh
Cùng tướng vắng lặng
Biết vô tướng rồi
Đó là tín hành.
Chẳng đắm chúng sinh
Cùng nhập pháp giới
Cõi chúng sinh này
Không thể nghĩ bàn
Dùng tín sinh tín
Đó gọi là tín
Bồ Tát vô úy
Đó là tín hành.
Chúng sinh quyết định
Dứt hết các tưởng
Thể tánh như không
Không chỗ, không chứng
Chúng sinh, Niết Bàn
Cả hai đều không
Nương đó tín sinh
Đó là tín hành.
Bồ Tát không sợ
Tin các chúng sinh
Không bám tên chữ
Từ tin mà sinh
Tin được như vậy
Thường nhớ chẳng mất
A Nan nhớ ghi
Phân biệt chỉ rõ.
Các pháp như thế
Vô lượng, vô số
Phật đã chứng ngộ
Bồ Tát hiển bày.
Lại nữa, này A Nan! Như Lai Đa Đà A Già Độ đầy đủ tín lực mới có thể giảng nói ý nghĩa sâu mầu như thế. Cho nên gọi là Đại Bồ Tát tín hành.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn thấy chúng sinh tín lực đã được vững chắc, nên lại nói bài tụng:
Tất cả người nghe
Tâm đều vui mừng
Các Phật tử này
Nói về công đức,
Bồ Tát hiện rõ
Chẳng thể nghĩa bàn
Bồ Đề các Phật
Người chẳng tín tin
Chẳng nhiễm giả danh
Cũng không tâm sở
Chẳng đắm mười phương
Gọi Tín tối thắng.
Bồ Tát bày nói
Thường tu pháp tin
Chẳng chấp vào không
Nêu bày vắng lặng
Cứu đời nên nói
Giải thoát như vậy
Sắc tướng cũng thế
Như thuyết tu hành.
Bồ Tát bày nói
Người trí kính tin
Phật chẳng thể bàn
Vô lượng nhớ nghĩ
Điều Bồ Tát tin
Hư không vô biên
Trí Phật vô lượng
Hiệu là Trượng Phu.
Chí cầu không đắm
Chẳng vì tham dục
Tạo tác chẳng lành
Mà bỏ pháp vui
Đó gọi Bồ Tát
Thực hành pháp thí
Tín của Bồ Tát
Thiện Thệ ấn chứng.
Pháp thí chẳng nghĩ bàn
Tín bố thí uống ăn
Ma ni, vàng, voi, ngựa
Tất cả xe, nô tỳ
Vợ con các nam nữ
Xả thí luôn cõi nước
Tay, chân, các bộ phận
Đầu mắt và não tủy
Mắt tai và mũi miệng
Thắng tín của Bồ Tát
Xả thân không đắm nhiễm
Hành thí cũng không nghĩ
Ta vốn tu pháp thí
Mong đạt trí tuệ Phật
Xả thân không đắm nhiễm
Tất cả thí vui mừng
Luôn gần gũi bạn lành
Xả bỏ thân mỏng manh
Đối với các chúng sinh
Tín tâm thường thanh tịnh
Nghe pháp, tin các Phật
Đó gọi là Bồ Tát.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Ba Mươi Sáu
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Ngoại đạo - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Căn Bản Nghi Quỹ - Phẩm Bảy - Phẩm Hộ Ma
Phật Thuyết Kinh Na Tiên Tỳ Kheo - Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm Cảm Thọ
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Thứ Mười Một - Pháp Hội Xuất Hiện Quang Minh - Phần Ba