Phật Thuyết Kinh Pháp Luân Không Thoái Chuyển - Phẩm Tám - Phẩm Nhận Rõ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi Hộ, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH
PHÁP LUÂN KHÔNG THOÁI CHUYỂN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thi Hộ, Đời Tống
PHẨM TÁM
PHẨM NHẬN RÕ
Bấy giờ, Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các vị nam nữ trong dòng họ của Như Lai, nếu được nghe pháp này, lần lượt tin tưởng hiểu rõ không dấy khởi nghi ngờ, vậy thì các vị ấy sẽ đạt được phước đức như thế nào?
Đức Phật dạy: Các nam nữ trong dòng họ của Như Lai an trụ trên đường tiến đến Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, nếu như có người cúng dường Phật bảy thứ báu đầy khắp trong cõi Diêm Phù Đề thì công đức của người ấy chẳng bằng được nghe Kinh này thứ lớp câu nghĩa tin tưởng hiểu rõ không nghi ngờ thì phước đức rất nhiều.
Giả sử cúng dường hết toàn bộ bảy thứ báu trong cõi Diêm Phù Đề, cũng như toàn bộ các thứ châu báu trong các Thế Giới nhiều như số cát Sông Hằng lên Đức Phật, nhưng nếu lại có các Thiện Nam, Thiện Nữ được nghe Kinh này, thứ lớp câu nghĩa, tin tưởng hiểu rõ không nghi ngờ, tâm cũng không hối hận công đức của các vị ấy hơn hẳn trường hợp kia.
Khi ấy, Đức Thế Tôn liền nói kệ:
Giả sử khắp tam thiên
Các châu báu đầy dẫy
Cúng dường Đức Như Lai
Cứu độ các thế gian.
Nếu Phật nói Kinh này
Mà có người lắng nghe
Trí tuệ được giải thoát
Phước ấy hơn người kia.
Ví như cát Sông Hằng
Ở nơi các Thế Giới
Bảy báu đều đầy khắp
Thảy cúng dường Như Lai.
Đối với lời Phật nói
Tín nhận Kinh Điển này
Đó là trí giải thoát
Phước ấy cũng hơn kia.
Lúc này, Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có các vị nam, nữ trong dòng họ của Như Lai tin nhận hiểu rõ Kinh này, thọ trì đọc tụng, lại giảng nói cho người khác nghe thì các vị ấy được bao nhiêu phước đức?
Đức Phật nói: Các nam nữ trong dòng họ của Như Lai ấy, trụ trong đạo vô thượng, trong trăm kiếp tu hạnh bố thí, cúng dường Như Lai, cũng trải qua trăm kiếp tu các pháp Ba la mật là trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, lại trải qua trăm kiếp được năm thứ thần thông, tu tập đạt được mọi thứ trí thức ở thế gian, đầy đủ giới thân, nhưng nếu các vị đó xa lìa Kinh này thì cũng không được gọi là tôn trọng cúng dường các Đức Như Lai.
Nếu có các thiện nam, thiện nữ tin nhận hiểu rõ Kinh này, thọ trì đọc tụng, lại giảng nói cho người khác nghe thì những vị ấy sẽ được phước đức nhiều hơn trường hợp trên.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói kệ:
Giả sử trong trăm kiếp
Hết thảy các thức ngon
Cúng dường Bậc cứu đời
Không gọi tôn trọng cúng.
Nếu người muốn cúng dường
Phải thọ trì Kinh này
Xả bỏ tưởng phước báo
Tu tập cúng dường pháp,
Người cúng dường như thế
Mới gọi chân cúng dường.
Lấy pháp làm cúng dường
Pháp thân của Như Lai
Giả sử trong trăm kiếp
Dâng y phục cúng dường
Đấng Thế Tôn cứu đời
Thí nhiều các y phục
Không gọi là cúng dường.
Có người trì Kinh này
Đó gọi chân cúng dường
Là Bậc nhất, trên hết
Giả sử trong trăm kiếp
Thường rải các hoa Trời
Dâng cúng các Thế Tôn
Chưa gọi là cúng dường.
Nếu cúng dường bậc nhất
Bậc cứu đời độ thế
Nên thọ trì Kinh này
Nên dứt tướng quả báo.
Nếu xây Tháp bảy báu
Vì cứu đời mà lập
Tất cả như Tu Di
Không gọi cúng dường Phật.
Đây là cúng lớn nhất
Hơn hẳn cúng dường khác
Người trì được Kinh này
Chẳng chấp tướng thân ta
Giả sử trong trăm kiếp
Tu giữ các giơi cấm
Mà chẳng trì Kinh này
Chưa gọi là hơn hết.
Nghe Kinh và giữ giới
Xem giới là hơn hết
Cũng đối việc trì Kinh.
Không nghĩ mình trì Kinh.
Không gọi là phạm giới
Cũng không gọi phá giới
Tu học được Kinh này
Như lời ta giảng dạy.
Nếu tu được Kinh này
Cũng khéo tu bồ đề
Tuy cùng tu bồ đề
Mà thật không điều học.
Giữ giới được như vậy
Điều Kinh này hiển bày
Đối giới được đầy đủ
Đó gọi là giữ giới.
Giả sử trong trăm kiếp
Có người tu nhẫn nhục
Đánh mắng không đánh lại
Tất cả đều nhẫn được.
Cho đến chặt tay chân
Mà không khởi ý khác
Cũng chẳng sinh oán hờn
Tất cả đều không nghĩ
Thực hành được nhẫn này
Đầy đủ trong trăm kiếp
Tuy tu nhẫn như vậy
Tâm không cho là hơn
Đó là nhẫn bậc nhất
Cũng gọi là khéo tu
Nếu được nghe Kinh này
Tin hiểu mà thọ trì
Đó là nhẫn trên hết
Bậc nhất không gì hơn
Nếu đối với Kinh này
Nghe rồi mà tin hiểu
Mong đạt được vô ngại
Trí tuệ Phật Vô thượng
Nên thọ trì Kinh này
Thì sẽ mau đạt được
Giả sử trong trăm kiếp
Tinh tấn thường không ngồi
Giờ Kinh hành đã qua
Dứt bỏ sự ngủ nghỉ
Người trí tu Kinh này
Nên giảng nói người nghe
Thì được không sợ hãi
Đó gọi tinh tấn nhất.
Giả sử trong trăm kiếp
Chứng được năm thần thông
Nếu chẳng nghe Kinh này
Không gọi thần thông nhất.
Nếu trì được Kinh này
Gọi là thần thông nhất
Hơn những thần thông khác
Biết nghĩa mà không đắm
Giả sử trong trăm kiếp
Thường làm người trí sáng
Đầy đủ trí thế gian
Biết rõ việc thế gian.
Nếu chẳng học Kinh này
Chưa xứng là người trí
Nếu trì được Kinh này
Gọi là người sức mạnh.
Nếu biết được như thế
Đó gọi là người trí
Thọ trì Kinh Điển này
Nghe thì tin, hiểu được.
Hiển bày trong Kinh này
Hành xứ của người trí
Nếu trì được Kinh này
Phải siêng năng tinh tấn.
Khi ấy, Tôn Giả A Nan lại nói kệ:
Đi đủ trăm do tuần
Hoặc cả ngàn do tuần
Sẽ đến chỗ người trí
Nơi có Kinh Pháp này
Thường nên đến chỗ ấy
Để nghe được Kinh này
Nghe rồi mà tin hiểu
Tâm họ thường thuận theo
Ví lửa khắp Thế Giới
Trăm ngàn ức do tuần
Nếu chỗ có Kinh này
Người trí mau đến nghe
Nếu cầu thiền định Phật
Hơn hẳn các thiền định
Nên nói Kinh như thế
Dứt bỏ các phiền não
Nếu có người muốn bỏ
Ưa đắm đối thế gian
Vì hiển bày Kinh này
Như lời Phật đã nói.
Nếu muốn thấy các Phật
A súc là trên hết
Trong các thứ thọ trì
Kinh này là Bậc nhất.
Muốn được mọi niềm vui
Tu các hạnh Bồ Tát
Phải nên nói Kinh này
Mau đến chỗ an vui.
Muốn thấy Bậc Chánh Giác
An dưỡng khó nghĩ bàn
Nên giảng nói Kinh này
Như lời Phật giảng nói.
Lúc bấy giờ, Phật bảo A Nan: Lành thay, lành thay! Khi nói Kinh này, các nam, nữ trong dòng họ của ta nếu được nghe rồi, tâm không tán loạn, đọc tụng Kinh này, xa lìa tất cả những chỗ gần gũi, tất sẽ dứt bỏ tất cả các thứ ràng buộc chấp đắm. Nếu muốn thấy Phật liền được thấy, khi sắp qua đời sẽ được tận mặt thấy trăm ngàn Đức Phật.
Vì sao?
Vì các vị ấy luôn được tất cả các Đức Phật che chở giữ gìn, nói được Kinh này lại còn thọ trì đọc tụng, kính tin, hiểu rõ, cũng giảng nói giải thích cho người khác nghe.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Ba - Phẩm Xá Lê Tử Tương ưng - Kinh Phân Biệt Thánh đế
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Sáu Mươi Mốt - Pháp Hội Vô Tận ý Bồ Tát - Phần Mười Một
Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Hai Mươi Sáu - Phẩm Tùy Tri
Phật Thuyết Kinh đại Minh độ Kinh đạo Hành Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Một - Phẩm Thượng Hạnh
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Bảy - Ngạ Quỷ Sự - Phẩm Bốn - đại Phẩm - Chuyện Ngạ Quỷ Revatì
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Kính Phật
Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Quảng Tụ đà La Ni - Phẩm Mười Ba - Phẩm Kiến Triệu Thỉnh Chư Phật
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm Nói Rộng - Tập Hai