Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Ba Mươi Chín - Phật Thuyết Kinh Thái Tử Mộ Phách
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô
PHẬT THUYẾT
KINH LỤC TẬP ĐỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Khương Tăng Hội, Đời Ngô
PHẦN BA MƯƠI CHÍN
PHẬT THUYẾT KINH
THÁI TỬ MỘ PHÁCH
Nghe như vậy!
Một thời Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ đà Cấp Cô Độc thuộc nước Văn Vật.
Bấy giờ, Đức Phật bảo các vị Sa Môn: Xưa có Quốc Gia tên là Ba La Nại, Vua có Thái Tử tên là Mộ Phách, sinh ra đã thông minh vô cùng, các việc quá khứ, hiện tại, vị lai, trí đều thông suốt, không chút trở ngại, thân tướng tươi sáng như trăng giữa các vì sao.
Là con một của Vua, nên cả nước không ai là không yêu mến. Nhưng đã mười ba tuổi, mà vẫn ngậm miệng không nói như người câm. Vua và Hoàng Hậu lo rầu, gọi các Phạm Chí đến hỏi nguyên do.
Họ thưa: Đây là điềm chẳng lành. Đoan chánh mà không nói được thì có ích gì cho Đại Vương.
Hậu cung không người nối dõi, há chẳng phải tại Thái Tử hại sao?
Theo phép thì nên chôn sống ắt sẽ có quý tử nối dòng. Nhà Vua ngậm ngùi, vào bàn bạc cùng Hoàng Hậu.
Hoàng Hậu cùng cung nhân không ai mà không thương xót, than thở: Sao mà Thái Tử bạc phước, gặp phải tai ương này!
Người thương xót kéo đến chật đường, làm nghẽn tắc lối đi, như có đại tang. Hoàng Hậu mặc cho Thái Tử đầy đủ y phục quý giá rồi đem giao cho táng phu. Táng phu đoạt lấy hết áo quần tốt, cùng nhau xây mộ.
Mộ Phách nghĩ: Vua cùng người trong nước đều tin ta câm thật.
Bèn lặng lẽ thu lại áo quần vào sông tắm rửa sạch sẽ, dùng hương thơm xoa lên thân, mặc đầy đủ áo quần quý giá, đi đến chỗ trên huyệt kêu: Các ngươi làm gì đó?
Táng phu đáp: Thái Tử câm điếc, làm đất nước không người nối dõi, Vua ra lệnh chôn sống, mong sinh được con hiền nối ngôi.
Thái Tử nói: Ta là Mộ Phách.
Táng phu nhìn xe bỗng chốc thấy trống rỗng, xem kỹ hình dung, ánh sáng tỏa rực rỡ khắp đồng cỏ xa gần như ánh sáng Mặt Trời. Thánh linh thế lớn làm chấn động các thần. Táng phu lớn nhỏ không ai là không khiếp sợ, giương mắt nhìn nhau, mặt mày xanh mét, lời thành văn chương, thảy đều kinh hãi.
Họ ngửa mặt lên Trời, nói: Thái Tử đức linh đến thế sao!
Liền cúi đầu thưa: Nguyện xin về tâu Vua ngay, để mọi người không còn than thở nữa.
Thái Tử bảo: Các ngươi mau về tâu Vua rằng ta có thể nói được!
Họ liền về tâu lên Vua. Vua và Hoàng Hậu cùng dân chúng lấy làm lạ về việc này, lòng mừng rỡ khen ngợi, không ai là không vui mừng. Xe ruổi dong, người chạy vội, người xe đông đảo làm tắc nghẽn cả đường đi.
Mộ Phách nói: Muốn được làm Sa Môn, tu hạnh hư tĩnh, chẳng phải là tốt sao!
Ý vừa nghĩ như thế thì Trời Đế Thích liền hóa ra vườn, ao, cây cối chưa hề thấy, lại cởi các y phục báu hóa làm Ca Sa.
Vua đến nơi, Thái Tử gieo năm vóc xuống đất cung kính làm lễ. Nhà Vua liền ngồi xuống, nghe tiếng con nói ấy, bóng dáng uy nghi, Trời đất rúng động.
Nhà Vua vui mừng dụ: Ta có người con được cả nước kính yêu như thế, sẽ nối dõi ngôi Trời, làm cha mẹ muôn dân.
Thái Tử tâu: Nguyện xin đại vương thương nghe lời hèn này. Con xưa đã từng làm Quốc Vương nước này tên là Tu Niệm, trị nước an dân hai mươi lăm năm, thân phụng trì mười nẻo thiện, lấy từ bi nuôi dưỡng dân, roi gậy và các thứ binh khí đều bỏ hết không dùng đến, nhà ngục không nhốt tù nhân, trên đường đi không có tiếng ta thán, bố thí cùng khắp, không đâu là không nhuần thấm.
Chỉ do lần đi dạo chơi, người theo hộ vệ rất đông, quan dẫn đường xua đuổi ráo riết khiến lê dân kinh hoàng, nên sau khi chết, bị đọa vào địa ngục Thái sơn, chịu khổ thiêu nấu, cắt, xé đến sáu vạn năm, muốn chết không được, kêu ca không ai cứu.
Như vào lúc này, trong có bà con xa gần, ngoài thì thần dân của cải vô số, thú vui vô kể, có ai biết con đã từng đọa vào địa ngục Thái sơn, chịu bao khổ thiêu nấu, đau đớn vô cùng đâu! Vinh hoa của cuộc sống, vợ con, thần dân, ai có thể chia bớt nỗi khổ này đi cho. Chỉ một mình phải chịu hết các khổ độc thôi.
Mỗi lần nghĩ đến điều này thì lòng dạ xót xa, xương cốt rã rời, thân toát mồ hôi, lạnh nổi da gà. Lời đi, họa đến, tai ương theo đuổi như bóng tìm hình, tuy muốn nói nên lời nhưng sợ phải chuốc lấy tội lỗi.
Nỗi khổ ở ngục Thái sơn, nào muốn tái diễn nữa. Do đó lưỡi rụt, không muôn nói ra, mới mười ba năm mà Đạo Sư yêu quái đã khiến phụ vương chôn sống con.
Sợ đại vương bị tội phải vào địa ngục Thái sơn, buộc con phải nói một lời. Nay con muốn làm Sa Môn, giữ hạnh vô dục, thấy đủ cửa các tai họa rồi, không muốn làm Vua nữa, xin cha chớ lấy làm lạ.
Nhà Vua nói: Con làm Vua hạnh cao đức trọng, đem đạo dạy dân, lỗi như tơ tóc, không ai nghĩ nhớ, vậy mà phải bị tội khốc liệt đến như thế sao.
Còn như ta nay làm chủ loài người, lòng theo điều ham muốn, không phụng thờ chánh pháp, thì chết rồi sẽ ra sao đây?
Bèn thuận cho Thái Tử học đạo. Vua trở lại trị nước, dùng chánh bỏ tà, Quốc Gia trở nên giàu có, yên vui. Mộ Phách liền tự luyện tâm, dứt dục, chí dốc tiến theo đạo chân, đắc quả thành Phật, rộng nói Kinh pháp, cứu độ chúng sinh, đưa đến giải thoát.
Đức Phật bảo các vị Tỳ Kheo: Mộ Phách lúc đó là thân ta, Phụ Vương nay là Vua Bạch Tịnh, mẹ thời ấy nay là Xá Diệu, mẹ ta.
Ôi! sắc đẹp dục tà là lò thiêu thân, còn thanh tịnh đạm bạc chính là nhà không còn hoạn nạn. Nếu người muôn khỏi nạn, không tội, thì không được quên lời Phật dạy. Hành đạo tuy khổ còn hơn là sống trong ba đường ác.
Làm người thì được xa cảnh bần cùng lam lũ, không bị tám nạn. Nếu chí dốc học đạo thì phải theo hạnh như Phật. Người muốn đạt được bậc Duyên Giác, ứng chân, giải thoát thì phải theo đúng hạnh ấy mới có thể đạt được.
Đức Phật nói Kinh xong, các vị Sa Môn đều vui mừng, cúi đầu làm lễ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Sáu - Phẩm Mười Hai - Phẩm Hiện Hóa
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh ðoạn Giảm - Phần Ba - đoạn Giảm
Phật Thuyết Kinh đại Lâu Thán - Phẩm Tám - Phẩm Tứ Thiên Vương
Phật Thuyết Kinh Năm Giới Tướng Của ưu Bà Tắc - Phần Hai - Giới Trộm
Phật Thuyết Kinh A Tra Bà Câu Quỷ Thần đại Tướng Thượng Phật đà La Ni Thần Chú