Phật Thuyết Kinh chánh Pháp Hoa - Phẩm Hai Mươi Mốt - Bồ Tát Dược Vương
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP HOA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM HAI MƯƠI MỐT
BỒ TÁT DƯỢC VƯƠNG
Khi ấy Bồ Tát Tú Vương Hoa tới trước Phật, bạch: Bồ Tát Dược Vương vì duyên cớ gì du hóa ở Thế Giới kham nhẫn chịu đựng vô số nạn khổ?
Hay thay Thiên Tôn, xin vì Bồ Tát, Thanh Văn ở khắp Thế Giới Chư Phật trong mười phương đều vân tập nơi đây, nếu được nghe Phật tuyên nói công huân tu hành đời trước, từ khi mới phát đạo tâm của Dược Vương, thì sẽ khiến cho chúng hội hôm nay và đời sau được nghe và thọ trì, học theo đến rốt ráo, Trời, Người, Rồng, Quỷ, các Tôn Thần Vương thảy đều vui mừng phát tâm đạo rộng lớn, tự đạt đến Chánh Giác độ thoát tất cả.
Khi ấy Thế Tôn thấy Tú Vương Hoa phát tâm chí thành, vì tất cả mà thỉnh Phật nên khen ngợi: Hay thay! Ta sẽ vì chư Bồ Tát tương lai, khuyên răn đàn hậu học khiến họ được vào đạo trí mà trình bày.
Hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, hãy suy nghĩ cho kỹ!
Thưa vâng, bạch Thế Tôn! Chúng con mong muốn được nghe.
Phật dạy: Vào thời quá khứ hằng hà sa số kiếp, lúc ấy có Phật Hiệu là Ly Cấu Nhật Nguyệt Quang Thủ Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời. Phật ấy sống lâu bốn vạn hai ngàn tuổi.
Giáo hóa chúng sinh, cứu độ nguy ách. Khi ấy Bồ Tát trong mười phương nhóm họp có tám mươi ức, các chúng Thanh Văn tới bảy mươi hai hằng hà sa.
Lại nữa cõi Phật ấy không có người nữ và ba đường ác, không có A Tu Luân và tai họa của tám nạn. Mặt đất bằng phẳng, màu lưu ly xanh biếc, các báu tạo thành, trang nghiêm thanh tịnh. Các loại cây báu bao bọc chung quanh, trân kỳ giao lạc che phủ chung quanh, cắm các tràng phan.
Bình báu lò hương đốt các danh hương. Dưới tất cả cây, đặt các giường báu, tọa cụ trang hoàng đẹp đẽ, không thể tả xiết.
Trên các tọa cụ có năm ngàn ức tòa ngồi của Chư Thiên. Trổi các âm nhạc, khen công Đức Phật để cúng dường.
Bấy giờ Đức Phật kia vì các chúng Bồ Tát và Thanh Văn phân biệt giảng thuyết Kinh Chánh Pháp Hoa. Khi ấy có Bồ Tát tên là Chúng Sinh Hỷ Kiến nghe Phật phô diễn giảng giải nghĩa yếu, liền phụng trì Phật Pháp, tu tập khổ hạnh, ngày đêm tinh tấn, trải qua một vạn hai ngàn năm kinh hành không ngồi.
Xong một vạn hai ngàn năm liền đạt được tam muội phổ hiện.
Đạt được định này rồi, liền tư duy rằng: Ta sở dĩ đạt được tam muội Phổ hiện là do Kinh Chánh Pháp Hoa này, bèn vui mừng phấn chấn tự nghĩ: Ta nên cúng dường Đức Ly Cấu Nhật Nguyệt Quang Thủ Như Lai Chí Chân và phụng thờ Kinh Chánh Pháp Hoa, liền nhập vào tam muội chánh thọ như thế, ở trên hư không, rải hoa trời, nhiều loại chiên đàn để cúng dường.
Ngay khi ấy, mùi thơm của các hoa hương này xông tỏa khắp Thế Giới Chư Phật mười phương. Người nào nghe được hương ấy đều đắc pháp nhẫn loài chúng sinh đồng tâm ngưỡng vọng.
Bồ Tát Chúng Sinh Hỷ Kiến từ thiền định ý xuất, lại tư duy: Tuy dùng nhiều thứ cúng dường Phật nhưng ta chẳng có thể báo đáp hết ân đức của bậc Chí Chân. dùng thân cúng dường mới là vô thượng, liền làm như ý nghĩ, dứt hẳn ngũ cốc, chỉ ăn các loại hương thơm và uống nước các loại hương hoa, làm cho trong ngoài thân đều thơm.
Uống các hương hoa như thế qua mười hai năm. Lại hòa các hương dùng thoa trên thân, dùng dầu thơm thấm y, rồi lập thệ nguyện dùng thân làm đèn cho tất cả, liền đốt thân mình cúng dường Chư Phật.
Vì tin thành nên ánh sáng ấy chiếu khắp tám mươi hằng hà sa Thế Giới Chư Phật.
Ngay khi ấy, Chư Phật đồng thanh khen ngợi: Hay thay, hay thay, Tộc Tánh Tử! Tinh tấn như vậy mới thật là ít có trên đời. Đó là cúng dường Như Lai và Kinh Điển một cách chân chánh.
Đó là vì chúng sinh chịu khổ chẳng từ lao nhọc, siêu vượt sở hành của tất cả trời người.
Bố thí quốc thành, tài sản, vợ con cũng không sánh kịp. Trong các sự cúng dường, đây là hơn hết, là lâu dài, là không gì so sánh được.
Dùng thân thí chính là pháp thí.
Chư Phật Thế Tôn khen ngợi công đức như thế rồi, tiền im lặng. Khi ấy, tự nhiên thân Bồ Tát, lửa cháy suốt một ngàn hai trăm năm chẳng tắt, vì nhất tâm nên không đau đớn.
Sau đó, ngọn lửa mới tắt. Vì siêng năng tu hành tinh tấn, cúng dường pháp nên sau khi mạng chung, Bồ Tát sinh lại Thế Giới ấy, nhằm quốc độ của Đấng Ly Cấu Nhật Nguyệt Quang Thủ Như Lai Chí Chân.
Trong vương cung nước Ly Cấu Thi, Bồ Tát bỗng nhiên hóa sinh, ngồi xếp bằng, vì vua cha nói kệ:
Tôn vương, xin biết bản nguyện con
Kiên cường siêng tu đại tinh tấn
Thân ái trọng dùng làm vật thí
Kiến lập nên tam muội lớn này.
Nói kệ xong, ngài thưa với cha mẹ: Đức Ly Cấu Nhật Nguyệt Quang Thủ Như Lai Chí Chân nay vẫn còn tại thế. Thuở xưa, con chí tâm cúng dường, nhờ đó mới đạt được pháp yếu của tất cả âm tổng trì, là điều cốt lõi trong sự học Kinh Điển Vô Thượng Chánh Pháp Hoa.
Kinh gồm có tám mươi muôn trăm ngàn ức triệu cai bài kệ. Nên nhất tâm tư duy tìm chỗ nào để tạo lập mô hình Tượng Phật để trong tâm không sân giận, phẫn nộ là Bồ Tát thực hành Chánh Pháp Hoa này.
Đời trước con đã tập bao nhiêu ngàn ức trăm ngàn muôn bài kệ, nghe và thọ trì từ Đức Như Lai.
Vua Ly Cấu Thi khen con: Hay thay, hay thay! Hãy cùng đi đến cúi mình kính cẩn cúng dường Đức Thánh Tôn.
Sau khi trình bày như vậy rồi. Ngài cùng với phụ vương vọt lên không trung cách đất bảy nhẫn kinh hành trên hư không.
Chân không chạm đất, thân ngồi ngay thẳng trong trướng làm bằng bảy báu, giao lạc, trân kỳ, đi đến chỗ Phật, chắp tay lễ Phật dùng tụng tán thán:
Đấng Nhân Trung Tôn,
Dung nhan vô nhiễm
Hào quang rạng ngời
Chiếu khắp mười phương
Xưa con cúng dường
Thế Tôn tối thắng
Nay thọ lại thân
Nên đến bái kiến.
Bấy giờ Bồ Tát Đại Sĩ Chúng Sinh Hỷ Kiến nói kệ này rồi, tới trước, bạch với Đức Như Lai Chí Chân Ly Cấu Nhật Nguyệt Quang Thủ: Bạch Thế Tôn! Thế Tôn rủ lòng thương xót mười phương nên hiện vẫn còn giáo huấn, độ thoát chúng sinh khiến tất cả đều được nhờ ân.
Khi ấy Đức Như Lai Ly Cấu Nhật Nguyệt Quang Thủ bảo Bồ Tát Chúng Sinh Hỷ Kiến: Nay đã đến lúc ta sắp diệt độ. Ta đem giáo pháp này giao phó cho ông. Đến đây, sự giáo hóa của ta hoàn tất.
Đời loạn sắp đến, ta xả bỏ nó.
Hãy vì ta trải tòa, nay ta diệt độ.
Lại bảo: Ta đem Kinh Điển này một lần nữa giao phó cho ông, khiến cho lưu bố cùng khắp, nhuận thấm mười phương, làm cho tất cả đều hưởng phước an lạc.
Bồ Tát Chúng Sinh Hỷ Kiến bạch:
Con xin tuân nhận lời Ngài dạy.
Vào nửa đêm, Đức Phật diệt độ.
Khi ấy Bồ Tát Chúng Sinh Hỷ Kiến thấy Phật diệt độ, dùng hương chiên đàn và các loại hương quý khác trà tỳ thân Phật, nhặt Xá Lợi, dùng nước hương rửa, Bồ Tát thương cảm khóc lóc, lệ đổ như mưa.
Rồi làm tám vạn bốn ngàn bình báu đựng Xá Lợi, dựng bảy ngôi tháp báu cao đến Phạm Thiên, trang nghiêm bằng tràng phan bảo cái, treo các thứ linh báu, tâm tự nghĩ: Ta đã cúng dường Xá Lợi Thế Tôn.
Lại nên thờ phụng hơn trước, bèn bảo với các vị Bồ Tát đại Thanh Văn, các Trời, Rồng, Thần và tất cả Nhân Dân: Này các Tộc Tánh Tử! Cùng nhau suy niệm, Xá Lợi của Thế Tôn đều cúng đường khắp.
Khi ấy Phật bảo với Bồ Tát Tú Vương Hoa: Vào thời ấy, Bồ Tát Chúng Sinh Hỷ Kiến khuyến khích mọi người cung thờ Xá Lợi, tám vạn bốn ngàn tháp. Trước tháp, kiến lập hình tượng đức tướng trăm phước, đốt vô số đèn, thiêu hương, rải hoa, làm rạng rỡ Đạo Pháp, cúng dường phụng sự bảy vạn hai ngàn năm.
Cúng dường xong, ở giữa hội chúng, giáo hóa vô số ngàn các chúng Thanh Văn, khai thị các Bồ Tát đều khiến đạt được tam muội Phổ hiện. Thấy chúng Bồ Tát đã an lập định rồi, Bồ Tát tự hiện than mình với các căn khuyết tật.
Các chúng Bồ Tát và các đệ tử, Trời, Rồng, Quỷ, Thần cất tiếng kêu khóc, lệ đổ như mưa: Các Tộc Tánh Tử! Bồ Tát Đại Sĩ Chúng Sinh Hỷ kiến là thầy của chúng ta, khai hóa chúng ta, hiện nay các căn khuyết giảm, không đủ. Vì vậy chúng ta xót thương không kềm chế được.
Lúc đó Bồ Tát Chúng Sinh Hỷ Kiến bảo với các Bồ Tát và đại đệ tử, các Trời, Rồng, Thần: Ta đã lập thệ nguyện chí thành.
Nếu như lời nói của ta là tùy thuận không hư dối thì cánh tay này của ta sẽ trở thành vàng tía và khiến tay của ta bình phục như cũ. Đại Địa sẽ chấn động mạnh, trên không mưa xuống các loại hương hoa.
Nói vừa dứt lời, Đại Địa liền chấn động mạnh, trời mưa các loại hoa, cùng lúc cánh tay ngài bình phục như cũ. Bồ Tát Chúng Sinh Hỷ Kiến muốn độ tất cả nên thị hiện sở hành của tuệ lực này, và thế lực phước đức công huân đã đạt được.
Phật bảo Bồ Tát Tú Vương Hoa: Ông muốn biết Bồ Tát Đại Sĩ Chúng Sinh Hỷ Kiến khi ấy chăng?
Nay là Bồ Tát Dược Vương vậy.
Này Tộc Tánh Tử! Nếu Bồ Tát cần khổ chẳng thể kể xiết, tổn thân bỏ mạng không có hạn lượng, thường kiến lập chí nguyện đại thừa, đại đạo vô thượng, làm phát khởi đại công đức vô cực ở trước Như Lai chỉ đốt một ngón chân, thì công đức khó gì sánh bằng, huống là đốt thân dùng để cúng dường thì càng hơn cả bố thí quốc thành, thê tử, máu thịt.
Dù dùng châu báu đầy cả cõi Phật để bố thí cúng dường Chư Phật, Thánh Chúng, phước đức tuy nhiều nhưng cũng không bằng người kia.
Vì sao?
Vì phước báo có lúc hết, không lợi ích cho chúng sinh.
Nếu Tộc Tánh Tử, Tộc Tánh Nữ thọ trì một bài tụng bốn câu của Kinh Chánh Pháp Hoa, phân biệt phụng hành, vì người giải nói thì phước thí trên so với phước này không bằng một phần vạn, giống như vạn sông đều chảy về biển cả, Kinh này cũng như thế, đứng đầu tất cả các pháp, giống như núi Tu Di, cao hơn các núi, như mặt trăng tròn đầy chiếu sáng giữa các sao.
Ánh sáng đại tuệ chiếu sáng ba cõi là vua đạo vô thượng, đứng đầu các pháp.
Giống như mặt trời xuất hiện chiếu khắp thiên hạ làm tiêu tan tăm tối, Kinh này cũng vậy, trừ hết tất cả ngu si tăm tối, đưa vào đạo sáng.
Giống như trời Đế Thích ở cõi Trời Đao Lợi làm vua của Chư Thiên, Kinh này cũng vậy, là Kinh Điển đứng đầu trong tất cả các pháp, bao quát mười phương, độ thoát tất cả.
Giống như Phạm thiên vương ở cung điện thử bảy chế ngự Chư Thiên, ai cũng phụng mạng, Kinh này cũng vậy cứu khắp chúng sinh hữu học, vô học, giáo huấn dẫn dắt ba thừa, làm công việc của vua, cha.
Giống như bốn đạo quả cho đến Duyên Giác đều siêu vượt cái học của tất cả phàm phu, Kinh Chánh Pháp Hoa cũng lại như thế, đều siêu việt vượt tất cả thượng, trung, hạ thừa, đối với sự khai hóa chúng sinh không gì bằng.
Giống như sở hành cao viễn của Bồ Tát vượt trên việc làm của Thanh Văn, Duyên Giác, che chở ba đời, Kinh này cũng vậy, điều ngự các pháp đều khiến thành tựu đạo vô thượng chánh chân.
Giống như Thế Tôn là Pháp Vương ba cõi mặc đạo phục trang nghiêm bằng ba mươi hai tướng, dẫn dắt chúng ngu si, Kinh này cũng vậy, từ người đang học đạo Bồ Tát cho đến Như Lai, khai dẫn các Thanh Văn, Duyên Giác… đều khiến thành tựu đạo vô thượng chánh chân.
Này Tộc Tánh Tử! Kinh Điển này khiến sự hộ trì của ba cõi, độ thoát ách nạn nguy khốn cho tất cả chúng sinh, làm no đủ nạn đói nghèo của hữu tình: người lạnh được ấm, người nóng được mát. Người trần trụi có y phục. Dẫn dắt chúng sinh đều khiến vào đạo.
Giống như người dẫn đường bảo hộ châu báu, Bồ Tát cũng thế, nuôi dưỡng chúng sinh giống như mẹ hiền.
Thí như người lái đò đưa người qua sông, Bồ Tát cũng thế, xoay vần ba cõi độ thoát tất cả trừ diệt tối tăm.
Giống như ngọn đuốc diệt trừ bóng tối, Kinh này chuyển hóa sinh, già, chết.
Giống như vua Chuyển Luân chế ngự bốn cõi, Kinh này cũng thế, dùng Thánh Đạo soi sáng ba cõi.
Giống như ánh sáng lớn làm tiêu sự tối tăm của cuộc đời, Kinh này cũng vậy, đưa đến không thoái chuyển, vô sinh cho đến thành Phật đạo.
Phật bảo Bồ Tát Tú Vương Hoa: Kinh Điển này độ thoát tất cả họa khổ, trừ sạch các cấu nhiễm của bệnh ba độc, cứu thoát các buộc ràng trong lao ngục sinh tử.
Nếu người nghe Kinh này mà hiểu ngay, có thể sao chép thì công đức của người ấy không thể kể xiết, huống là nghe, thọ trì, giữ gìn tụng đọc, dùng hoa hương, hương tạp, hương mịn, đèn đuốc, tràng phan để cúng dường?
Nếu có người nghe và thọ trì phẩm Bồ Tát Dược Vương Vãng Cổ Học mà thọ trì suy nghĩ thì phước của người ấy hơn người cúng dường những vật kia, không thể kể xiết.
Nếu có người nữ, nghe Kinh Pháp này mà thọ trì ngay thì ở trong đời này khi hết thọ mạng thân nữ, sau được thân nam.
Nếu có người nữ ở trong đời mạt thế ngũ trược, nghe Kinh Pháp này mà có thể phụng hành thì khi mạng chung liền được vào nước An dưỡng, thấy Phật Vô Lượng Thọ cùng với các Bồ Tát quyến thuộc vây quanh, sinh trong hoa sen báu, ngồi Tòa Sư Tử, không còn dâm, nộ, si, trừ bỏ các ràng buộc, cũng không tham lam tật đố, chưa từng ôm hận.
Vừa sinh đến nước ấy, được năm thần thông, đạt không thoái chuyển, chẳng khởi phá p nhẫn. Đã đạt pháp nhẫn rồi, liền được thấy bảy mươi hai ức triệu hằng hà sa các Đức Như Lai. Vừa thấy Chư Phật, nhãn căn thanh tịnh.
Nhãn căn đã thanh tịnh được thấy tất cả mười phương Chư Phật từ xa khen ngợi: Hay thay, hay thay, Tộc Tánh Tử! Ông đã gặp đời Đức Phật Năng Nhân được nghe Phật nói Kinh Chánh Pháp Hoa, thọ trì, phúng tụng, vì người khác nói, nhờ phước công đức này, lửa chẳng thiêu được, nước chẳng trôi được, đạo tặc, oan gia, quan huyện chẳng xâm phạm. Ngàn Phật ngợi khen chẳng thể hết được.
Công đức đạt được chẳng thể hạn lượng, vời vợi như thế, duyên vào công đức này hàng phục các ma, trừ các oán dịch, vượt thoát nạn sinh tử, xoay chuyển các họa.
Lại nữa, Tộc Tánh Tử! Dùng Kinh Pháp này hàng phục các ác nghịch, là sở kiến của hàng ngàn Phật kiến lập nên, ủng hộ cho người, trên trời và nhân gian không gì sánh bằng.
Trừ Như Lai ra, về công đức, phước hựu, trí tuệ, định ý không có Thanh Văn và Bồ Tát nào bằng được.
Phật bảo Bồ Tát Tú Vương Hoa: Nếu có người tu học nào thọ trì Kinh này thì sự đạt đến sự thánh minh, thế lực, oai đức siêu việt như thế.
Vì vậy, Nhân Giả, nếu có người giảng thuyết phẩm Dược Vương này, có người khen ngợi thì sau sinh làm người, trong miệng tự nhiên thơm mùi hoa sen, thân thơm mùi chiên đàn.
Nếu người nghe Kinh này mà khen hay thì hiện tại công đức người ấy được đồn xa. Phật đã khen ngợi trước công huân của người ấy.
Phật bảo: Này Tú Vương Hoa! Ta đem Kinh này phú chúc cho các ông chúng sinh, vui mừng thấy phẩm Vãng Cổ Pháp, cuối cùng của thời mạt thế ngũ trược lưu bố trong thiên hạ ở cõi Diêm Phù Lợi, không thể hoại diệt nửa chừng, ma Ba Tuần chẳng có thể được tiện lợi, và quyến thuộc ma, tà thần, quỷ mỵ không thể hại được.
Trời, Rồng, La Sát, cưu hoàn, yểm quỷ không dám đối đầu.
Lại nữa, Tú Vương Hoa! Phẩm Dược Vương này, oai đức đã an lập, đã lưu bố đến chỗ nào nếu có người bệnh tật mà nghe Kinh Pháp ấy thì tật bệnh tiêu trừ, không có các hoạn nạn. Nhờ công đức ấy, sau đạt đến chánh chân, không già bệnh chết.
Nếu có Tỳ Kheo cuối thời mạt thế, tay cầm hoa sen xanh tràn đầy mùi thơm rải cúng Pháp Sư, tâm tự nghĩ: Giả sử có người cầu Bồ Tát thừa đến Đạo Tràng này, ta sẽ dâng bông này để làm tòa ngồi trải dưới cây Bồ Đề, hàng phục chúng ma, đầy đủ trống pháp, thổi loa pháp lớn, nương vào đây qua biển sinh tử.
Nếu ai học Đại Thừa thấy các Tỳ Kheo cầm quyển Kinh này thì phải xem công đức người ấy cũng như thế.
Khi Phật nói phẩm Dược Vương Bồ Tát vãng cổ này, tám vạn bốn ngàn Bồ Tát đều liền hiểu được tất cả âm phương tiện tổng trì.
Khi ấy, Đức Như Lai Chúng Bảo khen ngợi: Hay thay, hay thay, Bồ Tát Tú Vương Hoa! Ông có thể thưa hỏi hành nghiệp của Kinh Điển chẳng thể nghĩ bàn.
Như Lai đã giảng thuyết, ông có vui thích không?
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng Vô Tưởng - Chương Một - Nói Về đại Chúng - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh Bổn Sư - Phẩm Hai - Phẩm Pháp Hai - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Ha Lê - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thâu Lũ Na - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tập Nhất Thiết Phước đức Tam Muội - Phần Tám
Phật Thuyết Kinh Phật Bổn Hạnh - Phẩm Hai Mươi Tám - Phẩm Hiện Nhũ Bộ Lực - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Ba Mươi Ba - Phẩm Thủ Hạnh