Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Tám - Pháp Hội Pháp Giới Thể Tánh Vô Phân Biệt - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ TÁM  

PHÁP HỘI

PHÁP GIỚI THỂ TÁNH VÔ PHÂN BIỆT  

PHẦN HAI  

Thưa Đại Đức A Nan! Tỳ Kheo như vậy không có tăng thượng mạn cũng không hí luận, xa tướng tự tha, bỏ những ái trước, vì tất cả ái trước chẳng phải ái trước vậy.

Rời lìa những phân Duyên Giác quán tư duy tư duy giải thoát, giải thoát hướng, không có người nhận lấy, thảy đều là nhân tịch tịnh duyên tịch tịnh. Ngã thân và ngã sở thân ấy qua đến bờ kia, chẳng thấy có gì là giải hướng đạo và chứng.

Nếu có Tỳ Kheo tu hành như vậy thì không tăng thượng mạn, vì bình đẳng rỗng không. Biết rõ tất cả các pháp bình đẳng không có thượng hạ, hoặc thiện bất thiện, nên làm chẳng nên làm, hữu lậu vô lậu, thế gian xuất thế, hữu vi vô vi, những pháp thượng hạ động lay như vậy không gì chẳng phaỉ là vọng tưởng cũng chẳng thấy biết. Các pháp như vậy đều thấy bình đẳng, dụ như hư không.

Thưa Đại Đức A Nan! Nếu có Tỳ Kheo hiểu như vậy thì gọi là thiện giải thoát. Tỳ Kheo ấy không tăng thượng mạn.

Vì nghĩa ấy nên Đức Như Lai nói: Nếu có Tỳ Kheo hiểu các pháp bình đẳng dụ như hư không. Như động chạm như không thì không có chỗ chạm động, pháp của Sa Môn cũng như vậy.

Lúc Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói lời trên đây, trong đại chúng có hai trăm Tỳ Kheo đều dứt hết phiền não được pháp vô lậu giải thoát.

Bảo Thượng Thiên Tử hỏi Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: Thế nào là Bồ Tát không tăng thượng mạn?

Xin Ngài cứ như thiệt mà nói cho.

Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Này Thiên Tử! Nếu có Bồ Tát, nhất thiết trí tâm, vô đẳng đẳng tâm, tam giới tối thắng tâm, vượt quá các hàng Thanh Văn và Duyên Giác dùng các cảnh giới ngoài để an trụ tâm, nhưng cũng tu hành tất cả thiện căn.

Vì tăng thượng vì giáo hóa chúng sanh vì nhiếp lấy chánh pháp để nói cho chúng sanh khác và người khác về nhất thiết trí tâm, tâm ấy như thiệt hiểu bổn thể bình đẳng, theo đúng như chỗ nghe thể tánh của tâm mình mà hiểu biết thể tánh của tất cả chúng sanh.

Vì hiểu biết thể tánh của tất cả các pháp nên hiểu biết thể tánh của tất cả thiện căn. Vì hiểu biết thể tánh của tất cả thiện căn nên hiểu biết và diễn thuyết thể tánh của Bồ Tát. Đó là Bồ Tát như thiệt nói thọ ký vậy.

Lại này Thiên Tử! Nếu Bồ Tát bố thí, tùy chỗ thí cho, tùy chỗ nguyện thí và những bố thí khác tất cả đều vô ngại. Bố thí không chỗ y cứ, chẳng chấp trước chẳng quan niệm chẳng hay biết. Vì chẳng hay biết nên tức là không. Nếu có thể được như vậy thì hiểu biết thể tánh bố thí. Vì hiểu biết thể tánh bố thí nên hiểu biết thể tánh như thiệt.

Vì hiểu biết thể tánh như thiệt nên hiểu biết thể tánh các pháp. Vì hiểu biết thể tánh các pháp nên hiểu biết thể tánh tất cả các chúng sanh. Vì hiểu biết thể tánh tất cả các chúng sanh nên nói thể tánh Bồ Tát.

Này Bảo Thượng Thiên Tử! Đây gọi là vì Bồ Tát bố thí thanh tịnh nên nói thọ ký vậy.

Lại này Thiên Tử! Nếu có Bồ Tát hiểu biết thân thì hiểu biết giới, hiểu biết khẩu thì hiểu biết giới, hiểu biết ý thì hiểu biết giới. Hiểu biết thân và khẩu thì hiểu biết quan niệm tịch tịnh. Vì hiểu biết quan niệm tịch tịnh nên hiểu biết chúng sanh tịch tịnh.

Vì hiểu biết chúng sanh tịch tịnh nên hiểu biết tất cả pháp tịch tịnh. Vì hiểu biết tất cả pháp tịch tịnh nên hiểu biết như thiệt tế tịch tịnh.

Vì hiểu biết như thiệt tế tịch tịnh nên được pháp tịch tịnh, nhân tịch tịnh, duyên tịch tịnh. Tùy có chỗ nghe tất cả các pháp đều có thể tuyên thuyết tịch tịnh.

Này Thiên Tử! Đây gọi là vì Bồ Tát giới thanh tịnh nên như thiệt nói thọ ký vậy.

Lại này Thiên Tử! Nếu có Bồ Tát biết ở pháp tánh rốt ráo là không, biết ở pháp tánh rốt ráo tự tại, đối với các chúng sanh có thể nhẫn nhịn những sự ác độc mà tâm chẳng sanh khởi quan niệm nhẫn nhịn, chẳng nghĩ sự ngoài, chẳng trái chúng sanh, hay diệt tất cả điều ác.

Như tánh của các chúng sanh, thể tánh của nhẫn cũng vậy. Như thể tánh của nhẫn, tánh bồ đề cũng vậy. Như tánh bồ đề, thể tánh tất cả pháp cũng vậy.

Như biết thể tánh tất cả pháp như thiệt, pháp chân như cũng vậy. Như chỗ nghe đồng tận pháp tánh, pháp tánh giới rốt ráo không. pháp tánh rốt ráo không, nói đó là hành thuận nhẫn.

Đây gọi là Bồ Tát chân thiệt tịnh nhẫn nói thọ ký vậy.

Lại này Thiên Tử! Bồ Tát biết thận trọng tất cả pháp hành rời lìa những tư duy không có những trang nghiêm mà thành tựu hạnh xả tiến. Như có chỗ làm cũng không chỗ làm, chỗ biết vững chắc có thể rời lìa tất cả. Trong thì tánh tịch tịnh, ngoài thì hóa độ chúng sanh. Vì biết tinh tiến tịch tịnh nên bồ đề tịch tịnh. Vì biết bồ đề tịch tịnh nên biết tất cả các pháp tịch tịnh.

Vì biết các pháp tịch tịnh nên biết như thiệt tế tịch tịnh. Như pháp đã được nghe vì tánh tinh tiến tịch tịnh nên tất cả đều có thể tuyên thuyết.

Đây gọi là Bồ Tát thanh tịnh tinh tiến như thiệt nói thọ ký vậy.

Lại này Thiên Tử! Nếu Bồ Tát nhập thiền chư pháp bình đẳng không tăng giảm, do sức thiền mà tâm an trụ. Vì dừng an trụ nên thức không chỗ trụ nên bảy giác tâm bình đẳng. Vì bảy giác tâm bình đẳng nên được thiền định bình đẳng.

Vì được thiền định bình đẳng nên biết bồ đề bình đẳng. Vì biết bồ đề bình đẳng nên biết tất cả chúng sanh bình đẳng. Vì biết tất cả chúng sanh bình đẳng nên biết các pháp bình đẳng. Nếu biết các pháp bình đẳng như vậy thì tùy chỗ pháp được nghe có thể tuyên thuyết các pháp thể tánh bình đẳng. Đây gọi là Bồ Tát thanh tịnh thiền định như thiệt nói thọ ký vậy.

Lại này Thiên Tử! Nếu có Bồ Tát huệ nhãn thanh tịnh thấy biết như thiệt, với tất cả pháp, tùy thấy pháp nào đều không chỗ thấy, không có động lay, được trí vô động, không hành không nhân không duyên. Hành cũng chẳng hành các pháp oai nghi, cũng chẳng phải chẳng hành. Chẳng hành nhân duyên biết các pháp bình đẳng chẳng cứu chẳng hành.

Tại sao vậy?

Nếu chẳng hành là vô phân biệt dứt diệt các vọng tưởng hy vọng tham trước, đó là Bồ Tát rời lìa các sở hữu. Bồ Tát cũng hành tất cả chỗ hành của chúng sanh, vì muốn giáo hóa họ, vì muốn chứa họp tất cả pháp trợ bồ đề, vì nhiếp thủ chánh pháp, vì chẳng dứt mất giống Tam Bảo.

Chỗ sở hành của Như Lai, nơi thể tánh thanh tịnh tất cả pháp không có phân biệt. Vì dùng thể tánh thanh tịnh Bát Nhã ấy nên biết bồ đề thể tánh thanh tịnh. Vì biết bồ đề thể tánh thanh tịnh nên biết chúng sanh thể tánh thanh tịnh.

Vì biết chúng sanh thể tánh thanh tịnh nên biết tất cả pháp thể tánh thanh tịnh. Vì biết tất cả pháp thể tánh thanh tịnh nên ở nơi các pháp thể tánh được như thiệt trí. Vì được như thiệt trí nên tùy sự được nghe là pháp giới tánh tuyên nói vô phân biệt. Đây gọi là Bồ Tát huệ nhãn thanh tịnh như thiệt nói thọ ký.

Lại này Bảo Thượng Thiên Tử! Bồ Tát quán thân, hành thân niệm xứ. Biết quá khứ thân không có biên tế. Biết vị lai thân không có hướng đến.

Biết thân hiện tại như cỏ cây ngói đá tường vách. Nếu có thể quán thân như vậy, thân hành là thân thể tánh sở hành, tịch tịnh tư duy đồng hành, cũng không phát khởi chẳng tư duy chẳng tự tại.

Đây gọi là rời lìa ngã thức không chỗ trụ tu thân niệm xứ hành, cũng không có pháp tu hành được, cũng chẳng phải chẳng tu hành. Biết tất cả pháp không có thể tánh, chẳng phải chẳng có tánh. Quán thân như vậy mà tu thân hành.

Quán tâm như huyễn hóa, biết tâm như hưởng ứng, như thiệt biết tâm, thọ vui chẳng luyến, thọ khổ chẳng khổ, thọ chẳng vui khổ chẳng mất chánh niệm, chẳng chấp vô minh, rời lìa thọ, nơi thọ chẳng bị nó kéo dắt. Đây gọi là như thiệt thấy biết thọ niệm xứ.

Nếu có thể quán thọ như vậy, hành giả ở nơi thọ, tâm không sở hành, tâm chẳng an trụ. Tất cả tâm ấy cũng chẳng buông bỏ, tâm bồ đề cũng chẳng quên mất cũng chẳng xa rời. Đây gọi là quán tâm, hành tâm niệm xứ.

Khéo biết nơi pháp, thấy pháp, hành pháp, không niệm không tư duy, nhập vào pháp tánh không có thân thọ và tâm, chẳng phải quán pháp tướng phát khởi kiến hành nhập vào pháp tánh. Đây gọi là quán pháp hành pháp niệm xứ.

Là tất cả pháp thể tánh hòa hiệp tụ họp không có vật như hư không. Như sự được nghe, không tưởng niệm không tư duy tự nhiên thuyết pháp niệm xứ. Đây gọi là biết rõ tịnh pháp niệm xứ nói thọ ký vậy.

Lại này Bảo Thượng Thiên Tử! Bồ Tát ấy, tâm nhất thiết trí được tự tại, như chỗ giáo hối, chánh an trụ chẳng bố thí chẳng loạn động chẳng thất niệm, nơi tất cả thiện căn ban đầu phát khởi, tâm vô cấu hiện hành, tùy chỗ sở hành đều xả được tất cả, quở tâm phạm giới.

Chẳng y chỉ nơi giới, nhẫn không tranh cãi, thân khẩu ý đối với chúng sanh chẳng có tâm sân hận, chẳng phát khởi tinh tiến về Thanh Văn và Duyên Giác thừa, chẳng tưởng niệm tư duy tất cả pháp lành, chẳng y chỉ các thiền định thứ đệ định, tâm không sở hành, chẳng thấy hành các kiến chấp.

Chẳng hành các pháp. Nhập vào tất cả pháp như Chư Thánh. Nơi các cảnh giới đều không sở hành. Dầu gần chẳng phải thánh mà thân khẩu ý nghiệp chưa bao giờ bị quở trách.

Chẳng vì tin mà cầu pháp lành. Độc hành không có bạn. Muốn tự mình vượt quá thế gian hành hạnh tinh tiến. Dứt hẳn tham dục sân hận ngu si, tâm không phiền não. Vì chẳng phá giới nên cũng chẳng thân kẻ hành ác hạnh.

Không có dua vậy, vì nội hạnh thanh tịnh vậy. Không có nói lời tán loạn, vì khẩu nghiệp thanh tịnh vậy. Không có mong cầu, vì biết đủ nơi của đã có. Chẳng phải là kẻ sai khiến, vì chẳng phải sống tà mạng vậy.

Là người không chứa nhóm, vi tùy chỗ có được đều tự biết đủ vậy.

Là người không hi vọng, vì rời lìa ham muốn ba cõi vậy.

Là người tri túc, vì rời lìa sự tìm cầu sái quấy vậy.

Là người tịch tịnh, vì hiểu tất cả pháp đều tịch tịnh vậy.

Là người hiện sân si, vì bỏ hạnh thế gian vậy.

Là người không hí luận, vì dứt các hí luận vậy.

Là người chẳng sanh trở lại, vì dứt ái dục sân và si vậy.

Là người tham thèm chánh pháp, vì điều phục kiêu mạn vậy.

Là người dễ hiểu, vì khéo đều tâm vậy.

Là người khéo thủ hộ, vì thủ hộ giới tụ vậy.

Là người khéo giải thoát, vì huệ tụ thanh tịnh vậy.

Là người chẳng xả bỏ, vì hành Thánh chủng vậy.

Là người không thối chuyển, vì phát tâm bồ đề trọn vẹn rốt ráo vậy.

Là người không có sở dụng, vì tất cả thế hạnh vậy.

Là người không tránh tụng, vì bình đẳng tất cả chúng sanh vậy.

Là người khéo tự thủ hộ, vì thủ hộ kẻ khác vậy.

Là người điều phục tự tâm, vì chẳng tìm lỗi người khác vậy.

Là người lìa các hi vọng, vì hộ giới thanh tịnh vậy.

Là người thuyết pháp rộng, vì không lẫn tiếc vậy.

Là người ưa thủ hộ, vì thủ hộ tâm tất cả chúng sanh vậy.

Là người sơ phát tâm, vì họp tất cả thiện pháp vậy.

Là người không có dị hạnh, vì được nhất vị đối với tất cả pháp vậy.

Là người chẳng động lay, vì dứt các động lay vậy.

Là người chẳng xem dòng họ, vì giáo hóa chúng sanh vậy.

Là người bình đẳng chúng sanh, vì nhiếp thủ tất cả chúng sanh vậy.

Là người ban đầu quán không, vì tất cả pháp vậy.

Là người điều phục các kiến chấp, vì khéo giáo hóa vậy.

Là người không có tưởng và hành, vì điều phục các chúng sanh tưởng và hành vậy.

Là người biết vô nguyện, vì sở nguyện đầy đủ khéo điều phục vậy.

Là người biết tất cả, vì quán vô tát vậy.

Là người hành thiện, vì chẳng biết đủ vậy.

Là người không có vật mà quán vật, vì thị hiện chẳng phải vật mà là vật vậy.

Là người chẳng tư duy quan sát, vì ngã tịch tịnh vậy.

Là người không tự ngã, vì quán hóa chúng sanh để được vô ngã vậy.

Là người không gì chẳng phải là đạo hạnh, vì hóa độ các chúng sanh rời lìa kiết sử vậy.

Là người tâm phương tiện được rốt ráo, vì tu hành bát nhã vậy.

Là người định tánh không dời, vì trọn chẳng chứng tất cả Thanh Văn thừa và Duyên Giác thừa.

Là người rời lìa đạo và phi đạo, vì đệ nhất nghĩa vậy.

Là người rời lìa hạnh và phi hạnh, vì tất cả phàm phu chứng chánh hạnh vậy.

Là người không trang nghiêm không chẳng trang nghiêm, vì không chẳng hy vọng các pháp vậy.

Là người chẳng tự khen, vì chẳng hí luận kẻ khác vậy.

Là người vô đẳng đẳng trí, vì đủ Phật Pháp vậy.

Là người Vô Sanh Pháp Nhẫn, vì tất cả pháp vô sanh vô diệt nhẫn vậy.

Đây gọi là Bồ Tát được nơi tự tại.

Này Bảo Thượng Thiên Tử! Bậc Bồ Tát, tùy sanh ở chỗ nào chẳng phải là chẳng biết mà sanh, ma do nơi biết để sanh. Mà Bồ Tát ấy nhiếp thủ sanh tử tự tại, cũng được đầy đủ thành tựu Phật Pháp.

Mà Bồ Tát ấy chẳng phải lưu chuyển sanh tử. Do sức bổn nguyện sanh ở chỗ nào đều được tự tại trí. Đây gọi là Bồ Tát được tự tại trí.

Bồ Tát chẳng phải do được ngằn mé mà gọi là tự tại trí. Nếu chẳng dứt tuyệt tất cả thiện căn, đây gọi là Bồ Tát được tự tại trí.

Bồ Tát chẳng phải vì được các thiện căn mà gọi là tự tại trí. Không nhàm đủ đối với các thiện căn, đây gọi là tự tại trí.

Bồ Tát chẳng phải vì chẳng sanh trong ba cõi mà được gọi là tự tại. Vì giáo hóa chúng sanh nên sanh trong Tam Giới, đây gọi là tự tại.

Bồ Tát chẳng phải vì rời lìa tự kiết sử mà được gọi là tự tại. Vì các chúng sanh dứt kiết sử nên siêng tu tinh tiến, đây gọi là Bồ Tát được tự tại trí.

Bồ Tát chẳng vì thân mình mà được gọi là tự tại. Vì tịch tịnh các khổ não của tất cả chúng sanh mà gọi là tự tại.

Bồ Tát chẳng phải vì xả bỏ mà tự tại. Vì nhiếp thủ giáo hóa chúng sanh mà gọi là tự tại.

Bồ Tát chẳng phải tự dứt tham sân si mà được gọi là tự tại. Vì dứt tham sân si các kiết sử của tất cả chúng sanh mà được gọi là tự tại.

Bồ Tát chẳng phải tự chứng diệt đế mà được gọi là tự tại. Vì các chúng sanh mà chứng diệt đế nên được gọi là tự tại.

Bồ Tát chẳng phải tự dứt phiền não mà được gọi là tự tại.

Bồ Tát vì tăng trưởng các thiện căn nên chẳng dứt phiền não mà được gọi là tự tại.

Bồ Tát chẳng phải vì chứng ba môn giải thoát nên gọi la được tự tại. Vì Bồ Tát hiểu rõ ba môn giải thoát nên gọi là tự tại.

Bồ Tát chẳng phải tự tại tịch diệt năm ấm mà gọi là được tự tại. Vì xả bỏ gánh nặng cho tất cả chúng sanh nên gọi là tự tại.

Bồ Tát chẳng phải do diệt sáu căn mà gọi là được tự tại. Vì biết căn tánh thượng hạ của các chúng sanh nên gọi là tự tại.

Bồ Tát chẳng phải do sanh phần tận diệt gọi là được tự tại.

Bồ Tát vì do chẳng đoạn tuyệt sanh phần nên gọi là tự tại.

Bồ Tát chẳng phải được quả Thanh Văn, Duyên Giác giải thoát mà được gọi là tự tại.

Bồ Tát Đạo Tràng được quả giải thoát thọ dụng tất cả các chúng sanh nên gọi là tự tại.

Lúc Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát diễn thuyết phẩm tự tại như vậy, trong đại chúng ấy có ba muôn hai ngàn Thiên Tử đều phát đạo tâm chánh chân vô thượng.

Đức Thế Tôn khen rằng: Lành thay, lành thay! Khéo nói tất cả Bồ Tát thọ ký.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu có Bồ Tát nghe nói Bồ Tát thọ ký như vậy một bề tin hiểu chẳng kinh sợ, thì Chư Phật Như Lai vì họ mà thọ ký đạo chân thiệt Vô Thượng.

Bảo Thượng Thiên Tử nói với Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát rằng: Nay Ngài diễn thuyết về thọ ký như vậy.

Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Này Thiên Tử! Tôi nói thọ ký, tôi có pháp ấy. Có người nào hiểu rõ thì tôi nói thọ ký.

Này Thiên Tử! Nay tôi chẳng được nhẫn đến một pháp, cũng không hiểu rõ thì làm sao nói thọ ký.

Bảo Thượng Thiên Tử nói: Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi! Hằng sa Chư Phật Thế Tôn há lại không giải hướng mà đắc quả ư?

Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Này Thiên Tử! Chư Phật Thế Tôn chẳng vì giải hướng đắc quả mà thuyết pháp.

Thiên Tử nói: Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi! Chư Phật Thế Tôn thuyết pháp thế nào?

Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Này Thiên Tử! Chư Phật Thế Tôn cũng chẳng phân biệt thể tánh mà thuyết pháp. Không sanh không diệt không nhân không duyên không khứ không lai, không có chúng sanh chẳng phải không chúng sanh, không ô nhiễm không bạch tịnh, không sanh tử không Niết Bàn, Chư Phật Thế Tôn thuyết pháp như vậy.

Thiên Tử hỏi Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: Chư Phật Thế Tôn chẳng vì Niết Bàn mà thuyết pháp, cớ sao gọi là Phật xuất thế ư?

Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Này Thiên Tử! Vì hiểu rõ thể tánh của thân kiến nên gọi là Phật xuất thế.

Này Thiên Tử! Vì thị hiện thể tánh của vô minh hữu và ái nên gọi là Phật xuất thế.

Vì hiểu rõ thể tánh của tham sân si nên gọi là Phật xuất thế.

Này Thiên Tử! Thị hiện thể tánh bình đẳng của điên đảo gọi là Phật xuất thế.

Này Thiên Tử! Hiểu rõ thể tánh của các kiến chấp gọi là Phật xuất thế.

Này Thiên Tử! Hiển bày thể tánh pháp giới của ấm giới và nhập gọi là Phật xuất thế.

Này Thiên Tử! Phật xuất thế là các pháp vô sanh, đây gọi là diễn thuyết pháp vô sanh vậy. Pháp vô sanh ấy đều không có sanh tử cũng không có Niết Bàn.

Thiên Tử nói: Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi! Nên vì chúng sanh mà nói trang nghiêm Đạo Pháp chánh chân ngôn Vô Thượng.

Tại sao vậy?

Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi! Chư Phật xuất thế không có chỗ tăng trưởng.

Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Này Thiên Tử! Biết ơn báo ơn.

Thiên Tử nói: Người hữu sở tác nên biết báo ơn.

Ngài Van Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Này Thiên Tử! Ngài muốn cho Đức Như Lai hữu sở tác ư?

Thiên Tử nói: Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi! Đức Như Lai không có sở tác. Chư Phật Như Lai đến nơi vô vi, đạo vô vi không có sở tác.

Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Này Thiên Tử! Ông nói vô vi đó, là không có báo ân hay chẳng phải chẳng báo ân?

Thiên Tử nói: Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi! Pháp như vậy chẳng nên nói với hàng sơ phát tâm.

Tại sao vậy?

Vì nếu nghe pháp ấy mà sanh lòng kinh sợ thì sẽ thối chuyển.

Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Này Thiên Tử! Nếu có Bồ Tát mới Phát Tâm bồ đề Vô Thượng mà kinh sợ thối chuyển, thì người ấy ở nơi hạng thối chuyển.

Thiên Tử nói: Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi! Cớ sao Ngài nói lời ấy?

Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Này Thiên Tử! Nếu có Bồ Tát sơ phát đạo tâm mà kinh sợ bậc Thanh Văn Duyên Giác thì thối chuyển. Nếu lẫn tiếc, phá giới, sân hận, giải đãi, tán loạn và ngu si thì an trụ bậc Bất Thối.

Thiên Tử nói: Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi! Thế nào mà an trụ?

Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Này Thiên Tử! Nếu có Bồ Tát sơ phát đạo tâm an trụ trong pháp giới bình đẳng thì gọi là khéo an trụ. Sơ phát tâm Bồ Tát ấy gọi là an trụ.

Thiên Tử nói: Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi! Ngang chừng đâu gọi là Bồ Tát sơ phát tâm?

Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Này Thiên Tử! Nếu có Bồ Tát sơ phát tâm tu hành không vô tướng và vô tác, hiểu biết tất cả pháp không sanh không diệt, thì gọi là Bồ Tát sơ phát tâm vậy.

Thiên Tử nói: Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát thế nào gọi là cửu hành?

Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Này Thiên Tử! Tất cả phàm phu gọi là cửu hành, vì họ ở trong sanh tử chẳng biết sơ thủy vậy.

Thiên Tử lại hỏi: Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát thế nào gọi là người cửu hành?

Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Này Thiên Tử! Nếu có Bồ Tát hành nơi ái nhiễm mà cũng chẳng cùng ở với ái nhiễm, thì gọi là Bồ Tát cửu hành. Bồ Tát hành nơi sân hận để hóa độ các chúng sanh sân hận mà chẳng cùng ở với sân hận, cũnh hành nơi ngu si để hóa độ các chúng sanh ngu si mà chẳng cùng ở với ngu si, cũng hành nơi đẳng phần để hóa độ các chúng sanh đẳng phần mà chẳng cùng ở với đẳng phần kiết sử, thì gọi là Bồ Tát cửu hành vậy.

Này Thiên Tử! Nếu có Bồ Tát vì hóa độ chúng sanh mà quan sát tất cả tướng mà chẳng phân biệt pháp giới thể tướng, thì gọi là Bồ Tát cửu hành.

Thiên Tử nói: Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi! Thế nào Bồ Tát gọi là bậc bất thối chuyển?

Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Này Thiên Tử! Nếu có Bồ Tát quan sát tất cả pháp không tai hoạn không chẳng tai hoạn, quan sát pháp giới thể tánh không tai hoạn không chẳng tai hoạn, thì gọi là Bồ Tát chẳng thối chuyển vậy.

Lại này Thiên Tử! Nếu có Bồ Tát cũng thối cũng chẳng thối, thì gọi là Bồ Tát chẳng thối chuyển vậy.

Tại sao vậy?

Vì thối là thối các điều thiện của Dục Giới vậy.

Lại này Thiên Tử! Bồ Tát vì chẳng biết chẳng hiểu nên thối. Vì biết và hiểu nên không có tránh tụng, đây gọi là bất thối.

Tại sao vậy?

Hiểu tất cả tánh pháp tánh, vì tôi hiểu được tất cả pháp tánh nên chẳng còn thối chuyển, đây gọi là bất thối. Ở nơi Phật Pháp không nghi ngờ, chẳng tin theo lời người khác, rời lìa phải và chẳng phải, sơ tâm tanh tịnh không có tật đố cũng không động lay trí huệ chiếu sáng, được tự tại với tất cả pháp, hiểu rõ Phật Pháp. Đây gọi là Bồ Tát bất thối chuyển vậy.

Thiên Tử nói: Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi! Thế nào Bồ Tát gọi là nhất sanh?

Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Này Thiên Tử! Nếu Bồ Tát biết tất cả các sanh cũng chẳng sanh, biết tất cả chúng sanh sanh tử. Ở trong các sanh khéo có thể thuyết pháp giáo hóa chúng sanh. Chỗ sanh, không thủ không chẳng thủ.

Các sanh rời lìa sanh tử thủ, chẳng thứ chẳng lai chẳng thượng chẳng hạ, vì tất cả pháp đều bình đẳng. Cũng biết nhân duyên hóa hiệp tăng trưởng tất cả chúng sanh.

Thân khẩu tâm ý đều bình đẳng. Tất cả chúng sanh không có cảnh giới, an trụ cảnh giới, an trụ cảnh giới Chư Phật nhập vào pháp giới bình đẳng nên bình đẳng hiểu rõ tâm chúng sanh. Khéo hiểu biết phải thời đến ngồi Đạo Tràng. Đây gọi là nhất sanh.

Này Thiên Tử! Như trên ấy, gọi là Bồ Tát nhất sanh vậy.

Bảo Thượng Thiên Tử lại hỏi: Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi! Thế nào gọi là Bồ Tát bất sanh cũng được tự tại ở nơi tất cả?

Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Này Thiên Tử! Nếu có Bồ Tát biết các hành nghiệp vì chẳng phải kiêu mạn. Bồ Tát ấy bất sanh cũng được tự tại ở tất cả.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần