Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai Mươi Mốt - Phẩm Một - Phẩm Tám Mươi Bài Kệ Số Một - Chuyện Tiểu Thiên Nga Tiền Thân Cullahamsa - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG HAI MƯƠI MỐT  

PHẨM MỘT  

PHẨM TÁM MƯƠI BÀI KỆ SỐ MỘT  

CHUYỆN TIỂU THIÊN NGA

TIỀN THÂN CULLAHAMSA

 

PHẦN MỘT  

Bầy chim không để ý gì ta. Đây là chuyện do bậc Đạo Sư kể trong lúc trú tại Trúc Lâm về cách Tôn Giả Ànanda đã hy sinh tính mạng.

Khi những người thiện xạ được mua chuộc để sát hại Đức Như Lai và người đầu tiên được Devadatta Đề Bà Đạt Đa phái đi làm việc này đã trở về, y nói: Bạch Tôn Giả, con không thể đoạt mạng sống của Đức Thế Tôn, vì Ngài có đủ đại thần thông lực.

Devadatta đáp: Thôi được, ông không cần phải sát hại Sa Môn Gotama. Ta sẽ đích thân đoạt mạng sống của vị ấy.

Thế rồi trong khi Đức Như Lai đang đi dạo dưới bóng mát ngã về tây của núi Gijjhakùta Linh Thứu, Devadatta trèo lên đỉnh núi và ném xuống một tảng đá lớn như thể từ chiếc máy lăn đá bắn ra và tự nhủ: Với tảng đá này, ta sẽ giết Sa Môn Gotama. Song hai đỉnh núi giao nhau chặn lấy tảng đá và một mảnh vụn văng ra đụng vào chân của Đức Thế Tôn làm chảy máu, và gây đau nhức dữ dội.

Y sĩ Jìvaka lấy dao cắt rộng miệng vết thương ở chân Đức Như Lai, để máu độc chảy ra và cắt bỏ chỗ thịt sưng rồi xoa thuốc vào vết thương cho lành.

Bậc Đạo Sư đi lại như trước, với các vị đại đệ tử hầu cận quanh Ngài, trong mọi dáng điệu uy nghi của một vị Phật.

Vì thế, khi thấy Ngài, Devadatta nghĩ thầm: Quả thật không có một kẻ phàm phu nào chiêm ngưỡng dung sắc tối thắng của kim thân Sa Môn Gotama lại dám tời gần vị ấy, ngoại trừ Vương tượng Nàlàgiri là một mãnh thú hung dữ chẳng biết gì về các công đức của Phật, Pháp, Tăng. Nó sẽ tiêu diệt Sa Môn này. Thế là ông liền đi kể chuyện này với Vua.

Vua sẵn sàng đồng ý với đề nghị này và triệu người quản tượng vào bảo: Này khanh, ngày mai khanh phải làm cho Nàlàgiri say rượu đến độ điên cuồng, và lúc tảng sáng thả nó ra đường phố mà Sa Môn Gotama đi qua.

Devadatta hỏi người quản tượng ngày thường con voi này uống bao nhiêu rượu men và khi y đáp:

Tám vò, ông bảo: Ngày mai hãy cho nó uống mười sáu vò rồi thả nó ra về phía con đường Sa Môn Gotama đi qua. Được lắm. Người quản tượng đáp.

Vua truyền đánh trống khắp Kinh Thành và công bố: Ngày mai Nàlàgiri sẽ say rượu mạnh đến điên cuồng và được thả lỏng trong Kinh Thành. Dân chúng trong thành phải làm mọi việc cần làm vào sáng sớm, và sau đó không ai được liều lĩnh ra đường phố.

Devadatta từ cung Vua xuống tận chuồng voi và bảo đám quản tượng: Này ta bảo cho các ông biết, chúng ta có thể hạ nhục một người từ địa vị cao sang xuống địa vị thấp hèn và nâng một người từ địa vị thấp hèn lên địa vị cao sang.

Nếu các ông muốn danh giá, thì sáng sớm ngày mai hãy cho Nàlàgiri uống mười sáu vò rượu mạnh, và đúng lúc Sa Môn Gotama đi đến lối ấy, hãy đâm con voi kia với các gậy nhọn, nó sẽ phá chuồng nổi điên, ông hãy đuổi nó ra về phía con đường Sa Môn Gotama thường đi qua và thế là tiêu diệt vị ấy. Bọn chúng sẵn sàng làm như vậy. Tiếng đồn vang dậy khắp Kinh Thành.

Các đệ tử tại gia thân cận Phật, Pháp, Tăng nghe tin ấy liền đến gần bậc Đạo Sư và thưa: Bạch Thế Tôn, Devadatta đã âm mưu với Vua, ngày mai sẽ cho thả con voi Nàlàgiri ra đường mà Thế Tôn đi qua. Xin Thế Tôn ngày mai đừng vào thành khất thực, mà cứ ở lại đây. Chúng con sẽ cúng dường thực phẩm ngay tại Tinh Xá lên Tăng Chúng với Đức Phật đứng đầu.

Đức Phật không nói thẳng:

Ngày mai Ta sẽ không vào thành khất thực, mà Ngài đáp: Ngày mai ta sẽ thị hiện thần thông để nhiếp phục Nàlàgiri và đánh bại tà đạo. Và vì không đi khất thực trong thành Vương Xá, ta sẽ rời thành cùng một số Tỳ Kheo hộ tống đi thẳng đến Veluvana Trúc Lâm, rồi dân chúng ở Vương Xá sẽ đến đó mang theo nhiều bình bát thực phẩm và ngày mai họ sẽ cúng dường bữa ăn tại trai đường của Tinh Xá ấy.

Bằng cách này, bậc Đạo Sư đã chấp thuận lời thỉnh cầu của họ.

Khi được tin Đức Như Lai đã tán đồng nguyện vọng của họ, họ ra đi từ Kinh Thành, mang theo nhiều bình bát thực phẩm và bảo nhau: Chúng ta sẽ cúng dường lễ vật ngay tại Tinh Xá ấy. Còn bậc Đạo Sư thuyết pháp vào canh một, giải đáp các vấn đề khó khăn vào canh giữa và phần đầu canh cuối, Ngài nằm nghiêng về phía hữu như dáng sư tử, giữa canh cuối Ngài an trú trong Thánh Quả, và sau cùng khi Ngài nhập định đại bi vì nhân loại khổ đau.

Ngài quán sát mọi người quyến thuộc của Ngài đã đủ cơ duyên thuần thục để được giáo hóa, và nhận thấy rằng do kết quả việc nhiếp phục con voi Nàlàgiri, tám mươi bốn ngàn người sẽ được thông hiểu pháp.

Rạng ngày hôm sau, khi đã phục vụ mọi nhu cầu thân thể, Ngài nói với Tôn Giả Ànanda: Này Ànanda, hôm nay hãy bảo tất cả Tỳ Kheo trong mười tám Tinh Xá quanh thành Vương Xá đến hộ tống Ta vào trong thành ấy.

Tôn Giả tuân lệnh và tất cả Tăng Chúng tập hợp tại Trúc Lâm. Bậc Đạo Sư được Tăng Chúng đông đảo hộ tống đi vào Vương Xá và bọn quản tượng tiến hành công việc theo lệnh truyền, còn quần chúng tụ họp thành nhiều đám.

Những người mộ đạo nghĩ thầm: Hôm nay sẽ có cuộc đại chiến giữa Đức Phật là Vương tượng với con voi của thế giới phàm tục này. Chúng ta sẽ chứng kiến Đức Phật đánh bại Nàlàgiri nhờ thần lực vô song của Ngài, và họ trèo lên đứng trên các lầu thượng và mái nhà cùng nóc nhà.

Còn các đám tà đạo không tin tưởng lại suy nghĩ: Nàlàgiri là một con dã thú hung hãn, không biết gì về công đức của Chư Phật. Hôm nay nó sẽ dẫm nát hình thể vinh quang của Sa Môn Gotama và khiến vị ấy phải chết. Hôm nay ta sẽ trừ khử địch thủ của ta rồi. Họ cũng đứng trên các thượng lầu và các chỗ cao khác.

Còn con voi, khi nhìn thấy Đức Thế Tôn đến gần, đã làm mọi người kinh hoàng bằng cách phá sập nhà cửa, giương vòi ra nghiền nát xe cộ, tai vểnh, đuôi dựng ngược hùng hổ chạy như một ngọn núi sừng sững lao về phía Đức Thế Tôn.

Khi thấy nó, Tăng Chúng thưa với Đức Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, Nàlàgiri là một dã thú hung hãn, là tên sát nhân, đang tiến đến đường này. Thật ra nó chẳng biết gì đến công đức của Chư Phật. Xin Đức Thế Tôn, bậc Thiện Thệ hãy lùi bước.

Này các Tỷ hheo, đừng sợ, Ta có đủ uy lực nhiếp phục Nàlàgiri.

Sau đó Tôn Giả Sàriputta thỉnh cầu Đức Phật: Bạch Thế Tôn, khi nào có việc gì phải phụng sự phụ thân, thì đó là trách nhiệm đặt lên vai con trưởng. Con xin nguyện nhiếp phục con vật này.

Bậc Đạo Sư lại bảo: Này Sàriputta, uy lực của Đức Phật là một việc, còn uy lực của các đệ tử là một việc khác.

Ngài từ chối lời đề nghị của Tôn Giả và bảo: Ông phải ở lại đây. Đây cũng là lời thỉnh cầu của tám mươi vị Trưởng Lão nhưng Ngài từ chối tất cả.

Lúc ấy Tôn Giả Ànanda vì lòng ái kính bậc Đạo Sư nồng nhiệt nên không thể chấp nhận việc này và kêu lớn: Hãy để con voi này giết con trước tiên. Rồi Tôn Giả đứng ngay trước bậc Đạo Sư, sẵn sàng hy sinh tính mạng vì Đức Như Lai.

Vì thế bậc Đạo Sư bảo vị ấy: Này Ànanda, đi ra ngay, đừng đứng trước mặt ta.

Vị Trưởng Lão đáp: Bạch Thế Tôn, con voi này rất hung bạo và man rợ, đó là một tên sát nhân, giống như ngọn lửa ở đầu cái vòng. Xin để nó giết con trước rồi sau đó mới đến gần Đức Thế Tôn. Và mặc dù đã được bảo đến lần thứ ba, vị Trưởng Lão này vẫn đứng yên tại chỗ và không đi lui.

Lúc ấy Đức Thế Tôn dùng thần lực đẩy vị ấy ra sau và đưa Tôn Giả vào giữa Tăng Chúng. Ngay lúc này một phụ nữ chợt trông thấy Nàlàgiri, quá kinh hoảng vì sợ chết, liền chạy làm rơi đứa con mà bà đang bế bên hông xuống giữa khoảng Đức Như Lai và con voi rồi vội thoát thân. Con voi đuổi theo bà, chợt đến gần đứa bé đang khóc lớn.

Bậc Đạo Sư gây xúc động với lòng từ bi được trải rộng rất đặc biệt, vừa cất giọng dịu ngọt như tiếng của Phạm Thiên vừa gọi con voi Nàlàgiri: Này Nàlàgiri, những kẻ đã làm voi điên cuồng với mười sáu vò rượu mạnh không để cho voi tấn công kẻ nào khác, mà chúng làm vậy vì nghĩ rằng voi sẽ tấn công Ta. Đừng nhọc công chạy quanh không mục đích, mà hãy đến đây.

Khi nghe giọng nói của bậc Đạo Sư, con voi mở mắt và nhìn dáng uy nghi của Đức Thế Tôn, liền xúc động mãnh liệt và nhờ thần lực của Đức Phật, công hiệu độc hại của rượu mạnh tan biến mất. Vừa hạ vòi và vẫy tai, nó vừa đi đến quỳ xuống dưới chân Đức Như Lai.

Lúc ấy bậc Đạo Sư bảo nó: Này Nàlàgiri, ngươi là một con voi hung dữ ta là Vương tượng đã thành Phật. Từ nay ngươi đừng hung dữ và man rợ nữa, đừng sát nhân, mà hãy tu tập tâm từ.

Nói vậy xong, Ngài đưa tay phải ra vỗ về trán voi và thuyết pháp qua các vần kệ này:

Nếu voi dám đánh chúa voi này,

Voi sẽ khóc than kiếp đọa đày,

Đánh chúa voi này, ngươi phải chịu

Đọa vào khổ cảnh kiếp sau hoài.

Từ bỏ buông lung với dại cuồng,

Kẻ ngu không đạt đến Thiên Đường,

Nếu mong Thiên lạc trong đời kế

Voi phải lo làm việc thiện lương.

Toàn thân con voi được thấm nhuần niềm hoan hỷ, và giá như nó chẳng phải là loài vật bốn chân, thì nó đã đắc Sơ Quả Dự Lưu. Dân chúng chiêm ngưỡng phép thần thông này, liền reo hò vang dậy và búng ngón tay giòn giã. Trong niềm hân hoan, họ tung lên đủ mọi trang sức phủ khắp mình voi. 

Từ đó Nàlàgiri được mệnh danh là Dhanapàlaka Tài Hộ: giữ kho báu.

Bấy giờ vào dịp gặp gỡ voi Tài Hộ này, tám vạn bốn ngàn chúng sinh được uống vị ngọt của Pháp Bất Tử. Và bậc Đạo Sư đã an trú voi Tài Hộ vào Ngũ Giới.

Nó vừa dùng vòi hất bụi bặm từ chân Đức Thế Tôn rải lên đầu nó, vừa cúi mình đi lui, rồi đứng đảnh lễ đấng Thập lực cho đến khi Ngài khuất dạng, sau đó nó quay về chuồng voi. Từ đó về sau, nó hoàn toàn thuần thục và không hại ai cả.

Bấy giờ ý nguyện của bậc Đạo Sư đã thành tựu, nên Ngài quyết định rằng kho báu ấy vẫn là tài sản của những người đã ném nó lên con voi, Ngài suy nghĩ: Hôm nay ta đã thực hiện một đại thần thông. Nếu Ta đi khất thực trong Kinh Thành này thì không thích hợp. Thế là sau khi đánh bại đám tà đạo, Ngài được các Tỳ Kheo hộ tống đi ra Kinh Thành như một vị tướng lãnh chiến thắng và tiến thẳng về phía Trúc Lâm.

Dân chúng đem theo một số cơm nước và thức ăn loại cứng đi vào Tinh Xá rồi cử hành đại lễ cúng dường.

Chiều hôm ấy, trong lúc ngồi đông đủ tại chánh pháp đường, Tăng Chúng bắt đầu thảo luận, bảo nhau: Tôn Giả Ànanda đã thành tựu một việc hy hữu khi sẵn sàng hy sinh tính mạng để cứu Đức Như Lai. Vừa trông thấy Nàlàgiri, mặc dù đã bị bậc Đạo Sư bảo ba lần không được ở lại đó, Tôn Giả vẫn không chịu đi ra. Này các Hiền Giả, quả thật Trưởng Lão ấy đã làm một việc hy hữu.

Bậc Đạo Sư suy nghĩ: Câu chuyện này xoay quanh vấn đề đức hạnh của Ànanda, ta phải hiện diện ở đó mới được.

Ngài liền bước ra khỏi Hương phòng vừa đến hỏi hội chúng: Này các Tỳ Kheo, các ông đang bàn vấn đề gì trong lúc ngồi tại đây?

Và khi Tăng Chúng đáp: Về vấn đề như vậy như vậy.

Ngài bảo: Không phải chỉ bây giờ, mà ngày xưa nữa, ngay khi còn ở hình hài súc sinh, Ànanda cũng đã hy sinh tính mạng vì ta. Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.

Ngày xưa, trong Quốc Độ Mahimsaka ở Kinh Thành Sakula, có vị Vua mệnh danh Sakula cai trị Vương Quốc theo chánh pháp.

Thời ấy, không xa Kinh Thành, có một người bẫy chim ở trong ngôi làng của dân bẫy chim, kiếm sống bằng nghề đánh bẫy chim và đem ra phố bán. Gần Kinh Thành là một hồ sen tên là Mànusiya, chu vi mười hai dặm, phủ đầy năm loại hoa sen.

Một đàn chim đủ loại thường đến đó và người thợ kia tha hồ đặt bẫy. Bấy giờ chúa loài thiên nga là Dhatarattha có đám tùy tùng gồm chín mươi sáu ngàn Thiên Nga an trú trong Kim động trên núi Cittakùta và vị đại tướng của đàn là Sumukha Sư Mục Kha.

Một ngày kia, một đàn thiên nga màu vàng óng ả bay đến hồ Manusiya và sau khi gặm chồi sen thỏa thích trong vùng đất phong phú thực phẩm này, chúng bay về ngọn núi Cittakùta mỹ lệ kia và trình báo với chúa chim Dhatarattha: Tâu Đại Vương, có hồ sen tên là Mànusiya, một vùng đất thực phẩm phong phú nằm giữa nơi cư trú của loài người. Chúng thần muốn đến nơi đó ăn uống.

Chúa chim đáp: Những nơi cứ trú của loài người đầy nguy hiểm. Đừng để chuyện này lôi cuốn các bạn.

Sau đó mặc dù không ưng thuận đi, Ngài vẫn bị chúng nài nỉ mãi, liền bảo: Nếu các bạn thích chuyện ấy thì chúng ta sẽ đi. Rồi cùng với đám hầu cận, Ngài bay đến đó. Vừa đáp xuống từ trên không, Ngài đã đặt chân vào dây thòng lọng ngay đúng lúc Ngài chạm mặt đất. Thế là dây ấy siết chân Ngài như thể cái kẹp sắt và giữ chân Ngài thật chặt.

Lúc ấy Ngài nghĩ cách phá cái bẫy liền giật mạnh nó, trước tiên da chân rách ra, kế đó thịt bị xé ra và cuối cùng dây gân đứt, đến khi cái bẫy chạm tới xương, máu tuôn xối xả gây đau nhức dữ dội.

Ngài suy nghĩ: Nếu ta thốt tiếng kêu bị bắt, đồng loại ta sẽ hốt hoảng và nếu không được ăn gì chúng sẽ nhịn đói bay về và do kiệt sức, chúng sẽ rơi xuống nước.

Vì vậy Ngài chịu đau cho đến khi đám thân thuộc đã ăn uống no nê và vui đùa theo kiểu thiên nga, Ngài cất tiếng kêu của con chim bị nạn. Nghe vậy, cả bầy thiên nga kinh hoảng sợ chết liền bay về phía núi Cittakùta.

Ngay khi chúng đã khuất dạng, Sumukha đại tướng loại thiên nga, suy nghĩ: Có thể đây là một việc khủng khiếp đã xảy ra với Đại Vương chăng?

Ta muốn tìm xem sao.

Rồi bay hết tốc lực mà vẫn không nhìn thấy bậc Đại Sĩ trong phần của đoàn quân thiên nga đang bay về, chim ấy đi tìm Ngài ở đoàn chim lớn, và cũng không thấy Ngài đâu cả nó tự bảo: Chắc chắn có việc gì ghê gớm xảy ra rồi. Khi quay lại nó liền thấy bậc Đại Sĩ bị mắc bẫy, thân đầy máu đang chịu đau đớn vô cùng và đang nằm trên đám bùn.

Chim ấy hạ cánh xuống đậu trên mặt đất, vừa cố sức an ủi bậc Đại Sĩ, vừa nói: Xin Đại Vương chớ sợ, thần sẽ giải cứu Đại Vương khỏi cái bẫy dù phải hy sinh tính mạng mình.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần